Mổ bụng lấy rau má tại trại tù Sơn La sau ngày quân lực 77

0
773

Anh Phương Trần Văn Ngà

Nhân kỷ niệm lần thứ 59 Ngày Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà (19.6.1965 – 19.6.2024), tôi chợt  nhớ một chuyện tù như là một dấu ấn, kỷ niệm khó quên tại Trại 6 (toàn Bò Tứ – cấp Thiếu tá) Liên Trại 2 Sơn La, khoảng hai ngày sau Ngày Quân Lực 19.6.1977.

Ngày Quân Lực 19.6 luôn mãi ngự trị trong tâm hồn tôi, một cựu chiến sĩ Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà, dù thua cuộc đối với quân xâm lược cộng sản Bắc Việt, tôi rất hãnh diện là một cựu tù chính trị chịu nhiều cực hình đau khổ dưới chế độ cộng sản tàn ác dã man vào loại hạng nhứt thế giới. Đến nay, tôi may mắn con sống chỉ còn mấy tháng nữa vượt qua tuổi con số 90, tưởng đâu đầu đã quay về núi ở tuổi 43 (1978) ở trại 2 liên trại Tân Lập – Vĩnh Phú.

Tôi bị lưu đày ra đất Bắc, đến liên trại 2 Sơn La, trước ngày Quân Lực 19.6 trân quý của chúng ta chỉ có ba ngày – 16.6.1976 (Liên trại 2 Sơn La ở xã Mường Cơi – Huyện Phù Yên, Đông Nam tỉnh Sơn La.

Chủ đề của bài viết này có dây mơ rể mái trước và sau Ngày Quân Lực 19.6 từ hai đến chín ngày, làm sao tôi quên được những năm tháng tù đày nghiệt ngã biệt xứ trên đất Bắc (1976 – 1982) và trên lãnh thổ của Việt Nam Cộng Hoà bị CSBV xâm chiếm (1975 – 1976 và 1982 – 1985).

Tôi xin được tặng các bạn tù trại 6 liên trại 2 Sơn La. Đặc biệt tặng các bạn tù ở trại giam Tây Ninh và Cần Thơ chuyển ra Sơn La sau chúng tôi vài tuần.

(H: Tỉnh Sơn La vùng màu đỏ có biên giới với Lào và có địa danh cứ điểm Điện Biên Phủ – nổi tiếng thế giới – Quân Pháp đầu hàng tại cứ điểm này đưa đến kết thúc chiến tranh Đông Dương qua Hiệp Định Genève 20.7.1954)

Trước 9 ngày Quân Lực 19.6.1976, Đoàn tàu thuỷ đầu tiên chở những người thua cuộc cấp thiếu, trung tá và những công chức, nhiều tu sĩ các tôn giáo, nhiều Biên tập viên cảnh sát đặc biệt (từ cấp đại uý đến thiếu tá, trung tá), các giới chức chánh trị cũng khá quan trọng… Chúng tôi từ các trại tập trung ở vùng Thủ đô Sài Gòn bị chuyển về nhốt tại trại Suối Máu – Biên Hoà. Đó cũng ý đồ của bọn xâm lược thắng cuộc, tập trung đủ số lượng tù “có nhiều nợ máu với nhân dân” để chúng chuyển ra đất Bắc đầu tiên. Cùng lúc đó, các cấp chức từ hàng đại tá, tướng lãnh cũng như các giới chức cao cấp hành chánh từ Giám đốc đến các Tổng Bộ Trưởng và các vị dân cử từ Hội đồng tỉnh đến các Dân biểu, Nghị sĩ và các lãnh tụ tôn giáo, đảng phái… quý vị này cũng chuyển ra Bắc cùng ngày 10.6.1976 như chúng tôi.

Nhưng, các quý vị đó may mắn được đi bằng máy bay dù ngồi bẹp trên sàn trong lồng máy bay và hai người cùng đeo chung một “đồng hồ” số 8. Còn chúng tôi đi tàu biển không bị còng nhưng bị ói mữa tới mật xanh vì say sóng và quá chật chội không có chỗ nằm, chỉ ngủ ngồi nên luôn “ngất ngư” như người nằm chờ chết.

Từ trại giam tù phiến cộng Quân Khu III – Suối Máu Biên Hoà, nay chúng tôi thay tù binh cộng sản nằm ngủ trên nền xi măng còn tù cộng sản trước kia được nằm giường sắt hai từng (Thiếu tá Quân Cảnh Phạm Đăng Có từng là Chỉ Huy Trưởng trại này cho biết khi tôi và bạn Có nằm cạnh nhau).

Sau hai vụ xử tử hình dằn mặt anh em chúng tôi trước khi chúng tôi bị lưu đày ra đất Bắc. Hai tử tù cũng là hai chiến sĩ anh hùng đáng trân trọng kính phục của chúng ta, vượt trại  giam tìm đường tự do. Cựu thiếu tá An ninh Quân Đội Phạm Hữu Thịnh ở Dạ Nam Cấu Chữ Y, Sài Gòn (cách nhà tôi chỉ một con sông, Kinh Đôi) và một cựu thiếu tá Phòng nhì (Quang?) tỉnh Định Tường (Mỹ Tho).

Đoàn tù từ trại Suối Máu được đưa đến cầu xa lộ Biên Hoà (Sàigòn) đi đường biển bằng những chiếc tàu nhỏ, chuyên chở súc vật hay vật dụng… độ chừng trên 30 chiếc, mỗi chiếc chứa khoảng trên dưới 200 người (các chuyến tàu chở tù ra Bắc sau này thường dùng tàu Sông Hương to lớn chở một chuyến nhiều ngàn người). Sau hơn ba ngày đêm, đoàn tàu chở tù đến cảng Bến Thuỷ (thuộc tỉnh Nghệ An). Chúng tôi bị lùa lên bờ giữa đêm khuya và cứ một đội khoảng 60 người lên một toa xe lửa (tàu hoả) trống trơn không ghế ngồi, còn nhiều rác và phân cứt bò khô.

Chờ đợi lên xe hoả cả hơn một tiếng mới xong, cửa đóng kín, thiếu không khí nên có nhiều người bị ngộp thở và có người chết (trong số người chết có Trung tá Ngô Văn Hùng phục vụ tại Tổng Cục CTCT mà tôi quen biết). Qua khỏi Nam Định, đoàn tàu được lệnh mở nửa cửa lên xuống có một hay hai tên bộ đội có vũ khí ngồi canh giữ và đoàn tàu trực chỉ chạy ra miền Bắc mất thêm gần 3 ngày nữa đến tỉnh Yên Bái (cầu – phà Âu Lâu) lúc 2, 3 giờ sáng.

Tại đây, đoàn tù khoảng năm, sáu ngàn người lại được chia làm ba nhóm. Một nhóm có một đoàn xe tải cả trăm chiếc molotova chuyển tù đi ngay vào các trại tập trung thuộc tỉnh Yên Bái. Tù binh còn lại phải đi bộ qua cầu Âu Lâu mất thêm cả tiếng. Chúng tôi đợi đưa lên xe tải và lại chia làm hai nhóm (sau này chúng tôi gặp nhau tại trại Tân Lập Vĩnh Phú, mới biết sự điều hợp của CS ngày đầu tiên tại cầu Âu Lâu). Một đoàn xe cũng hàng trăm chiếc đưa các tù nhân đi về hướng tỉnh Nghĩa Lộ và đoàn xe của chúng chạy về hướng tỉnh Sơn La.

Cái ngày định mệnh đời tù khổ sai biệt xứ, lưu đày ra Bắc của chúng tôi từ chiều 16.6.1976 tại vùng ma thiêng nước độc, sương lam chướng khí, rừng núi bạt ngàn vô tận đã từng nổi tiếng “nước Sơn La ma Hoà Bình”, nơi giết tù chánh trị năm xưa. Tôi có cảm nhận thân xác này phải gởi lại đây, đành phó thác cho trời đất ngày mai sẽ ra sao “Que Sera Sera – Whatever Will Be Will Be”?. Suốt sáu ngày trên tàu thuỷ, tàu hoả, cả ngày trên xe tải và thêm ba bốn ngày sau đó, tôi không đi đại tiện được lại mang thêm một cái khổ nữa.

Ở Sơn La, tại hai nhà tù xây kiên cố từ thời Pháp để lại, khoảng hai trăm tù không có chỗ ở trong hai nhà giam kiên cố. Chúng tôi được bố trí ở nhà ăn của các cai tù, nhà tranh khá trống trải trên một đỉnh đồi thấp lại thoáng mát hơn. Tối, chúng tôi còn ngắm được sao trời, còn nghe được tiếng gà gáy sáng làm cho tâm hồn mình có một chút hoài niệm về cảnh cũ nhà quê của mình.

Có thể nói trên một ngàn tù đến Sơn La đầu tiên (16.6.1976) mà bộ đội cộng sản xếp loại là tù binh phải học 12 điều nội quy của chúng. Thế là chúng tôi bị lừa phỉnh từ tập trung học tập cải tạo ở miền Nam, nay áp dụng quy chế tù binh mà CSBV không theo quy chế tù binh quốc tế Genève mà chúng tự áp đặt theo ý đồ hành hạ của chúng.

Nhưng, phải công tâm nói, chúng tôi hưởng quy chế tù binh do bộ đội cộng sản quản lý có phần dễ thở hơn khi chúng tôi sau một năm ở Sơn La được chuyển sang trại tù công an. Một cái nhỏ nhứt, chúng tôi ở Sơn La bộ đội cấp cho mỗi tù hai mền đỏ của Trung cộng sản xuất, sử dụng khá ấm khi trời rét. Nhưng qua đến trại công an (Hồng Ca – Yên Bái), chúng tôi bị cai tù công an tước lấy một cái mền (chăn) và nhiều vật dụng linh tinh như dao con, thuốc uống, cây gãi lưng… cũng bị tịch thu, cấm sử dụng. Chuyện tù cải tạo còn dài lắm… có dịp tôi xin kể tiếp.

Trở lại trại giam tù binh ở Sơn La. Hàng ngàn tù đầu tiên đến Sơn La chỉ ở quanh quẩn trong ngoài hai nhà tù kiên cố và to lớn, gần một ao nước cũng khá to, dài trên một trăm mét, ngang cũng khoảng trên 30 mét. Ngoài hai nhà tù gọi là K1, còn lại gần một nửa tù “tạm trú” ngủ ngoài nhà giam, chừng ba đêm. Ban ngày chúng tôi có những anh em tù binh cũ (chừng 150 người từ Trung tá trở xuống, đa số sĩ quan cấp uý) bị bắt từ Tết Mậu Thân 1968, mùa hè đỏ lửa 1972 và cuộc hành quân Lam Sơn 719, thay vì trao trả tù binh, cộng sản ém lại. Nay anh em tù binh cũ hướng dẫn chúng tôi, tù binh mới vào rừng chặt gỗ, tre, vầu mang về cất lán trại cho chúng tôi ở. Sau ba ngày cất xong một lán trại, gần một tuần, chúng tôi có thêm hai lán trại nữa đủ chứa cả trên ngàn tù binh đợt đầu tiên đến Sơn La.

Chúng tôi bị khép vào khuôn khổ, tổ đội, lao động cật lực chuyên lo xây cất thêm lán trại, dù có  thêm ba lán trại đã thừa chỗ ở mà các đội còn nhận lệnh phải xây thêm lán trại nữa, chỉ xây phần căn bản là nhà ở, còn hàng rào hàng chục lớp, khi có tù đến ở là chính những tù nhân lo làm hàng rào kiên cố nhốt mình, đó kế hoạch siêu của cộng sản độc ác. Chúng tôi xây lán trại chưa hoàn tất thì có mấy trăm tù từ các nhà giam thuộc tỉnh Tây Ninh chuyển ra đây và anh em tự lo phần làm hàng rào và các cái chưa xong nhốt tù. Vài ngày sau có nhiều tù từ trại giam Cần Thơ chuyển ra đây có mấy chục bác sĩ, nha sĩ, dược sĩ từng phục vụ ở ba Quân Y Viện Cần Thơ, Trương Bá Hân (Ba Xuyên), Long Xuyên và các bệnh viện tiểu khu của Quân Khu IV của QLVNCH.

Lúc bấy giờ, tại liên trại 2 Sơn La, tù quá đông có thể lên trên bốn ngàn tù ở trên dưới tám lán trại giam mà sử dụng chung một con suối cạn, rộng chưa được hai mét. Thế là thiếu nước sinh hoạt cho tù. Ngoài kế hoạch tính toán của cấp chỉ huy cai tù nên sau chừng ba tuần, có trên hai ngàn tù phải chuyển trại đi nơi khác (gần nhứt Sơn La có nhiều trại tù ở Hoàng Liên Sơn).

Sau đó, Liên trại 2 Sơn La còn lại ba trại được bố trí xây dựng xa nhau, cách ba bốn cây số có suối nhỏ cũng tạm đủ sử dụng và còn đào thêm giếng cho hàng trăm cai tù sử dụng nước sạch hơn nước suối.

Các tù binh từ Tây Ninh Cần Thơ đến sau, chỉ còn để lại vài trăm tù nhập với đoàn tù từ Suối Máu Biên Hoà được quy hoạch ở trong ba lán trại. Gọi là trại 1 gồm toàn “bò ngũ” – Trung tá, tập trung tại hai nhà tù xây kiên cố cũng là nơi ban bệ chỉ huy tù đóng chốt. Các “bò tứ” tập trung tại lán trại 6, trên một đỉnh đồi thoai thoải, cách chừng hơn trăm thước quốc lộ hay tỉnh lộ, đường từ miền dưới đi lên Điện Biên Phủ và các tỉnh vùng cao rừng núi… Còn lán trại 5 chuyên nhốt các “bò ngũ”, gần một đồi chè (trà) bạt ngàn. Các sĩ quan cấp đại uý cũng bị xếp lại thứ dữ “có nhiều nợ máu với nhân dân” như bò tứ bò ngũ hay cấp cao hơn cùng bị chuyển ra Bắc đợt đầu 16.6.1976.

Trại 5 cũng khá gần đường lộ như trại 6 và ở giữa trại 1 và trại 6.

Những ngày đầu tại Sơn La, chúng tôi cũng đi lao động tuỳ theo sức người không bị kềm kẹp đày đoạ như sau này, lao động phải đạt chỉ tiêu, nhứt là ở trại tù do công an quản lý. Chúng tôi có thì giờ sau khi “hoàn thành công tác”, tha hồ mà lo cải thiện mưu sinh linh tinh. Ở gần trại 6, có nhiều cây “vã”, giống hệt cây sung, trái có từ trên thân cây xuống tận gốc, trái to gắp năm ba lần trái sung của miền Nam. Trái chín có nhiều mật, vô cùng ngọt. Nếu ăn một hai trái có thể không sao, ăn nhiều sẽ ngộ độc có thể đến tử vong. Người dân địa phương (Mường hay Mèo) nhắc nhở chúng tôi không nên ăn quá một trái vì chúng tôi thiếu chất ngọt và chất mặn triền miên.

Xung quanh trại 6 ở vùng đất thấp mà có đồi dốc, người ta làm ruộng “bậc thang”, trông rất lạ mắt mà ở miền Nam hoàn toàn không có. Những mảnh ruộng nhỏ từ trên xuống từng bậc thang lớn dần giữ nước mưa. Trên những bờ ruộng lúa bậc thang có vô số rau má mọc như cỏ hoang mà người Bắc không ăn như như người miền Nam. Chúng ta tha hồ mà lựa rau non hái ăn thay thức ăn hay thay cơm. Nhưng ác thay, rau rắp cá có nhiều quá mà lại không ăn nhiều được vì có độ nồng, chỉ dùng để ăn đệm, chung cùng với loại rau khác. Chúng tôi cải thiện nhiều nhứt là rau má khỏi cần luộc chín như rau tàu bay.

Ba loại rau hoang: rắp cá, tàu bay, rau má có khắp nơi quanh trại 6. Rau rắp cá không thể ăn nhiều, rau tàu bay phải luộc chín mới ăn được lại kẹt cho người tù phải có đồ dùng để luộc và phải có bếp lửa lại vô cùng khó khăn hạn chế. Chỉ có rau má, ăn sống ăn chín đều được cả mà ăn sống lại ngon hơn ăn chín, nếu ăn nhai từ từ thì sự tiêu hoá cũng OK, ăn nhiều một lần cả nón cối đầy vung, chừng hơn một kí lô. Vì vậy, rau má trở thành một món ăn cải thiện không thể thiếu khi chúng tôi ăn cơm tù không đủ no nên phải ăn độn thêm rau má. Rau má rửa xong có thể ăn cả rể phần trắng còn mềm hay cắt, lặt bỏ rể chỉ ăn sống lá và cọng lá lại càng dễ tiêu hoá hơn.

Lúc ở trại 6 Sơn La, tôi còn trẻ, 42 tuổi, hai hàm răng còn rất tốt, chưa hư chiếc răng nào nên nhai rau má quá dễ dàng. Sau này bị đày sang trại tù cộng an quản lý và ăn bo bo nguyên hột nên bộ răng tôi mới có vấn đề, mẻ, gãy…

Trong nhóm tù của trại giam Tây Ninh có nhiều anh em rất quý mến tôi, cứ gọi tôi là anh Mười không gọi tên dù các bạn cũng cấp thiếu tá như tôi và tuổi đời nhỏ hơn tôi từ ba đến năm tuổi. Tôi nhớ mãi các bạn Ngô Khương Thới, Trần Kim Lời, Nguyễn Đắc Thi (Quận Trưởng Gò Dầu), Minh cụt một tay, Trương Văn Thà (Tiểu đoàn trưởng)… Chúng tôi quý mến nhau vì đa số có cùng tín ngưỡng, gốc Toà Thánh Tây Ninh.

Lúc bấy giờ, đội trưởng của chúng tôi là bạn Trần Quí Cưng (đang định cư ở San Diego), nguyên Trưởng Phòng Tâm Lý Chiến Tiểu Khu Gia Định. Bạn Cưng “cất nhắc” tôi làm Tổ Trưởng, trong tổ có Cha, Linh Mục Trần Quý Thiện chuyên trách mục vụ Nhà Thờ Trại Trần Hưng Đạo (Bộ Tổng Tham  Mưu/QLVNCH) cũng là người tù lớn tuổi nhứt trong cả đội. Tổ tôi còn có bạn Ngô Khương Thới, nguyên Tham Mưu Phó Chiến Tranh Chánh Trị tiểu khu Tây Ninh, nhỏ hơn tôi ba tuổi mà bộ răng của bạn ta “xếu xáo”, mất một vài cái răng và có hai cái răng vàng đã ngã màu bạc, bạn ta ăn uống cũng có khó khăn, nhứt là ăn rau mau má sống. Tôi ăn một lần cả ký hay hơn, còn bạn Thới nhỏ xác, ốm yếu hơn tôi nhiều, ăn rau má cũng ít chỉ khoảng một phần ba nón cối rau má mà lại luôn ăn sau tôi khoảng gần nửa giờ, hai chúng tôi nằm gần nhau. Chúng tôi ăn rau má khơi khơi như ăn bánh kẹo ngoài bữa cơm và chỉ ăn rau, không có muối, cũng cảm thấy no bụng có tí vui vào buổi tối trước khi ngủ.

Một buổi chiều thứ bảy, sau Ngày Quân Lực 19.6.1977 chừng hai ngày, thời điểm Ngày Quân Lực 19.6 lần thứ hai tại Sơn La. Bạn Thới nói với tôi:

– Tôi càng nhớ ngày Quân Lực tôi lại càng đói quá. Anh Thới cải thiện rau má cả một nón cối không đầy vung như tôi thường ăn. Tội cho anh Thới, anh yếu sức hơn tôi, nhỏ xác lại chậm chạp, răng không tốt nên thường ăn chậm hơn chúng tôi có bộ răng khoẻ. Cái nón rau má của bạn Thới, anh cũng rữa sạch mà còn để nhiều rể rau má trông cũng nõn nà trắng muốt. Anh Thới ăn lá rau má trước, còn cọng và rể, anh ăn sau cùng. Chiều nay, bạn ta đói nên ăn nhiều hơn các ngày trước.

Chỉ sau hơn một giờ, anh Thới nắm tay tôi kéo lại rờ bụng anh, bụng anh phình to, anh thở dốc, khó khăn như muốn hết hơi. Tôi tri hô gọi anh đội trưởng, báo cáo gắp lính ở vọng gác, cách lán tôi chừng hơn mười thước, anh Thới thở không được cần cấp cứu gấp. Thế là cả đội cũng chuẩn bị ngủ sớm vội ngồi dậy coi xem bịnh anh Thới ra làm sao mà phải gọi cấp cứu. Cán bộ trực và quản giáo của đội vội xuống gặp anh Thới thấy anh khó thở, ôm bụng kêu than đau quá, nhờ cán bộ và anh em cứu giúp. Cán bộ quản giáo ra lệnh đội trưởnng cử nguyên tổ của anh Thới chỉ cần 8 người cùng anh tổ trưởng phải chuyển gắp người bịnh đến trại 1 có trạm xá dành riêng cho tù, có bác sĩ Quân Y phe ta điều trị. Quản giáo ra lệnh chặt một cây vầu lấy khúc gốc cho thêm chắc dùng làm đòn, võng anh Thới đi cấp cứu. Chúng tôi làm nhanh, lấy một chiếc mền còn tốt của anh Thới làm võng, xỏ đòn vào khiêng anh Thới, nằm gọn trong võng (xin lỗi, như người ta khiêng gánh heo đi bán). Cái đòn dài. hai người đi đầu và hai người đi sau khiêng ra khỏi cổng trại đi xuống tỉnh lộ để đến trạm xá của trại tù liên trại 2.

Tôi, tổ trưởng đi sau cán bộ quản giáo có mang theo một cái đèn bão để thấy đường, đi đầu. Đi trên lộ đá dù gập gềnh nhiều ổ gà ổ voi vẫn dễ đi hơn đường rừng núi mà bốn người xoay trở, đổi vai thấy không thoải mái, đi khó khăn, không nhanh.

Tôi đề nghị với cán bộ quản giáo thay vì chia làm 2 toán, luân phiên thay đổi, bây giờ chia làm 4 toán sẽ dễ đi hơn. Tôi giải thích:

– Bịnh nhân ốm yếu nhỏ con, chừng trên dưới 50 cân (50 kí lô). hai người khiêng sẽ dễ đi và lại được nghỉ lâu, thay phiên nhau. Cán bộ quản giáo gật đầu. Thế là chúng tôi có bốn toán 2 người, tự giác khiêng võng chừng hai trăm mét thay đổi. Cứ thế mà chúng tôi đi trong đêm tối thui, nhờ cái đèn bão tôi cầm đi trước và nhắc nhở những ổ gà, anh em khiên đi chậm và cẩn thận. Chín anh em chúng tôi “khẩn trương” chuyển một bịnh nhân. Đi trước dẫn đường có cán bộ quản giáo và đi sau cùng có hai tên bộ đội mang súng dài theo hộ tống 10 quan Thiếu tá “đi chơi” trong đêm tối.

Con đường lộ dài trên 4 cây số, con đường mòn vào trại 1 cũng trên dưới 2 cây số. Cộng chung cả con đường từ trại 6 đi xuống lộ, cả lộ trình cũng khoảng 6 cây số, chúng tôi di chuyển từ khoảng 8 giờ tối, mãi đến gần đến 11 giờ khuya mới tới trại 1 có trạm xá bàn giao bịnh nhân.

Người nhận bịnh là bác sĩ Võ Tam Anh, rất thân quen với tôi. Bác sĩ Anh, nguyên Đại đội trưởng đại đội 32 lựa thương của Vùng IV Chiến Thuật quản trị (trên hồ sơ, giấy tờ và theo dõi kiểm soát công việc của ngành quân y dưới quyền… giúp Cục Quân Y). Đại đội có hàng mấy chục bác sĩ và rất đông các nha dược sĩ và nhân viên quân y, đơn vị đóng ở Vĩnh Long.

Bác sĩ Võ Tam Anh có người em ruột là luật sư Võ Tứ Cầu, thi hành lệnh động viên khoá 16 Thủ Đức, Chuẩn uý Võ Tứ Câu có một thời gian ngắn làm việc chung với tôi trong Ban Thông Tin Báo Chí Quân Đoàn IV ở Cần Thơ.

Vì có quen biết trước, tôi mới có dịp hỏi nhỏ BS Anh, anh Thới bịnh gì và anh phải mổ ngay. Nếu chậm trể chừng một tiếng nữa thì anh Thới sẽ chết vì trong bụng chứa quá nhiều rau má không tiêu hoá và đã lên men, bụng sẽ to thêm…

Bốn thiếu tá bác sĩ định bịnh chớp nhoáng chỉ mất có mấy phút, chúng tôi còn đứng ở trạm xá, chưa về lại trại 6.

Một cái giường dã chiến ọp ẹp có giăng mùng vén lên, có hai ba cái đèn dầu và có một cái đèn pin cũng khá to do BS Anh cầm rọi cho toán bác sĩ mổ. Sau khi rữa sạch thân hình anh Thới. Hai bác sĩ khiêng anh đặt lên bàn mổ, buộc tay chân vào thành bàn mổ. BS Anh nói nhỏ với tôi:

– May, có anh nha sĩ mang theo thuốc tê để nhổ và chữa răng, nay dùng chích chung quanh chỗ mổ cho bớt đau. Mọi việc chuẩn bị mổ xong, chúng tôi phải rời trạm xá về lại trại 6.

Tôi nghĩ, ca mổ lấy rau má cả nùi trong bao tử anh Thới, cũng là một hiện tượng có thể nói vô tiền khoán hậu, qúy bác sĩ tham dự ca mổ anh Thới, nếu nay có đọc được bài viết này, xin viết tiếp bổ túc hay sửa sai giúp tôi.

Khi tôi định cư ở Sacramento, tôi đi du lịch sang Pháp nhiều lần có tìm hỏi bác sĩ Võ Tam Anh, vì có nghe tin, BS Anh có mở phòng mạch. BS Anh ở xa Paris, cách Paris gần cả ngàn cây số nên tôi cũng đành chịu không thăm anh được mà tôi muốn tìm hiểu thêm ca mổ của anh Thới, anh kể lại chuyện mới chính xác hơn tôi.

Sau hơn một tuần, vết mổ đang lành, anh Thới được gởi trả về lại đội.

Vụ mổ bụng anh Thới lấy ra một nùi rau má và anh Thới vẫn còn sống cho đến ngày ra trại tù, về Tây Ninh. Nay, không biết anh Thới có còn khoẻ mạnh sang Mỹ diện HO hay zulu cải cách về Vùng V Chiến Thuật?

Bác sĩ Võ Tam Anh, trước 30.4.1975, khoảng trên dưới một năm, tôi hay tin BS Anh được bổ nhiệm chức vụ Thứ Trưởng hay Phụ Tá Tổng Trưởng Chiêu Hồi (BS Hồ Văn Châm làm Tổng Trưởng). Cách nay chừng bốn năm, tôi có hỏi thăm BS Anh, em ruột BS là cựu luật sư Võ Tứ Cầu (định cư ở Nam Cali) cho biết BS Anh đã qua đời tại Pháp vài năm trước.

Tôi có lên Google tìm hình BS Anh gặp bài viết của BS Anh qua giọng đọc của Tám Tình Tang (Audio) – Lương Y như Từ Mẫu trong trại tù cải tạo của Phương Vũ Võ Tam Anh. Tôi còn đọc thêm trên Google hai bài nữa của BS Võ Tam Anh: Trở về cố hương (2015) và bài Y Khoa miền bắc XHCN. Quý vị nên đọc cho biết vị Quân y sĩ Võ Tam Anh khả kính của chúng ta với ngòi bút tài hoa, ông đã tả chân vô cùng sống động người thật việc thật của chế độ “ưu việt xã nghĩa”. Nếu nước Việt không có chế độ xã nghĩa này, Việt Nam đã là con rồng của Á Châu từ lâu, tiếc thay…

Một chi tiết, khi tôi gặp BS Anh tại “phòng mổ” (nói cho oai), thấy anh còn đeo chiếc đồng hồ  Omega còn mới. Tôi hỏi thật nhỏ:

– Anh còn mang được đồng hồ, BS Anh nói:

– Cả nhóm Quân Y Quân Khu IV đề cử tôi làm trưởng nhóm Quân Y để cứu giúp anh em phe ta kể cả phe địch cũng còn cậy nhờ anh em mình cứu chữa nữa.

Bác sĩ phe ta mà lên đến cấp Thiếu tá thì kinh nghiệm và chửa bịnh và việc mổ xẻ đáng là bậc thầy của đám cán bộ quân y sĩ ù ù cạt cạt của VC (CSBV). Vì vậy BS Anh, một tù nhân duy nhứt được đeo đồng hồ để biết giờ (chữa bịnh) cũng như giữ đèn pin trong khoa mổ và khám bịnh lúc trời  tối…

Qua bài viết ngắn ngủi thô thiển này, tôi mong có hồi âm của các bạn tù nhứt là các bạn thuộc trại tù tỉnh Tây Ninh, coi xem phe ta đã có bao nhiêu bạn đã ra đi, nhứt là bạn già Ngô Khương Thới đã cho tôi một kỷ niệm khó quên.

Sau năm 1985, tôi lên Tây Ninh sửa lại mộ phần của mẹ tôi chôn cất trong khu Thánh địa của đạo Cao Đài, tôi có nghe tin bạn Trần Kim Lời (Thiếu tá Trưởng Khối CTCT Tiểu khu Tây Ninh), ra tù chừng hơn một năm đã qua đời. Trong trại tù Sơn La, Trần  Kim Lời gọi tôi là anh mười (tôi thứ 10 nên tôi có bút hiệu là Năm Voi. Năm con voi có 10 cái ngà – Mười Ngà cũng xêm xêm). Bạn Lời thường tâm sự với tôi, khi bạn ở trại tù Tây Ninh chưa chuyển ra Sơn La, vợ bạn Lời đã sang ngang, lấy một cán bộ VC ở địa phương. Từ đó, bạn Lời đã mang bịnh nội tâm sầu muộn rồi, nên khi ra tù, bạn Lời chứng kiến vợ mình nay là vợ của kẻ thù địch, lại có ba bốn con nhỏ, trông thấy càng “ứa gan”. Bịnh nội tâm dằn xé càng thêm dữ dội vì hàng ngày thấy vợ mình sống với kẻ thù, (bạn Lời nhỏ hơn tôi bốn tuổi), bạn Lời chết sớm quá chưa có chương trình HO sang Mỹ. Tội nghiệp cho một người bạn tù xấu số. Còn đa số các chị, chồng bị đi tù cộng sản, các chị luôn có dạ sắt son chung thuỷ với chồng, và thay chồng nuôi con, thật đáng trân trọng kính phục… ./.

Anh Phương Trần Văn Ngà (Sacramento – kỷ niệm Những Ngày Quân Lực 19.6 đáng nhớ).