(CaliToday) – Thẩm phán Aileen Cannon vào thứ 5 phản đối một trong những nỗ lực trọng tâm của cựu Tổng thống Donald Trump đòi bãi bỏ những cáo buộc giải quyết sai trái tài liệu Mật của chính phủ sau khi rời nhiệm kỳ.
Quan toà giám sát thủ tục tố tụng bản cáo trạng theo Đạo luật chống Gián điệp phán quyết, Trump không thể thoát khỏi truy tố bằng lập luận ông ta chuyển những hồ sơ quốc phòng thành tài sản cá nhân theo Đạo luật Hồ sơ Tổng thống.
Trong lệnh toà ngắn gọn dài 3 trang, Thẩm phán Canon cho rằng, đạo luật vốn được đưa ra sau vụ bê bối Watergate nhằm bảo đảm hầu hết hồ sơ từ nhiệm kỳ của một tổng thống vẫn tiếp tục nằm trong tay chính phủ “không đưa ra được căn cứ tiền thẩm để bãi bỏ” vụ án.
Quyết định này được xem là một chiến thắng nhỏ cho Văn phòng Công tố viên Đặc biệt Jack Smith. Công tố luôn cho rằng, Đạo luật Hồ sơ Tổng thống không liên quan gì đến việc truy tố hình sự một cựu Tổng thống bị cáo buộc đưa tài liệu an ninh quốc gia ra khỏi Toà Bạch Ốc, và cản trở nỗ lực của chính phủ thu hồi chúng.
Nhưng với phán quyết vào thứ 5, vấn đề này không chấm dứt tại đây.
Trong án lệnh bất thường vào đầu tuần trước, bà Cannon yêu cầu các bên gởi đề nghị hướng dẫn bồi thẩm đoàn đối với các cáo buộc mặc dù vẫn chưa rõ khi nào phiên toà xét xử diễn ra. Trong lệnh toà, Thẩm phán có vẻ chấp nhận tuyên bố của cựu Tổng thống rằng, Đạo luật Hồ sơ Tổng thống cho phép ông xem bất cứ tài liệu nhạy cảm nào chính phủ là tài sản cá nhân và đem ra khỏi Toà Bạch Ốc về cất giữ riêng, sau đó ngăn cản chính phủ thu hồi. Lệnh toà không nhắc đến các tội danh liên quan đến cản trở.
Đạo luật Hồ sơ Tổng thống không được xem là yếu tố xác định liệu hành vi của Trump có phạm tội hay không, nhưng lệnh của Cannon đặt ra hai “kịch bản cạnh tranh” cho bên công tố và bên biện hộ.
Kịch bản đầu tiên mà Cannon vạch ra cho phép bồi thẩm đoàn xem xét hồ sơ và xác định tài liệu nào Trump giữ lại là hồ sơ “cá nhân” hay hồ sơ “tổng thống” theo Đạo luật Hồ sơ Tổng thống. Trong kịch bản thứ hai, Cannon yêu cầu các bên đề nghị hướng dẫn dựa trên giả định, các tổng thống có “quyền duy nhất” theo PRA để cất giữ hợp pháp các tài liệu khi kết thúc nhiệm kỳ của họ bằng cách tuyên bố chúng là hồ sơ “cá nhân” hoặc hồ sơ “tổng thống,” theo lập luận của biện hộ.
Nhưng trong hồ sơ toà hồi đáp lệnh toà, công tố mạnh mẽ phản đối yêu cầu này. “Cả hai kịch bản đều dựa trên một tiền đề pháp lý chưa từng được tuyên bố và sai sót căn bản, cụ thể là Đạo luật Hồ sơ Tổng thống (‘PRA’), và đặc biệt là sự khác biệt giữa hồ sơ ‘cá nhân’ và hồ sơ ‘Tổng thống’ xác định liệu một cựu Tổng thống có được quyền theo Đạo luật chống gián điệp để tàng trữ những tài liệu tuyệt Mật, và cất giữ chúng ở một nơi không an toàn” hay không,” công tố ghi trong hồ sơ toà.
Smith yêu cầu Thẩm phán Cannon tuân theo thủ tục bình thường, và quyết định câu hỏi pháp lý xem liệu Đạo luật Hồ sơ Tổng thống có liên quan đến vụ án trong thỉnh nguyện của bị cáo đòi huỷ bỏ cáo buộc, chứ không phải trong trao đổi hướng dẫn bồi thẩm đoàn.
Trong phán quyết vào thứ Năm, Toà đồng tình với Smith rằng Đạo luật chưa đủ để bãi bỏ cáo trạng ngay lập tức, nhưng Thẩm phán tỏ ra không đồng ý khi nói về hướng dẫn bồi thẩm đoàn, cho thấy rằng những trao đổi đó sẽ tiếp tục, và Trump cuối cùng có thể đưa lập luận Đạo luật Hồ sơ Tổng thống ra trước phiên toà.
Yêu cầu của ông Smith về việc “hoàn tất hướng dẫn bồi thẩm đoàn” trước khi “trình bày chứng cứ và lập luận biện hộ chưa từng có và không chính đáng,” Cannon ghi trong phán quyết. Thẩm phán cũng bảo vệ quyết định yêu cầu hai bên nộp đề nghị hướng dẫn bồi thẩm đoàn. Theo toà, yêu cầu của bà nên được diễn dịch là “nỗ lực thực sự muốn hiểu rõ hơn quan điểm của các bên, và những câu hỏi sẽ được đưa cho bồi thẩm đoàn trong vụ án phức tạp này, trong bối cảnh phiên toà sắp tới.
Giới chuyên viên pháp lý bày tỏ lo ngại, nếu Thẩm phán Cannon đưa ra hướng dẫn bồi thẩm đoàn dựa trên diễn dịch của ông Trump về Đạo luật Hồ sơ Tổng thống, thì việc này có thể được xem là nỗ lực hướng bồi thẩm viên đến tuyên bố trắng án cho ông Trump.
Hướng dẫn bồi thẩm đoàn chấp nhận quan điểm của bị cáo về Đạo luât Hồ sơ Tổng thống cũng có thể cho Thẩm phán đủ không gian pháp lý để tuyên bố ông Trump trắng án khi kết thúc phiên tòa bằng tuyên bố, chính phủ đã không chứng minh được vụ truy tố.
Toán luật sư biện hộ ông Trump cách đây 2 tháng lần đầu tiên đưa ra lập luận Đạo luật Hồ sơ Tổng thống, cho rằng Đạo luật cho phép cựu Tổng thống chỉ định tài liệu, ngay cả những báo cáo được quân đội và cộng đồng tình báo chuẩn bị, là hồ sơ cá nhân mà ông có thể làm bất cứ điều gì với chúng. Nhưng ngay từ đầu, quan điểm của họ đã không rõ ràng về mặt pháp lý.
Chính Thẩm phán Cannon cũng do dự với lập luận này trong phiên điều trần diễn ra vào tháng trước tại Tòa án Liên bang ở Fort Pierce, Florida. Và trong giai đoạn đầu của vụ tài liệu mật, tòa Phúc thẩm liên bang đồng ý, Trump “không sở hữu cũng như không có lợi ích cá nhân” đối với các tài liệu trong vụ truy tố.
Mặc dù phán quyết của Thẩm phán Cannon không đưa ra lý do pháp lý đứng đằng sau quyết định, nhưng nó có thể có tác động nối tiếp đối với một trong những nỗ lực khác của ông Trump đòi bãi bỏ truy tố tài liệu mật.
Trong một thỉnh nguyện khác, luật sư biện hộ cho rằng, thân chủ không thể bị truy tố bất kỳ hành vi chính thức nào trong nhiệm kỳ tổng thống. Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ vào ngày 25 tháng 4 sẽ lắng nghe tranh cãi pháp lý về vấn đề miễn tố tổng thống trong vụ truy tố đảo ngược kết quả bầu cử 2020 ở Washington D.C.
Theo biện hộ, hành động chính thức làm cho thân chủ của họ được quyền miễn tố trong vụ truy tố tài liệu Mật là việc Trump chuyển hồ sơ Tổng thống thành tài sản cá nhân theo Đạo luật Hồ sơ Tổng thống đối với số tài liệu Mật được ông đem về cất giữ riêng tại Mar-a-Lago.
Hương Giang (Theo New York)
Sign in
Welcome! Log into your account
Forgot your password? Get help
Password recovery
Recover your password
A password will be e-mailed to you.