Thụy Điển đã chính thức trở thành thành viên thứ 32 của NATO sau cuộc chiến ở Ukraine, chấm dứt hai thế kỷ không liên kết chính thức và kết thúc hai năm ngoại giao đầy khó khăn.
Mời xem video bài bình luận qua Youtube
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết trong một tuyên bố rằng: “Đây là một ngày lịch sử. Thụy Điển giờ đây sẽ có vị trí xứng đáng tại bàn đàm phán của NATO, với tiếng nói bình đẳng trong việc định hình các chính sách và quyết định của NATO. Sau hơn 200 năm không liên kết, Thụy Điển hiện được hưởng sự bảo vệ theo Điều 5, sự bảo đảm cuối cùng cho tự do và an ninh của các đồng minh”.
Lá cờ xanh và vàng của Thụy Điển sẽ được treo vào thứ Hai tại trụ sở Brussels của Liên minh Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương.
Nga đã tuyên bố sẽ có “các biện pháp đối phó” đối với việc Thụy Điển gia nhập NATO, đặc biệt nếu quân đội và tài sản của liên minh NATO được khai triển ở nước này.
Thụy Điển và Phần Lan, cả hai quốc gia đều có mối quan hệ quân sự gắn bó với Hoa Kỳ và các thành viên của Liên minh Châu Âu, nhưng trong lịch sử đã tránh xa việc chính thức gia nhập NATO, tổ chức được thành lập trong Chiến tranh Lạnh để đoàn kết chống lại Liên Xô.
Thụy Điển chưa từng tham gia vào một cuộc chiến nào, kể cả Thế chiến thứ hai, kể từ cuộc xung đột của Napoléon vào đầu thế kỷ 19.
Nhưng Phần Lan và Thụy Điển đã đưa ra một nỗ lực chung để xin gia nhập NATO sau khi Nga xâm chiếm Ukraine vào năm 2022.
Một cuộc thăm dò gần đây của đài truyền hình Thụy Điển SR cho biết hầu hết người Thụy Điển tin rằng nước này đã hy sinh quá nhiều điều để được gia nhập NATO, mặc dù hơn 3/4 tin rằng NATO sẽ tăng cường an ninh cho đất nước họ.
Tư cách thành viên của Thụy Điển là một sự thúc đẩy địa chính trị to lớn cho NATO. Các thành viên liên minh hiện bao vây Biển Baltic. Ngoài việc gây khó khăn cho Hạm đội Biển Baltic của Nga, nó còn mang lại cho liên minh khả năng giám sát các đường ống và dây cáp quan trọng dưới đáy biển.
Mặc dù dân số Thụy Điển chỉ có 10 triệu người và năm ngoái chi 1,54% GDP cho quốc phòng, nhưng đất nước trung lập hàng thế kỷ này đã phát triển một tổ hợp công nghiệp quân sự đẳng cấp thế giới là thứ sẽ củng cố liên minh NATO khi khối này đối mặt với một cuộc chiến với Putin. Nói thẳng ra, Thụy Điển gia nhập NATO và họ không đến với đôi bàn tay trắng.
Thụy Điển chế tạo mọi thứ từ máy bay chiến đấu siêu thanh một động cơ Saab JAS 39 Gripen đến súng trường không giật Carl Gustav, vũ khí chống xe tăng vác vai AT4, tàu ngầm lớp Gotland và tên lửa chống hạm RBS15. Họ cũng hợp tác với các nhà sản xuất quân sự khác, ví dụ như Stridsvagn 122, phiên bản Thụy Điển của xe tăng Leopard 2 của Đức.
Sau chuyến thăm bất đắc dĩ của Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kirstersson tới Budapest và thỏa thuận theo đó Hungary sẽ mua thêm 4 máy bay chiến đấu Gripen C cùng 10 năm hỗ trợ và hậu cần cho hạm đội hiện tại của mình, quốc hội Hungary đã phê chuẩn tư cách thành viên của Thụy Điển vào tháng trước.
Lời kết:
Theo nhận định của Neil Melvin từ viện nghiên cứu Viện Dịch vụ Thống nhất Hoàng gia ở London, quyết định gia nhập NATO của Thụy Điển “đã đảo ngược quan điểm trung lập và không liên kết quân sự kéo dài từ thời Napoléon”. Tư cách thành viên liên minh của Thụy Điển cùng với Phần Lan, được thúc đẩy bởi quyết định xâm lược của Moscow xâm chiếm Ukraine là một phần trong quá trình biến các quốc gia Bắc Âu thành pháo đài của NATO.
Việt Linh
https://www.politico.eu/article/sweden-nato-membership-military-power/
https://www.reuters.com/world/sweden-set-become-natos-32nd-member-pm-visits-washington-2024-03-07/
https://www.washingtonpost.com/world/2024/03/07/sweden-joins-nato/
https://en.wikipedia.org/wiki/Sweden%E2%80%93NATO_relations