Năm 2024 Là Năm Quyết Định Của Chế Độ Dân Chủ Trên Toàn Thế Giới

0
390

Tuyển cử hay cử tri đi bầu chọn người đại diện chưa chắc sẽ đưa đến thể chế dân chủ, đó là điều chúng ta từng chiêm nghiệm từ lâu nay. Nhưng việc cử tri đi bỏ phiếu vẫn là một biểu tượng của chế độ dân chủ, thậm chí những nhà lãnh đạo độc tài tham quyền cố vị cũng cần phải dùng hình thức bầu cử để tạo sự chính danh cho hành vi độc tài của mình. Trong thời đại tân tiến hiện nay thắng lợi trong cuộc bầu cử ở một tỷ lệ nào đó còn mang tính chất như một công cụ để người dân phải sợ hãi.

Phải công nhận rằng cho đến nay chế độ dân chủ không thể xuất hiện nếu không có tuyển cử, dân chúng cầm lá phiếu trên tay đi đến phòng phiếu bỏ lá phiếu của mình. Chính vì thế sang năm 2024, hơn phân nửa dân chúng trên thế giới sẽ đi bầu – khoảng 4.2 tỷ người ở 65 quốc gia. Đứng quan sát từ xa, người ta có cảm tưởng đây là hình thức của loại chính quyền tự quản trị, rất lý tưởng. Nhưng nếu đến gần, quan sát kỹ hơn, chúng ta thấy đằng sau những cuộc bầu cử này có nhiều điều không tốt, nhiều hành vi mờ ám đang xảy ra.

Ông Staffan Lindberg, Giám đốc tổ chức Varieties of Democracies- ở Thụy Điển- gọi tắt là V-Dem, nhận xét rằng: “Năm 2024 có lẽ là năm quyết định cho chế độ dân chủ trên toàn thế giới.”.Tổ chức V-Dem là Viện Nghiên Cứu ở Thụy Điển, chuyên phân tích sự phức tạp của chế độ dân chủ. Ông Lindberg nói: “Không phải chỉ vì có nhiều nước tổ chức tổng tuyển cử trong năm nay, và lý do là vì ở nhiều nước hiện nay có những nhà lãnh đạo, hay đảng phái chính trị ngả về xu hướng chống lại thể chế dân chủ.”.

Trên khắp thế giới, kể cả những nước lớn nhất, có tầm ảnh hưởng quan trọng trên thế giới, theo sự nhận xét của nhiều chuyên gia, khoảng không gian dành cho thi đua, cạnh tranh về chính trị rất nhỏ, khoảng không gian dành cho một xã hội dân sự tử tế, đang co cụm lại, rất hạn hẹp. Cùng lúc đó, nhiều nhà lãnh đạo, được bầu lên, nhưng họ có trình độ thấp kém, mù mờ về thể chế dân chủ, họ tìm cách đàn áp, ruồng bắt những người đối lập, trù dập những tiếng nói chỉ trích, phê bình, làm suy yếu những định chế dân chủ chẳng hạn như ngành tư pháp, hệ thống truyền thông. Hai định chế này rất quan trọng trong vai trò kiểm soát và duy trì sự thăng bằng quyền lực giữa ba ngành của chính phủ, tiếng Anh gọi là “Check and Balance”. Nhiều nhà lãnh đạo độc tài tìm mọi cách để củng cố quyền hành qua hình thức sửa đổi hiến pháp. Đến khi người lãnh đạo đó đắc cử, lên nắm quyền, bề ngoài trông có vẻ như được bầu lên trong cuộc tuyển cử tự do, song thực ra không còn công bằng nữa. 

Hình thức vận dụng tuyển cử để nắm quyền bính và trở thành nhà độc tài đã từng xảy ra từ bấy lâu nay. Theo Chỉ Số Dân Chủ – Democracy Index-  do Đơn Vị Tình báo của Tạp Chí The Economist thu thập trong số 43 nước sẽ có tuyển cử tự do và công bằng trong năm nay, có đến 28 nước không hội đủ những điều kiện cần thiết để có một cuộc đầu phiếu dân chủ. Và 8 trong số 10 nước đông dân nhất trên thế giới- như Mễ Tây Cơ, Ấn Độ và Hoa Kỳ cử tri đi đầu phiếu đang phải vất vả, gặp nhiều khó khăn khi muốn tổ chức cuộc tuyển cử tự do với cử tri đoàn độc lập. Trong lúc đó, chủ nghĩa chuyên chế độc tài đang trên đà gia tăng.

Bà Yana Gorokhovskaya, Giám đốc tổ chức Freedom House đặt câu hỏi: “Một cuộc bầu cử tự do và công bằng nghĩa là gì? Liệu chúng ta có thể có một cuộc bầu cử tự do nhưng không công bằng? Và không công bằng ở mức nào sẽ mất đi tính chất dân chủ?” Tổ chức Freedom House là một định chế tư vấn, chuyên theo dõi các cuộc bầu cử ở nhiều nơi trên thế giới, vừa đưa ra một bản tổng kết trong phúc trình gọi là “Freedom in the World” đúc kết 17 năm liên tục thế giới đang trên đà đi xuống, suy đồi về thể chế dân chủ.

Cuộc bầu cử Tổng thống ở Mỹ là viển ảnh lớn nhất của cái đà suy đồi trên, không phải chỉ vì nước Mỹ là nước có truyền thống dân chủ lâu dài nhất, vậy mà bây giờ cũng đang bị suy đồi. Ứng viên đới thủ hàng đầu hiện nay đối với tổng thống đang tại chức là ông Donald Trump. Ông  hy vọng sẽ quay trở lại nắm chức vụ Tổng thống bốn năm trước đây bị mất vào tay ông Biden, song ông nhất định từ chối không chịu nhận mình thất cử. Chính ông đã xíu dục cuộc bạo loạn tấn công vào trụ sở Quốc Hội Mỹ vào ngày Quốc Hội kiểm chứng kết quả bầu cử. Ông Trump ra sức vận động tranh cử Tổng thống một lần nữa trong lúc chính ông đang bị truy tố về những việc ông làm liên quan đến vụ bạo loạn ngày 6 tháng Giêng, chưa kể nhiều vụ truy tố hình sự khác. 

Ở Ấn Độ, Tổng thống Narendra Modi ra tranh cử nhiệm kỳ ba để cai trị một chế độ dân chủ đông dân nhất thế giới. Trong lúc ông làm Tổng thống ở nhiệm kỳ thứ hai, tổ chức Freedom House đã đáng giá thấp bản chất chế độ dân chủ ở Ấn Độ từ “free” (tự do thật sự” xuống còn “partly free” (chì phần nào được tự do thôi) bởi vì chính quyền đã tấn công, đàn áp những tiếng nói chỉ trích và hệ thống truyền thông trong nước. Ngoài ra, chính phủ Ấn độ còn tiếp tục tung ra chiến dịch tấn công nhóm Hồi Giáo thiểu số. 

Trong tháng này, nước Bangladesh sẽ tổ chức tổng tuyển cử rộng rãi trên toàn quốc để tái bầu cho bà Thủ tướng 76 tuổi Sheikh Hasina làm Thủ tướng. Bà là người lãnh đạo lâu đời nhất trên thế giới, và là người phụ nữ cầm quyền lâu nhất thế giới. Bà chủ trương ruồng bố, bắt giam những người đối lập chính trị với bà. Và trong tháng Mười Một sắp tới, nước Tunisia sẽ chứng kiến  cuộc bầu cử tổng thống, để bàu lại đương kim lãnh tụ là Tổng thống Kais Saied. Ông sẽ dùng biện pháp cứng rắn để củng cố  quyền bính của ông. Ông sẽ đưa đất nước từ một quốc gia dân chủ nhất ở Trung Đông trở lại một quốc gia độc tài chuyên chế. 

Nước Nga là nước nổi tiếng trên thế giới về thông tin tuyên truyền sai lạc, bóp méo sự thật, và ở đó, ông Vladimir Putin chắc chắn sẽ đắc cử tổng thống nhiệm kỳ thứ năm. Ở nước Nga, các cuộc bầu cử tranh đua chỉ là trò hề, là hình thức để chuẩn phê chính quyền đang nắm quyền bính, bởi vì tất cả những người đối lập với chính quyền đều bị bỏ tù, hay đưa vào trại lao động cải tạo. Bà Gorkovskaya ghi chú thêm rằng: “Thậm chí chính quyền độc tài – như ở Nga-  cũng phải mượn hình thức bầu cử để làm cho việc cai trị của mình mang tính chất chính danh.”.

Những vụ đánh phá vào bầu cử tự do và công bằng nhắc nhở cho chúng ta một điều là dù cho có là một quốc gia dân chủ tiền tiến đến mấy đi nữa, song việc quy tụ và tăng cường những định chế quan trọng như hệ thống cử tri đoàn, ngành tư pháp và cả hệ thống truyền thông là một việc hết sức quan trọng. 

Ông Tony Banbury, Chủ tịch kiêm giám đốc điều hành tổ chức International Foundation for Electoral Systems, chuyên trợ giúp kỹ thuật bầu cử cho hơn 145 nước trên toàn thế giới, nhận xét như sau: “Tất cả những định chế kể trên sẽ phải đối đầu với những thử thách khó khăn trong năm 2024 vì có khá nhiều hình thức tấn công vào chế độ dân chủ, tấn công vào hệ thống bầu cử. Nếu chúng ta không chuẩn bị, hay có thái độ tích cực sẵn sàng đối phó, chúng ta sẽ phải chịu những hậu quả rất xấu cho chế độ dân chủ.”.

Những nhà lãnh đạo theo chủ trương Dân Túy– populism leaders– hay tinh thần quốc gia cực đoan, là những người đặc biệt rất tai hại cho những tiêu chuẩn, mẫu mực, dân chủ thông thường. Ngày nay các loại thông tin giả, thông tin đểu, hay thông tin xuyên tạc được tung ra rất nhiều, nhất là khi nhiều diễn đàn xã hội sử dụng loại AI, tức trí tuệ nhân tạo để làm nhiễu loạn các cuộc bầu cử. Ví dụ ở Mễ tây Cơ, Tổng thống Andres Manuel Lopez Obrador đã bị giả giọng nói những thông tin gỉa, thông tin đểu về đối thử của ông là ông Xochitl Galvez trước khi bầu cử toàn quốc diễn ra vào tháng Sáu sắp tới. 

Bà Katie Harbath, người sáng lập, và cũng là Chủ tịch tổ chức Anchor Change, chuyên làm cố vấn cho các chính trị gia, và chính phủ  về kỹ thuật và chính sách. Bà nói: “Chúng ta chứng kiến nhiều nhà lãnh đạo độc tài đã vận dụng các diễn đàn xã hội để tuyên truyền có lợi cho họ.”

Một vài diễn đàn xã hội như Facebook và Google lập ra những cơ cấu kiểm soát tin giả để đảm bảo tính chất trong sạch, thuần chất của cuộc bầu cử, nhưng theo bà Harbath những diễn đàn khác không làm việc kiểm soát thông tin nên rất dễ bị lợi dụng bởi những nhân vật có ác ý, hay ý đồ xấu xa. Bà cảnh báo: “Những lãnh tụ độc tài, hay có ý đồ xấu sẽ chuyển sang những diễn đàn không có đủ phương tiện kiểm soát thông tin đểu, thông tin sai lạc.”. Năm 2023,  hai đạo luật Digital Safety Act của Liên Âu và Online Safety Bill của Anh Quốc đã đặt ra ngoài vòng pháp luật những diễn đàn nào không tuân thủ, hay không cố gắng làm việc kiểm soát tin giả, tin đểu, tin sai sự thật.”. 

Nhưng tất cả những cố gắng trên đây vẫn chưa có thể đẩy lùi được mối đe dọa xuất phát từ việc sử dụng A.I trong bầu cử. Hậu quả của nó đã được nhận ra lúc gần đây. Tại Hoa Kỳ, ông Trump đã chia sẻ một video giả giọng nhà báo Anderson Cooper của đài CNN đứng ta tổ chức hội thoại hồi tháng năm vừa qua. Trong cuộc bầu cử ở Slovakia hồi tháng Chín năm ngoái. Một tài khoản diễn đàn xã hội thân Nga đã tung ra một video do AI thực hiện mô tả việc các chính trị gai và nhà báo tìm cách gian lận bầu cử như thế nào. Tất cả đều là giả mạo, còn gọi là “deepfake”.

Không phải tất cả các cuộc bầu cử diễn ra trong năm nay sẽ đưa đến thay đổi chính phủ, hay thay đổi chính sách, và cũng không nhất thiết là thể chế dân chủ bị đánh gục trong một sớm một chiều. Nhưng tất cả những hiện tượng trên đây nếu kết hợp lại cùng tấn công chế độ dân chủ, hậu quả sẽ vô cùng nghiêm trọng cho thế giới. Đặc biệt trong hoàn cảnh chính trị thế giới hiện nay đang có những mâu thuẫn, những cạnh tranh gay gắt giữa phương Tây và Trung quốc, sự bùng dậy của chủ trương đề cao tinh thần quốc gia đang trở nên phổ biến ở nhiều nước Âu châu, và nhất là đang có chiến tranh giữa Do Thái với nhóm Hamas, và giữa Nga với Ukraine. 

Ông Lindberg của Viện Nghiên cứu V-Dem Institute kết luận: “Những cuộc bầu cử trong năm 2024 có thể sẽ làm thay đổi cả thế giới.” Và do đó, không biết hậu quả của sự thay đổi đó tốt hay xấu cho thế giới, chỉ có điều chắc chắn là sau năm 2024, thế giới của chúng ta sẽ “trở thành một nơi rất khác với khi xưa.”.

Nguyễn Minh Tâm dịch theo TIME ngày 22/1/2024