Cộng hoà tính thay đổi quy định thỉnh nguyện bãi nhiệm Chủ tịch Hạ viện 

0
1187

(CaliToday) – Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson vào thứ Tự dự báo Hạ viện chắc chắn sẽ thay đổi những quy định liên quan đến thỉnh nguyện bãi nhiệm trong Quốc hội khoá tới.

Johnson đưa ra ý kiến trên tại buổi họp báo trong kỳ nghỉ hàng năm của Cộng hoà Hạ viện diễn ra ở West Virginia, chỉ vài tháng sau khi 8 nhà lập pháp Cộng hoà bỏ phiếu cùng Dân chủ bãi nhiệm cựu Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy cũng bằng biện pháp tương tự. Nhà lập pháp Louisiana cho hay, cá nhân ông không ủng hộ thay đổi thỉnh nguyện bãi nhiệm, nhưng vấn đề này đang được các nhà lập pháp công khai bàn luận.

“Thỉnh nguyện bãi nhiệm là vấn đề được nhiều nhà lập pháp đưa ra và bàn luận. … Tôi nghĩ chắc chắn sẽ có thay đổi. Nhưng như quý vị biết đó, tôi chưa bao giờ ủng hộ chuyện đó, tôi không phải là người biến việc này thành vấn đề quan trọng, vì tôi không nghĩ đó là vấn đề quan trọng hiện nay,” Chủ tịch Hạ viện nói. “Tôi chỉ nghĩ, đó là điều mà nhiều thành viên hai bên công khai bàn đến, và họ mong muốn có thủ tục chính thức một lần nữa trên sàn Hạ viện,” Johnson nói tiếp. “Vì vậy, chúng tôi sẽ xem xét điều đó trong gói quy định Hạ viện trong nội bộ cũng như trong Quốc hội khoá tới.”

Theo quy định hiện nay, chỉ cần một thành viên cũng có thể đưa ra thỉnh nguyện bãi nhiệm Chủ tịch, dẫn đến bỏ phiếu loại nhà lập pháp khỏi vị trí hàng đầu tại Hạ viện.

Trong cuộc chạy đua vào ghế Chủ tịch Hạ viện vào tháng 1 năm ngoái, McCarthy đồng ý ngưỡng 1 nhà lập pháp có thể đệ thỉnh nguyện bãi nhiệm, sau khi phe bảo thủ cực hữu đưa ra yêu cầu này để đổi lấy phiếu ủng hộ của họ. Dưới nhiệm kỳ Chủ tịch Hạ viện của bà Nancy Pelosi (Dân chủ – California), thỉnh nguyện bãi nhiệm chỉ được đưa ra nếu đa số một đảng nào đó ủng hộ.

Tuy nhiên, nhượng bộ đó đánh dấu khởi đầu sự kết thúc vai trò Chủ tịch Hạ viện của McCarthy. Chỉ 9 tháng sau, Dân biểu Matt Gaetz (Cộng hoà – Florida) đưa thỉnh nguyện, dẫn đến cuộc bỏ phiếu bãi nhiệm nhà lập pháp Cộng hoà từ California trên sàn Hạ viện. Kết quả McCarthy bị truất phế khỏi ghế Chủ tịch sau khi 7 nhà lập pháp Cộng hoà khác cùng toàn bộ Dân chủ ủng hộ nỗ lực của Gaetz.

Cuộc bỏ phiếu lịch sử gây ra 3 tuần Cộng hoà hỗn loạn, đóng băng toàn bộ hoạt động lập pháp, và cuối cùng sau 3 ứng cử viên khác thất bại, Johnson được bầu làm ông chủ mới của cây búa Chủ tịch.

Dự đoán được Johnson đưa ra khi Chủ tịch Hạ viện đang phải đối mặt với áp lực từ phe cực hữu liên quan đến việc ông đã giải quyết vấn đề chi tiêu ngân sách như thế nào. Johnson đạt được một số thỏa thuận chi tiêu với Dân chủ, trong đó có một số nghị quyết chi tiêu ngắn hạn, làm tức giận phe bảo thủ thúc đẩy cắt giảm chi tiêu sâu và những chính sách bổ sung gây tranh cãi tức giận.

Và Dân biểu theo thuyết âm mưu Marjorie Taylor Greene (Cộng hoà – Georgia) doạ sẽ đệ thỉnh nguyện bãi nhiệm nếu Johnson đưa vấn đề viện trợ Ukraine lên sàn Hạ viện. Tuy nhiên, phe cứng rắn cho biết họ chưa sẵn sàng bỏ phiếu truất phế Johnson, ít nhất là vào lúc này.

“Tôi chưa bao giờ muốn quyết định làm như vậy. Tôi không muốn đi theo hướng đó với Kevin, hay với Mike. Nhưng đúng như vậy, nó là một công cụ mà chúng tôi sử dụng,” Dân biểu Chip Roy (Cộng hoà -Texas) bày tỏ vào tuần trước.

Việc thay đổi các quy định xung quanh thỉnh nguyện bãi nhiệm được đưa ra bàn luận trong suốt ba tuần Cộng hoà bế tắc sau khi McCarthy truất phế. Một nhóm gồm 45 nhà lập pháp Cộng hòa tại Hạ viện – chiếm hơn 1/5 hội nghị – ký thư kêu gọi thay đổi quy định.

Hương Giang (Theo The Hill)