Dương Ngọc Lãng
Trưa Chủ Nhật 30-3-2025, mấy trăm đồng hương ngồi đầy căn phòng sinh hoạt Westminster Community Center, dự Buổi Vận Động Đẩy Mạnh Phong Trào Đòi Trả Tên Sài Gòn do Linh Mục Nguyễn Hữu Lễ khởi xướng.
Cách đây gần 20 năm , Linh Mục Nguyễn Hữu Lễ cư ngụ tại nước Tân Tây Lan đã sang Hoa Kỳ để ra mắt và vận động Phong Trào Quốc Dân Đòi Trả Tên Sài Gòn trong các thành phố có đông người Việt Nam cư ngụ. Phong Trào này đã gây tiếng vang và được hưởng ứng nồng nhiệt.
Khi Cộng Sản Bắc Việt chiếm Miền Nam Tự Do vào ngày 30 Tháng Tư Năm 1975, thủ đô Sài Gòn thất thủ và kẻ chiến thắng đã thay đổi tên Sài Gòn. Mục đích của Việt Cộng là muốn triệt tiêu cái tên Sài Gòn đã gắn liền với chính thể Việt Nam Cộng Hòa và chúng bắt chước đàn anh Liên Xô đặt tên lãnh tụ Leningrad cho cố đô Saint Petersburg. Sau khi Liên Xô tan rã, chủ nghĩa Cộng Sản biến mất thì cái tên Leningrad cũng không còn vào năm 1991.

Cái tên thân yêu Sài Gòn đã có lịch sử hơn mấy trăm năm và gắn bó với tâm thức của người dân Miền Nam, cho nên họ mong một ngày thành phố Sài Gòn sẽ trở lại tên xưa.
Năm nay 2025, tưởng niệm 50 năm thủ đô Sài Gòn thất thủ, người dân đang đau khổ dưới sự cai trị của chủ nghĩa Cộng Sản độc tài tham nhũng, các cộng đồng người Việt Tự Do khắp hải ngoại thực hiện những buổi sinh hoạt đấu tranh. Và trong tinh thần tranh đấu đó, Linh Mục Nguyễn Hữu Lễ và nhiều hội đoàn thực hiện Buổi Vận Động Đẩy Mạnh Phong Trào Đòi Trả Tên Sài Gòn tại Nam California.
Bên cạnh lời tâm tình của Linh mục Nguyễn Hữu Lễ là những lời phát biểu của đại diện các hội đoàn như Đại Việt Quốc Dân Đảng, Việt Nam Quốc Dân Đảng, Lực Lượng Dân Tộc Cứu Nguy Tổ Quốc, Tân Đại Việt, Dân biểu California Tạ Đức Trí, Thị trưởng Westminster Nguyễn Mạnh Chí, Họp Mặt Dân Chủ, Hòa thượng Thích Minh Tuyên…

Các diễn giả đưa ra những cảm nhận đa dạng về thành phố Sài Gòn, về lý do tại sao phải đòi lại, phải lấy lại tên Sài Gòn.
Ông Trần Trọng Đạt, chủ tịch Đại Việt Quốc Dân Đảng đọc 4 câu thơ truyền khẩu của người dân Sài Gòn : “Sài Gòn có một dòng sông. Người dân vẫn gọi là sông Sài Gòn. Dầu cho sông cạn đá mòn. Sài Gòn vẫn mãi sống, còn trong ta.”
Sau phần phát biểu của các đại diện các hội đoàn là phần linh mục Nguyễn Hữu Lễ trả lời các câu hỏi.
Xen kẻ là các tiết mục ca nhạc do Ban Tù Ca Xuân Điềm phụ trách.
Bản hợp ca Lấy Lại Tên Sài Gòn, sáng tác Trần Chí Phúc, bài hát đúng ngay chủ đề của buổi vận động, được mọi người vỗ tay tán thưởng.

Bản Quyết Nghị Chung Buổi Vận Động Đẩy Mạnh Phong Trào Đòi Trả Tên Sài Gòn được hình thành với 5 điểm : 1- Khẳng Định Quyền Thuộc Về Dân Tộc Của Tên Sài Gòn, 2- Lên Án Việc Áp Đặt Danh Xưng “ Thành Phố Hồ Chí Minh”, 3- Kiên Trì Vận Động Đòi Lại Tên Sài Gòn, 4- Quyết Tâm Tẩy Trừ Huyền Thoại Giả Trá Hồ Chí Minh, 5- Hướng Đến Một Việt Nam Tự Do.
Đại diện những đoàn thể cùng ký tên là Đại Việt Quốc Dân Đảng, Đảng Nhân Bản Xã Hội, Đảng Tân Đại Việt, Ban Tù Ca Xuân Điềm, Cộng Đồng Việt Nam Nam California, Hội Ái Hữu Đồng Hương Sài Gòn-Gia Định Vùng Hoa Thịnh Đốn, Họp Mặt Dân Chủ, Lực Lượng Dân Tộc Cứu Nguy Tổ Quốc, Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam, Phong Trào Giáo Dân Việt Nam Hải Ngoại, Việt Nam Quốc Dân Đảng.

Buổi vận động của phong trào quốc dân đòi trả tên Sài Gòn thu hút đông đảo đồng hương tham dự nói lên sự quan tâm của mọi người về cái tên Sài Gòn thân yêu bị tước mất, dù gần 50 năm đã trôi qua.
Việc dùng tên của một cá nhân lãnh tụ đặt tên cho một thành phố lớn là không thích hợp với truyền thống văn hóa của dân tộc Việt Nam, nó bắt chước văn hóa ngoại lai , cho nên trong tương lai khi chủ nghĩa Cộng Sản không còn ngự trị ở quê hương thì thành phố Sài Gòn sẽ trở lại tên xưa.

Ghi chú hình:
1- Quan khách tham dự
2- Linh mục Nguyễn Hữu Lễ trả lời câu hỏi
3- Hợp ca Lấy Lại Tên Sài Gòn của Trần Chí Phúc
4- Ban hợp ca của Tù Ca Xuân Điềm
5- Phong Dinh hát Sài Gòn Yêu Mãi- tác giả Trần Chí Phúc đàn
6- Biểu ngữ trước cửa buổi vận động đẩy mạnh phong trào đòi trả tên Sài Gòn