Khác biệt rõ ràng về chính sách kinh tế của Harris và Trump 

0
1603

(CaliToday) – -Phó Tổng thống Kamala Harris và cựu Tổng thống Donald J. Trump trong tuần này đều đến North Carolina có những bài phát biểu quan trọng về nghị sư kinh tế, mặc dù không có ai đưa ra kế hoạch chính sách toàn diện.
Trong bài phát biểu chính sách lớn đầu tiên vào thứ Sáu, bà Harris công bố một phần trong kế hoạch kinh tế, gồm lệnh cấm tăng giá hàng tiêu dùng và thực phẩm, kế hoạch xây dựng 3 triệu căn nhà mới và cắt giảm chi phí thuốc theo toa, cũng như đề nghị hỗ trợ cho người mua nhà và cắt giảm thuế cho 100 triệu người Mỹ.
Cựu Tổng thống Donald Trump trước đó 2 ngày cũng có bài phát biểu về kinh tế kéo dài 80 phút, trong đó gia hạn các đợt cắt giảm thuế năm 2017, tăng cường khoan dầu — mặc dù sản lượng dầu của Hoa Kỳ đạt mức kỷ lục vào năm 2023 — và đánh thuế mới tất cả hàng nhập cảng, bên cạnh chỉ trích đối thủ đã gây ra lạm phát, giá cả cao.
Nhưng hai ứng cử viên theo cách riêng đều gởi đến cử tri những thông điệp rõ ràng và quan trọng về tầm nhìn kinh tế của họ. Mỗi người đều ủng hộ một chính phủ liên bang đầy sức mạnh, sử dụng các cơ quan can thiệp vào thị trường nhằm theo đuổi một nền kinh tế mạnh mẽ và thịnh vượng hơn.
Họ gần như hoàn toàn không đồng ý khi nào sử dụng sức mạnh quyền lực đó và sử dụng như thế nào.
Tại Raleigh vào thứ Sáu, Harris bắt đầu tạo dấu ấn riêng của bà lên thương hiệu kinh tế tiến bộ vốn đã thống trị nền chính trị Dân chủ trong thập niên qua. Tư duy kinh tế đó ủng hộ ý tưởng chính phủ liên bang phải hành động mạnh mẽ để thúc đẩy cạnh tranh và sửa những biến dạng trên thị trường tư nhân.
Hướng đi này tìm cách tăng thuế lớn đối với các tập đoàn và người có thu nhập cao, để tài trợ cho những người lao động thu nhập thấp và trung lưu đang chật vật tạo dựng giàu có cho bản thân và con cái họ. Chính sách đồng thời cắt giảm thuế lớn cho các công ty tham gia vào những gì mang lại lợi ích kinh tế to lớn, như công nghệ sản xuất cần thiết để chống lại sự nóng toàn cầu, hoặc xây dựng nhà ở giá rẻ.
Triết lý đó đã thúc đẩy nghị sự chính sách được Phó Tổng thống công bố vào thứ Sáu. Ứng cử viên tổng thống Dân chủ cam kết sẽ hỗ trợ đặt cọc lên đến $25.000 Mỹ kim cho những người mua nhà lần đầu trong bốn năm, đồng thời tài trợ $40 tỷ Mỹ kim cho các công ty xây cất xây dựng những căn nhà nhỏ hơn nằm trong khả năng của những người mua nhà lần đầu.
Harris cho biết sẽ khôi phục vĩnh viễn khoản tín dụng thuế trẻ em mở rộng vốn được Tổng thống Biden thực hiện tạm thời trong gói thích kinh tế năm 2021, đồng thời cung cấp nhiều hỗ trợ hơn nữa cho bố mẹ mới sanh con.
Phó Tổng thống kêu gọi lệnh cấm liên bang đối với việc “chặt chém”quá đáng đối với các mặt hàng tiêu dùng và thực phẩm (khi nhu cầu tăng đột ngột), và các công cụ thực thi liên bang mới để chế tài các công ty đẩy giá thực phẩm tăng cao một cách bất công. “Kế hoạch của tôi sẽ bao gồm các hình phạt mới đối với các công ty cơ hội lợi dụng đục nước thả câu, và vi phạm quy định,” Harris nói. “Chúng tôi sẽ giúp ngành thực phẩm cạnh tranh hơn, vì tôi tin rằng cạnh tranh là mạch máu của nền kinh tế của chúng ta.”
Vẫn còn nhiều câu hỏi về trong nghị sự kinh tế của ứng cử viên tổng thống Dân chủ, như Harris sẽ ủng hộ tăng thuế nào để bù đắp vào các khoản cắt giảm thuế và các chương trình chi tiêu đó. Ủy ban vì Ngân sách Liên bang Có trách nhiệm phi đảng phái – Committee for a Responsible Federal Budget – chuyên tập trung vào việc cắt giảm thâm hụt vào thứ Sáu ước tính, kế hoạch của Harris sẽ làm tăng thâm hụt liên bang thêm $1,7 nghìn tỷ Mỹ kim trong thập niên tới, nếu không được bù đắp.
Nhưng trọng tâm trong tầm nhìn của bà Harris rất rõ ràng: đó là sự kết hợp giữa can thiệp và hỗ trợ của chính phủ, tất cả đều nhằm mục đích giúp người Mỹ leo lên tầng lớp trung lưu.
Lập luận thuyết phục của cựu Tổng thống đơn giản hơn: Trump đã làm cho nước Mỹ thịnh vượng hơn trong nhiệm kỳ đầu ở Toà Bạch Ốc, và ông sẽ làm lại như vậy. Trump đổ lỗi cho Harris và Biden làm tăng lạm phát dưới thời chính quyền của họ.
“Tôi đã trao cho Harris và Biden một phép màu kinh tế, và họ nhanh chóng biến nó thành cơn ác mộng kinh tế,” Trump phát biểu tại Asheville vào thứ Tư, cố tình quên khủng hoảng công ăn việc làm và thu nhập do suy thoái đại dịch năm 2020 vào gần cuối nhiệm kỳ của ông.
Tuy nhiên, Trump cũng giống như Harris đưa ra một loạt cam kết về việc sẽ sử dụng thẩm quyền của chính phủ để can thiệp vào thị trường và hỗ trợ người tiêu dùng. Ông cho biết sẽ chỉ đạo nội các của mình bằng cách nào đó hạ giá bảo hiểm ô tô trong 100 ngày đầu tiên của nhiệm kỳ tổng thống, hoặc thậm chí có thể là tuần đầu tiên. Trump cũng cho biết sẽ cắt giảm nửa giá năng lượng.
Trump cho biết sẽ trục xuất hàng triệu di dân để hạ giá nhà.
Cựu Tổng thống hứa sẽ đánh thuế mới đối với hàng hóa nhập cảng từ mọi quốc gia mà Hoa Kỳ giao thương, nhằm buộc nhiều công ty sản xuất sản phẩm tại Hoa Kỳ hơn. Trước đó, Trump tuyên bố sẽ đánh thuế nhập cảng 10%, nhưng tại Asheville, ông cho biết mức thuế này có thể lên tới 20%. Điều đáng nói, những thuế đó do các nhà nhập cảng Hoa Kỳ trả, chứ không phải các quốc gia nước ngoài. Nghiên cứu kinh tế cho thấy, ở một mức độ nào đó, chúng sẽ làm tăng giá và đóng vai trò như một loại thuế đối với người tiêu dùng.
Đây cũng là một tầm nhìn rõ ràng về thẩm quyền liên bang đang định hình lại nền kinh tế. Đây là nền tảng cho chương trình nghị sự kinh tế của Donald Trump, và trong nhiều trường hợp, vượt ra ngoài nguyên tắc kinh tế bảo thủ vốn thống trị Đảng Cộng hòa từ lâu.
Nhưng Trump không từ bỏ tất cả những nguyên tắc đó. Cựu Tổng thống cam kết sẽ tiếp tục cắt giảm thuế, bao gồm cả việc gia hạn cắt giảm thuế cho các cá nhân mà ông đã ký trong luật cải tổ thuế năm 2017, và xóa bỏ thuế thu nhập liên bang đối với các chế độ phúc lợi An sinh xã hội và thu nhập tiền boa. Ông cũng hứa sẽ bãi bỏ các quy định liên bang về kinh doanh, bao gồm các quy định về môi trường và hạn chế khoan dầu trên một số vùng đất công.
Một phân tích dựa trên các báo cáo từ Ủy ban Ngân sách Liên bang Có trách nhiệm cho thấy, cắt giảm thuế của ông Trump có thể bổ sung thêm $7 nghìn tỷ Mỹ kim vào thâm hụt trong một thập niên, với một số trong số đó sẽ được bù đắp bằng thuế khác, hoặc bãi bỏ các khoản giảm thuế được Biden ký trước đây. Các nhà kinh tế cảnh báo, thâm hụt cao hơn có thể gây ra lạm phát nhiều hơn, tuy nhiên các phụ tá của Trump cho biết nghị sự của ông sẽ giúp giảm giá tiêu dùng.
“Nếu cắt giảm thuế, bãi bỏ quy định về nền kinh tế, sản xuất nhiều năng lượng hơn — tất cả các chính sách đó đều là giảm phát, không phải làm tăng lạm phát,” Stephen Moore – cố vấn chính sách của ông Trump – nói trước truyền thông vào thứ Sáu.
Tại North Carolina, Trump và Harris đều tìm cách xem triết lý về thẩm quyền liên bang của đối thủ là mối đe dọa đối với nền kinh tế và các gia đình lao động.
Trump cảnh báo, Harris sẽ gây ra một vụ sụp đổ chứng khoán theo kiểu năm 1929 nếu đắc cử. Còn Phó Tổng thống chỉ trích đối thủ chỉ cắt giảm thuế cho người giàu, đánh thuế mọi thứ, sẽ tăng thành “thuế Trump đối với xăng, thuế Trump đối với thực phẩm, thuế Trump đối với quần áo, thuế Trump đối với thuốc không kê toa.”
Có chút ít chồng chéo, tương đồng, trong hai bài phát biểu nghị sự kinh tế. Phó Tổng thống Harris cam kết sẽ bãi bỏ một số ít quy định, nói rằng bà sẽ cắt giảm “thủ tục hành chính” để đẩy nhanh tốc độ xây dựng nhà ở. Cả hai ứng cử viên đều đánh giá cao Medicare.
Bà Harris trong những ngày gần đây bày tỏ ý kiến giống đề nghị của ông Trump, ủng hộ việc miễn thuế liên bang đối với thu nhập từ tiền boa. Tại Raleigh, Harris không nhắc đến đề nghị này, trong khi Trump trước đó chỉ trích Phó Tổng thống copy ông ta.
Hương Giang