Chánh thẩm TCPV John Roberts từ chối gặp Dân chủ về vấn đề đạo đức liên quan Alito 

0
871

(CaliToday) — Chánh thẩm John Roberts vào thứ 5 từ chối gặp các Thượng nghị sĩ Dân chủ để bàn về vấn đề đạo đức Tối cao Pháp viện, giữa bối cảnh những cây cờ biểu tượng khiêu khích trước nhà Thẩm phán Samuel Alito.
Trong thư gởi Thượng nghị sĩ Dick Durbin (Dân chủ – Illinois), và Thượng nghị sĩ Sheldon Whitehouse (Dân chủ – Rhode Island), Roberts cho hay, ông “lấy làm tiếc phải từ chối yêu cầu gặp” vì lý do duy trì sự độc lập tư pháp.
Việc Chánh thẩm Tối cao Pháp viện từ chối không gây ngạc nhiên, Roberts vào năm ngoái từ chối tham dự điều trần về vấn đề đạo đức cũng với lý do tương tự.
Trong thư vào thứ 5, Roberts cho rằng, một cuộc họp với các đại diện từ một đảng phái, “những người bày tỏ quan tâm đến những vấn đề đang chờ giải quyết trước toà” là lý do khác mà “cuộc họp như vậy không nên diễn ra.”
Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Thượng viện Durbin không đồng ý với kết luận của Roberts, và ông sẽ tiếp tục thúc đẩy dự luật đặt ra quy định đạo đức nghiêm ngặt hơn cho Toà Tối cao so với quy định đạo đức được Toà thông qua năm ngoái, Văn phòng Thượng nghị sĩ cho biết trong một tuyên bố đưa ra vào thứ Năm. “Mối quan tâm duy nhất của Chủ tịch Durbin, kể từ lần đầu tiên ông nêu vấn đề này với Chánh thẩm 12 năm trước, là khôi phục uy tín của Tối cao Pháp viện trong mắt người dân Mỹ.”
Trong khi đó, ông Whitehouse – uỷ viên trong Uỷ ban Tư pháp Thượng viện – trong một loạt ý kiến đăng trên mạng xã hội tỏ ra “thất vọng” vì Roberts không xem cuộc họp được yêu cầu ông tham dự trong vai trò Chủ tịch Hội nghị Tư pháp hoa Kỳ – cơ quan hành chánh và chính sách tư pháp – không phải trong tư cách là thành viên Tối cao Pháp viện. “Tất cả điều này có nghĩa, công việc phải được tiếp tục cho đến khi chúng ta có Tòa tối cao áp dụng các nguyên lý cơ bản của thượng tôn luật pháp: tìm hiểu thực tế trung thực và ra quyết định trung lập,” Whitehouse nói thêm.
Hai nhà lập pháp vào tuần trước yêu cầu ông Roberts giải quyết “khủng hoảng đạo đức của Tối cao Pháp viện,” sau khi tờ New York Times loan tin, những lá cờ được những kẻ bạo động ủng hộ ông Donald Trump đem theo khi xông vào Điện Capitol ngày 6 tháng 1 năm 2021 được treo ở nhà ông Alito. Thư yêu cầu được gặp Roberts “càng sớm càng tốt,” và một lần nữa “kêu gọi Tối cao Pháp viện áp dụng quy định chuẩn mực hành vi đạo đức cho các Thẩm phán.”
Thẩm phán Alito vào thứ Tư cũng gởi thư cho các nhà lập pháp Dân chủ tại hạ viện cho biết, ông sẽ không rút khỏi hai vụ kiện liên quan đến vụ bạo động Điện Capitol ngày 6 tháng 1 năm 2021. Ông Alito cho rằng, những gì xảy ra không đáp ứng tiêu chuẩn rút lui khá cao. Thẩm phán cho biết, cờ cắm trên sân nhà ông ở Virginia và tại căn nhà trên bãi biển New Jersey do vợ ông, bà Martha-Ann, treo, và ông không dính líu gì đến những quyết định treo cờ.
Sau bầu cử tổng thống 2020, những người cực hữu ủng hộ ông Donald Trump thúc đẩy thuyết âm mưu bầu cử bị đánh cắp khỏi tay cựu Tổng thống, và nhiều người trong số họ trưng quốc kỳ Mỹ lộn ngược trước nhà, trên xe, và trên mạng xã hội để bày tỏ quan điểm. Và một trong những căn nhà có biểu tượng đáng kinh ngạc này là tư gia của Thẩm phán Tối cao Pháp viện Samuel A. Alito Jr. ở Alexandria, Virginia. Ngoài ra, một lá cờ khiêu khích khác cũng được tung bay tại căn nhà nghỉ của Thẩm phán ở Long Beach Island. Lần này là lá cờ “Appeal to Heaven” vốn được biết đến là cờ Cây Thông – Pine Tree flag – có từ thời chiến tranh cách mạng giành độc lập Mỹ, là biểu tượng ủng hộ cho một chính phủ có ý thức Thiên Chúa hơn.
Tin tức biểu tượng “Stop the Steal” bay trước nhà Thẩm phán Alito sau bầu cử 2020 làm dấy lên lo ngại từ giới chính trị gia, các học giả pháp lý, và những người khác về tiêu chuẩn đạo đức của Tối cao Pháp viện. Nhưng quan trọng và khẩn cấp hơn, liệu công chúng xem những phán quyết của toà về ngày 6 tháng 1 năm 2021 công bằng hay không.
Trong những tuần tới, Tối cao Pháp viện sẽ đưa ra 2 quyết định quan trọng liên quan đến cuộc bạo động Điện Capitol ngày hôm đó. Những vụ này sẽ định hình mức độ cựu Tổng thống Donald Trump có thể bị buộc phải chịu trách nhiệm đến những nỗ lực đảo ngược bầu cử.
“Một người bình thường không bị những cân nhắc chính trị hoặc hệ tư tưởng, hoặc mong muốn ảnh hưởng đến kết quả của các vụ án tại Tối cao Pháp viện sẽ kết luận rằng, sự kiện này không đáp ứng được tiêu chuẩn áp dụng cho việc rút lui,” Alito ghi trong thư.
Tối cao Pháp viện vào tháng 11 thông qua bộ quy tắc đạo đức mới, nhưng bị chỉ trích phần lớn vì chính các Thẩm phán là người đưa ra quyết định cuối cùng về cách áp dụng nhữn quy định này.
Hương Giang (Tổng hợp)