Việt Nam Cộng Hòa, Ukraine, Đài Loan: Những Số Phận Nghiệt Ngã?

0
2474

Cuối tuần này, những người dân Đài Loan sẽ đi bỏ phiếu trong một cuộc bầu cử tổng thống quan trọng chủ yếu xoay quanh câu hỏi liệu Đài Loan có nên lựa chọn quan hệ chặt chẽ hơn với gã khổng lồ cộng sản bên cạnh hay không.

Cuộc bỏ phiếu diễn ra vào thời điểm Quốc hội Hoa Kỳ tranh cãi về việc phê duyệt viện trợ cho cả Ukraine và Đài Loan đang làm dấy lên lo ngại về việc liệu các đồng minh của Mỹ có thể tin tưởng, đặt vận mệnh sống còn của quốc gia mình vào ta người Mỹ hay không.

Mời xem video bài bình luận qua Youtube

Vùng biển Đài Loan là một trong những biên giới quan trọng giữa thế giới độc tài và thế giới dân chủ. Trước thềm cuộc bầu cử, cử tri Đài Loan đang dao động giữa thuyết định mệnh và hy vọng.

Kể từ khi cuộc xâm lược toàn diện của Nga vào Ukraine bắt đầu cách đây hai năm, các chuyên gia chính sách đối ngoại đã gắn kết hai cuộc xung đột với nhau, lập luận rằng bất kỳ thất bại nào của phương Tây trong việc chống lại sự xâm lược của Nga đều có thể khuyến khích Trung Quốc ra tay đánh chiếm Đài Loan.

Đó là lý do tại sao người Đài Loan đang đắn đo, suy nghĩ về sự dễ bị tổn thương của chính họ trước một nước láng giềng độc tài, lớn mạnh hơn nhiều. Việc phương Tây lung lay viện trợ cho Ukraine có khiến người Đài Loan sẵn lòng xoa dịu Trung Quốc hơn hay quyết tâm giữ vững lập trường hơn?

Vào thứ Bảy ngày mai, người Đài Loan sẽ gửi tín hiệu đó, chọn một ứng cử viên tổng thống có khả năng đến từ Đảng Dân chủ Nhân dân (DPP) đương nhiệm, là đảng ủng hộ quan điểm quyết đoán hơn về chủ quyền của Đài Loan, hoặc từ Quốc dân đảng (KMT) ủng hộ mối quan hệ và đối thoại chặt chẽ hơn với Trung Quốc.

Nhiều nhà hoạch định chính sách Mỹ tin rằng bảo vệ Đài Loan là lợi ích an ninh quốc gia quan trọng của Mỹ. Nhưng, suy cho cùng, Đài Loan nằm trong cái được gọi là “chuỗi đảo đầu tiên”, tập hợp các hòn đảo chiến lược gần bờ biển châu Á nhất. Nó cũng có năng lực sản xuất chất bán dẫn quan trọng, là loại công nghệ cần thiết cho nhiều thiết bị điện tử hiện đại.

Nhiều người trong số những nhà hoạch định chính sách đó đã từng tin rằng Mỹ sẽ làm bất cứ điều gì có thể để giúp Ukraine đánh bại Nga. Và họ đã thất vọng với niềm tin mạnh mẽ này cách đây hai năm.

Vì vậy, câu hỏi bây giờ là, Mỹ sẽ làm bất cứ điều gì có thể để giúp Đài Loan hay không?

Câu hỏi dành cho cử tri là: Đảng nào, cương lĩnh nào sẽ dẫn đến hòa bình hiện nay? Và để đạt được mục tiêu đó, chủ quyền của Đài Loan quan trọng như thế nào?

Donovan Smith, một nhà phân tích chính trị chuyên về Đài Loan, cho biết rằng: “Sự chia rẽ cơ bản ở đây về mặt chính trị giữa hai đảng lớn là dựa trên ý tưởng của họ về chủ quyền, bản sắc dân tộc và quan hệ với Trung Quốc. Đó không phải là sự phân chia trái phải truyền thống.”

Một trong những vấn đề cơ bản khác của chiến dịch đang diễn ra là liệu có nên trao cho đảng DPP đương nhiệm một nhiệm kỳ nữa sau 8 năm nắm quyền hay trao cho phe đối lập Quốc Dân Đảng một cơ hội khác để nắm quyền.

Đảng Nhân dân Đài Loan (TPP) cũng đang tranh cử chức Tổng thống như sự lựa chọn thứ ba, cho rằng hai đảng lớn là trái phải và đều có xu hướng cực đoan, người Đài Loan cần một đảng chính trị trung dung biết dung hòa những cái hay từ hai đảng chính trị lớn.

Một cuộc thăm dò được tiến hành trước khi các cuộc khảo sát chính trị trên toàn quốc ngừng hoạt động cho thấy cuộc đua đã đến gần – cả ba đảng đều có con đường dẫn đến chiến thắng trong cuộc đua tổng thống về mặt lý thuyết.

Nhưng dù bên nào là bên chiến thắng, theo nghĩa đen, tương lai của Đài Loan chắc chắn sẽ phụ thuộc vào Hoa Kỳ và mức độ cam kết của nước này đối với việc bảo vệ đồng minh của mình.

Ngày mai, Đài Loan sẽ tổ chức một trong những cuộc bầu cử được theo dõi chặt chẽ nhất trên toàn cầu và kết quả của nó có thể tác động đến mối quan hệ rạn nứt giữa Mỹ và Trung Quốc cũng như quyết định các xu hướng địa chính trị vào năm 2024. Trung Quốc gọi đây là sự lựa chọn giữa chiến tranh và hòa bình.

Washington không có lập trường rõ ràng về chủ quyền đối với Đài Loan. Hoa Kỳ không ủng hộ Đài Loan độc lập nhưng đã can thiệp vào eo biển Đài Loan – nhân danh Đài Bắc – ít nhất ba lần kể từ Chiến tranh Lạnh. Hiện nước này chỉ duy trì các mối quan hệ không chính thức với đồng minh cũ kể từ khi công nhận tính hợp pháp của Bắc Kinh vào cuối những năm 1970, khi chính sách “một Trung Quốc” bắt đầu.

Quá trình dân chủ hóa của Đài Loan vào những năm 1990, sau nhiều thập niên thiết quân luật dưới thời Quốc Dân Đảng, đã dẫn đến sự hình thành bản sắc dân tộc độc đáo và một hệ thống bầu cử dân chủ trưởng thành, khiến người dân Đài Loan trở nên khó chấp nhận một Trung Quốc ngày càng chuyên quyền, độc tài hơn.

Trung Quốc đã ẩn nhẫn chờ thời với sự kiên nhẫn chiến lược với trò chơi lâu dài này qua nhiều thập niên, nhưng giờ đây, nhà độc tài Tập Cận Bình muốn chấm dứt trò chơi này, ông ta không muốn trò chơi sẽ kéo dài qua nhiều thế hệ, nó phải được chấm dứt trong thời đại của ông ấy. Và người Mỹ hiểu điều này.

Trong nỗ lực hỗ trợ Đài Loan và giữ một đảo quốc nhỏ bé dễ bị tổn thương khỏi tay đối thủ địa chính trị hàng đầu của Mỹ, các nhà lãnh đạo ở Washington qua nhiều đời Tổng thống đã luôn cố gắng thực hiện theo chính sách một Trung Quốc và quan điểm “mơ hồ chiến lược”. Nhưng tất cả đều tan vỡ bởi những cam kết lặp đi lặp lại của Tổng thống Biden là bảo vệ hòn đảo trong trường hợp xảy ra chiến tranh.

Các cuộc khảo sát mới đây cho thấy người Đài Loan ít quan tâm đến việc tuyên bố độc lập chính thức hoặc chấp nhận thống nhất với Trung Quốc, tuy nhiên các ưu tiên về đảng phái và chính sách của họ không thể tách rời khỏi quan điểm của họ về người hàng xóm khổng lồ của Đài Loan. Đa số vẫn muốn giữ nguyên tình trạng như hiện nay.

Nhưng có một điều chắc chắn rằng, chính sách của Mỹ đối với Đài Loan sẽ được giữ nguyên bất kể đảng nào nắm quyền, bất kể Tổng thống nào của đảng nào ngoại trừ Donald Trump nếu ông ta giành được Tòa bạch Ốc thì chính lúc đó, thảm họa sẽ ập đến Đài loan sớm hơn.

Angelica Oung, một người Mỹ gốc Đài Loan cách đây không lâu, bà đã tự tin nói với bạn bè rằng Hoa Kỳ chắc chắn sẽ can thiệp để bảo vệ Đài Loan nếu Trung Quốc sử dụng bạo lực để vượt qua eo biển Đài Loan. Bà lý luận rằng, đó là lợi ích cốt lõi của người Mỹ khiến họ buộc phải làm như vậy. Nhưng gần đây, bà Angelica không còn có được sự tự tin của mình trong vấn đề này khi nhìn thấy một Quốc hội Hoa Kỳ lủng củng, xào xáo và phân cực qua chính sách đối ngoại của Mỹ ở Ukraine, sự hỗ trợ của Mỹ dành cho Ukraine đang bị xói mòn khá nhanh chóng và điều này đang có tác động đến đảo quốc Đài Loan ở Châu Á.

Quốc hội Hoa Kỳ gần đây đã bác bỏ đề xuất của chính quyền Biden về việc gửi hơn 100 tỷ USD viện trợ cho Ukraine, Israel và Đài Loan. Đạo luật này đã thất bại trong cuộc bỏ phiếu theo thủ tục tại Thượng viện, khi đảng Cộng hòa thúc ép phải đưa vào những thay đổi về chính sách biên giới và nhập cư không liên quan.

Tòa Bạch Ốc cảnh báo rằng viện trợ cho Ukraine sẽ chấm dứt nếu không được Quốc hội phê duyệt bổ sung tiền vào cuối năm 2023.

Angelica Oung chua chát nói rằng: “Tôi đã thấy người Mỹ cư xử với Ukraine như thế nào. Họ khuyến khích người Ukraine đứng lên đánh với Nga. Và khi mọi việc không suôn sẻ, họ sẽ bị bỏ rơi. Tôi đã từng thấy người Mỹ bỏ rơi các quốc gia và nhóm Đồng minh như Việt nam Cộng Hòa, Người Kurd, Người Afghanistan và có lẽ sắp tới sẽ là Ukraine.  Người Mỹ bầu Tổng thống mỗi 4 năm và chính sách cũng thay liền liền theo chủ trương của đảng và ý thích của Tổng thống mới. Thế thì người dân Đài Loan làm sao có được một niềm tin chắc chắn vào người Mỹ đây?

Angelica Oung cảm thấy thất vọng về chính phủ Mỹ, lo lắng rằng việc để Ukraine thất bại là khúc dạo đầu cho những gì có thể xảy ra ở Đài Loan.

Sự khác biệt cơ bản giữa các đảng chính trị TPP và Quốc Dân Đảng là quan điểm của họ về Trung Quốc. Người dân Đài Loan không thực sự lo lắng về nguy cơ có thể xảy ra một cuộc xâm lược, điều họ quan tâm hơn cả là giá nhà đất tăng, tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại, cơ hội cho giới trẻ và chăm sóc y tế – họ gần như không quan tâm nhiều đến địa chính trị.

Một số nhà chính sách chuyên về Đài Loan cho rằng khả năng xảy ra xung đột bạo lực là khoảng 1 trên 10, với lý do mối quan hệ kinh tế và gia đình giữa Trung Quốc và Đài Loan là lý do tại sao hòa bình là kết quả lâu dài có thể xảy ra nhất chứ không phải chiến tranh. Trung Quốc cho biết họ muốn thống nhất với Đài Loan, nhưng trao đổi giữa người với người giữa hai bên rất thường xuyên, vì vậy khả năng xảy ra một cuộc chiến thực sự là không cao nhưng vẫn có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Vì logic này nghe ra có vẻ quen thuộc. Trước đây, nhiều người Ukraine cũng sử dụng lý do tương tự để loại trừ khả năng xảy ra một cuộc chiến tranh toàn diện giữa họ và Nga. Khi người dân giữa hai quốc gia có nhiều mối liên kết gia đình, thân thuộc sâu sắc nhiều thế hệ, thăm nom nhau thường xuyên nên không ai nghĩ một cuộc chiến tranh có thể nổ ra, nhưng trên thực tế là nó đã xảy ra gần 2 năm trước đây và cuộc chiến vẫn còn đang tiếp diễn.

Trong một hệ thống độc tài, một người đứng đầu như Tập Cận Bình có quyền bác bỏ những ý kiến ​​phản đối vì những lý do thuần túy về ý thức hệ, quan hệ gia đình, giòng tộc và chủng tộc, tất cả đều phải là thứ yếu. Chủ tịch Tập Cận Bình đã gọi việc Trung Quốc sáp nhập Đài Loan là “sự tất yếu lịch sử và trách nhiệm của người lãnh đạo” và công khai cân nhắc về phương án sử dụng vũ lực để biến điều đó thành hiện thực.

Trong trường hợp điều đó xảy ra, nhiều cử tri trẻ Đài Loan cho biết họ sẽ chiến đấu để bảo vệ đảo quốc nếu cần thiết. Tình cảm rộng lớn của người dân Đài loan, của các nước nhược tiểu cũng giống như người dân Miền Nam Việt Nam, người Ukraine, không khác nhau khi nước nhà gặp cơn nguy biến, bị xâm lược, những người trẻ Đài Loan đều sẵn sàng cầm vũ khí nếu quân đội Trung Quốc xâm lược.

Một người trẻ cho biết rằng: “Đây là đất nước của chúng tôi. Chúng tôi sống ở đây. Đây là hòn đảo của chúng tôi. Chúng tôi sẽ đấu tranh cho tự do của chúng tôi, đấu tranh cho quyền lợi của chúng tôi, cho thế hệ con cháu của chúng tôi.”

Đó là một tình cảm dân tộc đặc biệt của những quốc gia nhược tiểu. Thảm kịch chiến tranh có thể là một sự kiện rất rõ ràng – buộc mọi người phải bộc lộ tính cách thật của mình. Trong những ngày đầu của cuộc xâm lược Ukraine, người dân thường bị đặt vào tình thế phải đưa ra những quyết định quyết liệt về việc có nên đứng lên chiến đấu cho đất nước của mình hay không.

Lời kết:

Người Đài Loan cần học lấy bài học của người Ukraine vì đã không chuẩn bị cho một cuộc xâm lược như thế nào do sự thất bại trong trí tưởng tượng. Nhiều người Ukraine đã nghĩ rằng ý tưởng về một cuộc chiến tranh là quá khủng khiếp để có thể suy ngẫm và từ chối chấp nhận những lời đe dọa của kẻ chuyên quyền, khi quân đội Nga dàn hàng bên cạnh biên giới Ukraine với hàng trăm ngàn quân và khí tài, thì tại thủ đô Kiev, các thành phố lớn gần biên giới với Nga, người dân vẫn đi shopping, đi bar khiêu vũ, đi dạo chơi vì họ tin rằng, bên kia biên giới, nơi đang có nhiều người thân của họ đang sống, sẽ không thể có chiến tranh, không thể nào, nhưng bất ngờ, ngày 24 tháng 2 năm 2022, Putin xua quân đánh, chiến tranh nổ ra, nhiều người Ukraine không còn tin vào sự phán đoán bằng niềm tin quan hệ gia đình, thân bằng quyến thuộc ở hai bên bờ biên giới.

Một bài học mà người Ukraine đã học được là đừng tự tin vào trực giác tình cảm, người dân Đài Loan không thể tự tin vào mối quan hệ gia đình của những người dân ở đại lục và hòn đảo là luôn khắng khít, không thể đổ vỡ, họ sẽ vỡ mộng một khi những người lính Trung Quốc đặt chân lên bờ biển hòn đảo dân chủ này.

Bản chất của ba cuộc chiến tại Miền Nam Việt Nam, Ukraine, Đài Loan đều có chung một lý tưởng vì nền dân chủ, tự do cho quê hương trước cộng sản, chuyên quyền

Nếu có thể, những người lính của Việt Nam Cộng Hòa, của Ukraine, những đất nước từng có một số phận bất hạnh, đen đủi tương tự những người Đài Loan ở Châu Á, chỉ biết chia sẻ niềm cảm thông với những người có cùng cảnh ngộ bằng một câu nói thật lòng: “Đừng như chúng tôi. Đừng tin vào người Mỹ hoàn toàn. Đừng tin vào nhà độc tài Tập Cận Bình. Đừng tin vào những người Cộng sản mà hãy nhìn kỹ những gì họ làm. Hãy sẵn sàng để tự cứu mình. Vì đó là số phận của chúng ta, những quốc gia nhược tiểu.

Việt Linh

https://www.wsj.com/world/asia/taiwan-hurtles-toward-uncertain-presidential-vote-with-global-stakes-2b88c0cd

https://www.bloomberg.com/news/features/2024-01-09/if-china-invades-taiwan-it-would-cost-world-economy-10-trillion

https://apnews.com/article/taiwan-china-election-economy-trade-e389719ff970f91d1969cac49817cbae

https://edition.cnn.com/2024/01/11/asia/taiwan-election-explainer-intl-hnk/index.html

https://asia.nikkei.com/Politics/Taiwan-elections/Market-players-shy-away-from-taking-stances-on-Taiwan-election