Mike Johnson đánh canh bạc sự nghiệp chính trị, đưa viện trợ Ukraine – Israel ra bỏ phiếu

0
953


(CaliToday) — Gạt bỏ chỉ trích và đe doạ bãi nhiệm từ phe bảo thủ Cộng hoà, Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson chuẩn bị tổ chức bỏ phiếu dự luật viện trợ cho Ukraine, Israel và Taiwan vốn bị đình trệ lâu nay.
Bước đi này tạo ra trận đấu khó đoán trước vào cuối tuần có thể xác định số phận của gói viện trợ nước ngoài, và sự nghiệp chính trị của Johnson sau nhiều tháng đấu đá chua cay trong nội bộ Cộng hoà tại Hạ viện.
Dân chủ dự tính sẽ ủng hộ nỗ lực viện trợ Ukraine, Israel và Taiwan một cách vững chắc, với sự tán thành mạnh mẽ từ Tổng thống Biden. Nhưng nhiều Dân biểu Cộng hòa tức giận vì thiếu những điều khoản về biên giới và viện trợ thêm cho Ukraine đã lên kế hoạch phản đối dự luật này – một vấn đề khó giải quyết khá quen thuộc đối với các nhà lãnh đạo Cộng hòa tại Hạ viện.
“Chúng ta không thể chơi chiêu trò chính trị về vấn đề này; chúng ta phải làm điều đúng đắn,” Johnson nói về gói viện trợ. “Cứ để mọi việc xảy ra dù kết quả có tệ như thế nào đi chăng nữa, nếu tôi hành động mà sợ thỉnh nguyện bãi chức thì sẽ không bao giờ có thể làm công việc của mình,” Johnson nói tiếp khi được hỏi liệu có đang mạo hiểm với sự nghiệp chính trị của mình hay không.
Johnson cho biết sẽ cần đến lá phiếu của Dân chủ để có thể thông qua quy tắc gắn liền với dự luật, một bước thủ tục thường lệ một thời đã nhiều lần bị phe phản đối trong Cộng hòa ngăn chặn. Chủ tịch Hạ viện cũng cho hay, ông không tìm đến Dân chủ để giữ ghế của mình.
“Đã đến lúc Hạ viện phải hành động, và hành động dứt khoát vì lợi ích an ninh quốc gia của Mỹ,” Lãnh đạo phe Thiểu số Hạ viện, Dân biểu Hakeem Jeffries (Dân chủ – New York) nói. Ông cũng cho biết, Dân chủ tại Hạ viện đang xem xét dự luật.
Kế hoạch của ông Johnson gồm 4 dự luật riêng, gồm dự luật viện trợ quốc phòng cho Ukraine, Israel, Taiwan, và dự luật thứ tư có nhiều ưu tiên của Cộng hoà như cấm TikTok, cho phép Mỹ sử dụng tài sản bị tịch thu của Nga để hỗ trợ Ukraine, Đạo luật thúc đẩy phòng thủ của Hoa Kỳ cho viện trợ quân sự và các khoản vay chuyển đổi cho mục đích nhân đạo. Các nhà lãnh đạo vào chiều thứ Tư đăng nội dung của 3 trong số 4 dự luật.

Ba dự luật có tổng giá trị $95,34 tỷ Mỹ kim, gồm $60,84 tỷ dành cho Ukraine, $26,38 tỷ Mỹ kim dành cho cho Israel, và và $8,12 tỷ cho Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương – gần bằng gói viện trợ nước ngoài lưỡng đảng được Thượng viện được thông qua vào tháng Hai. Nó cũng bao gồm các điều khoản như cấm tài trợ cho Cơ quan Cứu trợ và Việc làm của Liên hợp quốc (UNRWA), nơi hỗ trợ người tị nạn Palestine.
Một thay đổi lớn liên quan đến hỗ trợ kinh tế cho Ukraine, với dự luật cung cấp $9,5 tỷ Mỹ kim dưới dạng các khoản vay có thể tha thứ, thay vì viện trợ. Biến một số khoản viện trợ thành các khoản vay là yêu cầu của cựu Tổng thống Donald Trump – ứng cử viên tổng thống Cộng hòa vào năm 2024.
Bỏ phiếu cuối cùng sẽ diễn ra trên sàn Hạ viện vào tối thứ Bảy.
Johnson vào thứ Tư đưa ra bước đi mạo hiểm khi quyền lực chính trị của ông, vốn luôn luôn bị hạn chế do thế đa số mong manh tại Hạ viện và phải dựa vào Dân chủ để thông qua những dự luật quan trọng, ở mức thấp mới. Vào thứ Ba, có thêm một nhà lập pháp Cộng hoà hậu thuẫn thỉnh nguyện truất phế Chủ tịch Hạ viện, và một số nhà lập pháp cho rằng, họ tin sự nghiệp lãnh đạo của ông có thể kết thúc, bây giờ hoặc vào cuối nhiệm kỳ.
Để gói viện trợ nước ngoài được thông qua vào cuối tuần này, Johnson có thể sẽ cần đến số phiếu đáng kể từ Dân chủ, giống như một loạt dự luật chi tiêu nhằm tránh việc chính phủ đóng cửa trong những tháng gần đây.
Cộng hòa vào thứ Tư vẫn bị chia rẽ về những dự luật được Johnson công bố vào đầu tuần, trong đó không bao gồm điều khoản nào về an ninh biên giới, khiến phe bảo thủ nổi giận.
Johnson dành 2 ngày thứ Ba và thứ Tư họp với nhà lập pháp Cộng hòa từ mọi phe phái trong Hạ viện. Khi thông báo sẽ đưa gói viện trợ nước ngoài ra sàn Hạ viện, Johnson cho biết, Hạ viện sẽ bỏ phiếu về một dự luật an ninh biên giới riêng gồm những phần có trong dự luật HR 2 của Cộng hoà được Hạ viện thông qua vào năm ngoái. Kết quả bỏ phiếu dự luật này sẽ không ảnh hưởng gì đến kế hoạch viện trợ nước ngoài, và những tiếng nói chỉ trích cho biết dự luật không thoả mãn những lo ngại của họ.
Johnson “đang từ bỏ cơ hội cuối cùng chúng ta có để chống lại khủng hoảng biên giới,” Dân biểu phe bảo thủ cực hữu Andy Ogles (Cộng hoà – Tennessee) đăng trên mạng xã hội. “Ukraine có thể đi xin tiền ở một nơi khác.”
Chủ tịch Hạ viện trong nhiều tuần qua tỏ dấu hiệu sẽ đưa ra đề nghị về viện trợ nước ngoài bị đình trệ lâu nay, vài tháng sau khi Thượng viện thông qua gói viện trợ cho Ukraine, Israel, Đài Loan và các nỗ lực nhân đạo khác trị gía $95 tỉ Mỹ kim.
Phe diều hâu về quốc phòng của Cộng hòa, kể cả các nhà lập pháp hàng đầu trong ủy ban an ninh quốc gia, những người muốn Johnson bắt đầu gói dự luật an ninh quốc gia trong dự luật lớn bao gồm nhiều mục, trong khi phe bảo thủ phản đối việc tiếp tục ủng hộ cuộc chiến của Kyiv.
Dân biểu theo thuyết âm mưu và là đồng minh thân cận của ông Marjorie Taylor Greene (Cộng hòa – Georgia), đe dọa sẽ tiến hành thủ tục truất phế Johnson. Dân biểu Thomas Massie (Cộng hoà – Kentucky) vào thứ Ba thông báo sẽ hậu thuẫn thỉnh nguyện nghị quyết bãi chức, trở thành nhà lập pháp đầu tiên công khai ủng hộ bước đi này. “Ông ta làm 3 việc: muốn một dự luật chi tiêu gồm nhiều mục, phá vỡ mọi hồ sơ chi tiêu; ông ta muốn đạo luật FISA không cần trát toà; bây giờ ông ta muốn viện trợ Ukraine,” Massie nói về lý do bãi nhiệm Chủ tịch Hạ viện.
Nỗ lực của Hạ viện trở nên cấp bách sau khi Iran phóng hơn 300 phi cơ không người lái, hoả tiễn hành trình và đạn đạo nhắm vào Israel vào cuối tuần qua, trong khi điều kiện ở Ukraine tiếp tục xấu đi Kiev bước vào năm thứ 3 cuộc chiến chống xâm lược Nga.
Hương Giang (Tổng hợp)