Đêm nhạc 45 năm Quốc Tế Cứu Thuyền Nhân Việt Nam 20-7-2024 bồi hồi kỷ niệm vượt biển

0
1900

Đồng ca Thuyền Nhân Hành Khúc

Huỳnh Phú Thứ

Tối Thứ Bảy 20-7-2024, tại hội trường nhật báo Người Việt ở Quận Cam, Nam Cali; hàng trăm đồng hương ngồi kín những hàng ghế để thưởng thức dòng nhạc vượt biển thuyền nhân và quê hương của nhạc sĩ Trần Chí Phúc- cũng là người đại diện ban tổ chức Đêm 45 Năm Quốc Tế Cứu Thuyền Nhân Việt Nam.

Nguyên nhân là sau khi Việt Cộng chiếm Miền Nam tự do vào cuối Tháng 4 năm 1975, họ đã cai trị tàn ác khiến cho hàng triệu người dân phải liều chết vượt biển tìm tự do bằng những con thuyền nhỏ bé, chịu đựng sóng to gió lớn và hải tặc cướp giết.

Cả trăm ngàn thuyền nhân đã bỏ mình giữa biển khơi, các trại tị nạn ở Đông Nam Á đông đúc người tị nạn Việt Nam khiến cho Mã Lai và Thái Lan phải xua đuổi thuyền nhân Việt Nam và kéo ghe của họ ra khơi rồi cắt đứt dây kéo. Thảm cảnh của thuyền nhân Việt Nam đã làm lương tâm thế giới xúc động, cho nên một hội nghị quốc tế thuyền nhân đã được tổ chức vào ngày 20-7-1979, tại thủ đô Geneva, Thụy Sĩ với hơn 60 quốc gia tham dự.

Kết quả của hội nghị này là nhiều quốc gia đồng ý nhận định cư thêm người tị nạn Việt Nam bao gồm thuyền nhân và bộ nhân, và nhờ điều này mà gần 1 triệu người tị nạn Việt Nam đã được định cư khắp thế giới. Thuyền nhân là nhân tố chính để tạo nên một cộng đồng gốc Việt Nam tự do vững mạnh ở hải ngoại.

Để tỏ lòng biết ơn của thuyền nhân Việt Nam đối với tấm lòng nhân ái của thế giới, để hâm nóng tinh thần thuyền nhân đang nhạt nhòa theo năm tháng, nhạc sĩ Trần Chí Phúc và bằng hữu đã thực hiện Đêm 30 Năm Quốc Tế Cứu Thuyền Nhân 18-7-2009 tại hí viện Le Petit Trianon, San Jose; Đêm 40 Năm Quốc Tế Cứu Thuyền Nhân 20-7-2019 tại hội trường Việt Báo Quận Cam và bây giờ là Đêm 45 Năm Quốc Tế Cứu Thuyền Nhân 20-7-2024 tại hội trường Người Việt Quận Cam.

Trong lời mở đầu , nhạc sĩ Trần Chí Phúc đại diện ban tổ chức đã nêu lên một thông điệp rằng, cần phải giữ gìn tinh thần thuyền nhân Việt Nam. Tinh thần đó là lòng quả cảm, là sự yêu chuộng tự do dân chủ, là phát huy truyền thống hào hùng của dòng giống Tiên Rồng, của dòng giống Lạc Hồng và mong ước rằng các thế hệ con cháu sẽ tiếp tục giữ gìn truyền thống đó, để tạo nên cộng đồng gốc Việt vững mạnh tại hải ngoại.

Trong đêm nhạc kỷ niệm 45 năm quốc tế cứu thuyền nhân có 4 ca khúc mới. Bài hát Thuyền Nhân Hành Khúc đồng ca với các giọng Đoàn Cẩn, Lâm Dung, Ngọc Quỳnh, Ái Liên, Phong Dinh, Ngọc Diệp, Thy An, Nhàn Nguyễn mở đầu dòng nhạc thuyền nhân vượt biển của Trần Chí Phúc nghe hào hùng bi tráng “ Thuyền vỡ nát hải tặc kia hung hăng. Cả thế giới xót thương thuyền nhân”.

Ca sĩ Như Mai với ca khúc Pulau Bidong Giã Từ tả nỗi buồn của hòn đảo tị nạn ở Mã Lai từng chứa 200 ngàn thuyền nhân trước khi họ đi định cư tại các quốc gia tự do “ Đêm cuối cùng Pulau Bidong, nấu nồi chè tiễn nhau đi, đàn lên tiếng hát, hát những bài ca, một thời yêu thương, kỷ niệm quê hương.”

Tiếng hát Erlinda Dương diễn tả ca khúc Đảo Thương Tị Nạn, nhắc tên các trại tị nạn như “ Pulau Bidong chiều nghe sóng vỗ, đây Galang quần đảo Nam Dương, Palawan người đi vẫn nhớ những tháng ngày tị nạn bơ vơ. Đây Songkla nỗi buồn Thái Lan, đây Hồng Kông với Singapore và bao quần đảo chứa chan ân tình.”

Giọng ca Đào Tâm trong bản Kota Bharu Kỷ Niệm- là tên trại tị nạn ở Mã Lai mà tác giả Trần Chí Phúc  từng tạm trú “Cám ơn Kota Bharu, cám ơn Mã Lai và hàng dừa cao, tiếng gió lao xao, khúc ca lưu vong.”

Ngọc Diệp với hai nhạc phẩm Leamsing Chiều Tị Nạn và Vượt Biển Tình Người “ Bao la tình người thế giới. Yêu thương cuộc đời đổi mới, không quên bao tháng ngày kiếp sống lang thang.”

Phong Dinh song ca bản Mai Em Đi với tác giả Trần Chí Phúc, có lời dễ thương “ Thôi chia tay nhưng em ơi , xin em hãy nhớ rằng nơi đó đâu là quê hương ta hằng thương mến. Đau thương xin em nén khóc, gian nan xin em hãy vững niềm tin yêu, niềm tin Việt Nam.”

Phong Dinh hát thêm ca khúc Mai Mốt Em Về Đâu, là ca khúc có nhiều chuyển cung đặc sắc tả tâm trạng của cô gái ở trại tị nạn “ Mai mốt em về đâu, chạy khắp cùng thế giới, mai mốt em về đâu lang thang khắp địa cầu, hành trang em mang theo, một tình yêu quê hương.”

Đặc biệt ca sĩ Philip Huy trình diễn bản Xác Em Nay Ở Phương Nào đã từng thu hình trong cuốn Video Hành Trình Tìm Tự Do của trung tâm Asia hăm mấy năm trước, là ca khúc vượt biển cảm động nhất và đêm này do chính tác giả Trần Chí Phúc đệm Tây Ban Cầm .

Bên cạnh các bài hát vượt biển, bản Sài Gòn Em Ở Đó- nhạc phẩm hay nhất về Sài Gòn của tác giả do Nam Trân diễn tả ngọt ngào. Bản Sài Gòn Yêu  Mãi do Huy Hoàng trình bày.

Mạnh Quân hát bản Đưa Em Thăm Huế- một ca khúc viết về cố đô của Trần Chí Phúc “ Anh sẽ đưa em về thăm xứ Huế. Ngắm cố đô xưa thành quách rêu phong… Mời em tô bún bò cay, bánh bèo bánh khoái giòn đây, trà sen hương ngát trên môi, và nghe tiếng nói quê hương mà lòng vấn vương.”

Trần Chí Phúc ca bản Chiều Ohio- nơi tác giả từng cư ngụ năm 2018 “ Những chiều Ohio, trời đang nắng bỗng mây kéo về, rồi mưa xuống gió mưa não nề, cả thành phố nhuốm chút mộng mơ. Làm anh nhớ tới những cơn mưa Sài Gòn, những khi ta hẹn hò, ơi Sài Gòn một thuở yêu em.”

Bản đồng ca khép lại chương trình là Cám Ơn Tấm Lòng Thế Giới “ Xin cám ơn tấm lòng thế giới, đã cho tôi một cuộc sống mới, xin cám ơn những người nhân ái, đã cho tôi có một ngày mai..”

Bên cạnh phần ca nhạc là câu chuyện kể vượt biển của thuyền nhân giáo sư Đoàn Ngọc Đa, của thuyền nhân bác sĩ Michael Đào Minh Hưng và công tác tìm kiếm tên họ thuyền nhân mất tích của Ngọc Ân – cựu phát thanh viên đài Little Saigon Radio.

17 ca khúc gồm chủ đề vượt biển và quê hương của nhạc sĩ Trần Chí Phúc trong hơn 2 tiếng đồng hồ đưa những khán giả thuyền nhân trở về kỷ niệm đau buồn năm xưa, có người mắt đẫm lệ.

Nhạc đệm do Lê Sĩ Dự dương cầm, Trúc Linh ghi-ta tạo nên không khí thính phòng âm nhạc. Những giọng ca đặc sắc của cộng đồng trong một buổi sinh hoạt văn nghệ vào cửa miễn phí, là món quà tinh thần dễ thương mà nhạc sĩ Trần Chí Phúc- người được dân biểu Cali Tạ Đức Trí trao bằng tưởng lục về những hoạt động âm nhạc nói về thuyền nhân vượt biển trong mấy chục năm của ông.

Trong đêm 45 năm quốc tế cứu thuyền nhân này, nhạc sĩ  Trần Chí Phúc giới thiệu tập nhạc gồm 12 bản vượt biển mà ông viết từ năm 1979 cho đến 2024, tựa đề là Pulau Bidong Giã Từ, bìa in rất trang nhã. Muốn có tập nhạc, quí vị có thể liên lạc tác giả : nhactranchiphuc@gmail.com.

 

Tưởng niệm thuyền nhân bỏ mình biển cả

Phong Dinh hát Mai Mốt Em Về Đâu

 Philip Huy hát Xác Em Nay Ở Phương Nào- Trần Chí Phúc đàn

Dân biểu Tạ Đức Trí trao bằng tưởng lục nhạc sĩ Trần Chí Phúc

Như Mai hát Pulau Bidong Giã Từ

Ngọc Diệp hát Vượt Biển Tình Người

Mạnh Quân hát Đưa Em Thăm Huế

Nam Trân hát Sài Gòn Em Ở Đó

Đào Tâm hát Kota Bharu Kỷ Niệm

Huy Hoàng hát Sài Gòn Yêu Mãi

Erlinda Dương hát Đảo Thương Tị Nạn