Ấn Độ (AP) — Cảnh sát cho biết, vào thứ Ba, các tay súng đã nổ súng giết chết ít nhất 26 khách du lịch tại một khu nghỉ dưỡng ở Kashmir ở Ấn Độ. Đây là một vụ tấn công lớn, đánh dấu sự thay đổi trong cuộc xung đột khu vực, nơi khách du lịch trước đây thường không bị ảnh hưởng.
Cảnh sát cáo buộc các nhóm vũ trang chống lại sự cai trị của Ấn Độ là thủ phạm của vụ tấn công xảy ra tại thảo nguyên Baisaran, cách thị trấn nghỉ dưỡng Pahalgam khoảng 5 km. Hai sĩ quan cấp cao cho biết, ít nhất ba chục người khác bị thương, nhiều người trong số đó bị thương nặng.
“Đây là vụ tấn công nhắm vào dân thường nghiêm trọng nhất trong những năm gần đây,” ông Omar Abdullah, quan chức dân cử cao nhất của khu vực, viết trên mạng xã hội.
Hai sĩ quan cảnh sát cho biết ít nhất bốn tay súng đã bắn vào đám đông du khách ở khoảng cách gần. Hầu hết nạn nhân thiệt mạng là người Ấn Độ, họ nói và yêu cầu giấu tên theo chính sách ngành.
Ít nhất 24 thi thể sau vụ tấn công và hai người khác tử vong trong quá trình được đưa đi cấp cứu. Hiện chưa có nhóm nào đứng ra nhận trách nhiệm. Cảnh sát và binh sĩ đang truy tìm thủ phạm.
“Chúng tôi sẽ trừng trị nghiêm khắc những kẻ gây ra tội ác này,” Bộ trưởng Nội vụ Ấn Độ Amit Shah viết trên mạng xã hội. Ông đã đến thành phố Srinagar – thành phố chính của vùng Kashmir ở Ấn Độ– và tổ chức cuộc họp với các quan chức an ninh cấp cao.
Hãng tin PTI cho biết, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã rút ngắn chuyến thăm hai ngày tới Ả Rập Xê Út và trở về New Delhi vào sáng sớm thứ Tư.
Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres mạnh mẽ lên án vụ tấn công, nhấn mạnh rằng “mọi hành động tấn công nhằm vào dân thường đều không thể chấp nhận được trong bất kỳ hoàn cảnh nào,” người phát ngôn Stephane Dujarric nói.
Mirwaiz Umar Farooq, giáo sĩ Hồi giáo hàng đầu ở Kashmir, viết trên mạng xã hội rằng “bạo lực như thế này là không thể chấp nhận và đi ngược lại tinh thần của Kashmir – nơi luôn chào đón du khách bằng tình yêu thương và sự nồng hậu.”
Phó Tổng thống Mỹ JD Vance, đang có chuyến thăm Ấn Độ, gọi đây là một “vụ tấn công khủng bố tàn khốc.” Ông viết trên mạng xã hội: “Những ngày qua, chúng tôi đã bị mê hoặc bởi vẻ đẹp của đất nước này và con người nơi đây. Chúng tôi xin chia sẻ nỗi đau và gửi lời cầu nguyện đến họ trong thời khắc tang thương này.”
Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng bày tỏ trên mạng xã hội rằng đây là “một tin tức đầy rúng động từ Kashmir. Hoa Kỳ kiên quyết sát cánh cùng Ấn Độ trong cuộc chiến chống khủng bố.” Các lãnh đạo toàn cầu khác như Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Ý Giorgia Meloni cũng lên án vụ tấn công.
“Hoa Kỳ sát cánh cùng Ấn Độ,” Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio phát biểu trên X (Twitter).
Ấn Độ và Pakistan – hai quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân – mỗi nước kiểm soát một phần của khu vực Kashmir, nhưng cả hai đều tuyên bố chủ quyền toàn bộ khu vực này.
Kashmir đã chứng kiến nhiều vụ ám sát nhắm vào người theo đạo Hindu, bao gồm cả lao động nhập cư từ các bang khác của Ấn Độ, kể từ khi New Delhi tước bỏ quyền tự trị đặc biệt của khu vực này vào năm 2019 và đàn áp mạnh mẽ các quyền tự do dân sự, báo chí và tiếng nói phản kháng.
Dù khách du lịch vẫn đổ về Kashmir để tận hưởng vẻ đẹp của dãy Himalaya và những chiếc thuyền gỗ trang trí tuyệt mỹ, họ chưa từng trở thành mục tiêu của các cuộc tấn công. Khu vực này thu hút hàng triệu du khách mỗi năm, trong bối cảnh an ninh được siết chặt với các trạm kiểm soát, xe bọc thép và binh lính tuần tra khắp nơi. New Delhi tích cực quảng bá du lịch và xem đó là bằng chứng cho sự “ổn định” của khu vực.
Thảo nguyên ở Pahalgam là điểm đến nổi tiếng, bao quanh bởi núi non phủ tuyết và rừng thông, mỗi ngày đón hàng trăm khách du lịch.
Lãnh đạo phe đối lập Ấn Độ Rahul Gandhi lên án vụ tấn công và cho rằng chính phủ của Thủ tướng Modi cần chịu trách nhiệm thay vì đưa ra những “tuyên bố suông về tình hình ổn định” tại khu vực.
Các nhóm vũ trang tại lãnh thổ Kashmir do Ấn Độ kiểm soát đã chống lại sự cai trị của New Delhi từ năm 1989. Nhiều người Hồi giáo Kashmir ủng hộ mục tiêu của lực lượng nổi dậy là đoàn kết khu vực, hoặc gia nhập Pakistan, hoặc trở thành một quốc gia độc lập.
Ấn Độ khẳng định phong trào vũ trang ở Kashmir là khủng bố do Pakistan hậu thuẫn. Tuy nhiên, Pakistan phủ nhận điều đó, và nhiều người Kashmir coi đây là một cuộc đấu tranh vì tự do chính đáng. Hàng chục ngàn thường dân, phiến quân và binh lính đã thiệt mạng trong cuộc xung đột kéo dài nhiều thập kỷ này.
Vào tháng 3 năm 2000, ít nhất 35 dân thường đã bị bắn chết tại một ngôi làng ở phía nam Kashmir trong lúc Tổng thống Mỹ khi đó là Bill Clinton đang thăm Ấn Độ. Đây là vụ tấn công đẫm máu nhất trong khu vực trong vài thập kỷ gần đây.
Gần đây, bạo lực có xu hướng giảm bớt tại Thung lũng Kashmir – trung tâm của các phong trào chống Ấn Độ. Tuy nhiên, các cuộc đụng độ giữa lực lượng chính phủ và phiến quân đã chuyển hướng sang các vùng hẻo lánh của khu vực Jammu, bao gồm Rajouri, Poonch và Kathua, nơi binh lính Ấn Độ đã phải đối mặt với những vụ tấn công chết người.
Nguồn AP