(CaliToday) – Lời đe của Tổng thống đắc cử Donald Trump sẽ đánh thuế sâu rộng hàng hoá nhập cảng từ Canada và Mexico, cũng như tăng thuế hàng hoá từ Trung Quốc, nếu trở thành hiện thực, chắc chắn sẽ làm tăng giá những mặt hàng thiết yếu như thịt, trái cây, và rau quả, bên cạnh xe hơi, quần áo và dầu thô, vốn chiếm phần lớn trong chi tiêu gia đình.
Tác động tiêu cực đối với người tiêu dùng có thể rất lớn vào lúc khi người dân vốn đã quay cuồng sau nhiều năm giá cả tăng cao. Mặc dù lạm phát gần đây đã giảm gần xuống mức bình thường, nhưng tình trạng tăng giá sau đại dịch đã đẩy chi phí xe mới, hàng hoá thiết yếu, tiện ích và nhà ở tăng ít nhất 20% trong 4 năm, vượt xa mức tăng lương trong cùng giai đoạn. Bất mãn với lạm phát làm quan điểm của người dân về nền kinh tế trở nên chua chát, và đóng vai trò quan trọng giúp Donald Trump tái đắc cử.
“Điểm nổi bật lớn nhất của cuộc bầu cử này là Trump thắng vì mọi người thực sự ghét lạm phát,” kinh tế gia Alex Durante tại tổ chức tư vấn thiên hữu Tax Foundation cho biết, họ ghét nhìn thấy giá cả tăng. Tuy nhiên, Durante cho rằng, các chính sách do Trump đề nghị có thể nhanh chóng khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn. “Thuế khiến mọi thứ trở nên đắt đỏ hơn. Chúng thu hẹp nền kinh tế, và khiến người dân nghèo hơn”.
Trong khi đó, toán chuyển quyền của Tổng thống đắc cử bác bỏ ý kiến cho rằng, thuế quan sẽ làm lạm phát lan rộng. Ngay cả khi một số giá cả tăng đi nữa thì những gia tăng đó cũng sẽ được bù đắp bằng nhu cầu thấp hơn ở đâu đó, Bộ trưởng Ngân khố tương lai Scott Bessent bày tỏ quan điểm trong một cuộc phỏng vấn truyền thanh gần đây. “Đánh thuế không thể gây lạm phát vì nếu giá của một thứ tăng lên, trừ khi đưa cho người ta nhiều tiền hơn, thì họ sẽ có ít tiền hơn để chi cho thứ khác, do đó không có lạm phát,” Bessent nói với Larry Kudlow vào thứ Bảy. “Lạm phát diễn ra bằng việc cho thêm tiền, hoặc tăng chi tiêu của chính phủ, và đó là những gì đã xảy ra dưới thời Biden.”
Phát ngôn nhân ban chuyển quyền của ông Trump, Karoline Leavitt, tuyên bố chính phủ kế nhiệm sẽ không đẩy giá cả lên. “Trong nhiệm kỳ đầu tiên, Tổng thống Trump đã đánh thuế nhập cảng đối với Trung Quốc để tạo việc làm, thúc đẩy đầu tư, và không dẫn đến lạm phát,” Leavitt nói, đồng thời hứa hẹn “lạm phát thấp hơn” trong nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống đắc cử.
Tuy nhiên, Philip Cole – đồng sở hữu Bisou Tea ở Toronto – tỏ ra bất ngờ trước đe doạ của Trump sẽ đánh thuế 25% đối với hàng hoá nhập cảng từ Canada. Cole hiện cảm thấy “bất an và chuẩn bị cho điều tồi tệ nhất,” điều đó có nghĩa là tìm cách làm giảm nhẹ tình trạng tăng giá đột ngột đối với các nhà bán lẻ trên khắp Hoa Kỳ hiện đang bán sản phẩm của họ.
“Chúng tôi sẽ tìm cách giảm phần nào chi phí, nhưng 25% là con số rất lớn,” Cole nói. “Điều này sẽ lan rộng, và đồng nghĩa với giá cả cao hơon đối với mọi người. Không có ai thắng ở đây.”
Về lâu về dài, Cole đang cân nhắc chuyển trọng tâm kinh doanh sang Châu Âu và Anh quốc với hy vọng triển vọng kinh doanh sẽ ổn định hơn, mặc dù thị trường Mỹ chiếm gần một nửa doanh thu hàng năm của anh “Thật bất ngờ khi đồng minh và đối tác thương mại thân cận nhất của chúng ta lại đi theo hướng có sức tàn phá lớn đối với cả hai nền kinh tế,” Cole nói tiếp.
Các ngân hàng Phố Wall và các ngân hàng khác bắt đầu điều chỉnh lại dự báo kinh tế sau thông báo của Trump. Deutsche Bank ước tính lạm phát hiện ở mức 2,8% có thể tăng lên tới 3,9% vào năm tới, nếu thuế mới trở thành hiện thực, tăng so với ước tính ban đầu khoảng 2,5%. Kinh tế gia của của ngân hàng này lưu ý, “các mục tiêu chính sách kinh của Trump có thể xung đột với nhau.”
Trong khi đó, Tax Foundation ước tính mức thuế mới sẽ giảm 0,4% tổng sản lượng hàng hóa nội địa Mỹ, và khiến gần 345.000 người lao động mất công ăn việc làm.
Mexico và Canada – quốc gia bị Trump đổ lỗi đã góp phần làm dòng ma túy và di dân bất hợp pháp vào Mỹ – phần lớn được miễn thuế trong thỏa thuận thương mại được chính phủ nhiệm kỳ đầu của ông Trump thương lượng. Điều đó khiến họ trở thành nơi được các tập đoàn kinh tế lớn đầu tư sản xuất và những hoạt động khác. Các công ty như Whirlpool, Honeywell Aerospace và General Motors đã chi hàng triệu Mỹ kim để mở rộng dây chuyền sản xuất ở Mexico kể từ sau đại dịch. Trong khi đó, Canada là nguồn cung cấp 99% khí thiên nhiên cho Mỹ.
“Tôi không nghĩ hầu hết mọi người nhận ra tầm quan trọng của thương mại kinh tế với Mexico,” Alan Russell – Giám đốc Tập đoàn Tecma chuyên hỗ trợ các công ty thành lập và đi vào hoạt động ở Mexico – nói. “Máy cắt cỏ, thiết bị nhà bếp, xe hơi chúng ta – không điều gì trong số đó có thể xảy ra nếu không có Mexico.”
Nếu thuế mới diễn ra, chủ tiệm bán quần áo ở Winona, Minnesota, Heather Peterson lo lắng sẽ khó tiếp tục kinh doanh. Gần như mọi thứ trong tiệm, từ mũ lưỡi trai giá $16 đô đến quần jean giá $78 đô – đều được sản xuất tại Trung Quốc, và việc phải tăng giá, dù chỉ một chút, sẽ khiến các mặt hàng nằm ngoài tầm tay người lao động ở đó.
Ở Alabama, Eric Bauer đang chuẩn bị tăng giá những chiếc nón rộng vành được bán với giá từ $17 đến $50 đô tại các trung tâm du lịch và tiệm kim khí. Ông chủ của Turner Hat Co. cho đến thứ Hai vẫn đang dự tính chuyển nhiều hoạt động sản xuất hơn từ Trung Quốc sang Mexico để tránh thuế và giảm thời gian vận chuyển. Giờ đây, khi Mexico cũng nằm trong tầm ngắm thuế, ông đang tính tới kế hoạch khác và đã trao đổi với các nhà cung cấp ở Bangladesh, Campuchia và Việt Nam. Tuy nhiên, thay đổi sản xuất quy mô lớn sẽ mất nhiều tháng.
Đối với một số người tiêu dùng, sự bất ổn gây ra lo lắng về tài chánh ngay khi mùa mua sắm lễ bắt đầu. Ở Georgetown, Texas, James và Kayli Lyda nấu nướng ở nhà hơn nhiều hơn, và lấy thẻ Costco, phòng trường hợp giá cả hàng hoá tăng do thuế tăng. James cho biết, hầu hết thịt và nông sản họ mua ở chợ địa phương đều có nguồn gốc từ Mexico. Cặp vợ chồng chi khoảng $300 đô mỗi tháng cho rau củ quả, và thêm $200 đô cho thịt thà cho hai chú Shiba Inus nhỏ của họ.
Hương Giang