Tôi có một thói quen xấu khi đọc sách – luôn bắt đầu bằng cách mở trang cuối và đọc hàng cuối rồi gấp sách lại xem đầu óc mình nghĩ gì. Hôm nay, mở cuốn “Stories from the Edge of The Sea”, cuốn sách dày 216 trang với 14 truyện ngắn của tác giả người Mỹ gốc Việt Andrew Lâm, tôi lẩm nhẩm: “Hãy đứng đến giây phút cuối cùng, và bạn sẽ không bao giờ, không bao giờ phải đứng một mình.“*
“Giây phút cuối cùng”? Không hiểu sao hình ảnh Việt Nam những ngày cuối tháng Tư, 1975 hiện về. Dẫu chỉ là một đứa bé con 6 tuổi vào thời điểm này, nhưng lớn lên và sống với những hệ lụy lịch sử kéo dài từ cái ngày định mệnh đó, ngay trên mảnh đất quê hương bị đánh mất, những mảng đời, những câu chuyện, những ám ảnh, những mất mát luôn là những gì mà chính tôi, bạn bè tôi, gia đình tôi, quê hương, dân tộc tôi, vẫn gồng mình hứng chịu… dẫu nửa thế kỷ đã trôi qua.
Tôi hiểu mình sẽ bắt đầu đọc cuốn sách này bằng một sự “khó ở” trong lòng của một độc giả người Việt sống xa quê hương, trong tâm trạng u uẩn của thời điểm 50 năm nhìn lại.
oOo

Tháng Tư, 2025 đánh dấu 50 năm ngày cộng đồng người Việt tại Mỹ được hình thành từ biến cố lịch sử 30 tháng 4, 1975. Trong năm thập kỷ qua, văn chương lưu vong Việt Nam đã ghi lại từng giai đoạn của hành trình này: từ những câu chuyện về vượt biên, trại tị nạn, sự thích nghi khó khăn, cho đến các thế hệ nối tiếp bắt đầu tự định hình bản sắc trong xã hội Mỹ. Trong dòng văn học này, Andrew Lam là một trong những ngòi bút nổi bật, không chỉ vì lối viết ám ảnh, lôi cuốn và trữ tình, mà còn vì Anh là một trong những nhà văn đầu tiên của thế hệ sau 1975 dùng tiếng Anh kể câu chuyện Việt.
“Stories from the Edge of Sea”**, hay tạm dịch là “Chuyện Bên Rìa của Biển”, là tuyển tập truyện ngắn sắp ra mắt của tác giả, do nhà xuất bản Red Hen Press phát hành, sách sẽ đến tay độc giả qua các trang mạng vào cuối tháng Ba, trước khi bước vào tháng đánh dấu 50 Năm kể từ biến cố tháng Tư, 1975.
Như chính tựa đề, “Stories from the Edge of the Sea” là những câu chuyện của từng cá nhân, gia đình, những nhân vật mà biến cố tháng Tư 1975 đã đẩy họ ra khỏi quê hương, đặt một đại dương tối đen vào lòng cuộc đời họ – và giữa những con sóng phủ lấp là những nỗ lực hàn gắn vết thương, những cố gắng không ngưng nghỉ tìm một thế đứng trụ lại, trên đổ nát và tan vỡ là tình yêu và khao khát, hy vọng và xây dựng một cuộc đời đổi mới, nền móng cho một cộng đồng người Mỹ gốc Việt lớn mạnh ở Hoa Kỳ.
Nếu đã đọc qua các tác phẩm của những nhà văn người Mỹ gốc Việt tại hải ngoại như Viet Thanh Nguyen, Lan Cao, Nguyen Quy Duc, lê thi diem thuy… người ta nhận ra một điểm chung từ các chủ đề Andrew Lâm khai thác: di cư, mất mát, sự giằng xé giữa hai nền văn hóa, và những bóng ma của quá khứ.
Stories from the Edge of the Sea là cánh tay nối dài mở rộng thế giới mà Andrew Lâm đã dựng lên trong những tác phẩm trước của anh: một thế giới đầy ám ảnh, những ký ức đứt gãy, những ray rứt về một nỗi hoài vọng một thứ gì đó đã mất. Có một vẻ đẹp đau đớn trong cách Anh viết. Anh không kể chuyện theo trình tự, mà trôi theo dòng ký ức, đan xen giữa quá khứ và hiện tại, giữa thực hư. Đọc Andrew Lâm, ta có cảm giác như đang nhìn thấy một bức tranh bị rạn nứt, nhưng mỗi vết rạn lại phản chiếu một thứ ánh sáng rất riêng.
Với lời bạt: “Tặng cháu, Amy Lâm, người đã ra đi quá sớm, nhưng luôn để lại cho gia đình yêu thương trọn vẹn”, câu chuyện thứ nhất: “She in a Dance of Frenzy” (Cô Gái Trong Điệu Nhảy Loạn Cuồng) –mở đầu tập truyện ngắn Stories from the Edge of the Sea như một lời nguyền của cái đẹp, bằng hình ảnh mạnh mẽ của một cô gái ‘tomboy’ lớn lên giữa thế giới của đàn ông, ngổ ngáo, ngang tàng, nhưng rồi một ngày trở thành một người phụ nữ đẹp đến mức chính vẻ đẹp ấy biến cô thành một kẻ bị ruồng bỏ.
Lạc lõng, mất mát, cô đơn, cô lao vào thế giới của tình yêu, của xác thịt, nhưng không bao giờ cảm thấy hạnh phúc. Cô trở thành một vũ công, không phải vì tiền mà vì một sự trống rỗng không thể lấp đầy. Cái kết của truyện là một hình ảnh ngược về ký ức: khi đứng trước gương, cô không còn nhìn thấy mình mà thấy một đứa bé thoi thóp trên chiếc thuyền tị nạn, đang được người cha rót sữa vào miệng. Ký ức tưởng đã chôn vùi trỗi dậy, và cô nhận ra rằng thứ mình khao khát không phải là sự tự do, cũng không phải là sự công nhận, mà là một khoảnh khắc của tình cha con, của ý nghĩa sự sống—khoảnh khắc người cha đã cứu cô khỏi cái chết trên biển.
Biển, trong văn chương của Andrew Lam, luôn là một biểu tượng lớn, là một nơi vừa ám ảnh vừa cứu rỗi. Biển không chỉ đơn thuần là một không gian địa lý, mà là một dòng chảy ký ức, nơi những nhân vật của anh không ngừng bị cuốn về quá khứ, nơi họ đã đánh mất điều gì đó không thể lấy lại.
Trong “Swimming from the Mekong Delta” (Bơi từ Dòng Mekong Delta), hình ảnh biển gắn liền với sự sinh tồn và mất mát. Nhân vật chính, một người tị nạn vượt biển, đến được bến bờ tự do nhưng mang trên vai những ký ức không chỉ của riêng mình mà của những người đã chết dọc theo cuộc hành trình. Đọc truyện này trong bối cảnh 50 năm nhìn lại, người đọc không thể không ngậm ngùi liên tưởng đến hàng trăm nghìn người Việt đã bỏ mạng trên biển Đông—những linh hồn chưa bao giờ có mộ phần, chỉ tồn tại trong ký ức của những người sống sót.
Trong một truyện đầy chất thơ khác, “This Isle Is Full of Noises” (Hòn Đảo Đầy Nhiễu Âm), biển là nơi nhân vật chính bị mắc kẹt—một hòn đảo nhỏ giống như trại tị nạn, nơi quá khứ và hiện tại trộn lẫn, nơi nỗi sợ hãi không bao giờ biến mất dù nhân vật đã đặt chân đến miền đất giải thoát. Cảm giác lạc lõng, không thuộc về bất cứ nơi đâu là một chủ đề xuyên suốt trong văn chương của Andrew Lâm. Điều này phản ánh chính cuộc đời tác giả: một người lớn lên giữa hai thế giới—một Việt Nam chỉ còn trong ký ức và một nước Mỹ không hoàn toàn của mình.
Như các tác giả cùng thế hệ với Anh, Andrew Lâm sinh năm 1964 tại miền Nam Việt Nam trong một gia đình có địa vị, Anh ra đi ngay sau khi Sài Gòn sụp đổ, ở tuổi 11, lớn lên ở Hoa Kỳ. Cha Anh, tướng Lâm Quang Thi, là một nhân vật quan trọng trong quân lực Việt Nam Cộng Hòa—một vị tướng từng tham chiến ở những trận chiến ác liệt và sau này trở thành tác giả của nhiều hồi ký quân sự quan trọng. Nếu cha Anh là người chứng kiến cuộc chiến từ hàng ngũ của những người cầm súng, thì Andrew Lam lại là người ghi chép cuộc chiến từ góc nhìn của thế hệ sau: thế hệ của những đứa trẻ phải rời bỏ quê hương, trưởng thành trên đất Mỹ, và vật lộn với ký ức không phải do chính mình trải nghiệm nhưng lại không thể thoát khỏi ảnh hưởng của nó.
Viết trong bối cảnh 50 năm sau ngày Sài Gòn sụp đổ, Stories from the Edge of The Sea vận trong những trang sách sự tiếp nối của một di sản gia đình. Không giống như những tác phẩm hồi ký hoặc lịch sử của cha ông, Andrew Lam chọn một cách diễn đạt khác: không tái hiện những trận đánh hay bom đạn, mà khắc họa những vết thương; không tập trung vào những chiến lược quân sự, mà hướng về những tâm hồn lưu vong. Đọc Andrew Lâm người đọc có cảm tưởng như đang nghe một cuộc đối thoại với lịch sử—một cuộc đối thoại giữa thế hệ cha anh và thế hệ những người con sinh ra từ cuộc chiến nhưng lớn lên trong một thế giới hoàn toàn khác.
Stories from the Edge of The Sea không chỉ đánh dấu hành trình 50 năm của người Việt tại Mỹ, mà phác họa những vết cắt rất riêng về con người, ký ức, và nỗi ám ảnh của người Việt lưu vong. Mỗi câu chuyện là một cuộc đối thoại không ngừng giữa giữa quá khứ và hiện tại, giữa những người đã chết và những người còn sống. Đọc Andrew Lâm, ta không chỉ thấy những cá nhân vật lộn với căn tính và di sản, mà thấy bóng dáng lịch sử của cả một cộng đồng đã cố gắng sống và vươn lên, như cây xanh mọc rễ vươn cao tươi tốt trên vùng đất mới, dù bên dưới chôn kín những vết thương không bao giờ lành. Mỗi câu chuyện là một tầng ký ức, một cách nhìn khác nhau về cuộc đời, ở mỗi không gian khác.
Với “Agape at the Guggenheim”,người đọckhông còn thấy những ký ức vượt biên, không còn nghe âm hưởng chiến tranh, mà là một tình cảnh hiện thời, tình cờ diễn ra tại bảo tàng Guggenheim. Nhân vật chính—một người đàn ông gốc Việt, đi xem triển lãm nghệ thuật Trung Hoa cổ xưa, nhưng lại bị thu hút bởi một chàng trai xa lạ mà anh ta chỉ nhìn thấy thoáng qua. Một ánh mắt, một cử chỉ, một sự quyến rũ mơ hồ kéo anh ta vào một cuộc rượt đuổi. Nhưng cuối cùng, thay vì đến gần người ấy, anh ta lại dừng lại trước một tượng Phật và bắt đầu cầu nguyện. Sử dụng bút pháp hiện đại pha trộn giữa hài hước và tư duy, Andrew Lâm vẽ ra bức tranh chồng chéo, giằng xé giữa hai thế giới: giữa những khao khát dục vọng rất đời thường và những gốc rễ tâm linh đã bị lãng quên, đặt ra câu hỏi về tình yêu và sự trống rỗng: liệu anh ta đang thực sự khao khát một con người, hay chỉ là hình bóng của một điều gì đó đã mất? Và đây cũng là điểm mạnh của tác giả, với lối viết khéo léo, tự nhiên, tài tình, Anh đã biến một khoảnh khắc tình cờ trong bảo tàng thành một cuộc hành trình nội tâm đầy ám ảnh.
Không gian, thời gian của “Stories from the Edge of The Sea” hoàn toàn không giới hạn, đọc “Voices from the Cliff” (Tiếng Vọng Từ Vách Đá), độc giả có thể theo chân một nhà thám hiểm gốc Việt leo lên đỉnh một ngọn núi ở Bắc Cực, và từ đó cùng nhân vật chính trở về theo tiếng vọng của quá khứ – từ thời thơ ấu ở Việt Nam đến cuộc sống hiện tại ở Mỹ.
Những câu chuyện trong Stories from the Edge of Sea vừa là những mảng đời thích nghi, khám phá cuộc sống mới, vừa là những mảnh vỡ giằng xé với quá khứ, những nỗ lực, chọn lựa để kết nối với những gì đã mất. Andrew Lam không kể một câu chuyện có mở đầu và kết thúc rõ ràng, mà tạo ra những lát cắt nhỏ của cuộc đời—nơi mỗi nhân vật đều đang lang thang tìm kiếm một điều gì đó: tình yêu, sự công nhận, ký ức, hoặc chỉ đơn giản là một khoảnh khắc để hiểu chính mình, để hiểu cách chúng ta sống và tồn tại trong thời đại này.
Nếu văn chương của thế hệ trước – thế hệ nhân chứng trực tiếp của cuộc chiến như Nguyễn Mộng Giác với Mùa Biển Động, Nhật Tiến với Một Thời Đang Qua tập trung vào việc ghi lại lịch sử và phản ảnh bi kịch của dân tộc, thì văn chương của thế hệ của Andrew Lâm – thế hệ nhân chứng gián tiếp, lại ghi chép từ một góc nhìn hoàn toàn khác: đào sâu vào những vết thương chưa bao giờ lành, và để lịch sử tự nó len lỏi vào từng nhân vật, từng mảng ký ức.
Nếu 50 năm trước, người Việt đến Mỹ với hai bàn tay trắng, thì nay họ đã trở thành một trong những cộng đồng thiểu số thành công nhất tại Hoa Kỳ. Nhưng thành công đó có xóa nhòa được những ký ức quá khứ không? Andrew Lam không đưa ra câu trả lời, nhưng qua từng câu chuyện, Anh dường như muốn nói rằng có những vết thương không bao giờ biến mất—chúng chỉ lặng lẽ chảy ngầm bên dưới cuộc sống mới.
Tác giả khép tuyển tập này lại bằng cách mở ra một niềm tin lạc quan vào sự tốt đẹp của bản chất con người và cuộc đời – bằng câu chuyện cuối cùng, bài điếu văn Anh viết cho Mẹ: “Cây của Sự Sống”. Hình ảnh kiên cường và lòng yêu thương vô bờ của người mẹ của chính tác giả qua những biến cố thăng trầm của lịch sử dân tộc Việt, là biểu tượng cho sức mạnh, lòng bao dung, bác ái, tình yêu, hy vọng, là nguồn cội soi đường đưa những linh hồn lưu vong lạc lối trở về với khải hoàn:
“Và khi tôi sắp xếp lại tất cả những hình ảnh trải dài qua từng năm tháng buồn vui đời người, tôi thề với bạn, tôi như đang nghe thấy tiếng cười hạnh phúc của mẹ tôi vang lên, rộn ràng và vang vọng – bởi vì mẹ biết rằng mẹ đã chiến thắng.”* (Andrew Lam, trích Tree of Life)
Nina Hòa Bình Lê
*Sách viết tiếng Anh, những câu trích trong câu truyện cuối bằng tiếng Việt theo bản dịch tiếng Việt của Võ Hương Quỳnh – đăng trên trang Da Màu.
** Độc giả có thể đặt sách trước tại: https://indiepubs.com/products/stories-from-the-edge-of-the-sea/
Giá sách: $17.95.
– Mời đọc “She in a Dance of Frenzy”– được nhà văn Trịnh Y Thư dịch sang tiếng Việt, đăng trên cùng số báo Việt Báo hôm nay trong mục Văn Học: “Cô Gái Trong Điệu Nhảy Loạn Cuồng”.