Phúc trình về những rủi ro cho tình hình thế giới: Vụ Làm Ăn Giữa Putin và Kim Jong Un

0
852

Cali Today News – Chuyến đi thăm Bắc Triều Tiên mới đây của Vladimir Putin là một sự kiện quan trọng đáng lưu ý vì nhiều lý do. Trước hết, đây là cuộc viếng thăm đầu tiên của Putin đến Bắc Hàn kể từ 24 năm qua. Cuộc tiếp đón được tổ chức hết sức long trọng, và xa xỉ, ngay cả người Nga và người Bắc Hàn chưa bao giờ được thấy trong thời kỳ còn Chiến Tranh Lạnh. Nhưng kết quả của chuyến viếng thăm xem ra khá phức tạp, có nhiều điều không trọn vẹn.

Trước hết, chúng ta chẳng nên tò mò tìm hiểu nhiều về cuộc hẹn hò, gặp gỡ của hai nhà lãnh đạo độc tài. Putin có lẽ muốn chứng minh với thế giới rằng mặc dù ông ta bị đại diện của hơn 90 quốc gia tẩy chay, không đến tham dự hội nghị ở Thụy sĩ để nài ép thế giới chấp nhận kế hoạch hòa bình ở Ukraine, song ông vẫn còn bạn bè để đi thăm viếng, và được ủng hộ. Sau hội nghị trên, các nước phương Tây, và Hoa Kỳ tiếp tục cung cấp thêm tiền bạc và vũ khí tối tân cho chính quyền ở Kyiv, nước Ukraine để chống lại Nga. Ngược lại việc ông Putin đi tìm đồng minh với Cộng Hòa Nhân Dân Bắc Triều Tiên, một nước nhỏ bé, bị cô lập nhất thế giới, xem ra chẳng có gì là hấp dẫn cả.

Ngoài ra, thỏa hiệp hỗ tương về quốc phòng mà Kim Jong Un công bố là Nga và Bắc Triều “đồng minh với nhau”-  chỉ có Kim Jong Un nói điều này, còn Putin thì không lên tiếng. Câu nói của Kim cũng chẳng có giá trị gì, bởi vì cả hai nước Nga và Bắc Triều Tiên đều là nước có vũ khí nguyên tử. Vì thế cả hai cùng phải hợp tác với nhau để tránh không bị tấn công bằng vũ khí nguyên tử. Đây là sự hợp tác để tránh không bị tấn công bằng vũ khí hạch nhân, chứ không phải là hợp tác về ngoại giao. 

Hơn nữa, còn phải kể đến sự kiện là Trung cộng không mấy vui lòng về quan hệ thắm thiết giữa Nga và Bắc Triều tiên. Bắc Kinh không muốn Putin khuyến khích Kim hành động táo bạo, liều lĩnh hơn, có thể gây ra những xáo trộn, bất ổn ở trong vùng. Trung cộng muốn giữ nguyên trạng thái yên tịnh như hiện nay. Những đe dọa từ phía Bắc Triều tiên sẽ khiến cho Nhật Bản, Nam Hàn và Hoa Kỳ  hợp tác chặt chẽ hơn. Điều này sẽ gây thêm nhiều vấn đề nhức đầu cho Bắc Kinh ở vùng Đông Á. 

Ngược lại, sự hợp tác giữa hai nhà lãnh đạo cao cấp nhất của Nga và Bắc Triều Tiên sẽ khiến cho các nước phương Tây lo ngại. Giống như Nga, Bắc Triều Tiên là một nước có vũ khí nguyên tử, rất nguy hiểm, và cả hai nước thường dùng thủ đoạn tấn công trên mạng. Nếu Kim Jong Un nghe lời người nước ngoài, có lẽ Mỹ và Âu châu mong muốn Kim Jong Un hãy nên nghe Tập Cận Bình hơn là Putin. Tây phương muốn một thế giới ổn định hơn là Kim nghe theo Putin. Tay Putin này chỉ thích lợi dụng tình hình để gây xáo trộn, rối loạn. 

Ngoài ra, mối quan hệ chặt chẽ giữa trục Mạc Tư Khoa và Bình Nhưỡng là điều mà Ukraine và đồng minh Tây phương không muốn xảy ra. Bởi vì Bắc Triều Tiên có nhiều vũ khí, những loại vũ khí mà Nga rất cần, và muốn Bắc Triều Tiên chia sẻ với Nga. Vài ngày trước khi Putin đến Bắc Hàn, Bộ trưởng Quốc Phòng Nam Hàn nói rằng Hán Thành đã phát hiện có khoảng 10,000 thùng vũ khí được vận chuyển bằng tàu thủy từ Bắc Hàn  đến Nga. Những thùng vũ khí đó chứa khoảng 5 triệu viên đạn đại bác. 

Việc công khai phô bày mối quan hệ thắm thiết giữa hai nước cho thấy sự tự tin của Putin. Nhà lãnh đạo Nga thừa hiểu rằng trong lúc đang có nhiều cuộc bầu cử quan trọng diễn ra ở Tây Âu và Hoa Kỳ, lại thêm những mối đe  dọa về thiếu năng lượng và khủng hoảng thực phẩm sẽ khiến phương Tây giảm bớt những biện pháp chế tài, trừng phạt đối với Nga. Việc tạo ra một tình trạng nguy cấp về kinh tế đối với một nước Nga có sẵn nhiều tài nguyên sẽ khiến cho giá cả tài nguyên tăng cao. Đó là điều Tây phương không muốn xảy ra. Vả lại, các nhà máy nguyên tử của Tây phương hiện vẫn còn cần Uranium của Nga để điều hành nhà máy.

Bây giờ chúng ta hãy xem qua những gì diễn ra trong hội nghị hòa bình ở Thụy Sĩ do Nga bảo trợ. Putin biết rõ Ukraine hiện vẫn còn được Hoa Kỳ và Âu châu yểm trợ, mặc dù rất hạn chế. Nhưng Trung cộng đã không đến dự hội nghị. Ấn độ, Ả rập Saudi và United Arab Emirates chỉ gửi phái đoàn quan chức thứ yếu đến dự hội nghị. Tây phương tỏ ra cương quyết, cứng rắn trong việc ủng hộ Tổng thống Volodymyr Zelensky của Ukraine. Nhưng phần lớn các quốc gia ở Nam bán cầu đều muốn ngừng chiến ở Ukraine. Bởi vì họ cần có thực phẩm, và năng lượng từ hai nước Ukraine và Nga. Họ không muốn chiến tranh tiếp tục, có thể đưa đến suy thoái kinh tế toàn cầu. 

Với những lý do trên, Putin tin rằng ông ta có dư thời giờ để đợi chờ kế hoạch hòa bình do Nga đề nghị sẽ trở thành hiện thực. Có thể Putin sẽ phải đợi trong một thời gian khá lâu- nhất là nếu ông Donald Trump lấy lại được Bạch Cung vào tháng Mười Một sắp tới, và phe cực hữu thắng thế ở Pháp sẽ có một chính phủ thân thiện hơn với Nga trong những tuần lễ sắp tới. Kịch bản diễn ra như trên sẽ làm hỏng kế hoạch của phe Tây phương, họ sẽ không còn có thể tiếp tục ủng hộ Ukraine, họ sẽ phải ép buộc ông Zelensky, hay người kế vị ông, phải vào bàn hội nghị thương lượng với Nga. 

Vũ khí, quân cụ của Bắc Triều Tiên cung cấp cho Nga sẽ giúp cho Putin đợi chờ dễ dàng hơn. Đối với Tây phương vụ hợp tác làm ăn giữa Putin và Kim là một tin rất xấu, xấu nhất cho tất cả mọi nước liên hệ đến cuộc chiến hiện nay ở Ukraine. 

Bài nhận định của Tiến sĩ Ian Bremmer trên báo TIME ngày 15/7/24

Nguyễn Minh Tâm  dịch