Cảnh tượng đám đông đứng tụ tập trước cửa tòa nhà số 1300 đại lộ Pennsylvania trông không đẹp mắt chút nào. Hôm 1 tháng Hai, một nhóm nhỏ thanh niên làm việc cho ông Elon Musk đến trụ sở của Cơ Quan Viện Trợ Quốc Tế Hoa Kỳ, tên là US AID, chỉ cách Bạch Cung vài khu phố. Đám nhân viên này đòi phải được phép vào trong Trung Tâm Đầu Não của cơ quan USAID để làm việc của họ. Nhân viên của USAID từ chối không cho đám thanh niên này vào trong tòa nhà. Chưa có ai rút súng ra để bắn thị oai, cũng chưa có ai vung tay ra đấm nhau. Không có ai bị cảnh sát dẫn đi. Tuy nhiên, cảnh tượng diễn ra ở đây cho thấy trong những ngày đầu tiên làm việc của chính quyền ông Trump, lực lượng cải tổ chính phủ Mỹ đang hung hãn phô trương sức mạnh của họ.
Ở một bên là định chế có lịch sử 64 năm hoạt động với ngân sách lên đến 35 tỷ đô la mỗi năm, và với sứ mạng cao cả được ghi rõ trong luật liên bang. Phía bên kia là nhóm công tác chính trị của ông Elon Musk có nhiệm vụ phá tan định chế này. Họ lên tiếng xác nhận họ là nhân viên của Bộ Hiệu Quả Chính Phủ -Department of Government Efficiency- tức là bộ lo việc cắt xén những chi tiêu lãng phí để guồng máy chính phủ đạt hiệu quả tốt. Bộ mới này tên gọi tắt là DOGE, nó mới được lập ra, chưa có website, chưa có hiến chương tổ chức, và cũng không quy định rõ thẩm quyền của bộ này rộng rãi đến mức nào. Hiện nay, bộ DOGE mới chỉ gồm một nhóm nhân viên làm việc với quy chế tạm. Quyền lực của bộ này xuất phát từ ông Musk, người giàu có nhất hành tinh. Ông ta được giao phó nhiệm vụ tháo gỡ hệ thống hành chính của chính phủ liên bang, làm cho nó gọn nhẹ, và ít tốn tiền, tránh lãng phí. Trong đó có việc cắt xén ngân sách chi tiêu, mổ xẻ toàn bộ ngành công chức liên bang, và dẹp bỏ những cơ quan độc lập có tiềm năng cản trở những mục tiêu do Tổng thống đề ra.
Cuối cùng thì cấp lãnh đạo cơ quan USAID cũng phải cho nhóm công tác của ông Musk vào trong bin đinh làm việc vài ngày hồi cuối tháng Giêng. Nhóm công tác gồm những người trẻ tuổi, thân tín của ông Musk. Theo sự mô tả của một cựu viên chức cơ quan USAID với báo TIME thì nhóm người của ông Musk đi cùng khắp các phòng của cơ quan, tay họ cầm tấm bảng công tác, có khi họ phỏng vấn nhân viên cao cấp, cỡ manager, có khi họ gọi một viên chức vào phòng riêng để tìm hiểu thêm thông tin. Viên chức USAID này gọi những thanh niên làm việc cho ông Musk là “mấy thằng nhóc ở bộ DOGE”. Vào cuối tuần, mấy cậu nhóc này còn xem xét cả những hồ sơ, thông tin bí mật, nhạy cảm, liên quan đến an ninh của cơ quan USAID. Nhân viên của ông Musk còn hăm dọa các cựu nhân viên của cơ quan USAID là họ có thể gọi nhân viên tư pháp hình sự – US Marshals- để đuổi tất cả nhân viên USAID ra khỏi bin đinh. Họ còn báo cáo trực tiếp với ông Musk về việc họ bị làm khó dễ khi làm công việc điều tra hồ sơ ở USAID. Ông Musk viết trên diễn đàn “X”, nơi ông có khoảng 215 triệu người theo dõi: “Cơ quan USAID là một tổ chức tội phạm. Đã đến lúc cần phải khai tử cơ quan này.”.
Chính nghĩa,mục đích của việc thanh lọc cơ quan USAID mà nhóm công tác của ông Musk đang làm là gì? Nó không được quy định rõ ràng. Nhưng bất chấp vì lý do gì, qua sáng ngày hôm sau, cơ quan này đã hoàn toàn ngưng hoạt động. Thật đáng tiếc, đây là cơ quan hàng năm phân phối, cung cấp hàng chục tỷ đô la trên toàn cầu,giúp cứu trợ nạn đói, chống bệnh tật và đem lại nước sạch để dùng cho hàng triệu người. Một tuần sau, tất cả nhân viên USAID đều bị cho nghỉ việc, các văn phòng đại diện ở nhiều nước trên thế giới bị đóng cửa.
Khi thấy cơ quan USAID bị đóng cửa một cách tàn nhẫn, tất cả văn phòng của chính phủ ở nhiều nơi khác ghi nhận tín hiệu rõ ràng là sắp tới sẽ là số phận của họ. Có lẽ từ trước đến nay, chưa bao giờ có một tư nhân nào như ông Elon Musk, một người giàu có ngoại hạng, lại được trao quyền hạn rộng lớn để giám sát guồng máy hoạt động của chính phủ Hoa Kỳ. Cho đến nay, ông Musk không cần phải trả lời với bất cứ một ai về việc làm của ông. Ông chỉ trả lời trực tiếp với Tổng thống Trump. Ông Trump đã trao trọn quyền thanh lọc guồng máy chính quyền cho ông Musk, yêu cầu ông ta làm cho đúng với lịch trình làm việc của Tổng thống. Khi báo TIME đặt câu hỏi về việc làm của Bộ Hiệu Quả Chính Phủ, thì ông Musk chuyển tất cả những câu hỏi ấy đến Bạch Cung, và ông từ chối đưa ra bất cứ một lời bình luận nào.
Cho đến nay bộ DOGE đã tiếp thu trọn bộ cơ quan US Digital Service, và thiết lập đầu cầu nối với Bộ Nhân Sự của chính phủ liên bang, có tên là Office of Personnel Management- OPM-. Bộ Giáo Dục sẽ là cơ quan kế tiếp bị đem ra xử trảm. Chỉ có một số ít cơ quan được giữ lại. Ông Musk minh định rõ rằng ông sẽ không nhượng bộ bất cứ sự chống đối nào, dù cho với bất cứ lý do hợp lý nào. Vài ngày trước khi xảy ra vụ kháng cự ở cơ quan USAID, một viên chức của Bộ Tài Chính đã từ chối không cho nhân viên của Bộ DOGE vào trong Bộ Tài Chính. Ngay lập tức, viên chức này bị sa thải. Ông Bộ trưởng Tài chính mới là ông Scott Bessent cho phép nhóm công tác của bộ DOGE vào trong bin làm việc để khám xét hồ sơ. Một nhóm nhân viên cũ và mới của Bộ Tài Chính đứng ra kiện về việc xâm nhập Bộ Tài Chính, và vào ngày 5 tháng Hai, chính quyền của ông Trump đã phải ra lệnh tạm ngưng việc khám xét hồ sơ ở Bộ Tài Chính.
Trên đây chỉ là đợt đầu của những hậu quả chấn động dây chuyền gây ra bởi việc thanh lọc guồng máy chính phủ liên bang. Ngân sách sẽ bị khám xét. Nhiều chương trình có giá trị sẽ bị loại bỏ. Nhiều công chức chuyên nghiệp sẽ bị cho nghỉ việc, và được thay thế bằng những người mới, được bổ nhiệm do mục đích chính trị, thuần túy dựa vào lòng trung thành với Tổng thống Trump. Đây chính là con đường mà cử tri đoàn chọn lựa khi bầu ông tổng thống. Và đối với nhiều người, đây là một việc làm độc đáo của một doanh nhân thành đạt dám đứng ra thanh lọc guồng máy chính phủ bị tai tiếng là ù lỳ, xơ cứng. Giống hệt như việc ông ta từng làm với công ty xe hơi, công ty làm phi thuyền không gian lúc mới thành lập. Ông ta đã xông xáo làm việc tra xét, gạn lọc với tốc lực kinh hồn, và với sự quyết tâm không chùn bước. Theo ông ta, việc cải tổ thanh lọc guồng máy chính phủ là một điều đáng mừng, không có gì phải hoảng hốt lo sợ. Ông Robert Doar, Chủ tịch Viện American Enterprise Institute, một tổ chức được xem như não bộ của xu hướng hữu khuynh, nói: “Guồng máy chính phủ liên bang quá lớn, vì vậy khi rà xét, thanh lọc lại, chắc chắn sẽ có cơ hội tiết kiệm và cải thiện hiệu năng. Khi Tổng thống chú ý đặc biệt đến việc thanh lọc guồng máy chính phủ, đó là điều tốt, đáng mừng.”.
Tuy vậy, phản ứng của công luận chống đối việc làm của ông Musk đang gia tăng rất mạnh, mạnh hơn gấp mấy lần mối lo cắt giảm ngân sách cho chính phủ liên bang. Cho đến nay tổng số những cơ quan nằm trong vòng đai quanh thủ đô Hoa Thịnh Đốn lo sợ sẽ bị ông Musk đóng cửa, giải thể rất nhiều. Họ cảm thấy tức giận khi có một nhân vật không được bầu ra, song lại có một thứ quyền lực vô song,mạnh mẽ đến như vậy. Chẳng mấy chốc, người Mỹ sẽ sớm học được bài học phải ứng xử ra sao với tình huống chưa bao giờ họ gặp phải từ trước đến nay. Bấy lâu nay họ vẫn đi làm công chức trong chính phủ liên bang, những tưởng rằng đó là việc làm chắc chắn như bàn thạch, không bao giờ phải lo bị “lay-off” hay sa thải.. Những công ty chuyên xuất cảng hàng kỹ thuật sang Trung Hoa sẽ không còn nhân viên làm việc ở tiểu bang, hay trong Bộ Thương Mại để giải thích chi tiết điều lệ xuất cảng miễn phí. Hay làm cách nào để tránh, không vi phạm hình luật. Nông dân Mỹ ở vùng Trung Tây sẽ sớm nhận ra rằng người mua bột mì của mình cho cơ quan USAID đem giúp các trại tỵ nạn không còn được trả tiền nữa. Trên khắp thế giới, hàng triệu người sống nhờ vào thực phẩm, thuốc men, nhà ở, viện trợ của Hoa Kỳ bỗng dưng bị cắt ngang. Từ nay họ sẽ phải tự lo liệu lấy.
Vào lúc này, số phận của hàng triệu công chức chính phủ trông nhờ vào sự thương hại của Musk. Một bà công chức mô tả hoàn cảnh của nhóm đồng nghiệp với bà ở Bộ An Ninh Nội Chính là “đành phải nằm thúc thủ, cúi đầu đợi chờ.” Họ chờ ngày nhân viên bộ DOGE đến sờ gáy họ và đuổi họ về nhà. Trong lúc chờ xem số phận của mình sẽ ra sao, những công chức này cùng nhau chia sẻ đọc cuốn sách tựa đề: Character Limit . Cuốn sách đó liệt kê theo trình tự thời gian hoạt động tiếp thu doanh nghiệp của Musk. cách đây hai năm ông Musk khi ông ta mua lại công ty “Twitter” và sa thải khoảng 80% nhân viên cũ, đem đến rất nhiều xáo trộn, với hậu quả kéo dài khá lâu.
Khi tấn công guồng máy hành chính của chính phủ, người ta không ngạc nhiên khi có nhiều điểm giống hệ như hồi ông ta tiếp thu hãng Twitter. Ngày 28 tháng Giêng, hàng triệu công chức chính phủ thuộc đủ mọi ngành, mọi bộ, nhận được email cho phép họ nhận được tám tháng lương, đổi lại họ phải việc ký giấy xin từ nhiệm. Ông Musk đã từng làm giống hệt như vậy đối với nhân viên của công ty Twitter cách đây hai năm. Thậm chí lần này, ông ta còn dùng lại tiêu đề cũ khi viết email. Tiêu đề đó là “Fork in the Road” có nghĩa là “Quý vị chỉ có hai chọn lựa: Xin nghỉ việc, hay sẽ bị sa thải.”.
Tất cả những hành động sa thải đồng loạt công chức liên bang không phải là điều ngạc nhiên, không có dấu hiệu báo động từ trước. Những người bạn thân của Elon Musk ở vùng Silicon Valley nói rằng nhiều người đã biết những gì Musk làm khi tiếp thu công ty Twitter là sự chuẩn bị cho một việc làm có ý nghĩa, tầm vóc lớn lao hơn rất nhiều. Hồi tháng 11 năm ngoái, bạn của ông ta nói với báo TIME rằng cung cách ông ta từng làm ở Twitter là điều ông ta hy vọng sẽ làm đối với guồng máy hành chính của chính phủ liên bang. Trong lúc đó, một viên chức kỳ cựu trong chính quyền ông Trump hồi nhiệm kỳ đầu đã lập ra kế hoạch thanh lọc guồng máy hành chính từ lâu, trước khi cuộc bầu cử Tổng thống diễn ra. Kế hoạch đó dầy 900 trang, được biết với tên gọi là Project 2025. Một trong những tác giả chính soạn thảo ra kế hoạch này là ông Russell Vought. Ông ta từng nói trong một bài diễn văn đọc từ hai năm trước. Ông sẽ làm cho “đám công chức liên bang bị choáng váng, chấn thương trầm trọng.”. Ông tiên liệu sẽ làm những việc như: “Chúng tôi muốn cắt bỏ ngân khoản chi tiêu của nhiều cơ quan, và đưa đám công chức vào chỗ tá hỏa, choáng váng.”.
Trong lúc đi vận động tranh cử Tổng thống, ông Trump chối, thề độc rằng ông không hề biết, hay dính líu gì đến Project 2025 cả. Hồi tháng 11, ông nói với báo TIME: “Việc đưa ra dự án 2025 vào lúc này là không đúng. Có nhiều điểm tôi hoàn toàn không đồng ý.”. Nhưng khi bước vào làm việc trong Bạch Cung, ngay lập tức, ông ta chọn ông Russell Vought đứng đầu cơ quan phụ trách về quản lý ngân sách, tên là Office of Management and Budget. Văn phòng này đang làm việc chặt chẽ với ông Elon Musk để thực hiện những điểm mấu chốt của Project 2025. Theo sự phân tích của các chuyên gia trong báo TIME, cho đến lúc này những động thái điên cuồng của triều đại mới của Tổng thống Trump đã thực hiện được khoảng hai phần ba kế hoạch đề ra.
Ông Musk không bao giờ dấu diếm ý đồ của ông ta. Hai tuần lễ sau bầu cử, ông ta viết chung với một người bạn bài xã luận đăng trên báo Wall Street Journal nói rằng Bộ Hiệu Quả Chính Phủ hay DOGE của ông sẽ giúp ông Trump đứng ra “tuyển mộ một nhóm công tác nhỏ để giúp lập ra một guồng máy chính phủ gọn nhẹ. Nhóm công tác này sẽ thực hiện việc cắt giảm mạnh tay số lượng công chức chính phủ liên bang, tính theo đầu người.”. Việc tuyển dụng đám thanh niên trẻ này đứng ra làm việc cho Bộ Hiệu Quả Chính Phủ do ông Musk làm, ngay sau khi có kết quả bầu cử. Ông ta tuyển mộ những thanh niên này ở vùng Silicon Valley, đa số còn rất trẻ, có người vừa mới học xong đại học. Họ được khuyến dụ đổ quân đến Hoa Thịnh Đốn để quét sạch tình trạng ù lỳ, vô hiệu quả của guồng máy chính phủ liên bang.
Người được ông Musk giao trọng trách lập ra toán công tác làm việc cho Bộ Hiệu Quả Chính Phủ- DOGE- là một kỹ sư không gian tên là Steve Davis. Anh chàng này trước đây đã từng phụ trách việc cắt giảm mạnh tay chi phí điều hành ở công ty Twitter. Hồi cuối tháng 12 năm ngoái, trong phiên họp chuyển giao công tác từ tổng thống cũ sang tổng thống mới tổ chức tại Bạch Cung. Tay kỹ sư Davis này tham dự một loạt những phiên họp với những thành viên trong chính quyền Biden. Các viên chức của đảng Dân Chủ thấy ánh ta cứ chăm chú rất nhiều vào một phân bộ làm việc không rõ ràng ở Bạch Cung tên là US Digital Service. Davis muốn biết cơ quan này hoạt động ra sao?Cơ quan này có nhiệm vụ phải báo cáo với ai? Và làm sao có thể xem xét những thông tin của cơ quan này?
Cơ quan US Digital Service được thành lập vào năm 2014, để làm việc với các cơ quan chính phủ nhằm cải thiện hệ thống computer và tài liệu gốc. Cơ quan này có cái khung sườn của guồng máy chính quyền trong computer, và có tụ điểm kết nối với tất cả các chuyên viên điện toán làm việc ở các bộ, sở, trong guồng máy chính quyền liên bang. Cơ quan này chính là địa điểm lý tưởng để các chuyên viên thuộc Bộ Hiệu Quả Chính Phủ đóng chốt, để từ đó, họ tiến quân đi kiểm soát, thanh lọc. Nếu ông Musk muốn nhánh cây nào trong chính quyền cần phải bẻ gãy, ông ta chỉ cần bơm thuốc độc vào mạch máu của nhánh cây đó là nó phải chết.
Ngay vào ngày Tuyên Thệ Nhậm Chức, cơ quan USDS bắt tay vào làm việc. Quyết định hành pháp đầu tiên của ông Trump là đổi tên cơ quan US Digital Service thành The United States DOGE Service”, vẫn giữ cái tên nguyên thủy của nó một cách gọn gàng. Quyết định Hành Pháp đó cũng nói rõ đơn vị hành chính mới chỉ chịu trách nhiệm báo cáo trực tiếp với Chánh Văn Phòng Bạch Cung mà thôi. Từ đó trở đi, người ta bắt đầu lập ra văn phòng đại diện của cơ quan này bên trong Bộ Ngoại Giao và Bộ Tài Chính. Và cơ quan bắt đầu ra tay khám xét, thẩm định hồ sơ cá nhân của từng nhân viên, đuổi cổ những nhà thầu công tác, và ngăn chặn việc trả tiền cho nhà thầu từng có hợp đồng công tác.
Ông Musk cũng gửi một nhóm công tác đến Cơ Quan Quản Lý Nhân Sự- OPM- Cơ quan này nắm giữ hồ sơ cá nhân của khoảng 2.1 triệu công nhân, địa chỉ email của gần hết tất cả công chức liên bang, và theo dõi tiền đóng bảo hiểm y tế của công chức liên bang, số tiền lên đến $59 tỷ đô la mỗi năm, cũng như số tiền $88 tỷ đô la tiền hưu bổng chi trả cho công chức liên bang. Số tiền dự trù dùng để trả “buyout” cho công chức liên bang đồng ý từ chức được rút ra từ khoản tiền này. (Cả Bộ Hiệu Quả Chính Phủ DOGE, cũng như Bạch Cung từ chối không bình luận về điều này.).
Sau đó, toán công tác của Bộ DOGE cũng tấn công luôn cả chính cơ quan Quản Lý Nhân Sự- OPM. Theo Brian Bjelde, trước đây từng làm Phó Chủ Tịch phụ trách về nhân sự cho công ty Không Gian của ông Musk, họ dự tính sẽ cắt giảm 70% số nhân viên làm việc ở cơ quan OPM. Một số viên chức thâm niên của cơ quan OPM bị cấm không được xem xét tài liệu gốc. Cùng lúc đó, một số viên chức mới được chọn lựa vì lý do chính trị được bổ nhiệm vào làm việc, bất chấp thủ tục cần được kiểm tra về hồ sơ an ninh cá nhân. Hệ thống hồ sơ gốc của cơ quan OPM chứa nhiều thông tin cá nhân của rất nhiều công chức liên bang, chẳng hạn như mức lương, thời gian phục vụ, số An Ninh Xã Hội, ngày sinh, và địa chỉ nhà riêng.
Chỉ vài ngày sau khi nhậm chức, Bạch Cung ra lệnh ngừng tất cả mọi số tiền chi ra của chính phủ liên bang- từ khoản viện trợ nước ngoài đến chương trình y tế công cộng, và tất cả những khoản chi tiêu khác ở giữa. Theo lời giải thích của chính phủ ông Trump thì việc ngưng không chi tiền ra sẽ chấm dứt nếu cơ quan liên hệ biết tuân theo chương trình làm việc của Tổng thống. Đó là phải lùng bắt di dân bất hợp pháp, chấm dứt chương trình nâng đỡ tính chất đa dạng, và ngưng tất cả các loại đầu tư không đồng ý với việc khai thác năng lượng hóa thạch, ảnh hưởng đến môi sinh. Bị thưa kiện ra toà, Bạch Cung phải thu hồi lại quyết định này.
Kế hoạch thu nhỏ guồng máy chính phủ liên bang của ông Musk bị báo chí làm áp lực, nên ngày 4 tháng Hai, ông Trump trả lời trong cuộc phỏng vấn tại Văn Phòng làm việc của ông như sau: “Elon sẽ không làm, hay không thể làm điều gì nếu tôi chưa chấp thuận. Tôi sẽ cho phép ông ta làm khi thấy cần phải làm. Nếu thấy không thích hợp, chúng tôi sẽ không cho phép ông ta làm.”. Sau câu tuyên bố này của ông Trump, nhiều người đoán rằng ông Trump sẽ tìm cách kìm giữ con chó điên đang hung hăng cắn bậy. Nhưng nhiều công chức chính phủ không thể chờ đợi ngày ông Trump kìm giữ được con chó của ông. Vùng Bắc Virginia là nơi cư ngụ của khoảng hơn chục ngàn nhân viên làm việc cho chính phủ liên bang. Họ kéo nhau đến phiên họp “town hall” của tỉnh Leesburg để lên tiếng phản đối, và chửi rủa việc làm của ông Musk. Diễn giả trong buổi họp town hall này là Dân Biểu đảng Dân Chủ Suhas Subramanyan nói: “Tôi nghe rất nhiều mẩu chuyện kinh khủng.” Hàng trăm người đến dự phiên họp town hall sau khi cơ quan USAID bị đóng cửa. Ông Dân biểu này nhận được vô số lời than phiền, và ông buộc các nhân viên trong văn phòng của ông phải ghi chép đầy đủ những lời than phiền này. Đa số đều nói rằng việc làm của Bộ DOGE là trái luật, phi pháp. Vì thế chúng ta sẽ phải điều tra, tìm hiểu cho đúng.
Có vài đơn kiện đệ nạp đã đem lại hiệu quả. Bạch Cung buộc lòng phải làm đúng theo quyết định của tòa án, theo đó, tòa án ngăn chặn dự tính đóng băng hàng ngàn tỷ đô la chi tiêu của chính phủ liên bang. Một chánh án đưa ra phán quyết vào ngày 6 tháng Hai, hoãn lại việc thi hành “buy-out” cho công chức chính phủ liên bang. Nhiều tổ chức nghiệp đoàn cũng nộp đơn kiện Bộ DOGE nhân danh nhân viên làm việc cho chính phủ liên bang. Ngay cả những người trước đây từng ngưỡng mộ ông Elon Musk cũng lên tiếng cảnh cáo rằng ông đã đi quá trớn. Bài xã luận đăng trên báo Wall Street Journal ngày 4 tháng Hai cảnh cáo: “Nhiều đơn kiện đang bay lên như diều, và nhiều tòa án sẽ bẻ gãy kế hoạch của ông Musk trước khi ông hạ cánh an toàn, nếu ông ta không thận trọng.”.
Tại Quốc Hội Hoa Kỳ, cuộc tấn công của ông Musk vào guồng máy hành chính của chính phủ liên bang gây ra trận đấu ác liệt với phe Dân Chủ, có thể quyết định đến tương lai của chính phủ, và họ nêu lên câu hỏi về sự thăng bằng quyền lực của thể chế Tam Quyền Phân Lập. Hôm 3 tháng Hai, Dân biểu Dân Chủ ở Maryland là ông Jamie Raskin nói với đám đông đứng bên ngoài trụ sở USAID, trong lúc người của Bộ DOGE đang đòi vào bên trong cơ quan USAID: “Chúng ta không có ngành thứ tư trong guồng máy chính phủ có tên là Elon Musk.”.
Ông Raskin nói rất đúng. Nhưng nhân viên làm việc cho cơ quan USAID đứng nghe ông nói trên đại lộ Pennsylvania không biết mình có còn việc làm hay không? Không biết tay Musk này nó được trao bao nhiêu quyền hạn? Và liệu hắn ta có thể bẻ cong hai ngành kia của tổ chức chính quyền để buộc họ phải tuân theo ý muốn của hắn hay không? Một bà nhân viên USAID tỏ ý hoài nghi. Bà nói với báo TIME rằng Hiến Pháp cho phép Quốc Hội giữ hầu bao của chính phủ. Nhưng tên Musk này đã dùng quyền lực của mình để tước bỏ cái quyền nắm hầu bao của Quốc Hội.
Bà ta nói thêm: “Những người trong đảng Dân Chủ không thể làm gì được nhiều.”. Bà không cho biết tên của mình vì sợ nhóm công tác của Bộ DOGE biết, và truy ra bà. Địa chỉ email của bà đã bị tháo gỡ và bà không còn có thể làm việc tại bàn giấy của bà đặt trong cơ quan. Giống như hàng ngàn đồng nghiệp của bà, và hàng triệu người Mỹ khác, họ chỉ còn nước đứng đó mà quan sát động thái của Elon Musk, băn khoăn tự hỏi tên này sẽ tung hoành đến mức nào? Và liệu có ai có thể ngăn chặn hắn ta được không?
Nguyễn Minh Tâm dịch theo báo TIME ngày 24/2/2025