Mike Johnson thông qua viện trợ Ukraine tại Hạ viện, phe cực hữu thất bại cay đắng

0
1813
House Speaker Mike Johnson took an extraordinary political risk to defy the anti-interventionist wing of his party and push through the foreign aid package.Credit...Haiyun Jiang for The New York Times
(CaliToday) – Hạ viện Hoa Kỳ vào thứ Bảy bỏ phiếu thông qua viện trợ nước ngoài $95 tỉ Mỹ kim cho Ukraine, Israel, và Đài Loan, khi Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson mạo hiểm sự nghiệp chính trị để thúc đẩy gói viện trợ vốn đình trệ lâu nay bằng cách lôi kéo ủng hộ từ Cộng hoà ôn hoà và Dân chủ. 
4 cuộc bỏ phiếu nối tiếp nhau được các liên minh lưỡng đảng phê chuẩn đợt viện trợ mới cho 3 đồng minh của Hoa Kỳ, cũng như một dự luật khác nhằm xoa dịu phe bảo thủ, có thể dẫn đến cấm TikTok trên toàn quốc. 
Khung cảnh trên sàn Hạ viện cho thấy sự ủng hộ rộng rãi trong Quốc hội trong việc tiếp tục hỗ trợ Ukraine chống cuộc chiến xâm lược Nga, và cả rủi ro chính trị đặc biệt mà Chủ tịch Hạ viện đối mặt khi thách thức phe cực hữu tront nội bộ đảng, những người tìm mọi cách ngăn chặn dự luật. Vài phút trước cuộc bỏ phiếu viện trợ Kyiv, các nhà lập pháp Dân chủ bắt đầu vẫy những lá cờ Ukraine nhỏ trên sàn Hạ viện, trong khi toán dân biểu Cộng hòa cực hữu chế nhạo.
Gói viện trợ bao gồm hơn $60,84 tỷ Mỹ kim dành cho Ukraine, $26,38 tỷ Mỹ kim dành cho cho Israel, và $8,12 tỷ cho Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Dự luật trao quyền cho tổng thống yêu cầu chính phủ Ukraine hoàn  trả lại $10 tỉ Mỹ kim viện trợ kinh tế – ý tưởng được cựu Tổng thống Donald Trump ủng hộ. Ông Trump thúc đẩy bất cứ viện trợ nào cho Kyiv phải dưới hình thức cho vay. Tuy nhiên, dự luật cũng cho phép tổng thống xoá những khoản nợ đó bắt đầu từ năm 2026. Dự luật thứ Tư cấm TikTok, cho phép Mỹ sử dụng tài sản bị đóng băng  của Nga để viện trợ cho Ukraine, và một vòng  chế tài mới đối với Iran.
Ông Johnson cấu trúc các dự luật, và gởi lên Thượng viện trong một gói dự luật để thu hút các liên minh ủng hộ khác nhau mà không cho phép sự phản đối bất cứ yếu tố trong đó có thể đánh bại toàn bộ gói viện trợ. Thượng viện dự tính sẽ sớm thông qua dự luật vào thứ Ba, và gởi sang cho Tổng thống Joe Biden ký thành luật, khép lại hành trình đầy khó khăn trong Quốc hội. 
Kết quả bỏ phiếu 311 – 112 dự luật viện trợ Ukraine, với đa số  Cộng hoà (112) bỏ phiếu chống, và 1 phiếu trắng từ Dân biểu Dan Meuser (Pennsylvania), trong khi dự luật viện trợ Israel có kết quả 366 – 58; và kết quả 385 – 34 dành cho dự luật viện trợ Đài Loan, với Dân biểu Rashida Tlaib (Dân chủ – Michigan) bỏ phiếu trắng. Dự luật cuối cùng có nhiều ưu tiên của Cộng hoà được thông qua với số phiếu  360 – 58.

Trong nhiều tháng, số phận của viện trợ mới cho Ukraine có tương lai mịt mờ tại Hạ viện, ngay cả khi động lực đang thay đổi theo chiều hướng có lợi cho Moscow. Điều đó đã gây ra một làn sóng lo lắng ở Kiev và ở châu Âu rằng Hoa Kỳ – nhà cung cấp viện trợ quân sự lớn nhất cho Ukraine –  sẽ quay lưng lại với nền dân chủ còn non trẻ. Nó đặt ra câu hỏi về việc liệu tình trạng hỗn loạn chính trị đang làm rung chuyển nước Mỹ có thực sự phá hủy việc  quảng bá các giá trị của Mỹ trên toàn thế giới vốn được lưỡng đảng ủng hộ hay không. Lần cuối cùng Quốc hội thông qua một khoản viện trợ lớn cho Ukraine là vào năm 2022, trước khi Cộng hòa nắm quyền kiểm soát Hạ viện.

Cuối cùng, ngay cả khi đối mặt với mối đe dọa lật đổ từ phe cực hữu trong Hạ viện, Mike Johnson tìm cách né các nhà lập pháp cứng rắn từng là trụ sở chính trị của ông, và dựa vào Dân chủ  để thông qua dự này. Đó là một bước ngoặt đáng chú ý đối với một Dân biểu cánh hữu –  nhà lập pháp nhiều lần bỏ phiếu chống  viện trợ Ukraine khi chưa nắm quyền lãnh đạo Cộng hoà. Chỉ cách đây vài tháng, Chủ tịch Hạ viện tuyên bố sẽ không bao giờ cho phép vấn đề này được đưa ra sàn Hạ viện bỏ phiếu cho đến khi những đòi hỏi  về biên giới của Cộng hoà được đáp ứng.

“Tôi nghĩ đây là thời khắc quan trọng, và cơ hội quan trọng đưa ra quyết định đó,” Johnson chia sẻ với truyền thông sau cuộc bỏ phiếu. “Tôi nghĩ chúng tôi đã làm tốt công việc của mình ở đây, và tôi nghĩ lịch sử sẽ phán xét tốt điều đó.”

Trong cử chỉ bày tỏ thiện chí với các yêu cầu của phe cực hữu,  Mike Johnson ngay  trước khi các dự luật viện trợ nước ngoài được đưa ra bỏ phiếu cho phép bỏ phiếu dự luật thắt chặt an ninh biên giới, nhưng dự luật này bị đánh bại vì không đạt được đa số 2/3 cần thiết. Và Chủ tịch Hạ viện từ chối gắn dự luật biên giới với gói viện trợ nước ngoài, vì biết rằng điều đó sẽ giết chết kế hoạch chi tiêu một cách hiệu quả.

Quyết định của Johnson thúc đẩy gói viện trợ nước ngoài đã khiến một số thành viên Cộng hoà cực hữu tại Hạ viện tức giận, dẫn đến 2 Dân biểu Cộng hoà Thomas Massie (Kentucky), và Paul Gosar (Arizona)  tuyên bố ủng hộ thỉnh nguyện bãi nhiệm Chủ tịch Hạ viện của đồng nghiệp Marjorie Taylor Greene (Georgia). Greene cáo buộc, dự luật viện trợ Ukraine hỗ trợ “một mô hình kinh doanh được xây dựng dựa trên máu, sát nhân, và chiến tranh ở nước ngoài.”

Vài phút sau cuộc bỏ phiếu, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky gởi lời cảm ơn các nhà lập pháp, nêu đích danh Chủ tịch Mike  Johnson “vì đã quyết định giúp lịch sử đi đúng hướng”.

“Dân chủ và tự do sẽ luôn có ý nghĩa toàn cầu, và sẽ không bao giờ thất bại chừng nào Hoa Kỳ giúp bảo vệ,” lãnh đạo Ukraine đăng trên mạng xã hội. “Dự luật viện trợ quan trọng của Mỹ được Hạ viện thông qua ngày hôm nay sẽ giữ cho chiến tranh không lan rộng, cứu sống hàng ngàn, hàng ngàn,  sinh mạng, và giúp cả hai quốc gia hùng mạnh hơn.”

Hương Giang (Theo New York Times)