Cộng hoà căng thẳng, phe cực hữu không ngăn được Mike Johnson bỏ phiếu viện trợ Ukraine

0
809

(CaliToday) – Phe bảo thủ tại Hạ viện rất tức giận với ông Mike Johnson vì ông đã ủng hộ một đợt viện trợ lớn khác cho Ukraine, nhưng cho đến giờ họ chưa làm gì cụ thể để ngăn chặn Chủ tịch Hạ viện.
Than phiền giận dữ, đe doạ, hay phản đối công khai, nhưng không một ai trong số này sẵn sàng sử dụng thỉnh nguyện bãi chức – một công cụ khả thi để ngăn chặn Johnson.
Các nhà lập pháp cực hữu vào thứ 5 phẫn nộ chống đối sự lãnh đạo của Johnson nói chung, và cách ông giải quyết về Ukraine nói riêng, nhất là khi tin tức cho thấy Johnson sẵn sàng làm suy yếu quy định chỉ cần một nhà lập pháp duy nhất cũng có thể buộc Hạ viện bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với Chủ tịch Hạ viện.
Dân biểu Marjorie Taylor Greene (Cộng hoà – Georgia) thường xuyên chỉ trích Johnson đã đệ thỉnh nguyện bãi nhiệm, vào thứ 5 đi xa đến mức cầm thỉnh nguyện của mình lên sàn Hạ viện trong cuộc bỏ phiếu duy nhất hôm thứ Năm, nhưng cho đến nay bà vẫn từ chối thúc đẩy Hạ viện bỏ phiếu nghị quyết truất phế.

Nhưng bất chấp khởi sự đầy kịch tính, thứ 5 kết thúc cũng giống như khi bắt đầu, với việc Johnson tiến tới thông qua gói dự luật viện trợ nước ngoài với sự ủng hộ mạnh mẽ từ Dân chủ trong một loạt cuộc bỏ phiếu vào thứ Bảy.
Những diễn biến trên là sự phản ánh mới nhất về tình thế tiến thoái lưỡng nan dai dẳng mà Johnson phải đối mặt khi ông tìm cách lèo lái dự luật gây tranh cãi tại một Hạ viện bị chia rẽ, trước sự phản đối dai dẳng từ phe cực hữu hung hãn vốn đã mất niềm tin vào sự sẵn sàng đấu tranh cho các ưu tiên chính sách bảo thủ của ông.
Hết lần này đến lần khác, Chủ tịch Hạ viện đạt được thỏa thuận với Tổng thống Biden vì mục đích ban hành các dự luật nổi bật, làm phe bảo thủ tức giận. Họ muốn Johnson sử dụng thế đa số Hạ viện để bảo đảm những chiến thắng lớn hơn của Cộng hòa.
Những động lực đó là trọng tâm trong các cuộc tranh cãi gần đây về chi tiêu chính phủ liên bang và sự giám sát của chính phủ – hai vấn đề Johnson đã hợp tác với Dân chủ để bảo đảm chúng được thông qua, và trở thành luật. Và căng thẳng gia tăng trong tuần này khi Johnson quyết tâm thúc đẩy một đợt viện trợ nước ngoài khổng lồ khác, với hơn $60,84 tỷ Mỹ kim dành cho Ukraine, $26,38 tỷ Mỹ kim dành cho cho Israel, và $8,12 tỷ cho Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, tổng cộng $95,34 tỷ Mỹ kim, gần bằng gói viện trợ nước ngoài đuọc lưỡng đảng Thượng viện thông qua vào tháng Hai.
Mike Johnson chuẩn bị tổ chức bỏ phiếu dự luật viện trợ cho Ukraine, Israel và Taiwan vốn bị đình trệ lâu nay vào tối thứ Bảy, bất chấp sự phản đối ồn ào của những người theo đường lối cứng rắn nhất đối với ông.
Các nhà lập pháp này sẽ không để bị đánh bại trong yên lặng.
Gần chục thành viên của phe bảo thủ cực hữu tại Hạ viện vào thứ 5 bao vây Johnson sau cuộc bỏ phiếu duy nhất, yêu cầu Chủ tịch Hạ viện chống lại bất cứ thay đổi nào đối với thỉnh nguyện bãi nhiệm – cơ chế được sử dụng để truất phế cựu Chủ tịch Kevin McCarthy (Cộng hoà – California) vào tháng 10 năm ngoái. Và họ đã thành công.
Johnson vào chiều thứ 5 đứng về phía phe cực hữu, thông báo sẽ không tăng ngưỡng thúc đẩy bỏ phiếu bãi nhiệm Chủ tịch Hạ viện. “Gần đây, nhiều thành viên đã khích lệ tôi thông qua quy định mới nâng ngưỡng này. Mặc dù tôi hiểu tầm quan trọng của ý kiến đó, nhưng bất cứ sự thay đổi quy định nào cũng đòi hỏi đa số trong Hạ viện, điều mà chúng tôi không có,” Johnson đăng trên mạng xã hội X. “Chúng tôi sẽ tiếp tục quản trị theo các quy định hiện có.”
Tuy nhiên, sự cân nhắc thay đổi ngưỡng bãi nhiệm Chủ tịch Hạ viện khiến Johnson gặp rắc rối với phe bảo thủ, và càng ngày càng có thêm những người công khai tuyên bố ủng hộ “bứng” Johnson vì lý do này.
Dân biểu Lauren Boebert (Cộng hoà – Colorado) cảnh báo sẽ ủng hộ truất phế Johnson nếu ông tiếp tục thay đổi ngưỡng. Và Dân biểu Matt Gaetz (Cộng hoà – Florida) – người trước đây cho biết phản đối đề nghị bãi nhiệm vì nó có thể dẫn đến một Chủ tịch Dân chủ – cũng chỉ trích những hành động lập pháp gần đây của Johnson, và tuyên bố sẽ làm giống Boebert.
Hương Giang (Tổng hợp)