BOSTON (AP) — Đại học Harvard tuyên bố vào thứ Hai rằng họ sẽ không chấp nhận danh sách yêu cầu từ chính quyền Trump trong khuôn khổ chiến dịch chống chủ nghĩa bài Do Thái, bất chấp nguy cơ mất gần 9 tỷ USD tài trợ liên bang.
Trong bức thư gửi Harvard vào thứ Sáu, chính quyền Trump đã đưa ra một loạt yêu cầu cải tổ sâu rộng, bao gồm việc áp dụng chính sách tuyển sinh và tuyển dụng “dựa trên năng lực”, đồng thời thực hiện đánh giá quan điểm của sinh viên, giảng viên và lãnh đạo nhà trường về vấn đề đa dạng văn hóa.
Bản cập nhật mới của bức thư cũng yêu cầu cấm đeo khẩu trang — một động thái dường như nhắm đến những người biểu tình ủng hộ Palestine — và đình chỉ những sinh viên tham gia chiếm đóng các tòa nhà trong khuôn viên trường trong các cuộc biểu tình.
Ngoài ra, chính quyền yêu cầu Harvard không công nhận hay tài trợ cho bất kỳ nhóm sinh viên hoặc câu lạc bộ nào “ủng hộ hoặc cổ xúy các hành vi phạm pháp, bạo lực trái phép hoặc quấy rối bất hợp pháp”, đồng thời cải tổ quy trình tuyển sinh để loại trừ những sinh viên quốc tế “có tư tưởng thù địch với giá trị cốt lõi của nước Mỹ” hoặc “ủng hộ khủng bố hay chủ nghĩa bài Do Thái.”
Hiệu trưởng Harvard, ông Alan Garber, trong thư gửi cộng đồng trường vào thứ Hai, khẳng định rằng các yêu cầu trên vi phạm quyền tự do ngôn luận theo Tu chính án thứ nhất và vượt quá thẩm quyền pháp lý mà chính phủ được quy định theo Điều VI, luật cấm phân biệt đối xử trong giáo dục dựa trên chủng tộc, màu da hoặc nguồn gốc quốc gia.

“Không chính phủ nào — dù do đảng nào lãnh đạo — có quyền kiểm soát nội dung giảng dạy, quyết định ai được tuyển sinh hoặc tuyển dụng, hay can thiệp vào định hướng học thuật của một trường đại học tư nhân,” ông Garber viết, đồng thời nhấn mạnh rằng Harvard đã thực hiện nhiều bước cải cách để đối phó với chủ nghĩa bài Do Thái.
“Không thể đạt được những mục tiêu đó bằng cách lạm dụng quyền lực, tách rời khỏi pháp luật, để kiểm soát việc giảng dạy và học tập tại Harvard, cũng như áp đặt cách vận hành của trường,” ông nói. “Trách nhiệm khắc phục thiếu sót, thực hiện cam kết và giữ vững giá trị thuộc về chính chúng tôi, với tư cách là một cộng đồng.”
Bộ Giáo dục Hoa Kỳ từ chối đưa ra bình luận khi được yêu cầu.
Lãnh đạo phe Dân chủ tại Thượng viện, Chuck Schumer, ủng hộ quyết định của Harvard, nói rằng nhà trường đã đúng khi từ chối tuân thủ.
“Chính quyền Trump đang đưa ra những yêu cầu chưa từng có nhằm phá hoại, thậm chí là làm suy yếu các thể chế giáo dục trọng yếu,” ông phát biểu. “Dù các trường đại học cần làm nhiều hơn để đối phó với chủ nghĩa bài Do Thái, chính phủ không nên lợi dụng điều đó để thực hiện các cuộc tấn công ngoài pháp lý và đầy động cơ chính trị.”
Trái ngược với đó, Dân biểu Elise Stefanik, một cựu sinh viên Harvard và là thành viên Đảng Cộng hòa tại New York, người từng chất vấn các hiệu trưởng đại học về vấn đề bài Do Thái, đã kêu gọi cắt toàn bộ tài trợ cho Harvard. “Harvard giờ đây là hiện thân cho sự suy đồi đạo đức và học thuật trong giáo dục bậc cao,” bà tuyên bố.
Những yêu cầu mà chính quyền Trump đưa ra đối với Harvard là một phần trong chiến lược rộng lớn hơn nhằm sử dụng nguồn tài trợ liên bang như một công cụ gây sức ép, buộc các trường đại học danh tiếng phải tuân theo chương trình nghị sự chính trị của ông và thay đổi các chính sách điều hành trong khuôn viên trường. Chính quyền cũng cáo buộc rằng trong các cuộc biểu tình phản đối chiến tranh Israel–Gaza vào năm ngoái, nhiều trường đại học đã phớt lờ hoặc không xử lý thích đáng các hành vi mang tính bài Do Thái — tuy nhiên, các trường bị nêu tên đã bác bỏ cáo buộc này.

Harvard là một trong số nhiều trường đại học thuộc nhóm Ivy League bị chính quyền Trump đưa vào tầm ngắm. Trước đó, chính quyền đã tạm dừng cấp ngân sách liên bang cho các trường như Đại học Pennsylvania, Brown và Princeton nhằm gây áp lực buộc họ phải chấp nhận các yêu cầu của chính phủ. Nội dung bức thư gửi Harvard cũng tương tự như bức thư đã được gửi đến Đại học Columbia — lá thư từng khiến Columbia buộc phải thay đổi chính sách vì lo ngại bị cắt hàng tỷ đô la tài trợ.
Đáp lại, một nhóm cựu sinh viên đã gửi thư đến ban lãnh đạo Harvard, kêu gọi nhà trường mạnh mẽ phản đối và kiên quyết không chấp nhận những yêu cầu trái pháp luật từ chính quyền, vì những yêu cầu này đe dọa đến quyền tự chủ của trường cũng như làm suy yếu nền tảng tự do học thuật của trường.
Anurima Bhargava, một trong những cựu sinh viên ký tên, chia sẻ: “Harvard hôm nay đã đứng lên bảo vệ sự chính trực, giá trị và tự do — những nền tảng của giáo dục đại học. Trường đã nhắc thế giới rằng học tập, đổi mới và phát triển không thể khuất phục sự cưỡng ép và chủ nghĩa độc đoán.”
Vụ việc cũng châm ngòi cho các cuộc biểu tình cuối tuần qua, với sự tham gia của sinh viên Harvard, người dân Cambridge, và kéo theo một vụ kiện do Hiệp hội Giáo sư Đại học Hoa Kỳ (AAUP) đệ trình vào thứ Sáu để phản đối việc cắt giảm tài trợ.
Trong đơn kiện, các nguyên đơn cho rằng chính quyền Trump đã không tuân thủ các quy trình pháp lý bắt buộc theo Điều VI trước khi cắt giảm tài trợ. Cụ thể, chính quyền đã không thực hiện các bước cần thiết, bao gồm việc xác minh rằng Harvard không tuân thủ luật và không thông báo chính thức về việc cắt tài trợ cả cho trường và Quốc hội như yêu cầu của pháp luật.