Chẳng ai cảm thấy thoải mái khi nói về những viễn cảnh xấu xí mà người Mỹ có thể phải đối mặt cả. Nhưng nếu không nói đến, không nghĩ đến hay hình dung đến viễn cảnh sống trong một nhà nước chuyên quyền, một quân đội, cảnh sát sẵn sàng đàn áp bất cứ ai chống đối và một nhà lãnh đạo vô cảm thì người Mỹ sẽ không thể hiểu hết được những mặt trái đáng sợ của một nước Mỹ mới dưới thời một Donald Trump 2.0.
Mời xem video bài bình luận qua Youtube
Tôi muốn nói về việc sẽ như thế nào nếu Donald Trump thắng cuộc bầu cử năm 2024, khi sống dưới một chế độ chuyên chế đang phát triển. Ngoài kế hoạch được công khai của những người xung quanh Trump nhằm rút gọn hệ thống dịch vụ dân sự liên bang và củng cố quyền lực vào tay Tổng thống, chắc chắn rằng dưới thời Trump 2.0, sẽ còn rất nhiều điều khác sẽ thay đổi theo chiều hướng tồi tệ hơn.
Nhiều người trong chúng ta hiện đang tranh luận về các cuộc chiến ở Ukraine và Gaza cũng như các cuộc khủng hoảng nhân đạo tiếp theo của chúng, về bạo lực của cảnh sát và chủ nghĩa cực đoan trong quân đội ở quê nhà, về đủ thứ, sẽ không còn có chung một ngôn ngữ nữa.
Trong một thế giới Trump 2.0, nhiều nhà báo của giới truyền thông dòng chính chắc chắn sẽ phải đối mặt với hậu quả nếu nói những điều không hợp tai với chính quyền hay viết những bài chỉ trích. Chỉ đến lúc đó, giới phóng viên, nhà báo tại Mỹ mới hiểu ra ý nghĩa rộng lớn hơn của những thuật ngữ “đàn áp” – “bịt miệng” – “thanh trừng” – “loại bỏ” – “tẩy chay” – “đào thải”, những lúc đó sẽ chẳng có ông thần Tu chính án thứ nhất nào dám chường mặt ra để bảo vệ họ. Hiện tại, người Mỹ còn đang sống trong một nước Cộng hòa dân chủ, có đủ thứ quyền mà họ vẫn chưa nhìn ra vấn đề qua một trường hợp điển hình của David French của tờ New York Times, người phải đối mặt với những mối đe dọa vì bài viết của ông ta về Donald Trump, đã phải cần đến sự bảo vệ của cảnh sát suốt ngày đêm để bảo đảm an toàn cho ông ta và người thân trong gia đình. Khi Trump chỉ đang là một công dân bình thường sống tại Mar-a-Lago. Thế nhưng điều gì sẽ xảy ra với David French của New York Times nếu Trump đang là nhà độc tài đầu tiên của Hoa Kỳ?
Người Mỹ thuộc đủ sắc tộc và màu da cần hiểu rằng họ đang bước vào một thế giới Mỹ mới và đầy nguy hiểm và điều quan trọng là phải nắm bắt được thực tế đó.
Tôi thường nghĩ về những viễn cảnh xấu xí có thể xảy ra mà người Mỹ sẽ sớm gặp phải nếu họ vẫn quyết tâm trao đi lá phiếu quan trọng của họ cho một tên cướp. Xét cho cùng, kể từ khi Vladimir Putin trở thành tổng thống Nga năm 1999, những nhà báo, phóng viên ở đó đã luôn phải đối mặt với những mối đe dọa đối với sự an toàn và sự nghiệp của họ trong bối cảnh Điện Kremlin đàn áp các cuộc thảo luận công khai sau cuộc xâm lược Ukraine của Putin, và một số người đã trốn khỏi đất nước cùng gia đình để tìm kiếm sự an toàn và cuộc sống tốt đẹp hơn.
Chắc chắn là nước Nga có nhiều khác biệt khi so với Hoa Kỳ, với truyền thống dân chủ mạnh mẽ, và Nga, quốc gia chỉ tổ chức các cuộc bầu cử mang tính hình thức vì người thắng cử đã luôn được biết trước. Tuy nhiên, với kinh nghiệm qua cách điều hành nước Nga một cách hà khắc, bóp nghẹt tự do báo chí, kiểm soát thông tin, một phiên bản cai trị với những bàn tay sắt và những bản án tù nhiều năm đã được Trump học hỏi từ những bài học quý giá qua giáo chủ Putin để có thể áp dụng tương tự vào một ngày nào đó tại Hoa Kỳ.
Rõ ràng Trump và những người cực hữu tại Mỹ coi nước Nga của Putin chính xác là một thiên đường chống sự thức tỉnh mà đám đông MAGA luôn khao khát.
Nhưng những người cực hữu ở Mỹ lại xem thường những bản tin, những hình ảnh của những người biểu tình – thậm chí nhiều người đến dự lễ tưởng niệm gần đây của lãnh đạo phe đối lập Alexei Navalny – đã bị bắt hoặc ít nhất là bị đe dọa khi tỏ ra thông cảm với bất cứ điều gì không thuộc hệ tư tưởng ủng hộ Putin chính thức của Điện Kremlin. Nhiều nhóm người di cư châu Á và những người vô gia cư, đã bị cảnh sát vây bắt hoặc ít nhất là phải di chuyển ra vùng ngoại ô của thủ đô Moscow, xa tầm nhìn của những khách du lịch.
Hơn nữa, trong bối cảnh mức lương chỉ đủ sống, tình trạng thiếu nhà ở, những người Nga bình thường không phải lúc nào cũng có thể tham gia vào những “cuộc trò chuyện tự do, thoải mái” hay dám lên tiếng chỉ trích cuộc chiến của Putin.
Nhà lãnh đạo độc tài cánh hữu có nước da màu cam, tóc vàng ở Mar-a-Lago đang ra hiệu sự đồng ý của ông ta khi tán thành quan điểm của các nhà lãnh đạo như Vladimir Putin là một “thiên tài” hoặc gọi nhà độc tài Hungary Viktor Orbán là “ông chủ tuyệt vời”. Trump rõ ràng đang báo hiệu mục tiêu cuối cùng của ông ta sẽ thực hiện và áp đặt lên người Mỹ. Và thật đáng buồn, nếu một ngày nào đó, người Mỹ thậm chí sẽ không còn quyền tự do để nói về tất cả những gì họ muốn nói với nhau.
Kể từ cuộc xâm lược vào tháng 2 năm 2022, Putin đã gọi đây là một “chiến dịch quân sự đặc biệt” tập trung vào việc bảo vệ Nga khỏi NATO và “phi dân tộc hóa, phi quân sự hóa” Ukraine. Trong mùa xuân năm 2022 đó, tổng thống Nga đã ký luật cấm các nhà báo thậm chí gọi cuộc xâm lược là một cuộc “chiến tranh” để hợp thức hóa những hành vi giết hại, di tản, bắt cóc, tra tấn và hãm hiếp công dân Ukraine là những hoạt động giải cứu những người không có tự do. Sau đó, luật kiểm duyệt rộng hơn, mơ hồ hơn đã được thông qua, hạn chế nhiều hơn nữa những gì người Nga thuộc mọi tầng lớp có thể nói, bao gồm cả luật chống lại việc “làm mất uy tín của quân đội”, áp đặt các khoản tiền phạt cứng rắn và án tù nhiều năm, và gần đây hơn là tịch thu tài sản đối với bất kỳ ai bị cho là đã nói bất cứ điều gì tiêu cực về quân đội Nga và nhà lãnh đạo độc tài.
Việc nhà lãnh đạo độc tài Putin đóng khung một cách sai lầm về cuộc chiến vô cớ của mình chắc chắn là điều cũng cho phép ông ta thừa nhận rằng cho đến nay đã có hàng trăm ngàn người Nga đã thiệt mạng và bị thương, một điều mà ông ta không muốn nói thật. Ở một đất nước tràn ngập chủ nghĩa dân tộc Thiên chúa giáo cánh hữu, điều đó chắc chắn cũng giúp ích cho lý tưởng của Trump khi nghĩ đến sức mạnh đa số của chủ nghĩa dân tộc Cơ đốc giáo tại Hoa Kỳ sẽ giúp biên giấc mơ thành lập một nhà nước thần quyền, đưa tôn giáo vào chính phủ và là quốc giáo duy nhất tại Hoa Kỳ, thẳng tay đàn áp các hệ tư tưởng và tôn giáo khác.
Những điều tương đương của Mỹ có thể là những gì đám đông MAGA đã làm khi họ đổ lỗi cho cuộc tấn công của phe cực hữu vào ngày 6 tháng 1 tại Điện Capitol, nhằm vào cảnh sát và các nhà lập pháp là do “Antifa” hoặc những người cánh tả cực đoan. Hãy nhớ lại nhận xét của Donald Trump khi từng nói rằng những kẻ bạo loạn và phản biểu tình theo chủ nghĩa da trắng cực hữu ở Charlottesville là “những người rất tốt ở cả hai bên”.
Sống ở một nơi mà người dân không thể nói những gì mình muốn nói vì sợ bị đàn áp chính trị, sợ hàng xóm tố khổ, sợ người ngồi bàn bên cạnh nghe được và tố cáo với cảnh sát sẽ không phải là chuyện lạ trong một nhà nước chuyên quyền. Vậy người Mỹ có bao giờ hình dung những cảnh tượng đó sẽ xảy ra tại Hoa Kỳ dưới thời một Trump 2.0 hay không?
Những người ủng hộ Trump sẽ không thể hình dung đến ngày mà Trump có thể may mắn thắng cử, khi quay trở lại, ông ta chắc chắn sẽ hướng tới việc kết thúc các cuộc bầu cử như người Mỹ đã từng có hay thậm chí sẽ là những cuộc bầu cử cho có hình thức, không có người đối lập và kết quả được biết trước như cuộc bầu cử tổng thống tại Nga vừa qua.
Các sự kiện trong những năm gần đây cho thấy rằng người Mỹ – đặc biệt là những người trong phe MAGA – đã dần quen với việc đề cập đến bạo lực vũ trang. Ai có thể quên khoảnh khắc năm 2016 khi ứng cử viên Trump khoe khoang trong một cuộc vận động tranh cử trước khi đắc cử tổng thống rằng “Tôi có thể đứng giữa Đại lộ số 5 và bắn ai đó và tôi sẽ không mất cử tri nào”? Khi bạo lực và các mối đe dọa có động cơ chủng tộc và chính trị ngày càng gia tăng, rất nhiều người Mỹ bình thường đang quen dần với những hành động và lời nói của những người cánh hữu và đám MAGA.
Người Mỹ đã bắt đầu quen với sự dối trá của những người lãnh đạo khi cựu Tổng thống George W. Bush phát động cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu thảm khốc của ông ấy dựa trên những lời dối trá rằng nhà lãnh đạo Iraq, Saddam Hussein sở hữu vũ khí hủy diệt hàng loạt. Lời dối trá của ông Bush đã khiến gần một triệu người đã thiệt mạng trên khắp các khu vực chiến tranh ở Trung Đông, Nam Á và Châu Phi kể từ năm 2001 và hàng triệu người khác đã trở thành người tị nạn qua những cuộc chiến tranh đó của Mỹ. Và đừng quên con số 7.000 lính Mỹ và hơn 8.000 nhà thầu tư nhân đã chết trong cuộc chiến này, để rửa tội cho sự dối trá của một nhà lãnh đạo. Và cũng chính từ lời dối trá đáng xấu hổ này của George W. Bush đã giúp bình thường hóa lời nói dối lớn của Trump về cuộc bầu cử năm 2020.
Hiện tại, ở đất nước này, người Mỹ vẫn còn có thể nói những gì mình muốn. Chẳng hạn, người Mỹ hiện nay vẫn có thể chỉ trích Ngũ Giác Đài, Tòa Bạch Ốc vì đã báo cáo thấp về số người chết tại các chiến trường lớn nhỏ. Nhưng điều này sẽ là điều không thể trong một chính thể độc tài, người dân bình thường, phóng viên, nhà báo không được phép lên án, chỉ trích chính quyền tương tự như ở Nga hiện nay.
Một ví dụ đơn giản khác nữa, hiện tại, Tổng thống Biden đang trang bị vũ khí cho Israel trong cuộc chiến khủng khiếp chống lại Hamas trong khi chỉ cung cấp viện trợ khiêm tốn nhất cho người dân bị chiến tranh tàn phá ở Gaza, và người Mỹ đủ thành phần vẫn có thể biểu tình, viết bài để lên án, chỉ trích ông phải chịu trách nhiệm về điều đó. Nhưng nếu cuộc bầu cử năm 2024 với chiến thắng thuộc về Donald Trump, thì người Mỹ chắc chắn sẽ mất đi thứ quyền bình thường để lên án, chỉ trích lãnh đạo này.
Nếu từ bây giờ, người Mỹ bình thường hóa những lời nói dối, thì mọi lời nói dối của Trump về bạo lực – từ việc các thành viên Đảng Cộng hòa tại Quốc hội gọi những kẻ bạo loạn ngày 6 tháng 1 là “những người yêu nước ôn hòa” cho đến tuyên bố của Trump rằng ông ta sẽ chỉ là một nhà độc tài vào “ngày đầu tiên” trong nhiệm kỳ tổng thống tiếp theo của ông ta sẽ dẫn đến những lời dối trá gây hậu quả như vụ đốt tòa nhà quốc hội Reichstag ở Đức năm 1933 của các đảng viên Quốc xã của Hitler đã tạo tiền đề cho Hitler giành được quyền lực lớn hơn sau đó.
Lời kết:
Có nhiều người Mỹ biết được sự đáng sợ của một thế giới Mỹ mới và đầy nguy hiểm nhưng dường như họ vẫn rất háo hức muốn khám phá những điều mới lạ khi sống trong một nhà nước chuyên quyền, độc tài sẽ hay như thế nào.
Họ không chịu nắm bắt thực tế mà chỉ nghĩ đến một tương lai mờ ảo nào đó, có thể đẹp hơn, tự do hơn, sung sướng hơn thực tế là họ đang sống trong một nền dân chủ thực thụ.
Xin hãy coi đây là lời nhắc nhở về việc mọi thứ có thể thay đổi nhanh chóng như thế nào – và không chỉ ở Nga mà vẫn có thể xảy ra tại Mỹ, nếu người Mỹ vẫn còn phạm phải sai lầm như năm 2016 và 2020. Sự bất hạnh sẽ không chừa một ai, không chừa quốc gia nào nếu nơi đó không còn bóng dáng của ánh sáng dân chủ.
Trump yêu thích Vladimir Putin, Kim Jong-Un, Tập Cận Bình, Viktor Orbán và muốn thực hiện những chính sách đàn áp, thanh trừng, bóp nghẹt tự do, dân chủ như những kẻ xấu đang làm với người dân của họ.
Trên thực tế, sự áp bức nguy hiểm đang đến gần hơn bao giờ hết ở Mỹ ngày nay và việc xoa dịu nó bằng sự bình thường hóa nó hoặc cố ý làm ngơ, phớt lờ thì chỉ dẫn đến một nhiệm kỳ tồi tệ khác của Donald trump sẽ sớm trở thành hiện thực mà thôi.
Việt Linh
https://www.commondreams.org/opinion/u-s-democracy-or-fascism
https://www.downwithtyranny.com/post/midnight-meme-of-the-day-abort-the-court-1
https://www.salon.com/2024/03/22/hell-never-leave-why-dynasty-built-on-corruption-and-violence-wont-end-with-him/