KHI TT JOE BIDEN TRAO LẠI BÓ ĐUỐC CHO THẾ HỆ KẾ TIẾP, TRONG ĐÓ CÓ CẢ CỘNG ĐỒNG NGƯỜI VIỆT CHÚNG TA

0
1237

Mai Loan

Ai cũng biết lịch sử của Hoa Kỳ được thành lập từ sau cuộc Cách Mạng kéo dài từ năm 1765 đến 1783 khi quân dân của 13 tiểu bang thuộc địa của Vương Quốc Anh tại Mỹ châu đã vùng lên để giành độc lập và thành lập nên một quốc gia mới lấy tên là Hiệp Chúng Quốc Hoa Kỳ.

Từ đó mở ra một trang sử mới cho một quốc gia mới thành hình, nhưng sau đó đã phát triển thật nhanh nhờ vào nhiều đợt di dân từ khắp nơi đổ về để mưu cầu một cuộc sống mới tốt lành hơn nơi quê cũ, để rồi sau cùng lớn mạnh với tổng cộng 50 tiểu bang như ngày nay, và chiếm vị thế đệ nhất siêu cường trên thế giới từ gần 80 năm qua, kể từ khi Đệ Nhị Thế Chiến chấm dứt.

Nhưng gần đây lại có những chính khách bảo thủ cực đoan và tôn sùng chủ thuyết da trắng thượng đẳng lại có tham vọng ngông cuồng muốn tạo nên một cuộc Cách Mạng Hoa Kỳ lần thứ hai khi thủ lãnh mà họ tôn sùng là “thiên sứ” Donald Trump có thể đắc cử tổng thống lần nữa và sẽ thiết lập một chính sách cải tổ toàn bộ hệ thống chính quyền liên bang theo như mô hình độc tài mà chúng mong muốn nếu như phe Cộng Hòa giành được thắng lợi ở cả hai ngành hành pháp và lập pháp trong kỳ bầu cử cuối năm nay, sau khi bọn chúng đã kiểm soát được ngành tư pháp với 6 thẩm phán bảo thủ, sẵn sàng tiếp tay với những phán quyết thiên vị lộ liễu, đi ngược lại nguyện vọng của đa số người dân trong nước.

Đó là lời của Kevin Roberts, chủ tịch Sáng hội Heritage Foundation, một tổ chức nghiên cứu chính trị theo khuynh hướng rất bảo thủ, đã phát biểu trong một chương trình của Steve Bannon rằng nước Mỹ đang đứng giữa một “cuộc Cách Mạng Hoa Kỳ lần thứ hai” và còn đưa thêm lời cảnh cáo rằng “nó sẽ không đẫm máu nếu như là phe cánh tả hãy để yên cho nó diễn ra.” Ngụ ý của lời cảnh cáo này là chiến thắng của Trump và phe Cộng Hòa là điều tất nhiên sẽ đến (có lẽ bọn chúng quá chủ quan tin rằng TT Joe Biden sẽ tiếp tục bị mất điểm ủng hộ sau những đòn chụp mũ và bóp méo sự thật tấn công vào ông từ hơn 3 năm qua), và rằng phe Cộng Hòa đang trên đường giành lại nước Mỹ này, tức là nước Mỹ của những người da trắng như trước đây, làm chủ những người da đen với thân phận phải làm nô lệ.

Nhưng theo nhận định của một học giả khác là Heather Cox Richardson, giáo sư về sử học và chính trị thuộc đại học Boston College và MIT, thì có lẽ một cuộc cách mạng khác đang chớm nở và nó có thể bùng lên một cách nhanh chóng. Và vị giáo sư này cho rằng tinh thần và thể chế dân chủ cũng được khai sinh tương tự, tức là nó có thể chớm nở từ từ (khi một vài cá nhân can đảm lên tiếng đòi dân chủ trong một xã hội độc tài), để rồi nhanh chóng bùng lên khắp nơi khi nhiều người cùng hưởng ứng ồ ạt sau đó khi thấy đó là điều đúng và đem lại ích lợi cho họ.)

Trong suốt tiến trình lịch sử của Hoa Kỳ, ở vào những thời điểm quan trọng mang tính cách mạng xảy ra, người ta luôn thấy lòng dân có thể thay đổi một cách khá nhanh chóng.

Đầu tiên là vào thời điểm năm 1763, tức là sau khi cuộc chiến có tên là French and Indian War (giữa các thuộc địa của Anh ở vùng Bắc Mỹ đấu với các thuộc địa của Pháp ở vùng này) kết thúc sau 7 năm dài với chiến thắng nghiêng nhiều về phía Anh quốc, đa số những người dân Mỹ tại các thuộc địa này đều rất hãnh diện mình là thành phần của đế quốc Anh. Nhưng rồi chỉ hơn một thập niên sau, tức là vào năm 1776, chính những người dân này lại vùng lên giành độc lập khỏi đế quốc Anh và đề ra những nguyên tắc mới về quyền sống cho rằng mọi người sinh ra trên đời này đều có quyền được đối xử bình đẳng trước pháp luật và có tiếng nói trong chính quyền của họ.

Sự thay đổi trong nhận định của người dân cũng xảy ra khá đột ngột trong thời điểm của thập niên 1850. Vào năm 1853, phe thượng lưu da trắng ở các tiểu bang miền Nam chủ nhân của nhiều khối dân nô lệ da đen coi như đang nắm quyền đa số trên cả nước. Phe của họ giành được quyền hành ở Thượng Viện, cũng như Tòa Bạch Ốc và Tối Cao Pháp Viện. Họ đã ra mặt chống lại Bản Tuyên Ngôn Độc Lập vốn là nền tảng pháp lý của Hoa Kỳ, và còn cho rằng họ có quyền điều hành vượt lên ý nguyện của đa số trong nước. Họ dự định là sẽ thống lãnh Hoa Kỳ, và từ đó thống lãnh luôn cả thế giới để thiết lập nên một nền kinh tế toàn cầu dựa trên sự thống trị khối dân da đen và những thiểu số khác làm nô lệ.

Nhưng rồi chỉ 7 năm sau đó, cử tri tại Hoa Kỳ lại quyết định bầu cho một chính khách cấp tiến là Abraham Lincoln vào Tòa Bạch Ốc, khiến cho một lãnh tụ có đầu óc cởi mở có thể thi hành chính sách giải phóng dân nô lệ da đen, thành lập và bảo vệ một chính quyền “của dân, do dân bầu lên và phục vụ cho dân.” TT Lincoln đã giúp thổi lên một làn sóng mới về thể chế tự do mà nhiều sử gia sau này coi đó như là một “cuộc Cách mạng Hoa Kỳ lần thứ hai”.

Rồi lịch sử dường như lập lại lần nữa vào thập niên 1920. Đó là giai đoạn sau khi Đệ Nhất Thế Chiến chấm dứt, nhưng xã hội và chính trường nước Mỹ lại bị phủ trùm bởi nhiều sự lo sợ về chủ nghĩa Bôn-sê-vích, về những người di dân và các vụ ném bom trong nội địa cũng như là các đợt nổi dậy của giới thợ thuyền. Đó cũng là thời kỳ trỗi dậy của Nhóm Ku Klux Klan với chủ trương dùng bạo lực uy hiếp khối dân gốc thiểu số. Vào lúc đó có hai người di dân gốc Ý là Nicola Sacco và Bartolomeo Vanzetti đã bi đem ra xét xử về tội đánh cướp và giết người. Các chuyên gia sau này đều cho rằng phiên tòa xét xử đã không diễn ra công bằng với bản án tử hình vào năm 1927, chỉ vì hai bị cáo này đã bị đối xử bất công vì là những tay đấu tranh đòi dùng bạo lực để gây phản loạn. Tuy nhiên bản án tử hình bất công này cho thấy là dường như vào lúc đó các thế lực kinh doanh đã cùng nhau toa rập với các viên chức chính quyền để thống trị xã hội giống như là mô hình của các chế độ phát-xít vào lúc đó, và với đà này Hoa Kỳ sớm hay muộn cũng sẽ đi vào con đường tệ hại như vậy.

Nhưng rồi chỉ 5 năm sau đó, đa số cử tri tại Hoa Kỳ lại bỏ phiếu cho ứng viên Franklin Delano Roosevelt đắc cử tổng thống, sau khi ông đưa ra lời hứa với người dân Mỹ về cái gọi là New Deal, tức là một Thỏa Thuận Mới, để giúp đưa đất nước và người dân Mỹ vào một thời kỳ đổi mới với những quy luật ấn định cho các công ty làm ăn và phải trả lương đầy đủ cho giới công nhân, chính phủ phải có bổn phận thiết lập một hệ thống bảo đảm an toàn tối thiểu về dân sinh (gọi là basic safety net), phát triển hạ tầng cơ sở trên toàn nước Mỹ, đồng thời bảo vệ dân quyền cho mọi người trong nước.

Và cứ mỗi lần quốc gia này phát triển thể chế tự do dân chủ, dường như người dân trong nước bỗng cảm thấy thờ ơ, hoặc quá chủ quan để cho rằng những điều ích lợi của một thể chế dân chủ là điều hiển nhiên phải có. Người dân quên rằng thể chế dân chủ là một tiến trình cần phải được bồi đắp và cái tiến trình đó không bao giờ ngưng nghỉ.  

Bởi vì bất cử khi nào người dân trong nước bắt đầu tỏ ra thờ ơ, không quan tâm đến chuyện nước thì những kẻ có đầu óc tham lam quyền lực sẽ khai thác hệ thống hành chính để chiếm lấy quyền hành. Bọn chúng sẽ tìm cách kiểm soát Quốc hội, Tòa Bạch Ốc và Tối Cao Pháp Viện, và từ đó sẽ bắt đầu phá hoại những nguyên tắc căn bản cho rằng mọi người sinh ra trên đời đều phải được đối xử bình đẳng trước pháp luật, và bọn chúng cũng sẽ tìm cách giới hạn lại cái tư tưởng cho rằng mọi người dân đều có quyền lên tiếng đối với chính quyền. Và sau đó người dân sẽ bắt đầu cảm thấy như là mình đã mất đi cái thể chế tự do dân chủ.

Thế nhưng lúc nào chúng ta cũng thấy có những người khác vẫn luôn kiên trì và giữ vững niềm tin. Đó là những nhà dân cử, những thầy cô giáo, những nhà báo hoặc những văn nghệ sĩ sẵn sàng đẩy lui nỗi lo sợ xuyên qua những hành động cho thấy rằng xã hội này vẫn luôn có tình yêu, gia đình và cộng đồng bảo bọc. Và trong những cộng đồng đó, người dân bắt đầu biết tổ chức để đối phó, chẳng hạn như những khối người không may mắn bị bỏ rơi bên lề xã hội là những thành phần đầu tiên biết phản kháng, rồi dần dần lớn mạnh lên thành những tổ chức quần chúng. Đó là những thành phần giữ lửa âm ỉ cho thể chế dân chủ tiếp tục được duy trì.

Để rồi lâu lâu lại có những biến cố thổi nó bùng lên thành những ngọn lửa lớn.

Chẳng hạn như vào thập niên 1760, một đạo luật được thông qua có tên là The Stamp Act, cho rằng những người dân bên nước Anh có quyền đô hộ lên những người dân tại các thuộc địa bên Mỹ Châu, khiến cho làn sóng chống đối tại 13 thuộc địa đầu tiên bùng lên và khai mào cho cuộc chiến giành độc lập.

Hoặc như vào thập niên 1850 khi một đạo luật khác cũng được thông qua có tên là The Kansas-Nebraska Act, nói rằng những giới thượng lưu chủ nhân các khối dân nô lệ da đen có quyền thống trị nước Mỹ, và điều này đã dẫn đến sự phản đối của các tiểu bang miền Bắc và đa số người dân trong nước để đi đến cuộc Nội chiến Nam-Bắc với kết quả thảm bại cho giới chủ nhân muốn duy trì chế độ nô lệ dân da đen.

Và sau đó là cuộc khủng hoảng kinh tế vào năm 1929 đưa nước Mỹ vào một thời kỳ suy trầm to lớn nhất trong lịch sử. Biến cố này đã chứng minh rằng những doanh gia giầu có từ trước tới nay thật ra cũng chẳng biết là mình đã làm điều gì và đang thất bại nặng nề vì không đưa ra được một kế hoạch nào để vực dậy lại nền kinh tế khỏi cơn suy thoái trầm trọng.

Trong những thập niên gần đây, chúng ta dường như đang chứng kiến một cuộc tranh đấu giằng co để bảo vệ một thể chế tự do dân chủ trước sức mạnh của một chính quyền trong tay tập đoàn thế lực (oligarchy) rồi sau đó là trước tham vọng của một lãnh tụ muốn làm nhà độc tài. Nhiều người dân Mỹ bắt đầu cảm thấy nhiều quyền lợi của họ bắt đầu bị tước bỏ hoặc mất dần đi, dù rằng họ vẫn âm thầm tạo được sức mạnh của mình.

Cái sức mạnh đó được biểu lộ một cách rõ ràng như cuộc tuần hành của phụ nữ (Women’s March) vào ngày 21 tháng Giêng năm 2017. Cuộc tuần hành này được tổ chức và diễn ra tại hơn 100 thành phố lớn nhỏ trên toàn nước Mỹ với số người tham dự được ước lượng từ 3 triệu rưởi đến 5 triệu người tham dự, cùng với khoảng 2 triệu người khác tại nhiều nước khác trên thế giới, với đỉnh cao của cuộc tuần hành là tại thủ đô Washington D.C, đúng một ngày sau khi Donald Trump làm lễ tuyên thệ tổng thống. Cuộc tuần hành này được thực hiện là để bày tỏ sự chống đối những lời lẽ và chính sách của vị tân tổng thống Mỹ vào lúc đó được coi là một lãnh tụ có tư tưởng xem thường phụ nữ và là một mối nguy cho quyền lợi của nữ giới.

Sức mạnh này của phụ nữ vẫn không ngừng phát triển, dù âm thầm dưới thời của Donald Trump và sau đó rộng mở hơn dưới thời của TT Joe Biden. Mọi người bắt đầu tổ chức bằng cách quy tụ sức mạnh xuyên qua các hội đồng giáo dục, các quốc hội tiểu bang và liên bang. Họ cũng biết tổ chức vận động qua nhiều mạng xã hội như TikTok, Instagram, Facebook và các buổi cùng thảo luận và hội ngộ trên Zoom.

Để rồi đùng một cái xảy ra chuyện khiến cho sức mạnh này bùng phát. Đó là phán quyết của Tối Cao Pháp Viện liên bang vào mùa hè 2022 khi đảo ngược án lệ đã có từ gần nửa thế kỷ qua là Roe versus Wade nhằm bảo vệ quyền quyết định của phụ nữ trên cơ thể của họ. Phán quyết này cho thấy là một thiểu số nhỏ khi 6 vị thẩm phán bảo thủ đã xem thường ý muốn của đại đa số người dân trong nước để hủy hoại thể chế tự do dân chủ và muốn thay thế nó bằng một chế độ độc tài dựa trên chủ nghĩa quốc gia cực đoan theo Cơ-đốc-giáo.

Vào ngày 21/7 vừa qua, khi Tổng thống Joe Biden quyết định loan báo là ông sẽ rút lui không tiếp tục tranh cử cho một nhiệm kỳ thứ hai, ông đã có một quyết định can đảm và đáng kính trọng của một lãnh tụ biết nghĩ đến quyền lợi của quốc gia dân tộc thay vì chỉ nghĩ đến danh vọng cá nhân. Và ông đã trao lại bó đuốc không phải chỉ riêng cho bà Phó Tổng thống Kamala Harris, mà cho toàn thể chúng ta, những người biết củng cố sức mạnh của mình để tiếp tục công cuộc bảo vệ thể chế tự do dân chủ mà chúng ta đã may mắn được thừa hưởng nhưng đôi khi vô tình tỏ ra thờ ơ để không biết trân trọng cho đến khi nó có thể bị tước đoạt bởi những kẻ có đầu óc tham quyền cố vị, và chỉ muốn dùng sức mạnh của mình để áp đảo những người khác chính kiến.

Vậy thì chúng ta hãy nắm lấy cơ hội để phất cao ngọn đuốc, hãy quyết định rằng chúng ta muốn duy trì một quốc gia dựa trên những điều dối trá và đe dọa hoặc là dựa trên những sự kiện có thật ngoài đời, dựa trên những phản ứng bốc đồng theo cảm tính hay là dựa trên sự thật, dựa trên những thù hận và đố kỵ hay là dựa trên niềm hy vọng.

Chúng ta hãy quyết định xem tương lai của nước Mỹ sẽ đi theo con đường phát xít độc tài hoặc là tiếp tục con đường dân chủ để rồi nó có thể tiến tới rất nhanh, và chúng ta sẽ lựa chọn tiếp tục con đường của những người đã dấn thân trước đây, để tạo nên một thể chế dân chủ mới trong lịch sử của Hoa Kỳ.

Điều này giải thích vì sao mà làn sóng ủng hộ bà Kamala Harris và tiếp theo đó là liên danh Harris – Walz đã bùng lên mạnh mẽ trong những ngày qua, và sẽ còn tiếp tục kéo dài trong những tuần lễ kế tiếp, cho đến khi chúng ta sẽ giành lấy thắng lợi sau cùng trong cuộc bầu cử đầu tháng 11 năm nay.

Mai Loan

Houston, Texas, 11/08/2024

anhtuantaberd74@gmail.com