(CaliToday) – Công tố viên đặc biệt Jack Smith chỉ trích gay gắt lệnh được Thẩm phán Aileen Cannon giám sát thủ tục tố tụng cáo trạng tài liệu Mật đưa ra gần đây, cáo buộc yêu cầu hướng dẫn bồi thẩm đoàn của toà dựa vào “tiền đề pháp lý thiếu sót căn bản.”
Trong hồ sơ đệ lên toà vào tối thứ Ba, Smith cho rằng, tiền đề pháp lý đằng sau yêu cầu của Thẩm phán Aileen Cannon “sai” và sẽ “bóp méo” phiên tòa, có khả năng dẫn đến phán quyết có lợi cho Trump. Công tố viên đặc biệt hối thúc toà “nhanh chóng” quyết định liệu tiền đề pháp lý đó có thể hiện “trình bày luật đúng đắn hay không.”
Công tố để hồ sơ sau khi Thẩm phán yêu cầu hai bên đưa ra đề nghị hướng dẫn bồi thẩm đoàn mà trong đó lưu tâm đến quan điểm của biện hộ về Đạo luật Hồ sơ Tổng thống (PRA).
Trong án lệnh bất thường vào đầu tuần trước, Thẩm phán Aileen Cannon yêu cầu gởi đề nghị hướng dẫn bồi thẩm đoàn đối với các cáo buộc mặc dù vẫn chưa rõ khi nào phiên toà xét xử diễn ra. Toà yêu cầu các bên nộp đề nghị hướng dẫn bồi thẩm đoàn liên quan đến các cáo buộc Trump cất giữ trái phép thông tin quốc phòng, và Cannon có vẻ chấp nhận tuyên bố của cựu Tổng thống rằng, Đạo luật Hồ sơ Tổng thống cho phép ông xem bất cứ tài liệu nhạy cảm nào chính phủ là tài sản cá nhân và đem ra khỏi Toà Bạch Ốc về cất giữ riêng, và ngăn cản chính phủ thu hồi. Lệnh toà không nhắc đến các tội danh liên quan đến cản trở.
Đạo luật Hồ sơ Tổng thống không được xem là yếu tố xác định liệu hành vi của Trump có phạm tội hay không, nhưng lệnh của Cannon đặt ra hai “kịch bản cạnh tranh” cho bên công tố và bên biện hộ.
Kịch bản đầu tiên mà Cannon vạch ra cho phép bồi thẩm đoàn xem xét hồ sơ và xác định tài liệu nào Trump giữ lại là hồ sơ “cá nhân” hay hồ sơ “tổng thống” theo Đạo luật Hồ sơ Tổng thống. Trong kịch bản thứ hai, Cannon yêu cầu các bên đề nghị hướng dẫn dựa trên giả định, các tổng thống có “quyền duy nhất” theo PRA để cất giữ hợp pháp các tài liệu khi kết thúc nhiệm kỳ của họ bằng cách tuyên bố chúng là hồ sơ “cá nhân” hoặc hồ sơ “tổng thống,” theo lập luận của biện hộ.
“Cả hai kịch bản đều dựa trên một tiền đề pháp lý chưa từng được tuyên bố và sai sót căn bản, cụ thể là Đạo luật Hồ sơ Tổng thống (‘PRA’), và đặc biệt là sự khác biệt giữa hồ sơ ‘cá nhân’ và hồ sơ ‘Tổng thống’ xác định liệu một cựu Tổng thống có được quyền theo Đạo luật chống gián điệp để tàng trữ những tài liệu tuyệt Mật, và cất giữ chúng ở một nơi không an toàn” hay không,” công tố ghi trong hồ sơ toà.
Trong hồ sơ đệ lên toà vào thứ Ba hồi đáp lệnh của Thẩm phán, toán luật sư biện hộ khẳng định, Đạo luật Hồ sơ Tổng thống trao cho thân chủ quyền quyết định xem hồ sơ nào là cá nhân hay hồ sơ tổng thống, tất cả hồ sơ được phát giác trong tay ông Trump có thể được xem là hồ sơ cá nhân bất chấp được đánh dấu Mật, và quyết định của cựu Tổng thống rằng chúng là hồ sơ cá nhân không thể bị tòa chỉ trích.
Lệnh của bà Cannon gây kinh ngạc cho giới chuyên viên pháp lý, và Văn phòng Công tố viên Đặc biệt Jack Smith cảnh giác. Trong hồ sơ toà vào tối thứ Ba, công tố cho rằng, Đạo luật năm 1978, trong đó yêu cầu các tổng thống giao lại hồ sơ tổng thống cho chính phủ sau khi rời nhiệm kỳ, nhưng cho phép họ giữ lại hồ sơ cá nhân thuần túy, những hồ sơ “thông tin mang tính cá nhân cao, như nhật ký, tạp chí và hồ sơ y tế,” không liên quan đến vụ án có những tài liệu Tối mật như số tài liệu ông Trump đã đem về cất giữ riêng tại Mar-a-Lago.
Công tố viên cho biết, những hồ sơ đó rõ ràng không mang tính cá nhân và không có bằng chứng nào cho thấy Trump từng chỉ định chúng như vậy. Bộ Tư pháp cáo buộc, Trump “dựng chuyện” làm mất tính bí mật hồ sơ sau khi tin tức ông ta mang hàng thùng tài liệu của chính phủ khi rời Toà Bạch Ốc về cất giữ riêng được công bố, không có nhân chứng nào trong cuộc điều tra ủng hộ lập luận này. “Không một ai từng nghe Trump nói đã chỉ định hồ sơ cá nhân, hoặc vào lúc đưa những thùng tài liệu về, ông ta tin rằng việc đưa hồ sơ đi đồng nghĩa với việc chỉ định chúng là hồ sơ cá nhân theo PRA,” thỉnh nguyện ghi. “Ngược lại, mọi nhân chứng được hỏi câu hỏi này đều chưa bao giờ nghe thấy điều như vậy.”
Việc công tố chống thẳng chỉ thị của quan toà là điều bất thường, nhưng nhiều dòng trong hồ sơ vào thứ Ba cho thấy họ mất kiên nhẫn với tốc độ tố tụng chậm chạp. Smith nói rõ, nếu Thẩm phán nhất định viện dẫn Đạo luật Hồ sơ Tổng thống trong hướng dẫn của bồi thẩm đoàn, bà nên cho hai bên biết càng sớm càng tốt để công tố có thể kháng án.
Giới chuyên viên pháp lý cho rằng, tốc độ đưa ra quyết định chậm chạp của Thẩm phán Cannon, cùng với những án lệnh gây bối rối hay nhầm lẫn, cùng với những hành vi trong thủ tục tố tụng là những dấu hiệu cho thấy sự thiếu kinh nghiệm của Thẩm phán Cannon, và chắc chắn toán luật sư của ông Trump có thể tận dụng điều đó.
Cannon vẫn nổi tiếng với những quyết định gây tranh cãi, có lợi cho cựu Tổng thống.
Trước khi cáo trạng được đệ lên toà, bà buộc FBI ngừng xem xét thông tin Mật được thu giữ tại Mar-a-Lago, và giao chúng cho luật sư đặc biệt . Bước đi bất thường này trói buộc Cơ quan Điều tra Liên bang khi họ đang tiến hành một cuộc điều tra chống tình báo đối với số tài liệu bí mật quốc phòng. Tòa Phúc thẩm liên bang khu vực 11 hủy bỏ quyết định này.
Gần đây, Cannon đưa ra một số quyết định mang tính thủ tục có khả năng hoãn ngày xét xử, và gây khó khăn cho việc kết thúc xử trước bầu cử năm 2024. Thẩm phán cũng buộc công tố công bố một số tài liệu không được bôi xoá, dẫn đến khả năng tiết lộ thông tin nhân chứng đại bồi thẩm đoàn, cũng như các nhân viên FBI thực thi trát khám xét tại Mar-a-Lago. Jack Smith đệ thỉnh nguyện yêu cầu toà tái cân nhắc quyết định này.
Một số chuyên viên pháp lý cho rằng, Công tố viên Đặc biệt bây giờ có lý do để yêu cầu Toà Phúc thẩm liên bang khu vực 11 loại bà Cannon khỏi vai trò giám sát vụ truy tố.
Hương Giang (Tổng hợp)