(CaliToday) — Sau gần 2 tiếng đồng hồ gặp Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson, Dân biểu Marjorie Taylor Greene cho biết, hai bên sẽ tiếp tục cuộc họp vào sáng thứ Ba, giữa bối cảnh nhà lập pháp cực hữu doạ đưa thỉnh nguyện truất phế ra sàn Hạ viện bỏ phiếu.
“Chúng tôi sẽ gặp lại vào ngày mai dựa trên bàn luận đã có,” Greene tuyên bố, mặc dù không cho biết cụ thể hai bên đã bàn những vấn đề gì.
Dân biểu theo thuyết âm mưu không trả lời bất cứ câu hỏi nào về việc liệu có lùi bước trong việc đưa thỉnh nguyện bãi chức Chủ tịch Hạ viện ra bỏ phiếu hay không. Tuy nhiên, những trao đổi giữa Johnson và người chỉ trích ông lớn tiếng nhất ở Quốc hội cho thấy hai bên có thể đạt được thoả thuận để tránh một cuộc bỏ phiếu về vị trí lãnh đạo của nhà lập pháp Louisiana nhằm tránh mất mặt Cộng hoà khi Tổng tuyển cử chỉ còn 6 tháng nữa.
“Tôi kiên nhẫn, tôi kiên trì, vững vàng, và tôi tập trung vào sự thật. Và không điều gì trong số đó đã thay đổi,” Greene nói trước đám đông truyền thông. “Vì vậy, tôi vừa có một cuộc họp lâu với Chủ tịch tại văn phòng của ông ấy về cách thấy thúc đẩy Hạ viện do Cộng hòa kiểm soát. Chúng tôi sẽ nói chuyện với ông ấy vào ngày mai dựa trên cuộc thảo luận của chúng tôi vào hôm nay.”
Cuộc họp vào chiều thứ Hai diễn ra theo yêu cầu của Greene, theo các nguồn tin từ nội bộ Cộng hoà. Dân biểu Thomas Massie (Cộng hoà – Kentucky) – một trong hai nhà lập pháp Cộng hoà công khai ủng hộ nỗ lực bãi nhiệm Johnson – cũng tham gia cuộc họp.
Nói chuyện với truyền thông sau đó, Johnson gọi cuộc họp “hiệu quả,” và cho biết họ bàn một số vấn đề. “Tôi nói với họ, và thường xuyên nói điều này, rằng tôi hiểu sự thất vọng, và tôi chia sẻ điều đó,” Johnson nói. “Tôi thực sự muốn thúc đẩy chính sách bảo thủ của chúng tôi hàng ngày ở đây nhiều hơn nữa, nhưng thực tế là chúng tôi đang làm việc với thế đa số nhỏ nhất trong lịch sử Hoa Kỳ, chỉ với tỷ lệ mong manh 1 phiếu.”
Greene vào tuần trước thông báo sẽ sớm đưa thỉnh nguyện bãi chức Mike Johnson ra bỏ phiếu trên sàn Hạ viện, buộc đồng nghiệp phải chọn bên nào trong cuộc nội chiến, sau khi lãnh đạo Dân chủ tuyên bố sẽ bảo vệ Chủ tịch Hạ viện.
Bước đi của Greene (Cộng hoà – Georgia) làm nổi bật tình trạng hỗn loạn trong nội bộ Cộng hoà. Dân biểu cực hữu cách đây hơn 1 tháng đệ thỉnh nguyện truất phế Johnson khỏi ghế lãnh đạo Hạ viện, nhưng hành động mới nhất leo thang mạnh mẽ nỗ lực này, buộc Hạ viện cân nhắc bỏ phiếu trong 2 ngày lập pháp.
Greene chỉ trích gay gắt Johnson đã đạt được một số thỏa thuận với Dân chủ về những dự luật quan trọng, gồm chi tiêu chính phủ, viện trợ cho Ukraine, và cho phép giám sát công dân nước ngoài mà không cần phải có trát tòa. Nhà lập pháp cực hữu cáo buộc Johnson “phản bội” cội rễ bảo thủ, và rộng hơn phản bội cử tri Cộng hòa, đồng thời cảnh báo việc giữ ông nắm quyền lãnh đạo sẽ ngăn cử tri Cộng hòa đi bỏ phiếu vào tháng 11, và tạo điều kiện cho Dân chủ kiểm soát Hạ viện vào năm tới.
Đây là lần thứ hai trong năm qua, một nhà lập pháp Cộng hòa buộc một cuộc bỏ phiếu bãi nhiệm Chủ tịch của chính đảng mình. Dân biểu Matt Gaetz (Cộng hoà – Florida) vào tháng 10 năm ngoái thúc đẩy bỏ phiếu thành công truất phế Chủ tịch Hạ viện lúc bấy giờ là Kevin McCarthy (Cộng hoà – California) mở đường cho Johnson kế nhiệm.
Nếu được đưa ra bỏ phiếu, Johnson và các đồng minh sẽ đánh bại những nỗ lực của Greene vì lãnh đạo Dân chủ tuyên bố sẽ bỏ phiếu bóp chết thỉnh nguyện bãi chức, bảo vệ ghế của Johnson.
Cả Greene và Johnson đều là đồng minh của Donald Trump. Nhưng cựu Tổng thống tỏ dấu hiệu ủng hộ Chủ tịch Hạ viện. Cả hai cùng xuất hiện trong cuộc họp báo chung khi Johnson đến Mar-a-Lago gần đây, và ông cũng lên sân khấu cùng Trump tại một cuộc vận động tranh cử ở Pennsylvania vào cuối tuần qua.
Nói chuyện với truyền thông, cũng như trên mạng xã hội X (Twitter), Greene thường xuyên nhạo Johnson là “Chủ tịch của Dân chủ.”
“Chủ tịch Johnson nằm dưới sự kiểm soát của Jeffries và Schumer,” Greene đăng trên X vào thứ Hai, nhắc đến lãnh đạ Dân chủ tại Hạ viện và Thượng viện, Hakeem Jeffries và Chuck Schumer. “Quý vị muốn con cái mình chiến đấu với Nga ở Ukraine thì hãy tiếp tục ủng hộ Johnson.”
Johnson nói rõ, ông ủng hộ viện trợ cho Ukraine, một phần vì không muốn gởi Mỹ đến Ukraine. Tổng thống Joe Biden cũng đã bác bỏ ý tưởng như vậy.
Xuất hiện trên chương trình “60 Minutes” của CBS vào Chủ nhật, Jeffries không đồng tình với Greene rằng Dân chủ đang nắm quyền kiểm soát, mặc dù họ chỉ thua Cộng hoà vài phiếu.
“Mặc dù thiểu số nhưng chúng tôi quản trị một cách hiệu quả như thể đang chiếm đa số vì chúng tôi tiếp tục cung cấp đa số phiếu bầu cần thiết để hoàn thành công việc,” Jefferies nói. “Đó chỉ là sự thật.”
Hương Giang (Tổng hợp)