Cộng hoà công bố báo cáo điều tra chính phủ Biden rút quân Afghanistan, nhắm mục tiêu Harris 

0
1328
(CaliToday) – Báo cáo được Cộng hoà trong Uỷ ban Đối ngoại Hạ viện công bố giữa bối cảnh kỷ niệm 3 năm Mỹ rời Afghanistan chỉ trích Tổng thống Joe Biden rút quân vội vã, bất chấp được đồng minh và các cố vấn cảnh báo, dẫn đến quân nhân Mỹ bị thiệt mạng. 
“Chứng cớ chứng minh quyết định của Tổng thống Biden rút toàn bộ quân Mỹ không dựa trên tình hình an ninh, Thoả thuận Doha, hay lời khuyên từ các cố vấn an ninh cao cấp của ông, hay từ đồng minh chúng ta. Thay vào đó, quyết định này dựa trên quan điểm lâu năm và kiên định của ông rằng Hoa Kỳ không nên ở lại Afghanistan nữa,” báo cáo ghi, ám chỉ đến thỏa thuận của chính quyền Trump về việc rút quân khỏi quốc gia này. 
Báo cáo cáo buộc chính phủ Biden không nhìn thấy dấu hiệu cảnh báo Kabul sẽ nhanh chóng thất thủ, rơi vào tay Taliban, và trì hoãn lập kế hoạch và tiến hành di tản, vì lo sợ hậu quả của việc rút quân như vậy, cũng như tình trạng bất ổn hơn nữa Afghanistan.
Đáp lại, Toà Bạch Ốc cáo buộc Chủ tịch Uỷ ban Michael McCaul (Cộng hoà – Texas) lấp liếm chi tiết cụ thể, và bỏ qua vai trò của chính phủ Trump. “Mọi thứ chúng ta đã thấy và nghe về báo cáo đảng phái mới nhất của Chủ tịch McCaul cho thấy, báo cáo này dựa trên những sự kiện được chọn lọc lấp liếm, những đặc điểm không chính xác, và những thành kiến có từ trước đã gây ảnh hưởng đến cuộc điều tra này ngay từ đầu. Như chúng tôi đã nói nhiều lần, việc chấm dứt cuộc chiến dài nhất của chúng ta là điều đúng đắn cần làm, và quốc gia chúng ta ngày nay mạnh mẽ hơn nhờ vào điều đó,” Phát ngôn nhân Toà Bạch Ốc Sharon Yang ghi trong tuyên bố. “Do thỏa thuận tồi tệ mà cựu Tổng thống Trump đã ký với Taliban về việc rút khỏi Afghanistan vào tháng 5 năm 2021, Tổng thống Biden trên thực tế thừa hưởng thế yếu. Ông có thể hoặc là đẩy mạnh cuộc chiến chống lại Taliban đang ở thế mạnh nhất trong 20 năm, và khiến nhiều quân nhân Mỹ gặp nguy hiểm hơn, hoặc cuối cùng chấm dứt cuộc chiến dài nhất của chúng ta sau hai thập niên, và tiêu tốn hơn $2 nghìn tỉ Mỹ kim. Tổng thống từ chối triển khai một thế hệ người Mỹ khác đến một cuộc chiến lẽ ra phải kết thúc từ lâu.” 
Báo cáo được công bố trước cuộc tranh luận tổng thống đầu tiên giữa Phó Tổng thống Harris và cựu Tổng thống Trump – ứng cử viên từ lâu tìm cách sử dụng Afghanistan làm vấn đề chính trị chống lại đối thủ mới.
Cộng hòa nói chung tìm cách củng cố những lập luận về Afghanistan được Trump dùng chống Harris và Biden, vì cuộc di tản kéo dài 17 ngày khỏi quốc gia này đánh dấu một trong những điểm thấp nhất của chính phủ đương kim Tổng thống.
Giữa cuộc rút quân hỗn loạn, một vụ đánh bom khủng bố xảy ra tại Abbey Gate gần phi trường Kabul xảy ra vào ngày 26 tháng 8 năm 2021,  làm thiệt mạng 13 quân nhân Hoa Kỳ và 170 người Afghanistan.
Đáng nói, mặc dù báo cáo lên án hành động của “chính phủ Biden-Harris” nhưng thì lại không nhắc gì đến vai trò cụ thể của bà Harris trong việc lập kế hoạch hoặc tiến hành  rút quân. 
Lãnh đạo Dân chủ trong Uỷ bang, Dân biểu Gregory Meeks (Dân chủ – New York) tố cáo Cộng hòa chính trị hóa việc rút quân, và bỏ qua những sai lầm của cựu Tổng thống trong việc làm trung gian cho thỏa thuận, cho rằng, những nỗ lực đổ lỗi cho Dân chủ về việc rút quân “đạt tới đỉnh cao” với trọng tâm mới là Harris.
“ Cộng hòa bây giờ tuyên bố bà là kiến trúc sư của cuộc rút quân Mỹ,  mặc dù bà chỉ được nhắc đến 3 lần trong 3.288 trang biên bản phỏng vấn của Ủy ban,” Meeks ghi trong báo cáo của phe thiểu số trong Uỷ ban.  
Báo cáo của Cộng hoà cũng không nhắc đến vai trò của Trump khi còn trong nhiệm kỳ đã thúc đẩy rút quân. Chính phủ Trump làm trung gian cho thỏa thuận rời khỏi Afghanistan, ban đầu đồng ý Hoa Kỳ rút toàn bộ lực lượng của mình vào tháng 5 năm 2021.
Tuy nhiên, báo cáo cho cái nhìn sâu sắc về những cảnh báo mà những người làm việc trong chính phủ  Biden đã đưa ra trước cuộc rút quân vào tháng 8 năm 2021. Một trong những chỉ trích gay gắt nhất trong báo cáo là sự chậm trễ của chính phủ Biden trong việc lập kế hoạch và chính thức khởi động cuộc di tản — còn được gọi là hoạt động di tản phi chiến đấu, NEO. 
Những người được Uỷ ban phỏng vấn nói về sự chia rẽ giữa Ngũ Giác Đài và Bộ Ngoại giao, trong đó quân đội nhấn mạnh khả năng Kabul sẽ sụp đổ trong khi Ngoại giao trì hoãn kế hoạch tiến hành di tản, một phần vì lo ngại những kế hoạch như vậy có thể gây ra thêm hỗn loạn ở quốc gia. 
Hương Giang