(CaliToday) – Thẩm phán Aileen Cannon giám sát thủ tục tố tụng truy tố cựu Tổng thống Donald Trump cất giữ sai trái tài liệu Mật của chính phủ vào thứ 5 phản đối một trong những thỉnh nguyện của bị đơn tìm cách bãi bỏ vụ án.
Đây là lần đầu tiên bà Cannon ngăn cản một tấn công pháp lý vào bản cáo trạng.
Trong án lệnh 2 trang, quan toà bác bỏ những lập luận của toán luật sư biện hộ cho rằng, đạo luật trung tâm trong bản cáo trạng – Đạo luật Chống Gián điệp – quá mơ hồ và nên bị bãi bỏ toàn bộ.
Phán quyết được Toà nhanh chóng đưa ra sau phiên điều trần kéo dài gần cả ngày tại Toà liên bang ở Fort Pierce, Florida. Toán luật sư biện hộ ông Trump và công tố từ Văn phòng Công tố viên Đặc biệt Jack Smith trước toà trình bày những luận lý của họ về Đạo luật Chống Gián điệp. Chính phủ cáo buộc cựu Tổng thống vi phạm đạo luật này 32 lần, khi đem kho tài liệu nhạy cảm của chính phủ khỏi Toà Bạch Ốc khi rời nhiệm kỳ.
Luật sư biện hộ cho rằng, một số thuật ngữ nhất định trong đạo luật – chẳng hạn, yêu cầu công tố chứng minh bị cáo “tàng trữ trái phép” những tài liệu “liên quan đến quốc phòng” – rất mơ hồ, và gây tranh cãi, không thể thực thi được.
Trong suốt phiên điều trần, Thẩm phán Cannon tỏ ra hoài nghi về lập luận tấn công đạo luật. Với Trump và Smith ngồi đối diện và trước mặt toà, Cannon tuyên bố, sẽ là một bước đi lạ thường khi một thẩm phán đơn phương bác bỏ Đạo luật chống Gián điệp – đạo luật quan trọng của liên bang trong việc quản trị giải quyết tài liệu Mật.
Trong án lệnh, toà thừa nhận các luật sư của ông Trump đã “đưa ra nhiều lập luận cần được cân nhắc nghiêm túc,” nhưng những lo ngại của họ về Đạo luật Chống Gián điệp tốt hơn được đưa ra trong báo cáo hướng dẫn bồi thẩm đoàn.
Gợi ý của toà rằng truy tố có thể chuyển sang giải quyết các vấn đề bồi thẩm đoàn là dấu hiệu rõ ràng nhất từ Cannon cho thấy Trump cuối cùng có thể được đưa ra xét xử, mặc dù toà vẫn chưa ấn định ngày.
Cựu Tổng thống tại phiên điều trần cũng đưa ra một luận lý khác để đòi tòa bãi bỏ vụ truy tố. Biện hộ cho rằng, theo Đạo luật Hồ sơ Tổng thống, thân chủ của họ có thể xem số tài liệu được ông ta đem ra khỏi Toà Bạch Ốc là tài sản cá nhân, và vì vậy không thể bị truy tố cất giữ trái phép.
Thẩm phán cũng bày tỏ hoài nghi sâu sắc về lập luận này. Toà lưu ý, mặc dù bị cáo thoải mái tranh cãi trước phiên toà rằng số tài liệu mà ông bị truy tố cất giữ sai trái thực ra của ông, nhưng “khó mà thấy được” lập luận này có thể dẫn đến bãi bỏ toàn bộ vụ án trước khi đưa ra xét xử trước bồi thẩm đoàn.
Hai thỉnh nguyện được đưa ra điều trần trước toà vào thứ 5 chỉ là một trong số hàng loạt thỉnh nguyện được Trump đệ lên toà, trong nỗ lực nhấn chìm cáo trạng tài liệu Mật từ mọi góc độ, đó là chưa kể đến một số thỉnh nguyện phù phiếm.
Ngoài nỗ lực tấn công Đạo luật Chống Gián điệp và Đạo luật Hồ sơ Tổng thống, cựu Tổng thống còn đặt nghi vấn về tính hợp pháp của việc bổ nhiệm Công tố viên Đặc biệt Jack Smith, và cũng vô cớ cho rằng, cá nhân Tổng thống Joe Biden chỉ thị truy tố Trump để nhấn chìm chiến dịch tranh cử tổng thống 2024 của đối thủ.
Trump cũng khẳng định được quyền miễn tố tổng thống bảo vệ tất cả các cáo buộc, ngay cả khi những hành động bị truy tố diễn ra khi ông không còn là tổng thống.
Trump ngay từ đầu đã đưa ra những lập luận xem việc truy tố hợp pháp và bất công, như công tố ghi trong thỉnh nguyện gần đây, “quan điểm của ông ấy, với tư cách là một cựu tổng thống, luật pháp quốc gia và những nguyên tắc trách nhiệm chi phối mọi công dân khác không áp dụng cho ông ta.”
Trong khi Thẩm phán Cannon dành phần lớn thời gian tại phiên điều trần để hỏi biện hộ và công tố những câu hỏi cụ thể về những thuật ngữ trong Đạo luật Chống Gián điệp, và chính xác Trump chỉ định hồ sơ ông lấy là tài sản cá nhân như thế nào, thì có một chủ đề quan trọng toà đã bỏ qua, không nhắc đến, đó là: khi nào phiên toà xử sẽ diễn ra.
Thẩm phán Cannon 2 tuần trước đã tổ chức phiên điều trần về ngày xét xử mới, nhưng bà vẫn chưa đưa ra quyết định.
Hương Giang (The New York Times)