Trump bị Phúc thẩm bác bỏ tuyên bố miễn tố tuyệt đối – gây nguy hiểm hệ thống hiến pháp

0
1893
Former President Donald J. Trump is expected to continue his appeal to the Supreme Court.Credit...Doug Mills/The New York Times
(New York Times) – Toà Phúc thẩm liên bang vào thứ Ba phản đối tuyên bố miễn tố của ông Donald Trump, phán quyết cựu Tổng thống phải ra toà xử  những cáo buộc đảo ngược kết quả bầu cử 2020. 
Phán quyết tuyệt đối từ 3 Thẩm phán Hội đồng Phúc thẩm liên bang khu vực D.C trao cho ông Trump thất bại đáng kể. Nhưng đây không phải là quyết định cuối cùng  về miễn tố hành pháp, vì cựu Tổng thống dự tính sẽ tiếp tục kháng án lên Tối cao Pháp viện. 
Dầu vậy, phán quyết 57 trang báo hiệu thời khắc quan trọng trong án lệ Hoa Kỳ, trả lời một câu hỏi chưa từng được toà Phúc thẩm giải quyết trước đây: Có thể một cựu tổng thống thoát được trách nhiệm trước hệ thống tư pháp hình sự đối với những việc họ làm khi còn trong nhiệm kỳ hay không? 
Câu hỏi này rất mới vì chưa từng có một cựu tổng thống nào trước đây bị truy tố, vì vậy chưa từng có cơ hội cho một bị cáo khẳng định sâu rộng về quyền miễn tố hành pháp như ông Trump, và cũng chưa từng có cơ hội cho toà cân nhắc vấn đề này. 

Hội đồng Phúc thẩm gồm 2 Thẩm phán được Dân chủ bổ nhiệm và 1 Thẩm phán do Cộng hoà bổ nhiệm trong phán quyết nói rõ, bất chấp đặc quyền hành pháp trong nhiệm kỳ Trump từng nắm giữ, cựu Tổng thống phải tuân theo luật hình sự liên bang cũng giống như bất cứ công dân Mỹ nào khác. 

“Vì mục đích của vụ án hình sự này, cựu Tổng thống Trump đã trở thành công dân Trump, với tất cả biện hộ của bất cứ bị cáo hình sự nào khác,” phán quyết ghi. “Tuy nhiên, bất cứ miễn tố hành pháp nào có thể đã bảo vệ ông ấy khi còn giữ chức tổng thống không còn bảo vệ ông ấy trong vụ truy tố này nữa.”

Ba Thẩm phán xem tuyên bố miễn tố của ông Trump là mối nguy hiểm đối với hệ thống hiến pháp của quốc gia.

“Cuối cùng, quan điểm của cựu Tổng thống Trump sẽ làm sụp đổ hệ thống phân chia quyền lực của chúng ta bằng việc đặt tổng thống ngoài vòng cả 3 ngành,” các Thẩm phán nói tiếp. “Miễn tố tổng thống chống lại truy tố liên bang sẽ có nghĩa đó, đối với tổng thống, Quốc hội không thể làm lập pháp, hành pháp không thể truy tố, và tư pháp không thể xét xử. Chúng tôi không thể chấp nhận văn phòng tổng thống đặt những người từng giữ nhiệm kỳ đứng trên luật pháp trong suốt thời gian đó.”

Phát ngôn chiến dịch tranh cử của ông Trump, Steven Cheung cho biết cựu Tổng thống “không đồng tình” với quyết định này, và sẽ kháng án. “Nếu một tổng thống không được miễn tố thì mọi tổng thống trong tương lai khi rời nhiệm kỳ sẽ ngay lập tức bị đảng đối lập truy tố. Nếu không được miễn tố tuyệt đối, một tổng thống Hoa Kỳ sẽ không thể hoạt động bình thường.”

Hội đồng Phúc thẩm đưa ra phán quyết gần 1 tháng sau khi nghe lập luận về vấn đề miễn tố từ toán pháp lý của ông Trump và từ Văn phòng Công tố viên Đặc biệt Jack Smith. Trong khi phán quyết được đưa ra nhanh chóng theo tiêu chuẩn kháng án thông thường, nhưng những gì xảy ra tiếp theo quan trọng hơn trong việc xác định không chỉ khi nào phiên tòa xét xử những cáo buộc đảo ngược bầu cử sẽ diễn ra, mà còn thời gian của 3 phiên tòa hình sự khác ông Trump đang đối mặt. 

Ngoài cáo trạng liên bang truy tố những cáo buộc tìm cách đảo ngược kết quả bầu cử 2020 đẻ bám víu quyền lực, cựu Tổng thống còn phải đối mặt với cáo trạng tương tự do Biện lý quận Fulton truy tố ở Georgia. Trong phần chú thích, Hội đồng Phúc thẩm nhấn mạnh, quyết định của họ không giải quyết được câu hỏi riêng biệt về việc liệu các công tố viên tiểu bang có thể buộc tội cựu tổng thống về các hành động chính thức hay không.

Smith cũng truy tố ông Trump ở Florida, cáo buộc cựu Tổng thống cất giữ trái phép tài liệu Mật của chính phủ, và cản trở nỗ lực thu hồi của chính phủ. Bên cạnh đó, Trump sẽ bị đưa ra xét xử vào tháng tới tại Manhattan liên quan đến những cáo buộc trả tiền bịt miệng cho đào khiêu dâm trước bầu cử 2016. 

Khi lần đầu tiên tìm cách bãi bỏ truy tố liên bang dựa vào căn cứ pháp lý miễn tố, Trump tìm cách mở rộng các biện pháp bảo vệ được Tối cao Pháp viện đưa ra cho các đương kim tổng thống đương nhiệm và cựu tổng thống chống đối với những vụ kiện dân sự liên quan đến hành động chính thức của họ.

Mặc dù không chấp nhận những hành động của ông Trump là hành động chính thức của nhiệm kỳ tổng thống, Hội đồng Phúc thẩm lưu ý, các tổng thống không đóng vai trò được quy định theo hiến pháp trong việc kiểm phiếu đại cử tri đoàn – nhưng Tòa bác bỏ lập luận  được miễn tố các cáo buộc hình sự.

“Chúng tôi không thể chấp nhận tuyên bố của cựu Tổng thống Trump rằng một tổng thống có thẩm quyền vô hạn để phạm những tội có thể vô hiệu hóa sự kiểm tra căn bản nhất đối với quyền hành pháp, đó là việc công nhận và thực thi kết quả bầu cử,” phán quyết ghi. “Chúng tôi cũng không thể chấp thuận những luận lý rõ ràng của ông ấy rằng, cơ quan hành pháp có toàn quyền vi phạm quyền bỏ phiếu và quyền lá phiếu của mỗi công dân được kiểm.”

Trong phần tranh cãi pháp lý vào tháng trước, toà tỏ ra đặc biệt lo ngại sau khi luật sư biện hộ cho rằng, một cựu tổng thống có thể tránh bị truy tố hình sự ngay cả khi ra lệnh cho Đội Đặc nhiệm SEAL 6 ám sát một đối thủ chính trị. Tình huống ra lệnh cho quân đội thực hiện việc gì đó rõ ràng nằm trong trách nhiệm và quyền hạn của tổng thống, nhưng việc sát hại đối thủ cũng rõ ràng vi phạm pháp luật.  Luật sư lập luận, Bộ Tư pháp chỉ có thể buộc tội tổng thống vì đã ra lệnh như vậy nếu Thượng viện bỏ phiếu kết tội ông ta trước.  Hội đồng Phúc thẩm vào thứ Ba phản đối luận lý này. 

Một phần quan trọng khác trong phán quyết vào thứ Ba,  Hội đồng Phúc thẩm cũng hạn chế khả năng Trump sử dụng những kháng cáo tiếp theo câu giờ và trì hoãn phiên toà – một chiến lược được cựu tổng thống theo đuổi lâu nay, kể từ khi cáo trạng được đệ lên toà liên bang ở D.C vào tháng 8 năm ngoái. 

3 Thẩm phán cho rằng, nếu Trump kháng án quyết định của họ lên Tối cao Pháp viện thì thủ tục tố tụng vốn được toà cấp dưới tạm ngưng từ tháng 12 vẫn tiếp tục ngưng cho đến khi Toà Tối cao quyết định có thụ lý kháng án hay không. 

Tuy nhiên, trong quyết định phần nào ngăn cản Trump kháng án lên toàn bộ Toà Phúc Thẩm trước, 3 Thẩm phán cho rằng, nếu cựu Tổng thống chọn bước đi này thì thủ tục tố tụng có thể bắt đầu quay trở lại sau ngày 12 tháng 2. 

Nếu Tối cao Pháp viện từ chối thụ lý, vụ truy tố sẽ được đưa trở lại toà xét xử  liên bang. Thẩm phán Tanya Chutkan vào tuần trước huỷ lịch xét xử ban đầu vào ngày 4 tháng 3, nhưng toà tỏ dấu hiệu muốn xét xử càng nhanh càng tốt. 

Nếu Tối cao Pháp viện đồng ý thụ lý kháng án của ông Trump thì câu hỏi quan trọng đặt ra là các Thẩm phán sẽ nhanh chóng giải quyết như thế nào. Nếu họ đồng ý xét xử và đưa ra phán quyết nhanh chóng thì phiên tòa xử những cáo buộc đảo ngược kết quả bầu cử có khả năng sẽ diễn ra trước bầu cử. 

Nhưng nếu các Thẩm phán Tối cao Pháp viện thủng thẳng thì có thể phiên tòa sẽ bị hoãn cho đến sau tổng tuyển cử. Trong viễn cảnh này, và nếu Trump tái đắc cử thì ông sẽ có quyền yêu cầu Bộ Tư pháp bãi bỏ các cáo buộc, hoặc thậm chí tìm cách ân xá cho chính mình.

Hương Giang (Theo New York Times)