ĐÊM NHẠC HUẾ, NIỀM THƯƠNG MẾN

0
754

Đêm nhạc “Huế, niềm thương mến” đã thành công mỹ mãn. Xin chúc mừng  thầy Nguyễn Hoàng cùng ekip tổ chức của nghệ sĩ Đinh Hoài Xuân! Đêm nhạc diễn ra trong không gian âm nhạc trang trọng, ấm áp, đầy tình thân ái và sâu lắng. Mọi người thật sự ấn tượng về tính chuyên nghiệp của khâu tổ chức: từ tiệc trà, MC Như Nguyệt với giọng thuần Huế, chất lượng của ca sĩ cho đến sự đệm đàn của các nhạc công. Có thể nói đêm nhạc không thể hoàn hảo hơn.

Khó có thể hình dung được một người Thầy dạy toán của một thế hệ rất chuẩn mực, mô phạm mà thầy Nguyễn Hoàng là nổi bật trong số đó,  để rồi đến một ngày bước sang địa hạt âm nhạc và thi ca. Lĩnh vực nào Thầy cũng làm việc nghiêm túc, say mê, làm đâu ra đó. 

Chỉ trong vòng chưa đến 1 năm, 9 ca khúc đã ra đời. Đó là những tình cảm tha thiết đối với quê hương, mà đặc biệt là với Huế; đó là tình yêu thủy chung đối với người bạn đời, là những bâng khuâng, hoài niệm về những người bạn thân thương mà thầy đã gửi gắm qua các ca khúc của mình.

Những ca khúc của Nguyễn Hoàng với những giai điệu tiết tấu rất mới lạ, không lặp lại những người đi trước, có một chút gì đó mang âm hưởng của thính phòng. Thú thật khi mới nghe những giai điệu này tôi không dễ dàng cảm nhận.  Nhưng rồi khi tôi nghe khá nhiều lần, bằng giọng hát trong trẻo, mượt mà, cao vút của các sĩ Thanh Thảo và Hương Diệp, các ca khúc của Nguyễn Hoàng đã đưa chúng ta đến một cõi, mà tôi tạm gọi  là cõi xưa, cõi xưa của Nguyễn Hoàng. 

Cõi xưa của Nguyễn Hoàng là một nơi, ở đó có dáng xưa, làng quê xưa, bến sông xưa, phố xưa, đôi khi có cả mùa xưa và mùi xưa. 

Làng quê xưa của Nguyễn Hoàng cũng rất thân thuộc, cũng có hang cau, những đóa hồng tươi thắm, có dòng sông nước xanh biếc, có tiếng tiêu ban chiều, có giọng hò ru con ầu ơ mỗi sớm hôm. Rồi “dấu xưa còn đó đã hằng in trong cuộc đời. Tình xuân sâu lắng vấn vương nuôi giấc mộng an lành.”

Tôi cứ mường tượng rằng từ làng quê xưa, chàng trai Nguyễn Hoàng đã đến Huế từ tuổi mới bắt đầu trưởng thành. Ngoài những giờ học, thầy đã rong ruổi khắp cả phố phường, tận ngang cùng ngõ hẻm. Mảnh đất này đã gắn bó với thầy cùng với những kỷ niệm cứ vương vấn trong một tâm hồn mộng mơ và rộng mở.  Đó là tình yêu đến tha thiết  mà thầy đã gửi gắm trong bài  Huế,  niềm thương mến: ” Ôi, Huế thương! Dẫu phai nét vàng son, nhưng cốt cách tâm hồn muôn thuở Huế mãi còn đây. Cho mai sau soi lại bóng hình, mảnh tàn y cũng giữ gìn người ơi”.  

Các ca khúc của Nguyễn Hoàng như một hành trình kiếm tìm về một cõi xưa, xưa nhưng không cũ. Xưa về mặt thời gian, xưa cũng có thể bốn hay năm mươi năm và cũng có thể vài ba năm trước. Tất cả các ca khúc Nguyễn Hoàng đều bàng bạc mùa thu. Mùa thu ở Huế trong nhạc của Nguyễn Hoàng rất rõ nét. Nhiều người cho rằng rất khó cảm nhận mùa thu ở Huế: Phùng Tấn Đông thì nói: “Thu rất mỏng thoáng nhẹ qua tà áo”. Trịnh Công Sơn thì nói:  “rồi mùa xuân không về, mùa thu cũng ra đi,…”. Trong khi đó, Nguyễn Hoàng thì thấy rằng “Tơ trời đang kết tủa, bên sông bóng đổ dài. Giọt thu tròn tháng tám, vương vấn sương trắng len”. 

Có lẽ mùa thu là mùa của gợi nhớ, bâng khuâng, lại thôi thúc tác giả tìm một chút gì trong nỗi nhớ về những người bạn thân đã đi xa: “Rừng thu nhớ bạn thân dạo bước. Bên em lòng man mác hoài xưa” (Những ngay thu qua); hay “Đêm thu tiếng nỉ non, côn trùng còn nhớ bạn? Những ngày vui quá vãng, lạnh lùng bước sang đông” (Giọt thu buồn).

Đêm nhạc “Huế, niềm thương mến” đã khép lại nhưng dự vị sẽ còn đọng mãi với thời gian. Hy vọng Thầy có nhiều ca khúc mới trong tương lai. Cám ơn Thầy cùng ekip tổ chức Đinh Hoài Xuân đã tạo ra cho Huế một không gian âm nhạc thật là thi vị và tuyệt vời.

Linh  Cao Huy