Sunday, April 6, 2025
spot_img

Kể chuyện 50 năm trước (Đặc biệt về cái chết của Hải Quân Trung Tá Hà Ngọc Lương)           

Văn Hùng Đốc
K24 Thủ Đức

Chiến tranh Việt-Pháp từ 1946 đến 1954 và Đệ Nhất Việt Nam Cộng Hòa từ 1955 đến1963 chỉ trong khoảng thời gian 8 năm nhưng đã kéo dài dây dưa dai dẳng so với 50 năm từ 1975 đến 2025 tưởng chừng như chỉ cùng thời gian 2 chế độ trên..

Chúng ta kẻ trước người sau đã lần lượt sống xa quê hương gần hoặc trên nửa đời người kể từ ngày Việt Nam Cộng Hòa bị người bạn đồng minh bỏ rơi để trao cả miền Nam cho Cộng Sản. Dù đang sống ở trong hay ngoài nước, mọi người Việt đều đau lòng nghĩ đến những tang thương mất mát sau biến cố 30 tháng 4 năm 1975.

Là nhân chứng sống trong cuộc di tản cuối cùng khỏi Nha Trang của Quân Đoan II, tôi muốn ghi lại đây những gì đã xẩy ra trong đêm 31-3-1975.

Tôi thuộc khóa 24 Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức dưới 2 đời Chuẩn Tướng Lâm Quang Thơ và Bùi Hữu Nhơn 1966-1967. Khóa 24 may mắn không phải qua giai đoạn I tại Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung như đa số các khóa trước mà đi thẳng vào Thủ Đức. Một điểm đặc biệt nữa là dù chưa gắn Alpha, khóa chúng tôi vẫn được lần đầu tiên mặc thường phục đi phép. Thời gian còn đang trong giai đoạn I, sinh viên nào khá Anh Ngữ muốn về Trường  Sinh Ngữ Quân Đội thì ghi danh dự thi. Tôi may mắn cùng 12 SVSQ khác được chọn, nhưng vẫn phải tiếp tục thụ huấn cho đến ngày mãn khóa.

Trường Sinh Ngữ Quân Đội Quân Lực VNCH là nơi quân nhân được các đơn vị gửi đến để trau dồi Anh Ngữ trước khi xuất ngoại du học về các ngành chuyên môn, khác với Trường Văn Hóa Quân Đội dạy đủ các môn như 1 trường Trung Học tư thục hay công lập. Trường Sinh Ngữ Quân Đội nằm đối diện trung tâm tiếp huyết của Tổng Y Viện Cộng Hòa. Trường chỉ có một chi nhánh duy nhất nằm trong Trung Tâm Huấn Luyện Hải Quân Nha Trang. Tôi được biệt phái về đây vào năm 1967, sau khi khóa 16 SVSQ Hải Quân vừa ra trường. Đây là điều may mắn cho tôi vì được phục vụ ngay tại quê nhà. Làm việc chung với áo trắng truyền thống Hải Quân, nhưng 5 sĩ quan giảng viên Anh ngữ chúng tôi vẫn mặc quân phục Lục Quân.

Tôi cùng với đồng nghiệp Nguyễn Văn Minh là 2 sĩ quan giảng viên lâu năm nhất thuộc Chi Nhánh Anh ngữ tại Trung Tâm Huấn Luyện Hải Quân Nha Trang. Cá nhân tôi bắt đầu dạy Anh văn cho SVSQ Hải Quân năm thứ 2 khóa 17 đến khóa 26 là khóa cuối cùng. Tôi chỉ gián đoạn 2 lần đi tu nghiệp sư phạm tại Hoa Kỳ. Ngày về nước tôi vẫn tiếp tục phục vụ tại TTHLHQNT qua 4 đời Chỉ Huy Trưởng: HQ Đại Tá Đinh Mạnh Hùng, HQ Đại Tá Khương Hữu Bá, HQ Đại Tá Nguyễn Trọng Hiệp (phu quân ca sĩ Kim Tước) và Phó Đề Đốc Nguyễn Thanh Châu.         

Tài liệu giảng dạy dựa vào các sách giáo khoa American Language Course (ALC) tập 1100-1400 và 2100-2400 của Viện Ngữ Học Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ cùng với tài liệu do giảng viên Việt Mỹ thuộc Chi Nhánh phối hợp soạn thảo liên quan đến từ ngữ Hải quân (naval terminology).

Bây giờ xin được đề cập đến nhân vật chính trong bài viết này: Hải Quân Trung Tá Hà Ngọc Lương.

Tôi chào hỏi và quen biết Trung Tá Hà Ngọc Lương khi Trung Tá còn là Đại Úy làm Tiểu Đoàn Trưởng Sinh Viên Sỹ Quan trong buổi tiệc mừng năm thứ II của khóa SVSQ 17. Trung Tá Lương là người văn võ song toàn. Trong thời gian thụ huấn khóa 9 tại Trung Tâm Huấn Luyện Hải Quân Nha Trang, SVSQ Hà Ngọc Lương đều đạt điểm cao nhất trong cả 3 giai đoạn Alfa, Chuẩn úy đến tốt nghiệp. Ngày mãn khóa, SVSQ Thủ Khoa Hà Ngọc Lương vinh dự được Tổng Thống Ngô Đình Diệm đích thân gắn cấp bậc Thiếu Úy và trao kiếm danh dự.

(Tổng Thống Ngô Đình Diệm đang gắn cấp bậc cho tân Thiếu Úy Hà Ngọc Lương)

Trong suốt cuộc đời Hải nghiệp đạt đến cấp bậc Trung Tá, Hà Ngọc Lương đều chứng tỏ một Hạm Trưởng tài ba, một cấp chỉ huy xuất sắc. Trong thời gian làm việc chung với Trung Tá, cá nhân tôi rất quý mến qua tính tình hòa nhã thân thiện, không phân biệt cao thấp, Hải Quân hay Lục Quân.

Sáng thứ Hai ngày 31-3-1975, sau khi chào cờ như thường lệ, tôi rảo bước ra trước Trung Tâm vì thấy chiếc hạm HQ-402 đang ủi bãi ngay trước tượng Đức Trần Hưng Đạo.Tôi được vài sinh viên khóa 26 đang cầm súng đứng bao quanh miệng tàu cho biết là tàu này chỉ dành cho gia đình quân nhân cơ hữu của Trung Tâm. Ngay khi đó tôi thấy một đại úy Bộ Binh đang muốn lên tàu, tôi bảo sinh viên và không do dự, vị Đại úy được đưa lên tàu. Đây là Đại Úy Vũ Công Liêm, Chủ Tịch Hội Việt Mỹ tại Nha Trang. Đại Úy có mở các lớp Anh ngữ đàm thoại đêm cho giới doanh nhân trong thành phố và tôi được mời dạy tại đây.

Tôi trở lại Văn Phòng Anh Ngữ nhưng thấy tình hình quá sôi sục nên về nhà ở trong chợ Đồng Nai. Nhà vắng tanh vì trước đó một tháng vợ và 3 con tôi đã bay vào Sàigòn. Tôi khóa cửa cẩn thận rồi trở lại Trung Tâm theo lệnh của Đề Đốc Nguyễn Thanh Châu để chuẩn bị cho cuộc di tản cuối cùng. Nha Trang hôm nay chỉ còn có 2 ông Tướng là Nguyễn Ngọc Oánh bên Không Quân và Nguyễn Thanh Châu bên Hải Quân. Tỉnh trưởng Khánh Hòa Lý Bá Phẩm đã rời Nha Trang vào buổi sáng. Tội phạm trong cả 2 quân lao và dân lao đã đổ xô ra phố bắt đầu đột nhập vào những tiệm đang cửa đóng then cài của người Việt và cơ sở các cố vấn Mỹ nhằm hôi của.

Tại Trung Tâm HLHQ, tôi hay tin Hải Quân Trung Tá Hà Ngọc Lương đang là Trưởng Phòng Văn Hóa Vụ được Tướng Châu chỉ định làm sĩ quan hành  quân cho cuộc di tản nên tôi nóng lòng 3 lần ghé qua văn phòng dò hỏi tin tức. Tôi thấy vợ con cùng Trung Tá đang ngồi trong phòng. Lần nào tôi cũng nghe chị Duyên cằn nhằn cau có khó chịu với Trung Tà Lương. Câu chị thường lập đi lập lại mà tôi nghe rõ nhất: “Anh làm Trung Tá mà không có chỗ cho vợ con”. Thật sự tôi không quan tâm về số con mà chỉ để ý đến vợ Trung Tá Lương là chị Duyên. Tôi có trương mục với ngân hàng Việt Nam Thương Tín tại ngã 3 Công Quán và Yersin Nha Trang nên thỉnh thoảng ghé qua nhưng không lần nào may mắn trực tiếp giao dịch với chị.

Vào khoảng 10 giờ đêm thì lệnh được ban ra và tất cả quân xa đồng lăn bánh trực chỉ Cầu Đá. Tôi cùng Đại Úy Nguyễn Văn Minh ngồi chung xe Jeep do Trung Tá Chỉ Huy Phó TTHLHQ Nguyễn Nam Thanh lái vì lúc bấy giờ anh tài xế chính là Tô Thừa quyết định không cùng di tản (*)

Cầu Đá lúc này như một bãi chiến trường vì súng ống từ các chiến hạm trước đã vứt bỏ lại. Tàu thì đậu cách cảng có đến 1 mét có lẽ nhằm gây khó cho thường dân đang chen nhau lên tàu . Ngay cả Đại úy Minh và Thiếu Tá Trưởng Phòng Kỷ Thuật Phan Như Hoàng đã rơi xuống nước. Nhưng như chuyện Ngư Ông Thất Mã, trong rủi có hên nên cả hai vị này được Đề Đốc Châu cho đi cùng xe Jeep lên phi trường bay về Sài Gòn trước.

Sau một đêm hải hành, tàu chúng tôi may mắn được Bộ Tổng Tham Mưu cho phép ủi bãi tại Cát Lái trong khi hầu hết các tàu khác phải đi thẳng ra Phú Quốc để tránh hỗn loạn trong thủ đô quá đông người.

Chúng tôi vào trình diện Trung Tá Trịnh Đình Phi, Chỉ Huy Trưởng Trường Sinh Ngữ Quân Đội, và thật may mắn được Trung Tá cho tại ngoại, coi như mất tích ở ngoài Trung (mising in action). Nhờ vậy mà tôi cùng gia đình được người bạn đồng nghiệp là Nguyễn Hữu Hoàng đã giải ngũ và làm việc cho Cố Vấn Mỹ ở Tân Cảng đưa lên chiếc thương thuyền của Mỹ chạy sang Subic Bay Phi Luật Tân đêm 24-4-1975. Viết đến đây tôi bùi ngùi thương tiếc người bạn tốt đã đưa gia đình tôi đến bến bờ tự do, nhưng đã không còn trên cõi đời này nữa vì anh đã vĩnh viễn ra đi ngày 15-3-2024

Bây giờ trở lại chuyện HQ Trung Tá Hà Ngọc Lương. Vì tất cả quân xa đều chật cứng quân nhân lẫn gia đình còn sót lại trong chuyến ra đi buổi sáng, trong lúc Trung Tá Lương không có xe Jeep dành riêng cho Trưởng Phòng Văn Hóa Vụ nên tôi không rõ gia đình Trung Tá Lương có đi được hay không. Mãi đến khi tôi ghé thăm quân nhân TTHLHQ đang tạm đồn trú tại trại Yên Thế trước bệnh viện Grall Sài Gòn thì mới biết cả gia đình Trung Tá bị kẹt lại.

Theo chị Nguyễn Thị Lý với bút hiệu Nguyễn Thị Thể Lý là phu nhân Hải Quân Thiếu Tá Hà Tấn Thể thì sáng ngày 1-4-1975 chị còn gặp và nói chuyện với vợ chồng Trung Tá Lương tại cư xá Hải Quân trên đường Lê Văn Duyệt Nha Trang.

Chắc chắn đây là một sự nhầm lẫn giữa 31-3 và 1-4. Tôi có điệnđàm với đại úy Nguyễn Tạo là Chánh Văn Phòng của Phó Đề Đốc Nguyễn Thanh Châu đang định cư tại Houston Texas, một nhân chứng sống ngoài tôi để nêu ra mấy điểm dưới đây:

  • Đêm 31-3-1975 theo lệnh của Phó Đề Đốc Nguyễn Thanh Châu tất cả sĩ quan và gia đình trong cư xá phải di tản, ngoại trừ vài gia đình không muốn ra đi.
  • Trung Tá Lương cũng mang vợ con xuống ngồi đợi trong văn phòng.
  • Vì tất cả quân xa đều chất đầy quân nhân cùng gia đình chưa đi kịp vào chuyến tàu sáng, nên Trung Tá không không có cách nào hơn là bắt vợ con tiếp tục ngồi đợi.
  • Tìm đâu có phương tiện để Trung Tá Lương đưa vợ con về lại cư xá?
  • Nếu sáng 1-4 Trung Tá còn ở cư xá thì bằng cách nào và tại sao lại đưa vợ con trở lại văn phòng để cùng quyên sinh?

Vậy là không có cơ sở để nghi ngờ việc chính đêm 31/3/1975 Trung Tá Lương đã bắn vợ con rồi  tự sát mặc dù Việt Cộng mãi đến 2/4/1975 mới vào thành phố Nha Trang (Công trường 2/4 trước Ty Tông Tin).

Tôi có tham dự buổi lễ cầu siêu cho Trung Tá Hà Ngọc Lương do phu nhân cựu Hải Quân Trung Tá Mai Văn Hoa cùng Hội Hải Quân Cửu Long tổ chức tại chùa Bát Nhã thành phố Santa Ana, Nam California vào sáng Chủ Nhật 29-3-2015. Trong phần phát biểu, Trung úy Vũ Kim Thanh nói: “…HQ Trung Tá Hà Ngọc Lương không muốn rơi vào  tay giặc…”.  Trong cuốn “Hải-Quân Việt-Nam Cộng-Hòa Ra Khơi 1975”, tác giả Điệp-Mỹ-Linh đã không ghi tên HQ Trung Tá Hà Ngọc Lương trong số “Những Anh Hùng Hải Quân Tuẩn Tiết” như HQ Thiếu Tá Lê Anh Tuấn tự sát sau khi TT Dương Văn Minh ra lệnh buông súng ngày 30-4-1975 do Trung Tá Hà Ngọc Lương không ở trong trường hợp tự sát vì không muốn để giặc bắt.

Thoạt nghe hung tin về việc Trung Tá Lương tự tử, tôi nhớ ngay đến lời chị Lương phàn nàn “Anh là Trung Tá mà không có chỗ cho vợ con”. Trong tình thế cấp bách phải ra đi gấp mà vợ thì liên tục cằn nhằn nhăn nhó khiến Trung Tá Lương rơi vào tình thế tâm thần bị kích động dồn nén đã phải giải quyết bế tắc bằng cách bắn vợ con rồi tự kết liễu đời mình.

Xin được kể thêm một trường hợp nữa để tăng cường nhận xét của mình: vào khoảng 1961-1962 thời còn là sinh viên, trong nhóm bạn quen nhau ăn cơm tháng tại nhà số 37 đường Nguyễn Trãi gần Tổng Nha Cảnh Sát Đô Thành, tôi có anh bạn sau gia nhập Hải Quân, còn tôi làm việc cho cố vấn quân sự Mỹ. Trước khi Việt Cộng chiếm Sài Gòn năm 1975 cả 2 chúng tôi may mắn ra đi dễ dàng. Anh định cư ở miền Đông, tôi ở Nam Cali. Vài năm sau tôi được hung tin anh đã chọn cái chểt bằng cách nhảy ra khỏi xe trên xa lộ sau khi cãi nhau với vợ. Những người chồng ít học thường vũ phu với vợ. Trong khi giới trí thức thường dùng cái chết để giải quyết vấn đề.  

Một sự trùng hợp coi như định mệnh cho cả hai vị Trung Tá Hải Quân

Tóm lại, Hải Quân Trung Tá Hà Ngọc Lương đã không chịu nỗi cảnh bị vợ liên tiếp cằn nhằn trách móc nên bứt chí đưa đến quyết định bắn cả vợ con và tự tử đêm 31-3-1975.

Nhân kỷ niệm 50 năm đêm tang thương xẩy ra tại Văn phòng Văn Hóa Vụ Trung Tâm Huân Luyện Hải Quân Nha Trang, xin được thắp nén hương lòng thương tiếc gia đình cựu Hải Quân Trung Tá Hà Ngọc Lương.

(*) Trung sỹ Tô Thừa đã rời xe Jeep của Chỉ Huy Phó Nguyễn Nam Thanh rồi quyết định ở lại chứ không di tản cùng đồng đội về Sài Gòn. Nhờ vậy Trung sỹ Thừa mới có cơ hội tạm chôn gia đình Trung Tá Lương trên bãi cát trước Trung Tâm Huấn Luyện Hải Quân Nha Trang theo như tường thuật của chị Nguyễn Thị Thể Lý.

Văn Hùng Đốc

Khóa 24 Thủ Đức

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

MỚI CẬP NHẬT

spot_img