David Dương – từ xe bus 16 đến đầu tư Việt Nam và điều tra đại bồi thẩm đoàn 

0
5222
FBI agents carry out boxes of evidence from a raid on California Waste Solutions at 1211 Embarcadero in Oakland on June 20th. The city has received a subpoena from a federal grand jury and the city attorney has asked staff to retain relevant documents. Colin Peck/Special to The Chronicle

(CaliToday) – Hai tuần sau những cuộc khám nhà bất ngờ theo trát toà gây rúng động bầu không khí chính trị vùng Vịnh San Francisco, nhà chức trách liên bang vẫn rất kín tiếng về cuộc điều tra liên quan đến bà Thị trưởng Oakland, cũng như ông David Dương và con trai Andrew Dương. 

Tuy nhiên, luật sư thành phố Oakland vào thứ Tư gởi email yêu cầu một số nhân viên thành phố lưu giữ tài liệu liên quan đến bạn trai của Thị trưởng Sheng Thao và công ty của ông David Dương, theo trát đòi đại bồi thẩm đoàn. 

Điều tra đại bồi thẩm đoàn

Trát đòi diễn ra 2 tuần sau khi nhà chức trách liên bang đột kích, khám tư gia bà Thao và Andre Jones, cũng như khám nhà ông David Dương, con trai Andy Dương, trụ sở California Waste Solutions và Hiệp hội Doanh gia Việt Mỹ. 
Email yêu cầu lưu giữ tài liệu làm sáng tỏ những gì nhà chức trách liên bang có thể đang tập trung vào.  Và email này cũng cho thấy một đại đại bồi thẩm đoàn có thể đã được triệu tập để điều tra các cơ sở kinh doanh của ông David Dương và những mối quan hệ với bà Thao. Ngoài Jones và California Waste Solutions, email của luật sư thành phố có nhắc đến Căn cứ quân sự ở Oakland – cơ sở đã ngưng hoạt động nằm trong khu vực Cảng Oakland, và tài liệu hay những trao đổi về một tuyên bố tình  trạng khẩn cấp vô gia cư địa phương. 
Ngoài ra, theo đài ABC7, FBI đang tiến hành điều tra cùng với Thanh tra Bưu điện vào Sở thuế. Như vậy đây là một cuộc điều tra phối hợp. 

Báo chí Mỹ phanh phui những gì?

Truyền thông địa phương trong suốt thời gian vừa qua săn tin, mổ xẻ, điều tra rất nhiều về Thị trưởng Sheng Thao, và hai bố con ông David. Báo Mỹ lôi ra từng khoản đóng góp của gia đình họ Dương đối với các chính trị gia, từ địa phương, tiểu bang, cho đến liên bang. 

David Dương và gia đình trong nhiều thập niên qua đóng góp ngày càng lớn cho các ứng cử viên chính trị liên bang và tiểu bang. Ở California, gia đình họ Dương nghiêng hậu thuẫn về Dân chủ, trong khi chi tiêu chính trị của họ cho liên bang  cân bằng hơn. Vào cuối những năm thập niên 2000, số tiền đóng góp chính trị của gia đình ông David Dương cho các ứng cử viên liên bang đã tăng lên hàng chục ngàn mỗi năm. Dân chủ chiếm phần lớn trong hầu bao của họ, trong đó có  $104.000 Mỹ kim cho Quỹ Obama Victory. Trong những năm gần đây, đóng góp chính trị của gia đình họ Dương đã chuyển sang Cộng hòa. Vào năm 2020, David Dương trao cho Quỹ Trump Victory hơn $250.000 Mỹ kim. Hai năm sau, ông đóng góp $155.000 Mỹ kim cho Uỷ ban hành động chính trị Cộng hòa  tài trợ cho các chiến dịch tranh cử của hàng chục ứng cử viên Cộng hòa vào Hạ viện.

Số liệu công khai cho thấy, doanh nhân gốc Việt đóng góp hơn $2 triệu Mỹ kim cho các ứng cử viên chính trị liên bang. 

Tại California, gia đình ông David Dương đóng góp hàng ngàn Mỹ kim cho một số ứng cử viên Dân chủ hàng đầu, trong đó có Tổng Biện lý Rob Bonta, người đại diện khu vực bầu cử bao trùm Oakland, Alameda và San Leandro trong quốc hội tiểu bang từ năm 2012 đến năm 2021 trước khi trở thành viên chức thực thi pháp luật hàng đầu California. Bonta vào năm 2021 nhận được hàng ngàn Mỹ kim đóng góp từ David và Andy Dương, nhưng Uỷ ban vận động tranh cử của ông dường như đã trả lại phần lớn số tiền. Tuy nhiên, Theo hồ sơ tài chánh tranh cử, Bonta vào năm ngoái nhận $6.100 Mỹ kim từ Andy Dương và $18.200 Mỹ kim từ David Dương cho chiến dịch tái tranh cử năm 2026.

Hàng chục ứng cử viên khác cho quốc hội tiểu bang, thượng viện tiểu bang và thống đốc cũng nhận được đóng góp từ hai bố con ông David Dương, trong đó có bà Kamala Harris, cựu Thống đốc Jerry Brown.  Tổng cộng, họ đã chi khoảng $200.000 Mỹ kim cho các chiến dịch chính trị tiểu bang. 

Báo chí Mỹ cũng phanh phui ra mối quan hệ của Andy Dương với Music cafe – quán bar karaoke nổi tiếng tệ nạn ma tuý, buôn người, và mại dâm. Hồ sơ công cộng cho thấy sự dính líu của cơ sở này và một quản trị tại đây với kế hoạch rửa tiền chính trị của con trai ông David  Dương. 

Theo Uỷ ban Thực hành Chính trị Công bằng của California, Andy tuyển hàng chục người viết check cho chiến dịch tranh cử của các ứng cử viên Hội đồng thành phố Oakland năm 2016 và 2018. Sau đó, anh ta hoàn tiền từ trương mục cá nhân hoặc từ California Waste Solutions. Mỗi ứng cử viên nhận được hàng ngàn đô la, trong đó có Sheng Thao. 

Thị trưởng Thành phố Oakland trong các cuộc phỏng vấn gần đây giữ khoảng cách với hai đồng minh bố con ông David Dương. “Là Thị trưởng, tôi gặp rất nhiều thành viên cộng đồng và chủ thương mại. Tôi chụp hình với họ và tìm hiểu xem liệu họ có thể giúp thành phố. Đó là những gì Thị trưởng làm. Các viên chức dân cử,, tất cả chúng tôi đều làm điều đó,” bà Thao nói, tìm cách né câu hỏi liệu có cân nhắc trả lại tiền đóng góp từ gia đình ông David hay không. 

Báo chí và truyền thông Việt ngữ cũng không kém phần ồn ào về ông David Dương. Trong khi đa phần các bài báo dựa vào thông tin từ báo chí Mỹ, một số bình luận mang tính suy diễn, chỉ trích cá nhân, và giật tít. Những “ân oán” cá nhân của Vua Rác cũng nhân dịp này bùng nổ. 

Lý do David Dương quyết định đầu tư ở Việt Nam 

Sự thành công của David Dương từng một thời được xem là câu chuyện tiêu biểu của những người tị nạn gốc Việt cần cù, siêng năng, nhưng ông vấp phải sự chống đối từ cộng đồng người Mỹ gốc Việt kể từ khi về Việt Nam đầu tư. 

David Dương cười và bảo, không rõ được ai đặt cho biệt hiệu “Vua Rác” hay “ông Hoàng Ve chai,” nhưng ông cám ơn, “cho dù Rác nhưng cũng là Vua,” và “họ thương mến mình nên mới đặt cho mình như vậy.”

“Tại sao anh lại có nghiệp với rác?” 

“Thực sự ngay từ đầu có sự đưa đẩy,” David Dương bắt đầu câu chuyện của mình. 

Khoảng 2 tháng sau khi gia đình 16 người đặt chân tới San Francisco vào năm 1979, bố ông đưa cả nhà đi một vòng ngắm trung tâm thành phố. Bên cạnh những toà nhà chọc trời, họ để ý thấy từng bao rác để đầy bên lề đường chờ xe rác đi thu gom. Họ tò mò mở những bao rác ra xem, thấy bên trong có lon nhôm, giấy, … Ba ông lúc đó nghĩ, nếu có đồ giá trị vậy thì phải có tái chế. 

Đến cuối tuần, những ai trong gia đình không phải đi làm thì lên xe bus, mỗi người đi tuyến khác nhau, với nhiệm vụ ngồi 1 bên nhìn ra cửa sổ, và đi hết một vòng. Ai nhìn thấy chỗ nào có nhiều ve chai, chỗ thu mua, thì về báo. David Dương kể, đến ngày thứ hai, Má ông đã ngồi trên chuyến xe bus số 16, và nghiệp Rác có thể nói bắt đầu từ đây. Trên chuyến xe bus số 16 đó, Má ông đã nhìn thấy rất nhiều xe chở đầy giấy carton đến nhà kho. Và ý tưởng kinh doanh bắt đầu từ đó. 

Cả gia đình lục hết  túi chỉ có $700, không đủ mua chiếc xe tải cũ, và ba ông quyết định lên khu Phố Tàu, tìm đến Hội dòng họ Dương, và được họ đứng ra bảo lãnh mua xe bán tải cũ. Gia đình mỗi ngày cùng nhau trên chiếc xe lái quanh trung tâm thành phố, mở các bao rác ra tìm những thứ  gì có thể bán được, và đem về bãi đậu xe của chung cư. Cuối tuần họ bắt đầu lựa đồ trong đống  rác đó đem bán. Rác đem về càng ngày càng nhiều, gia đình phải mướn thêm 2-3 chỗ, và họ bắt đầu dành dụm. Khoảng 4 năm sau, khi rác đem về quá nhiều lại lựa không kịp, nên họ bắt đầu nghĩ đến chuyện đi kiếm kho bãi. Oakland là địa điểm đầu tiên được nghĩ tới vì chỉ cách San Francisco 1 cây cầu và chi phí rẻ hơn nhiều. Nhà máy đầu tiên được xây cất trên đường 18 ở thành phố Đông Vịnh. Lượm giấy xong, di chuyển về Oakland, lựa ra rồi bán. “Từ đó gầy dựng lên đến ngày hôm nay,” ông David Dương nói. 

“Lúc đó, cách đây mấy chục năm, gia đình mình có hình dung được một đế chế ngày hôm nay không?” 

“Tại lúc bán ba cái giấy carton thì mình cũng có vấp phải một việc, vì ngày thường mình phải đi làm, nên dành đến cuối tuần mới đi bán một lần, bán với số lượng nhiều, một lần như vậy tới 5-6 xe, nên bị bắt chờ, rồi người ta cũng có những hành động coi rẻ khinh thường, đối xử tệ với khách hàng. Lúc đó, ý nghĩ của tôi là một ngày nào đó tôi cũng có hãng như vậy. Tôi lúc đó có suy nghĩ này nhưng không nghĩ mình sẽ làm tới hôm nay,” Tổng Giám đốc California Waste Solution chia sẻ. 

Ban đầu làm để dành dụm, sau đó lập công ty xuất cảng. Ông Dương Tài Thu – ba của ông David Dương – từ Mỹ đi Đài Loan, tìm đến những mối quan hệ bạn hàng trước đây khi ông còn làm chủ công ty giấy nổi tiếng Cogido ở Việt Nam, quen biết rất rộng với các nhà máy giấy vùng Đông Nam Á. Nhưng với quy mô còn nhỏ, gia đình sẽ mất rất nhiều thời gian mới gom đủ 1 container xuất cảng, và họ nghĩ đến việc chỉ cho những người Việt Nam mới qua kiếm thêm tiền bằng cách lượm phế liệu bán cho công ty. Những người mới qua không có tiền mua xe, công ty cho họ mượn tiền mua xe, từ từ tạo ra hệ thống người Việt đi thu gom. 

David nhớ, khoản thời gian năm 1983 – 1985, công ty có khoảng 100 xe bán tải của người Việt đi thu gom phế liệu ở vùng Vịnh  San Francisco. Từ đó, công ty của họ đủ hàng xuất cảng. Cơ may đến “khi mình giúp những người đó, kiếm thêm công việc làm, thêm thu nhập,” David Dương nói tiếp. 

Trên bước đường làm ăn, David Dương rất nhiều lần nhớ đến ba má. Ông bà Dương Tài Thu bị đánh tư sản. Khi nhà cầm quyền Hà Nội giành được Sài Gòn, ông chủ hãng giấy Cogido biết mình khó có thể tiếp tục làm ăn, nên toàn bộ đội xe tải mấy chục chiếc trong công ty, ông đem cho hết. Tài xế nào được xe đó. Trong số này có một người sau này có chút vai vế nhỏ ở địa phương đã trả ơn bằng việc báo cho ba má ông trước khi bị đưa đi kinh tế mới. 

“Tất cả những việc làm được đến ngày hôm nay, tôi học được bài học ‘cho và nhận,’” David Dương trầm tư. “Nhờ công lao của cha mẹ tôi, sẵn sàng hy sinh. 23 người trong gia đình đi trên chiếc ghe đẩy xà lang 16 mét, cha mẹ tôi đã hy sinh cuộc sống, tìm đến nơi có tương lai hơn cho con cái.” 

Chính ông bà Dương đã khuyến khích con trai về đầu tư Việt Nam, ông David Dương tiết lộ. Sau khi Việt Nam mở cửa, ba má ông nhiều lần về thăm thân nhân ở Việt Nam, thấy cuộc sống thực sự của người dân trong nước như thế nào. 

Năm 1989, David Dương cùng nhà lập pháp E. Harris đem 30 bộ hồ sơ ODP chờ đợi 8-10 năm chưa được giải quyết về Việt Nam, khi chính quyền Hà Nội  vừa mới mở cửa quốc gia. “Vì người dân đang đang đói nên họ mới mở cửa, ông có muốn họ khép cửa lại hay không? Hay ông về và cổ võ cộng đồng, để họ không khép lại cánh cửa đó,” Harris nói với David Dương, khiến ông phần nào thức tỉnh. Nhưng Vua Rác vẫn rất ngần ngại vì nghe rất nhiều câu chuyện Việt kiều đem tiền về làm ăn thất bại, bị lấy hết tiền bạc. 

“Ở đây con làm rất tốt công việc này, giúp người ta cải thiện đời sống, không phải mình chỉ làm kiếm tiền, tại sao con nghĩ tới về Việt Nam giúp cho người dân trong nước? Bây giờ trong nước rác lềnh khênh, đi đến đâu cũng thấy rác,” David Dương nhớ ba ông khuyên con. “Con chưa thử thì làm sao con biết. Bây giờ con cứ nghĩ vậy đi, đầu tư tới khoản nào mà nếu mình mất, không có ảnh hưởng gì đến bên này, thì nên đầu tư. Và đầu tư của con không chăm chú vào việc kiếm bao nhiêu tiền, mà con phải làm đàng hoàng, và nghĩ tới mình sẽ giúp đời sống của bao nhiêu người bên đó, để họ được sống sạch sẽ hơn, bớt bệnh hoạn hơn. Đó là cái con nhìn tới, chứ đừng nhìn tới bao nhiêu tiền,” ông Thu nói với con trai trưởng. “Thứ hai nữa là an toàn, đầu tư ở mức nào mà nếu ngày mai họ có lấy hết của con, thì vẫn không ảnh hưởng gì tới bên đây.” 

David Dương suy nghĩ nhiều về lời dạy của ba mẹ. 

Đầu tiên ông gởi chuyên viên về làm khảo sát, từ Hải Phòng và Sài Gòn, để hiểu được người dân bỏ rác như thế nào, địa phương thu gom rác ra sao. Công ty gởi tặng một số hệ thống, và cả chuyên viên về hỗ trợ, nhưng không thấy chính quyền trong nước thực hiện. Đến năm 2003, Hà Nội tổ chức phái đoàn ra nước ngoài kêu gọi đầu tư, trong đó có Mỹ. David Dương về nói chuyện với ba má, hai ông bà vẫn khích lệ con đầu tư theo cách họ chỉ. 

David Dương cũng nghĩ đến việc nếu để các nước khác giành quyền đầu tư, họ chỉ chăm chăm đến lợi nhuận, không đặt lợi ích của người dân lên trên. 

David Dương cũng cân nhắc đến phản ứng của cộng đồng người Việt hải ngoại khi quyết định đầu tư Việt Nam, nhưng ông tin sẽ có ngày người ta sẽ hiểu. Ông tin, cộng đồng ai cũng muốn người dân trong nước hết đói khổ. 

Lợi nhuận công ty của ông ở Việt Nam kiếm được cho đến nay được trích dành cho những chương trình thiện nguyện như mổ mắt, xây trường học, cho vay để người dân đổi đời. Bây nhiêu đó, gia đình ông tin cha mẹ đã mãn nguyện. 

Trong những ngày “dầu sôi lửa bỏng” David Dương cho biết ông vẫn ổn, nhưng tương đối căng thẳng.  

Rất tiếc, tôi không có thời gian và cơ hội để hỏi những chuyện ông liên quan đến cựu Tổng Lãnh sự Mỹ Lê Thành Ân, hay những tranh chấp đang ồn ào cộng đồng người gốc Việt ở đây. Nghe đâu đồng hương mình đang dự tính tổ chức biểu tình, kêu gọi thành phố San Jose cắt hợp đồng làm ăn với CWS. 

“Thuyền to sóng lớn,” tôi tin như vậy. Và tôi cũng tin, mỗi một bước đi của những người cưỡi sóng lớn đều có sự toan tính và cân nhắc. Nếu làm sai và chấp nhận rủi ro, vì bất cứ lý do gì, họ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. “Ông Hoàng Ve chai” David Dương cũng  không ngoại lệ. 

Liên quan đến các vụ khám nhà và điều  tra đại bồi thẩm đoàn, cho đến nay chưa có bất cứ cáo trạng, hay vụ bắt giữ nào diễn ra. Và một người bị buộc tội vẫn vô tội dưới con mắt pháp luật cho đến khi có phán quyết có tội theo thủ tục tố tụng hợp pháp. 

Hương Giang