(CaliToday) – Lei Muhan và bố mẹ trong suốt chuyến vượt biên từ Trung Quốc vào Mỹ đã trả tiền cho những kẻ buôn lậu, đi qua 11 quốc gia, kể cả lội bộ qua sa mạc nóng.
Gia đình họ nằm trong làn sóng di dân người Trung Quốc vượt biên trái phép vào Mỹ lớn nhất trong lịch sử, đặt chân đến miền đất hứa vào tháng 4 vừa qua. Họ cũng tham gia vào dòng người di dân đông kỷ lục từ Nam Mỹ, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ và một loạt các quốc gia châu Phi đang đổ xô đến Mỹ. Nhiều người trong số họ đóng tiền cho các mạng lưới buôn người toàn cầu tìm cách khai thác hệ thống tị nạn yếu kém của Hoa Kỳ.
Chính quyền Hoa Kỳ chạm trán với hơn 55.000 di dân người Trung Quốc vượt biên trái phép từ Mexico trong 18 tháng qua, chủ yếu ở vùng núi sa mạc hiểm trở phía đông San Diego, tăng từ 3.813 người vào năm 2022. Đây là chặng cuối cùng của hành trình được gọi bằng tiếng Phổ thông là Zǒu xiàn – đi trên dây.
Một phần do hậu quả kinh tế và chính trị ngột ngạt do lệnh phong tỏa COVID 19 kéo dài của Trung Quốc đã đẩy người dân nước này chấp nhận rủi ro, tìm mọi cách đến Mỹ. Di dân Trung Quốc đến đã trở thành điểm nóng về an ninh chính trị và quốc gia ở Washington. Cựu tổng thống Donald Trump gọi di dân Trung Quốc là “đàn ông ở độ tuổi chiến đấu,” và cảnh báo dòng người đổ vào có thể che giấu các hoạt động gián điệp, trong khi Dân chủ, các nhà phân tích, và chính những người trong cuộc chỉ ra cuộc khủng hoảng thất nghiệp và chính phủ đàn áp ở Trung Quốc.
Nhiều di dân Trung Quốc đổ về khu vực Flushing ở Queens, nơi đã vượt qua Los Angeles, đứng hàng đầu thu hút người Trung Quốc mới đến tìm kiếm việc làm, nhà ở, và trợ giúp đơn xin tị nạn, trở thành cộng đồng nói tiếng Trung Quốc lớn nhất ở Mỹ.
Bắc Kinh phủ nhận lý do nền kinh tế trong nước đã tác động đến người dân bỏ trốn ra nước ngoài, cáo buộc họ bị những kẻ buôn lậu người dụ dỗ. Chủ tịch Tập Cận Bình và nhà chức trách Trung Quốc ngày càng tỏ ra quyết tâm ngăn chặn làn sóng di cư, khi bị những người sẵn sàng liều mạng, và tiền bạc để trốn đi làm cho bẽ mặt.
Thông tin “ Zǒu xiàn” trên mạng trực tuyến thường bị kiểm duyệt. Những phim tài liệu do chính quyền phát sóng nói rằng di dân phải đối mặt với nguy hiểm chết người. Nhân viên Di trú và Quan thuế Trung Quốc kiểm tra các trương mục mạng xã hội của những người xin đi du lịch nước ngoài, di dân và những người ủng hộ nhân quyền cho hay. Chính quyền từ chối cho một số người đi bất kể giấy tờ của họ có hợp lệ hay không.
“Ngay cả khi người ta có hộ chiếu Trung Quốc hợp lệ và thị thực hợp lệ đến Thổ Nhĩ Kỳ, Thái Lan hay Việt Nam, cũng không được phép ra nước ngoài,” luật sư di trú Xiang Xiaoji có văn phòng ở New York cho hay.
Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington cho biết đã phát động nỗ lực truy tìm và hồi hương những người rời khỏi Trung Quốc bất hợp pháp.
Tổng thống Biden và Tập Cận Bình trong cuộc hội đàm diễn ra ở San Francisco vào năm ngoái có bàn về việc thực thi di trú, tạo lĩnh vực hợp tác mới vào lúc mối quan hệ hai quốc gia đang xấu đi. Chuyến bay trục xuất khỏi Hoa Kỳ đầu tiên diễn ra vào tháng 3, có 8 di dân Trung Quốc bị trả về. Chuyến bay thứ hai có 116 người bị trục xuất được thực hiện vào tháng 6.
Tình trạng di dân vượt biên bất hợp pháp, kể cả những người từ Trung Quốc, đã giảm mạnh kể từ ngày 4 tháng 6, khi Tổng thống Joe Biden ban hành sắc lệnh hành pháp, ngăn chặn di dân xin tị nạn tại biên giới Mỹ-Mễ khi số người vượt biên tăng cao. Bước đi này nhằm giảm bớt áp lực lên hệ thống di trú, và giải quyết lo ngại lớn trong cử tri. Sự thay đổi này đang bị thách thức tại tòa liên bang.
Nhưng trong số di dân vượt biên kỷ lục ở biên giới phía nam 3 năm qua, Trung Quốc là nguồn di dân bất hợp pháp lớn nhất từ bất cứ quốc gia nào ngoài châu Mỹ, theo thống kê của Bộ Nội An.
Dòng người di dân này đang mang lại lợi ích cho các tổ chức tội phạm ở Mexico, vốn tính giá hàng ngàn Mỹ kim đưa đón khách hàng từ những ngôi nhà an toàn ở Tijuana và Mexicali đến các trạm nhập cảnh xa xôi, nơi di dân có thể đi vòng qua bức tường biên giới Hoa Kỳ. Khi đặt chân đến đất Mỹ, di dân Trung Quốc cùng với di dân từ trên khắp trên thế giới đầu hàng nhân viên tuần cảnh và quan thuế Hoa Kỳ, bày tỏ nỗi sợ hãi bị đàn áp ở quê nhà để xin tị nạn.
Những người vào vùng núi bên ngoài San Diego sẽ được nhân viên Biên giới thẩm vấn, sàng lọc những người có mối quan hệ Đảng Cộng sản Trung Quốc và quân đội của trong nước. Thông tin cá nhân và hộ chiếu của họ khớp với dữ liệu được thu thập bởi các quốc gia chia sẻ thông tin cụ thể đó với Hoa Kỳ.
Tuy nhiên, giới chức Bộ Nội An cho biết, hiếm khi có thêm thông tin vì sự hợp tác với Trung Quốc rất hạn chế.
Dân biểu Mark Green (Cộng hoà – Tennessee) – Chủ tịch Ủy ban Nội an Hạ viện cho hay, thủ tục kiểm tra không đầy đủ là do hoạt động phối hợp của chính phủ Trung Quốc nhằm đưa gián điệp hay điệp viên của họ xâm nhập vào Hoa Kỳ.
“Những chương trình nghị sự, hệ tư tưởng, và lý do đến đây về cơ bản có thể bị bỏ qua,” nhà lập pháp nói. Green ủng hộ đường lối cứng rắn của Cộng hoà về biên giới. Ông tin, những người mới đến từ Trung Quốc nên bị tạm giam lâu hơn và kiểm tra thấu đáo hơn.
Các nhà lập pháp Cộng hòa cho rằng, những lo ngại trên chính đáng. Họ chỉ ra những tường tình từ các cơ quan truyền thông về ít nhất 100 vụ trong những năm gần đây, trong đó các công dân Trung Quốc bị bắt hoặc hoặc bị tình nghi tìm cách truy cập hoặc đánh cắp thông tin về các căn cứ quân sự của Hoa Kỳ.
Số liệu của tòa di trú Hoa Kỳ cho thấy khoảng 2/3 di dân đến từ Trung Quốc trong năm qua là nam giới, tăng từ khoảng 50% trong những năm trước. Nhiều người đàn ông được phỏng vấn cho biết họ đã bỏ lại gia đình, vì được cảnh báo trên mạng xã hội về những nguy hiểm hay rủi ro đến tính mạng trong suốt chuyến đi.
Để đủ điều kiện xin tị nạn, di dân phải chứng minh họ phải đối mặt với sự đàn áp tôn giáo, sắc tộc, hoặc chính trị ở quê nhà. Đến Hoa Kỳ để tìm việc làm và cơ hội tốt hơn chưa đủ.
Tuy nhiên, những người đặt chân đất Mỹ có thể sống và làm việc trong nhiều năm trước khi được tòa cứu xét đơn, do tình trạng tồn đọng quá lớn. Thủ tục kháng án thường kéo dài nếu đơn xin tị nạn của bị từ chối.
Di dân thông thường có đủ điều kiện để được cấp giấy phép làm việc tại Hoa Kỳ sau 6 tháng, chính sách giúp họ tự đứng trên đôi chân trong khi chờ quyết định của tòa di trú.
Theo giới phân tích, TikTok và các mạng xã hội khác, cũng như mạng lưới buôn lậu sẵn có đã góp phần tạo ra sự thay đổi về nhân khẩu học của những người từ Trung Quốc đến Hoa Kỳ. Trước đây, hầu hết đều dựa vào con đường học vấn, tiền bạc, và mối quan hệ. Bây giờ những người không có những lợi thế đó có thể sử dụng VPN để vượt qua sự kiểm tra của chính phủ và tìm hiểu thực hiện chuyến đi.
Một số người Trung Quốc đến California gần đây cho xem những hướng dẫn dưới dạng PDF, từng bước một cho chuyến đi từ Ecuador đến biên giới Mỹ-Mexico, kể cả số lượng và màu sắc của đồng peso Mexico cần thiết cho mỗi chuyến xe buýt.
Những di dân Trung Quốc khác bay đến Nicaragua, El Salvador hoặc thẳng tới Mexico, nơi họ có thể bắt các chuyến bay quá cảnh đến các thành phố biên giới Mexico.
Hành trình vượt biên xa xôi đầy nguy hiểm. Vào tháng 3, thi thể của 8 di dân Trung Quốc, trong đó có 7 phụ nữ, dạt vào bờ biển sau khi thuyền của họ bị lật úp ngoài khơi tiểu bang Oaxaca của Mexico – tuyến đường vượt biên phổ biến.
Các nhà chức trách ở Ecuador trong tháng này đã tạm thời tái áp dụng các hạn chế về thị thực đối với khách du lịch Trung Quốc, với hy vọng ngăn di dân sử dụng quốc gia Nam Mỹ này làm bàn đạp để đến Hoa Kỳ. Tuy nhiên, chỉ trong vài ngày, các video tiếng Trung Quốc trên TikTok đã đưa ra các tuyến đường thay thế, có giá cao hơn, liên kết với “các công ty du lịch” hợp tác với các hoạt động buôn lậu.
Những người được phỏng vấn ở California cho hay, họ trả phí đâu đó từ $8000 – $60.000 Mỹ kim/ một người cho toàn bộ chuyến vượt biên từ Trung Quốc.
Các tổ chức buôn lậu đưa di dân đến những ngôi nhà an toàn bên Mexico, sau đó nhét hàng chục người lên xe, kể cả xe tải chở hàng không có cửa sổ thả tại các điểm trả khách dọc biên giới Mỹ-Mexico. Sau đó, họ đi theo những con đường đất và đường xe jeep dẫn đến trạm xuất nhập cảnh gần Jacumba Hot Springs, California.
Các nhà phân tích và luật sư cho rằng, một phần lo ngại của Bắc Kinh là di dân Trung Quốc bị chính trị hóa có khả năng tham gia vào của cộng đồng bất đồng chính kiến ở nước ngoài.
Mặc dù số lượng di dân Trung Quốc tương đối nhỏ so với dân số quốc gia, nhưng tác động rất đáng kể đối với một chính phủ đang tìm cách quảng bá hệ thống chính trị của họ ra nước ngoài.
Trong khi đó, đối với nhiều người di dân đang tìm cách có chỗ đứng ở Hoa Kỳ, không phải chính trị trong nước, mà vật lộn với cuộc sống hàng ngày mới là trọng tâm.
Hương Giang (Theo Washington Post)