VÌ SAO CÓ NHIỀU GIỚI NHÀ GIÀU LẠI ỦNG HỘ BÀ KAMALA HARRIS?

0
894

Mai Loan

Bầu cử dưới một chế độ tự do dân chủ như tại Hoa Kỳ là đặc quyền của mọi công dân để bày tỏ sự lựa chọn của mình. Nhưng chuyện nhiều người dân đã bỏ phiếu lựa chọn những chính khách có những chính sách mị dân nhưng giả dối mà không nhận thức rằng đó là những điều hoàn toàn đi ngược lại quyền lợi của mình là điều có thật. Bởi lẽ những cử tri đó thiếu hiểu biết nên mới dễ bị các chính khách chiêu dụ và cũng có thể đã bỏ phiếu theo cảm tính yêu ghét rất chủ quan hơn là theo suy nghĩ khách quan, không dựa trên những nhận xét thực tế và sáng suốt.

Đó là trường hợp của đại đa số cử tri thuộc thành phần bình dân và ít học (chưa bước vào đại học theo định nghĩa tại Hoa Kỳ), nhất là thành phần da trắng, thích bỏ phiếu ủng hộ các ứng viên phe Cộng Hòa với chiêu bài muốn loại bỏ đạo luật bảo hiểm y tế với giá phải chăng ACA, với tên gọi bình dân hơn là Obamacare, bởi vì họ không ưa gì cái ông tổng thống da đen. Nhưng đa số những người dân đó đều gần như không biết rằng họ đã và đang hưởng lợi rất nhiều từ đạo luật này bởi vì nó giúp cho họ có được bảo hiểm y tế với giá rẻ và dễ dàng hơn nhiều so với trước khi có đạo luật Obamacare được ra đời.

Giá như không có sự xuất hiện vào giờ chót của nghị sĩ John McCain để bỏ phiếu chống việc dẹp bỏ Obamacare, thì số phận của hàng chục triệu cư dân da trắng bình dân và có lợi tức kém chắc chắn sẽ còn khốn khổ hơn nhiều sau này, và không chừng điều đó lại có thể giúp họ được ‘sáng mắt’ phần nào. Các nhà dân cử phe Cộng Hòa thường gọi khối cử tri này bằng từ ngữ ‘useful idiots” (thành phần ngu ngốc cần thiết) vì họ đã ngu ngốc bỏ phiếu ngược lại với quyền lợi của mình, nhưng rất cần thiết để các chính khách ma đầu tiếp tục dụ dỗ và ru ngủ với các chiêu bài mị dân nhưng thực chất là rất độc hại.

Cũng còn có thêm một thành phần cử tri nữa cũng không kém ngu ngốc và còn đáng trách hơn nữa là vì có thái độ vong ân bội nghĩa, nói bình dân hơn là ‘ăn cháo đái bát’, và buồn thay nó lại xuất hiện rất nhiều trong cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ.

Đó là những người thích được quyền lợi và bổng lộc từ nhiều chương trình trợ giúp dân sinh như Welfare, Food Stamps (tem phiếu thực phẩm), Medicaid hoặc MediCal (bảo hiểm y tế miễn phí), Housing Section 8 (trợ giúp tiền thuê nhà), SSI (phụ giúp tài chánh cho người nghèo và cao niên) để cho họ có thể sống thoải mái và không lo sợ chi tiêu tốn kém về nhà cửa, sinh sống và y tế vì đã có chính phủ lo.

Nhưng tất cả những chương trình chi tiêu công cộng này đều do đảng Dân Chủ tranh đấu, ủng hộ và thực thi vì chủ trương lo cho dân nghèo, trái ngược với phe Cộng Hòa chủ trương mọi người phải tự lực cánh sinh. Nhưng mỗi lần mở miệng ra thì những người Việt hưởng lợi này lại nhanh chóng chỉ trích các chính khách phe Dân Chủ và ca ngợi phe Cộng Hòa vì cho rằng “Cộng Hòa chống Cộng, Dân Chủ phản chiến”.

Khách quan mà nói, phe Dân Chủ cũng chẳng phải giàu có hoặc hào phóng gì để bỏ tiền túi ra mà lo cho dân; các chương trình chi tiêu đều lấy từ ngân quỹ nhà nước gồm tiền thuế thu vào của mọi người dân trên cả nước đóng góp vào, nhưng được chia ra để giúp đỡ cho những người dân kém may mắn. Còn phe Cộng Hòa thì ích kỷ hơn, không muốn dùng tiền thuế này để lo cho dân nghèo, và muốn giảm bớt thuế để cho giới nhà giầu bớt đóng thuế quá cao.

Vì thế nên đa số những người có hiểu biết sâu rộng, và nếu không quá ích kỷ và hẹp hòi, đều đồng ý cho một chính sách phân chia và giúp đỡ cho mọi người trong xã hội có được một cuộc sống tương đối ấm êm, bớt cảnh cách biệt giầu nghèo quá lớn và dễ sinh ra nhiều mặt tiêu cực khác.

Tuy nhiên cũng có nhiều người rất giầu có nhưng cũng ủng hộ mạnh mẽ cho các chính khách và chương trình của đảng Dân Chủ, xuyên qua việc nhiều tay tỷ phú, triệu phú đã không ngần ngại ủng hộ tài chính dồi dào cho các ứng viên phe Dân Chủ từ trước tới nay, dù rằng những chính sách này không hề đem lại lợi lộc gì cho họ, nếu không muốn nói là còn khiến họ phải đóng thuế nhiều hơn so với thời của các chính quyền phe Cộng Hòa.

Tại sao lại có sự mâu thuẫn khá đặc biệt như vậy?

Thật ra thì bà Kamala Harris và đảng Dân Chủ không phải là những chính khách theo đường lối xã hội chủ nghĩa hoặc là chống lại tư bản chủ nghĩa. Chủ trương của đảng Dân Chủ vẫn luôn là ủng hộ cho thể chế thị trường tự do và mọi người dân trong nước có khả năng và cơ hội kiếm lời. Tuy nhiên không ai phủ nhận việc bà Harris cũng như nhiều chính khách đảng Dân Chủ vẫn thích các chính sách có phần ảnh hưởng tiêu cực hơn đến các doanh nghiệp và những chủ-nhân-ông mà họ gọi là ‘wealthy’ (đại gia). 

Vì thế nên phe Dân Chủ chủ trương là họ muốn tăng mức thuế của các doanh nghiệp lên 28% thay vì chỉ có 21% như hiện nay sau khi đạo luật cắt thuế được thông qua bởi phe Cộng Hòa và chính quyền Trump vào cuối năm 2017. Họ cũng muốn rằng đạo luật này cũng sẽ chấm dứt hiệu lực trong năm 2025 như dự trù lúc ban đầu, thay vì có thể được gia hạn nếu như Trump và phe Cộng Hòa giành được chiến thắng trong kỳ bầu cử năm nay.

Đạo luật cắt thuế năm 2017 (mà Trump thường khoe khoang là thành tích hay nhất của ông ta) có những điều khoản có lợi cho giới nhà giầu nhiều hơn, chẳng hạn cho phép họ được khấu trừ nhiều tiền về tài sản nhà cửa khi đóng thuế, cũng như được hưởng thuế suất cá nhân thấp hơn.

Ngoài việc muốn nâng thuế lợi tức doanh nghiệp trở về mức bình thường như trước đây, phe Dân Chủ còn muốn tăng thêm mức thuế lợi tức, thuế trên cổ tức (capital gains tax) là tiền lời do đầu tư chứng khoán), và thuế trên nhiều món lời khác với những người có tài sản và lợi tức khổng lồ hàng triệu Mỹ kim. Nhưng giống như TT Biden đã nhiều lần lập lại, những gia đình có lợi tức dưới $400,000 mỗi năm sẽ không hề bị ảnh hưởng chút nào và mức đóng thuế sẽ vẫn như cũ theo chủ trương của phe Dân Chủ. Tuyệt đại đa số người Việt tại Hoa Kỳ, và chắc chắn là tất cả những người đang hưởng phúc lợi welfare, food stamps, Medicaid, Housing, SSI v.v., đều không có lợi tức hàng năm lên đến $400,000 như vậy nhưng lại hay thích chỉ trích rằng chính quyền Biden và phe Dân Chủ sẽ tăng thuế, mà không ý thức rằng họ đã vô tình để lộ ra sự thiếu hiểu biết đến ngu ngốc như vậy.  

Ngoài ra, đảng Dân Chủ cũng chủ trương đẩy mạnh các chính sách bảo vệ môi sinh, trợ giúp giới lao động, thiết lập các quy định về mậu dịch và kinh doanh phần nhiều là những quy định (regulations) sẽ khiến cho giới chủ-nhân-ông các doanh nghiệp phải chi tiêu nhiều hơn (và do đó sẽ kiếm lời ít hơn).

Thế nhưng điều oái oăm là có rất nhiều những nhà giầu có như các tỷ phú, triệu phú ủng hộ bà Harris và phe Dân Chủ.

Dựa theo một bản báo cáo mới nhất của tạp chí Forbes chuyên phụ trách về các chủ đề liên quan đến giới siêu giầu có, danh sách những tay tỷ phú ủng hộ quỹ vận động tranh cử cho bà Harris gồm có những tên tuổi như Jonathan Gray, chủ tịch công ty quản lý tài chánh Blackstone, Marc Lasry của công ty đầu tư Avenue Capital Management và ông hoàng về đầu tư ‘hedge fund’ là George Soros. Ngoài ra còn có những tỷ phú thấp hơn chút ít như Barry Diller của ngành truyền thông và Bob Clark của ngành xây cất.

Những tên tuổi của các đại gia khác sẵn sàng ủng hộ tài chánh dồi dào cho bà Harris phải kể thêm là Peter Orszag, tổng giám đốc Ngân hàng Lazard, Roger Altman, chủ nhân ngân hàng đầu tư Evercore ISI, và Robert Rubin, cựu chủ tịch ngân hàng Goldman Sachs và cũng từng là Tổng trưởng Bộ Tài Chánh Hoa Kỳ dưới thời TT Bill Clinton.

Có thể nói là bà Kamala Harris không hề là một người bạn thân để những nhà đại tài phiệt này mời gọi đến cùng trò chuyện trong những bữa tiệc vui chơi.

Bản báo cáo của tạp chí Forbes viết thêm: “Lúc còn làm Bộ trưởng Tư pháp của tiểu bang California, bà Harris đã tranh đấu để đòi các đại ngân hàng phải chi ra thêm $20 tỷ Mỹ kim để đền bù cho những người dân từng vay nợ địa ốc để mua nhà trong vụ làm ăn bê bối của các ngân hàng trong dịch vụ cho vay nợ xấu và dẫn đến cuộc khủng hoảng tài chính.” Ngoài ra trong thời gian 4 năm làm nghị sĩ liên bang cho California trước khi trở thành Phó Tổng thống, bà Harris cũng là người đồng bảo trợ cho đạo luật có tên là ‘Accountability for Wall Street Executives Act’ (Trách Nhiệm Các Lãnh Đạo của Wall Street) nhằm cho phép các công tố viên của tiểu bang có quyền tống đạt các trát đòi xem hồ sơ ngân hàng để điều tra các vụ gian lận tài chính.

Nhưng dĩ nhiên cũng có nhiều nhà tỷ phú làm giầu trên thị trường trao đổi chứng khoán ở Wall Street đã lên tiếng ủng hộ cho Donald Trump như Joe Ricketts, cựu chủ tịch ngân hàng TD Ameritrade, John Paulson chuyên đầu tư về chứng khoán và Stephen Schwarzman, chủ tịch công ty Blackstone.

Tuy nhiên sự ủng hộ dành cho bà Harris không chỉ giới hạn trong giới chủ nhân giầu có tại Wall Street. Bởi vì có rất nhiều nhà giầu có khác của các đại công ty, những siêu sao trong ngành giải trí ở Hollywood, và các tay tỷ phú chủ nhân các công ty về kỹ thuật cao đã không ngần ngại đứng về phía ủng hộ cho bà Harris và phe Dân Chủ.

Câu hỏi đặt ra là tại sao lại có vấn đề gần như ngược đời như vậy, khi có nhiều người giầu có cỡ tỷ phú, triệu phú lại sẵn sàng ủng hộ một ứng cử viên tổng thống mà các chính sách được đem ra áp dụng sẽ chỉ khiến họ phải tốn kém nhiều tiền và kiếm lời được ít hơn so với một vị tổng thống và chính quyền theo phe Cộng Hòa?

Theo nhận định của ông Gene Marks, trong một bài phân tích trên diễn đàn truyền thông The Hill, câu trả lời cũng không có gì là khó khăn khi chúng ta chịu khó phân tích kỹ hơn. Phần lớn những nhà đại tài phiệt sẵn lòng ủng hộ bà Harris và phe Dân Chủ là vì một trong 3 lý do như sau.

Thứ nhất là vì một sự ổn định biết trước. Bà Harris có thể ủng hộ cho những chính sách có thể hơi thiệt thòi cho giới doanh nhân, nhưng đó là điều họ có thể thấy trước. Trong suốt dòng lịch sử, đã có nhiều doanh nhân làm ăn dưới thời những lãnh tụ chính trị có những chủ trương đi ngược lại quyền lợi của họ, vì thế nên điều này cũng không có gì là mới lạ, hoặc là chưa từng xảy ra bao giờ. Hầu hết những đại công ty hoặc những tay đại gia giầu có đều có nhiều nguồn lợi tài chính để có thể vượt qua những giai đoạn và chính quyền không thuận lợi bằng nhiều phương thức: hoặc là họ sẽ thay đổi các thứ tự ưu tiên hoặc đơn giản hơn là tìm cách mua chuộc các lãnh tụ và chính trị gia đó dưới nhiều hình thức, chẳng hạn như xuyên các tay vận động hành lang tìm cách bảo vệ quyền lợi cho họ.

Với bà Harris là một lãnh tụ, chắc chắn là sẽ không có những điều bất thường xảy ra. Trong khi đối thủ của bà là Donald Trump thì hoàn toàn trái ngược bởi vì đây là một con người không ai biết được, có thể cho nổ tung một vấn đề, hoặc đổi ý một cách bất thường mà không ai tiên đoán được. Hơn nữa, ai cũng biết Trump là một người có tính thù vặt, luôn để tâm những ai hoặc điều nào làm ông ta phật lòng hay quê xệ và sau đó sẽ không quên tìm cách trả thù cho đỡ tức hoặc hả giận. Trump đôi khi cũng đổi tính bất thường. Và đó là điều mà những tay đại gia, hoặc các doanh nghiệp đều không thích hoặc lo ngại. Họ cũng giống như bao người khác, bao giờ cũng thích một môi trường ổn định và không có những chuyện nổ ra theo kiểu bốc đồng hay bộp chộp.

Người ta có thể chê bà Harris có nhiều khiếm khuyết nào đó, nhưng rõ ràng là họ biết là bà sẽ đem lại những gì như mọi người tiên đoán. Như vậy nó sẽ giúp cho mọi người có thể dễ dàng để lên kế hoạch đầu tư, dự tính hoặc điều hành công việc kinh doanh.

Một lý do khác khiến nhiều giới giầu có ủng hộ bà Harris là vì những chính sách điều hành của bà phù hợp với những quyền lợi kinh tế của họ. Chủ trương của đảng Dân Chủ là ủng hộ các chính sách bảo vệ môi sinh, đầu tư thêm trong lãnh vực giáo dục và cung cấp nhiều dịch vụ xã hội, áp dụng nhiều luật lệ bảo vệ giới công nhân và đầu tư nhiều vào một số kỹ nghệ như ngành sản xuất Chip, xây cất và địa ốc. Nếu như các doanh nghiệp của họ hoạt động hoặc đầu tư vào các ngành đó, dĩ nhiên là các doanh nhân chủ công ty sẽ ủng hộ cho bà Harris vì biết là mình cũng sẽ có cơ hội kiếm lời.

Dưới mắt nhìn của một vị tổng giám đốc điều hành một đại công ty, hoặc là một doanh gia giầu có, họ có thể không ưa một chính khách ra tranh cử tổng thống hoặc là lo ngại về những ảnh hưởng của các chính sách do vị lãnh tụ này đem ra áp dụng trên nhiều khía cạnh như mức nợ công, lạm phát, hoặc là thâm thủng ngân sách v.v. Nhưng rồi cuối cùng thì họ cũng chỉ nghĩ đến quyền lợi của họ và công ty của họ trước hết. Lý do đơn giản là vì ai cũng thích nghĩ đến quyền lợi của mình vì khi công ty của mình thành công thì các nhân viên và các công ty nhà thầu khác cùng hợp tác cũng đều có cơ hội thành công chung luôn.

Sau cùng, cũng có nhiều nhà quá giầu có trong xã hội nên lúc nào họ cũng sung túc cho dù là dưới chính quyền của phe Dân Chủ hay Cộng Hòa và tổng thống phe nào ngồi trong Tòa Bạch Ốc. Họ có thể nói rằng cho dù chính quyền này có tăng thuế thêm, hoặc là bắt đóng phạt nhiều hơn, thì họ và công ty cũng còn nhiều tỷ bạc và cơ hội kiếm lời khác. Những chuyện đó coi như không tác động gì đến đời sống cá nhân của họ chút nào.

Họ có thể là những người ủng hộ mạnh mẽ cho những phụ nữ trong vấn đề phá thai, hoặc là ủng hộ cho những người thuộc khối đồng tính, hoặc họ là những người đồng tình với bà Harris trong chính sách giải quyết vụ xung đột tại Trung Đông hợp với quan điểm riêng của họ, hoặc họ cũng có thể đồng ý với quan điểm là người giầu phải đóng thuế nhiều hơn những người khác. Họ đặt sự ưa thích và ưu tiên cá nhân lên trên quyền lợi kinh tế của mình bởi vì họ có khả năng làm được điều đó.

Ngoài ra còn có nhiều lý do khác khiến cho một người rất giầu có, một nhà đầu tư thành công trên thị trường Wall Street hoặc là một tổng giám đốc một đại công ty sẵn sàng ủng hộ bà Kamala Harris và phe Dân Chủ. Bởi vì có thể là họ đã biết lo xa rồi, họ đã biết đầu tư khắp nơi với hy vọng là cho dù phe nào lên nắm quyền thì họ vẫn có thể tiếp tục làm ăn và kiếm lời. Họ cũng có thể là những người thuộc khối Never Trumpers. Hoặc đơn giản hơn họ cũng có thể là những người có thiện cảm với bà Kamala Harris.

Nói tóm lại, mọi người đều có mọi lý do để bỏ phiếu ủng hộ cho người mình thích, ngay cả như khi những lý do đó có vẻ như đi ngược lại đáng kể với những quyền lợi riêng ty hoặc nghề nghiệp của họ. 

Mai Loan

Houston, Texas, 30/08/2024

anhtuantaberd74@gmail.com