KHI TỐI CAO PHÁP VIỆN TRỞ THÀNH ĐỀ TÀI TRANH CỬ GIỮA TRUMP VÀ HARRIS

0
1594

Trong những cuộc bầu cử tổng thống tại Hoa Kỳ từ trước tới nay, chủ đề kinh tế tài chính như công ăn việc làm, tỉ lệ lạm phát v.v. luôn được xem như là một trong những yếu tố quan trọng để cử tri quyết định sự lựa chọn của mình. Thỉnh thoảng cũng có những chủ đề khác như vấn đề quốc phòng, an ninh nội địa, tự do tôn giáo, kỳ thị chủng tộc v.v. trở thành những chủ đề nổi bật mà các ứng viên có thể đem ra để vận động giành lợi thế cho mình.

Trong kỳ bầu cử năm nay, phe Cộng Hòa sẽ dựa vào chủ đề di dân và an ninh tại vùng biên giới phía Nam để khai thác các chiêu bài gây lo sợ trong quần chúng bằng cách bóp méo sự thật về thành phần di dân, dù rằng ai cũng biết vấn nạn di dân đổ vào nước Mỹ đã có từ mấy chục năm qua xuyên qua các chính quyền Cộng Hòa cũng như Dân Chủ.

Hơn thế nữa, phe Cộng Hòa và Donald Trump cũng còn thêm tội nói dối vì chính họ đã từ chối không chịu thông qua dự luật cải tổ về di dân mà chính các nghị sĩ phe Cộng Hòa đã chấp thuận sau khi chính quyền Joe Biden đã nhượng bộ rất nhiều điều để mong thông qua. Lý do chính là vì Trump biết rằng nếu dự luật này được thông qua, thì ông và phe Cộng Hòa không còn có lý do gì để đem ra tấn công và chụp mũ đối phương. Vì thế nên Trump đã  buộc Chủ tịch Hạ Viện Mike Johnson phải dìm dự luật này không đưa ra biểu quyết tại Hạ Viện dù rằng nó đã được chấp thuận tại Thượng Viện.

Tuy nhiên lần này, phe Dân Chủ sẽ quyết đưa ra thêm 1 chủ đề mới trong chiến lược vận động tranh cử tổng thống cũng như cho các ghế dân biểu và nghị sĩ từ cấp liên bang đến tiểu bang: đó là quyền quyết định của phụ nữ đối với chính cơ thể của họ, chẳng hạn như quyền phá thai.

Lý do chính vì đây là một chủ đề sẽ đem lại nhiều thắng lợi cho phe Dân Chủ, nhất là sau khi phe Cộng Hòa đã giành được chiến thắng ở tòa án khi Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ vào tháng 6/2022 đã dùng thế đa số áp đảo của 6 thẩm phán bảo thủ để đảo ngược án lệ Roe versus Wade vốn đã trở thành luật hiện hữu từ gần 50 năm quy định rằng việc lựa chọn phá thai hay không là quyền quyết định của phụ nữ mang thai, và điều đó được sự bảo vệ bởi Hiến pháp Hoa Kỳ.

Nhưng phán quyết của TCPV với 6 vị thẩm phán bảo thủ đã đi ngược lại với ý muốn của đại đa số người dân trong nước, và đã khiến họ quyết tâm đến phòng phiếu để bày tỏ ý kiến nếu như được dịp tham dự các cuộc trưng cầu dân ý. Từ hai năm qua, trong tất cả các cuộc bầu cử lớn nhỏ và mỗi khi vấn đề quyền phá thai được đưa ra biểu quyết, phe Cộng Hòa luôn luôn gặp thất bại nặng nề, kể cả ở những tiểu bang rất bảo thủ như Kansas, Kentucky, Arizona, Ohio. Và ngay chính Donald Trump, dù luôn thích khoe khoang thành tích của mình là đã bổ nhiệm thêm 3 vị thẩm phán bảo thủ trong thời gian cầm quyền để giúp cho phe Cộng Hòa có được đa số áp đảo và thông qua được phán quyết đảo ngược án lệ Roe versus Wade, nhưng cuối cùng Trump cũng nhận thấy đây là một đề tài tranh cử sẽ khiến cho phe Cộng Hòa phải thảm bại. Và do đó Trump đã phải nhượng bộ, khi quyết định loại bỏ trong cương lĩnh của đảng Cộng Hòa năm nay điều khoản yêu cầu thông qua chính sách cấm phá thai trên toàn nước Mỹ.

Dĩ nhiên, phe Dân Chủ sẽ không bỏ qua vụ này, và sẽ tìm đủ cách để nhấn mạnh cho cử tri khắp nơi biết rằng nếu như họ không lên tiếng chống đối để bảo vệ quyền quyết định về sinh sản và cơ thể của chính mình, thì số phận của phụ nữ sẽ phải tùy thuộc vào sự lựa chọn của một thiểu số bảo thủ khắt khe muốn áp đặt những suy nghĩ và nhận định của họ lên đa số người dân trong nước. Và trong hơn hai năm qua, bà Kamala Harris cũng đã đi vận động khắp nơi để kêu gọi sự dấn thân mạnh mẽ hơn từ phía phụ nữ và giới trẻ.

Và nhân vụ này, phe Dân Chủ lại có thêm một chủ đề mới để làm đề tài tranh cử rất có lợi cho mình: đó là vai trò của Tối Cao Pháp Viện trong hệ thống chính quyền tại Hoa Kỳ.

Thông thường chủ đề liên quan đến tòa án tối cao luôn là một đề tài nóng bỏng trong những cuộc bầu cử tổng thống bởi lẽ đơn giản là chỉ có tổng thống mới có quyền bổ nhiệm các vị thẩm phán mới và sau đó các vị quan tòa này sẽ ngồi ở ghế quyết định xét xử cho đến mãn đời. Nhưng lần này, chủ đề về tòa án tối cao lại mang thêm một tầm vóc quan trọng khác khi bà Harris trở thành ứng viên chính thức của đảng Dân Chủ ra đối đầu với Donald Trump của phe Cộng Hòa.  

Đây là lần đầu tiên có một ứng viên của đảng Dân Chủ ra ứng cử tổng thống lại là một phụ nữ mang hai dòng máu gốc Phi châu và Ấn độ. Do đó, nó sẽ tạo ra thêm một trang mới trong những cuộc tranh luận về ảnh hưởng của tòa án tối cao theo khuynh hướng bảo thủ trên những vấn đề như quyền phá thai, và chính sách hỗ trợ cho người thiểu số, thường gọi là affirmative action.

Như đã nói, Trump là người đã bổ nhiệm 3 vị thẩm phán bảo thủ và cả 3 người này đều biểu quyết loại bỏ án lệ Roe versus Wade, tức là không còn bảo vệ quyền phá thai của phụ nữ. Còn bà Harris là người luôn đi vận động việc cần phải bảo vệ quyền tự do này của phụ nữ trong chiến dịch tranh cử, và đây sẽ là cuộc đụng độ đầu tiên giữa hai ứng viên trong một cuộc bầu cử quan trọng kể từ sau phán quyết của TCPV vào năm 2022.

Hơn thế nữa, mới đây TT Joe Biden lại còn đưa ra một số đề nghị cải tổ đáng kể đối với TCPV mà bà Harris cũng ủng hộ mạnh mẽ, từ đó dẫn đến một cuộc tranh luận đáng chú ý về vai trò và quyền hành của tòa án tối cao này ảnh hưởng đến đời sống của người dân Mỹ ra sao, và đây là chủ đề mà phe Dân Chủ rất sẵn sàng tranh luận để cho cử tri lựa chọn và ủng hộ.

Kế hoạch cải tổ do TT Biden đưa ra gồm có 3 điểm chính:

1.- ấn định thời gian làm thẩm phán xuống mức tối đa là 18 năm thay vì vĩnh viễn suốt đời như trước nay, và cho phép vị tổng thống đương quyền được có cơ hội bổ nhiệm một vị thẩm phán cứ hai năm một lần.

2.- thiết lập một quy chế đạo đức nghề nghiệp mà các vị thẩm phán tối cao phải tuân thủ.

3.- kêu gọi một tu chính án mới để đảo ngược lại phán quyết mới đây của TCPV cho phép một tổng thống được đặc miễn tài phán, tức là miễn bị truy tố dù rằng đã có những hành động được xem là phạm pháp.

Thật ra, việc thông qua những chính sách hay đạo luật cải tổ TCPV không phải là điều dễ dàng vì nó cần phải có sự can thiệp của ngành lập pháp. Muốn thông qua một tu chính án, nó cần phải được sự chấp thuận của 2/3 thành viên của cả Hạ Viện lẫn Thượng Viện liên bang, rồi sau đó còn phải được sự chuẩn thuận của 3/4 các quốc hội tiểu bang. Trong bối cảnh chính trị phân hóa cùng cực hiện nay trên chính trường nước Mỹ giữa hai phe Cộng Hòa và Dân Chủ, việc đòi hỏi có sự đồng thuận của 2/3 hay 3/4 ắt hẳn là điều khó thể xảy ra.

Chủ tịch Hạ Viện Mike Johnson, một chính khách thuộc loại phò Trump cực đoan kiểu MAGA đã lên tiếng phản đối và nói rằng nó sẽ chết ngay tức khắc (dead on arrival) khi mới được đưa qua Hạ Viện. Và TT Biden cũng đã phản pháo ngay để cho rằng cái nhận định của ông Johnson là “loại suy nghĩ chết từ trong trứng nước”.

Tuy nhiên, việc bà Harris ủng hộ kế hoạch cải tổ TCPV sẽ mang lại cho phe Dân Chủ cái lợi thế là biến một tòa án tối cao hiện nay đang dính vào nhiều vụ tai tiếng của các thẩm phán bảo thủ trở thành một đề tài tranh cử.

Trong những năm đây, tỉ lệ ủng hộ của người dân Mỹ dành cho TCPV đã tụt xuống khá thê thảm, chỉ ở mức 38% theo như một cuộc thăm dò dân ý do đài Fox News thực hiện, sau khi đưa ra phán quyết cho Donald Trump được quyền miễn bị truy tố dù rằng ông ta đã tìm đủ cách, dù là phạm pháp, để đảo ngược quyết quả thất cử năm 2020. Điều này có nghĩa là sự ủng hộ của người dân Mỹ đã tụt xuống đến 20 điểm so với thời điểm tháng 3 năm 2017, tức là tỉ lệ ủng hộ của 58% dân Mỹ vào lúc đó, trước khi Trump bổ nhiệm 3 người là Neil Gorsuch, Brett Kavanaugh và Amy Coney Barrett.

Theo nhận định của ông Dan Urman là giáo sư về luật và chính trị học tại Đại học Northeastern, rõ ràng là bà Harris đã nhìn thấy đây là một chủ đề giúp cho phe Dân Chủ giành được thắng lợi. Bà Harris trong quá khứ đã là người đã từng bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ cho những thay đổi về tòa án tối cao, trong khi TT Biden lại tỏ ra thận trọng hơn về chủ đề này.

Dĩ nhiên, phe Cộng Hòa đã nhanh chóng lên tiếng chống đối kế hoạch cải tổ TCPV do TT Biden đề ra, và gọi đó là một cố gắng theo bè phái nhằm làm suy yếu thế đa số của phe bảo thủ tại tòa tối cao. Các dân biểu, nghị sĩ phe Cộng Hòa đã dùng nhiều từ ngữ như là “vô lý”, “hỗn loạn”, và “nguy hiểm” để chụp mũ cho đề nghị cải tổ của TT Biden, trong khi một tay tranh đấu nổi tiếng cho phe bảo thủ ở ngành tư pháp là Leonard Leo thì cho rằng đó là một nỗ lực muốn biến tòa án tối cao “mất đi tính chính danh”.

Còn Ủy Ban Trung Ương Đảng Cộng Hòa thì gửi ra một điện thư tấn công để nói rằng bà Harris và phe Dân Chủ đang muốn nhắm tới TCPV là mục tiêu chỉ trích về những phán quyết không thuận lợi cho mình.

Tuy nhiên bà Harris có lẽ là chính khách duy nhất và thích hợp nhất hiện nay để đưa ra cái thông điệp về chủ đề này của phe Dân Chủ. Trong thời gian còn làm nghị sĩ liên bang, bà Harris đã ngồi trong Ủy Ban Tư Pháp Thượng Viện, và dùng kinh nghiệm cá nhân của mình từng là một công tố viên để đặt ra những câu hỏi xác đáng đối với những thẩm phán được tổng thống đề nghị, trong đó có cả những thẩm phán tối cao pháp viện.

Trong cuộc điều trần của thẩm phán Kavanaugh, bà Harris đã chất vấn ông ta trên nhiều vấn đề khác nhau. Chẳng hạn như bà đã hỏi ông Kavanaugh rằng có khi nào ông đã từng nghĩ đến những đạo luật nào có thể cho phép chính quyền đặt ra “những quyết định trên cơ thể của người đàn ông hay không.” Câu hỏi khiến ông Kavanaugh khựng lại, không biết trả lời ra sao, để rồi sau đó đáp rằng “tôi không có nghĩ đến điều gì hết vào lúc này.”

Những nỗ lực của bà Harris trong vấn đề bảo vệ quyền quyết định về sinh sản của phụ nữ càng khiến cho vấn đề cải tổ tòa án tối cao trở thành một chủ đề tự nhiên và dễ dàng cho bà vận động tranh cử lần này, nhất là sau khi phán quyết của TCPV đảo ngược án lệ Roe versus Wade cách nay 2 năm vẫn còn tiếp tục gây ra nhiều chấn động bất lợi trên toàn quốc.

Việc đặt để hai chủ đề cải tổ TCPV và quyền quyết định về sinh sản của phụ nữ nằm song song bên nhau có thể sẽ là đề tài gây sự chú ý cho giới trẻ, nhất là những người năng động và chủ trương cần phải có cải tổ về tòa án. Bởi vì cái khối người trẻ này đang nhận định rằng họ được sinh ra trong một thế giới mà mọi người đều được hưởng những quyền lợi được cung cấp, để rồi đùng một cái tất cả những quyền lợi này bị rút lại chỉ vì một vài phán quyết của các vị thẩm phán, đã khiến cho cuộc đời của họ bị thay đổi hoàn toàn.

Thông thường, những đề nghị cải tổ to lớn thường không phải lúc nào cũng được nhiều người dân ủng hộ ngay từ lúc ban đầu. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng những đề nghị cải tổ về TCPV do TT Biden đề ra đều được sự hưởng ứng của đa số quần chúng. Theo một cuộc thăm dò của đài Fox News, có đến 78% dân Mỹ ủng hộ giới hạn thời gian ngồi ghế thẩm phán tòa tối cao là 18 năm.

Còn một cuộc thăm dò mới đây của tổ chức YouGov cho thấy chính sách áp dụng các quy tắc đạo đức nghề nghiệp cho các vị thẩm phán nhận được sự ủng hộ của 86% người dân phe Dân Chủ, và 62% người theo phe Cộng Hòa.

Nếu như bà Harris thắng cử kỳ này, việc cải tổ TCPV có thể trở thành một nhiệm vụ quan trọng để giúp bà thực hiện được những lời hứa đưa ra lúc vận động tranh cử.

Mai Loan