Mai Loan
Tối Cao Pháp Viện liên bang được trao cho quyền đại diện của ngành tư pháp trong hệ thống chính quyền tại nước Mỹ, tức là các thẩm phán tại tòa này được quyền suy diễn về luật pháp của Hoa Kỳ theo cái nhìn cá nhân nhưng phán quyết do họ đưa ra có quyền tuyệt đối. Nhưng điều đó không có nghĩa là những phán quyết do TCPV đưa ra đều hoàn toàn đúng, và thực tế cho thấy là đã có những phán quyết rất sai lầm và sau đó đã bị sửa chữa và thay đổi lại bằng các phán quyết thích đáng hơn của các vị thẩm phán thuộc các thế hệ về sau.
Trước khi có phán quyết đầy sai lầm và tệ hại của TCPV Hoa Kỳ vào đầu tháng 7 vừa qua nói rằng một tổng thống có thể có toàn quyền được miễn bị truy tố như trường hợp Donald Trump, thì cũng đã có một phán quyết khác được coi là sai lầm tệ hại nhất trong lịch sử nước Mỹ. Đó là phán quyết liên quan đến một vụ án có tên là Dred Scott versus Sandford, khi một người da đen nộp đơn thưa kiện để đòi quyền tự do bình đẳng của con người, nhưng đã bị TCPV vào lúc đó từ chối.
Phán quyết về Dred Scott được đưa ra vào năm 1857, với đa số 7/2 trong các vị thẩm phán, xác định rằng người da đen tại Mỹ không được công nhận quyền công dân của nước Mỹ và do đó không được quyền bảo vệ bình đẳng như mọi công dân khác như đã quy định trong Hiến pháp Hoa Kỳ.
Sự bất công quá đáng trong phán quyết Dred Scott này đã dẫn đến sự bất mãn của nhiều người dân và sự chống đối của những tiểu bang miền Bắc vốn chủ trương tôn trọng quyền công dân của mọi người, đối chọi với những tiểu bang miền Nam; từ đó dẫn đến cuộc nội chiến Nam-Bắc phân tranh với kết quả thảm bại cho phe miền Nam, và phe thắng trận của TT Lincoln đưa ra bản Tuyên Ngôn Giải Phóng Dân Nô Lệ vào năm 1863. Và hai năm sau đó, Tu Chính Án thứ 13 của Hoa Kỳ được chính thức thông qua để loại bỏ chính sách nô lệ đối với dân da đen trên toàn nước Mỹ vào năm 1865.
Tuy nhiên trong thực tế, tuy đã được giải phóng khỏi chế độ nô lệ, nhưng khối dân da đen nhiều tiểu bang ở Hoa Kỳ vào lúc đó vẫn còn bị áp bức và chịu thiệt thòi bởi một hệ thống chính quyền do khối người da trắng nắm quyền đã không đối xử công bằng với dân da đen, nhất là tại các tiểu bang miền Nam.
Điều không may xảy ra vào lúc đó là TT Lincoln, trong một buổi đi xem kịch, đã bất ngờ đã bị ám sát bởi một kẻ nặng lòng với phe miền Nam là John Wilkes Booth. Tân tổng thống được bầu lên sau đó là Andrew Johnson lại là người có thiện cảm với phe miền Nam, nên sẵn sàng chấp nhận một chính sách hòa hợp hòa giải sau chiến tranh là để cho các chính quyền phe miền Nam (Confederate) được quyền hội nhập vào Liên minh miền Bắc (Union) của phe thắng trận dù rằng phe miền Nam chỉ cần tuyên bố từ bỏ chính sách đòi ly khai và duy trì nô lệ, nhưng trong thực tế vẫn còn được điều hành bởi những người đã chủ trương gây chiến trước đó để bảo vệ chế độ nô lệ.
Vì thế nên các dân biểu và nghị sĩ thuộc phe miền Bắc đã không thể chấp nhận một giải pháp hội nhập quá dễ dàng và lỏng lẻo như vậy. Họ biết rằng mình không thể nào giúp sức cho phe thất trận ở miền Nam có thể được tái xây dựng trở lại với cả nguyên một hệ thống chính quyền y hệt như trước đây; nhất là với cuộc kiểm kê dân số trên toàn quốc sắp đến vào năm 1870, số dân tại các tiểu bang miền Nam sẽ tăng lên vì có thêm khối đông những dân da đen lần đầu tiên được nhìn nhận là công dân Hoa Kỳ và do đó sẽ giúp cho các tiểu bang miền Nam có thêm nhiều sức mạnh và số phiếu đại cử tri cho các cuộc bầu cử sau đó. Các tiểu bang thuộc Liên minh miền Bắc đã phải chật vật để đánh bại cái chủ thuyết tai hại ở các tiểu bang miền Nam thì không lý do gì lại muốn nhìn thấy nó lớn mạnh trở lại sau khi chiến tranh kết thúc.
Vì thế nên các nhà lập pháp miền Bắc đã chống đối kế hoạch Tái Xây Dựng đất nước của TT Andrew Johnson. Nhưng đồng thời, họ cũng đưa ra một phương thức mới để giải quyết vấn nạn hòa hợp hòa giải để phục hồi nước Mỹ. Sau nhiều cuộc điều trần và tranh luận, họ bèn đề nghị sửa đổi bản hiến pháp thêm một lần nữa để giải quyết những vấn đề nhức nhối nổ ra từ cuộc nội chiến, trong đó có vấn đề làm sao giải quyết việc bảo vệ cho những người dân da đen tại các tiểu bang mà họ không có quyền được đi bầu, không được chấp nhận cho làm nhân chứng khai trước tòa cũng như không được lựa chọn vào bồi thẩm đoàn như là những người khác có đầy đủ quyền bình đẳng của một công dân.
Cuối cùng, các nhà lập pháp đã đi đến một giải pháp thỏa hiệp thích đáng là Tu Chính Án thứ 14 của Hiến pháp Hoa Kỳ, được thông qua vào đầu tháng 7 năm 1868, và thiết lập một nền tảng mới cho nước Mỹ trong đó không còn duy trì một hệ thống xử ép những người da đen như là dân nô lệ.
Tu Chính Án thứ 14 coi như đã phản bác lại chính những lời nhận định trong phán quyết tồi tệ Dred Scott versus Sandford nói rằng những người da đen “không được nằm trong từ ngữ ‘công dân’ của bản Hiến Pháp, và cũng không hề bao giờ được dự trù cho vào, nên do đó không thể đòi hỏi bất cứ quyền lợi nào mà bản hiến pháp đã cung ứng và bảo vệ cho các công dân.”
Và Tu Chính Án thứ 14 xác nhận rằng “tất cả những người nào sinh ra tại Hoa Kỳ, hoặc đã được nhập tịch và tuân thủ theo thẩm quyền của Hoa Kỳ, đều là công dân của Hiệp Chúng Quốc Hoa Kỳ và của tiểu bang mà họ định cư.”
Tu Chính Án này còn đối phó một cách hiệu quả sâu đậm hơn nữa với một vấn nạn của phán quyết Dred Scott. Đó là vì vào thời điểm của năm 1857, những chính khách cầm quyền lúc bấy giờ tại miền Nam luôn chống đối việc TCPV đã có ảnh hưởng và nắm giữ quyền lực liên bang quá nhiều. Họ chỉ muốn bảo vệ quyền lợi của các chính quyền tiểu bang. Vì thế nên phán quyết Dred Scott không những loại bỏ những người da đen ra khỏi lịch sử của nước Mỹ, mà nó còn tìm cách cản trở mạnh mẽ sự can thiệp và quyền hành liên bang của ngành lập pháp là Quốc Hội Hoa Kỳ.
Phán quyết Dred Scott tuyên bố nền dân chủ của nước Mỹ là được thiết lập từ cấp tiểu bang, do bởi những người dân trong một tiểu bang đó có được quyền đi bầu. Vào năm 1857, điều này có nghĩa là chỉ có những người da trắng mà thôi mới có quyền xin được thẻ cử tri. Và nếu như những cử tri da trắng đó quyết định bỏ phiếu cho những chính sách không được đa số quần chúng ủng hộ, chẳng hạn như chính sách duy trì nô lệ đối với người da đen, thì đó là quyền của khối cử tri đó. Nhưng nhiều chính khách cấp tiến và nhân bản như TT Abraham Lincoln đã chỉ ra rằng cái sự kiện nhiều chính quyền tiểu bang có quá nhiều quyền hành như vậy sẽ dẫn đến tình trạng một thiểu số chủ trương những chính sách không thuận lợi cho đa số có thể sẽ nắm quyền điều hành chính quyền liên bang, và áp đặt những ý tưởng và chính sách của họ lên tất cả mọi người khác trên toàn quốc. Dĩ nhiên những người bảo vệ quyền lợi cho các tiểu bang thì không bao giờ chịu nhượng bộ.
Vì thế nên sự ra đời của Tu Chính Án thứ 14 đã giúp cho chính quyền liên bang có được cái quyền hành bảo vệ mọi người dân ngay cả khi chính quyền và quốc hội của tiểu bang họ đang cư ngụ đã thông qua nhiều đạo luật kỳ thị và đối xử bất công với họ. Tu Chính Án viết rõ như sau: “Không một tiểu bang nào có quyền lập ra hoặc áp dụng các đạo luật giới hạn quyền lợi của các công dân Hoa Kỳ; và cũng không một tiểu bang nào có quyền tước đi cái quyền được sống, được hưởng tự do và những tài sản của họ mà không thông qua một tiến trình pháp lý đầy đủ thủ tục hợp lý (due process of law); cũng như không một tiểu bang nào được quyền từ chối bảo vệ đồng đều (equal protection) các công dân dưới thẩm quyền của chính quyền tiểu bang đó.” Và Tu Chính Án viết tiếp: “Quốc Hội liên bang là cơ quan có quyền để thi hành các điều khoản trong Tu Chính Án này, dựa vào những đạo luật thích hợp được thông qua.”
Những nguyên tắc căn bản của Tu Chính Án thứ 14 cũng chính là động lực dẫn đến việc thành lập Bộ Tư Pháp Hoa Kỳ, với công tác đầu tiên vào lúc đó là việc dẹp tan những thành viên của một tổ chức khủng bố nội địa lúc bấy giờ có tên là tổ chức Ku Klux Klan tại miền Nam Hoa Kỳ.
Qua đến thời kỳ sau khi Đệ Nhị Thế Chiến kết thúc, những nguyên tắc căn bản đó cũng được áp dụng một cách rộng lớn trên toàn quốc khi TCPV bắt đầu dùng điều khoản bảo vệ đồng đều mọi công dân và nguyên tắc tiến trình và thủ tục pháp lý đứng đắn để thi hành lên toàn các tiểu bang trên nước Mỹ. Những phán quyết của tòa án tối cao trong giai đoạn này, kéo dài qua các thập niên 1950, 1960 và 1970, chẳng hạn như phán quyết Brown versus Board of Education vào năm 1954 loại bỏ chính sách phân chia học sinh tại các trường công lập tùy theo mầu da, đều xuất phát từ tinh thần của Tu Chính Án thứ 14.
Nhờ vào Tu Chính Án này, chính quyền liên bang đã đảm nhiệm sứ mạng quan trọng của mình là bảo vệ những quyền lợi của mọi công dân Hoa Kỳ khỏi bị áp bức hoặc uy hiếp bởi các chính quyền tiểu bang có thể đưa ra những đạo luật bất công do sự suy diễn tùy tiện của các chính khách tại tiểu bang địa phương.
Những kẻ chống lại các biện pháp bảo vệ dân quyền được các tòa án áp dụng từ Tu Chính Án thứ 14 đã nhanh chóng chỉ trích và cáo buộc rằng đó là những phán quyết mang tính cách “ngồi ở ghế tòa án để thông qua các đạo luật” (legislating from the bench) thay vì phải để cho các quốc hội tiểu bang được rộng quyền thông qua những đạo luật thích hợp cho từng tiểu bang. Từ đó những chính khách bảo thủ của miền Nam bắt đầu kêu gọi các quan tòa là hãy trở về với tinh thần nguyên thủy (originalism), tức là chỉ nên dựa theo những chữ nghĩa nguyên thủy được ghi trong bản Hiến pháp để giải quyết các vấn đề tranh chấp chứ đừng theo cách suy diễn rộng rãi của các vị thẩm phán, bởi vì họ cho rằng các nhà sáng lập nước Mỹ và soạn thảo Hiến pháp muốn rằng luật pháp được thiết lập bắt đầu phải từ cấp tiểu bang. Điển hình là trong trường hợp của TT Ronald Reagan bổ nhiệm một vị thẩm phán cực kỳ bảo thủ là Robert Bork vào năm 1987 vào TCPV, và ông Robert là một quan tòa theo trường phái “trở về với nguyên thủy” khi nói rằng tòa án tối cao hãy nên thu hồi lại các phán quyết trước đây mang tính bảo vệ dân quyền.
Rất may là đã có những nhà lập pháp đứng lên chống đối lại chủ trương đi thụt lùi dưới chiêu bài “trở về nguyên thủy” này. Trong số đó, người lên tiếng mạnh mẽ nhất là nghị sĩ Ted Kennedy của phe Dân Chủ tại tiểu bang Massachusetts khi ông phát biểu: “Cái nước Mỹ dưới mắt nhìn của ông Robert Bork này là một vùng đất mà trong đó nhiều phụ nữ sẽ bị buộc phải đi phá thai tại những góc hẽm tăm tối không an toàn vì không còn có nơi nào khác chịu chấp nhận, những người da đen sẽ bị buộc phải ngồi ở những băng ghế trong giờ ăn dành riêng tùy theo màu da, và những toán cảnh sát thô bạo có thể đập tung cánh cửa nhà dân bất cứ lúc nào vào đêm khuya để mở những cuộc lục soát, và trẻ em sẽ không được giảng dạy về thuyết tiến hóa của nhân loại, những nhà văn và các văn nghệ sĩ có thể bị kiểm duyệt bất cứ lúc nào bởi chính quyền, và các cánh cửa của tòa án liên bang sẽ bị đóng lại để không cho hàng triệu những người dân cần sự bảo vệ của ngành tư pháp có thể gõ cửa nhờ bảo vệ, bởi vì cái chức năng quan trọng của tòa án để bảo vệ người dân chính là tâm điểm của nền dân chủ của chúng ta. . .”
Chính nhờ sự chống đối mạnh mẽ và cương quyết đó của các nghị sĩ phe Dân Chủ nên ông Robert Bork đã không được chuẩn thuận bởi Thượng Viện để được vào TCPV. Và từ đó về sau, các thẩm phán bảo thủ phe Cộng Hòa đã học được bài học khôn ngoan ma mãnh là che đậy thực tâm của mình khi phải ra trước Thượng Viện để trả lời những câu hỏi quan trọng trước khi được chấp thuận vào TCPV.
Chúng ta đã thấy những thẩm phán tối cao của phe Cộng Hòa hiện nay như John Roberts, Sam Alito, Brett Kavanaugh, Amy Coney Barrett lúc ra điều trần tại Thượng Viện đều luôn miệng nói rằng họ sẽ không biểu quyết đi ngược lại tiền lệ là phán quyết Roe versus Wade đã có từ gần 50 năm qua trong việc bảo vệ quyền lựa chọn phá thai của phụ nữ; nhưng rồi đến năm 2022 khi họ có được đa số áp đảo, họ đã không ngần ngại đảo ngược lại án lệ quan trọng này.
Cũng như chúng ta đã thấy các thẩm phán này trước đây bao giờ cũng nói rằng “không một người nào được đứng trên luật pháp tại Hoa Kỳ” nhưng rồi mới đây cả bọn họ lại biểu quyết nói rằng Trump có toàn quyền tuyệt đối miễn bị truy tố vì là một tổng thống, tức là công nhận rằng ông tổng thống có quyền đứng trên pháp luật.
Trong bối cảnh xã hội Hoa Kỳ vào thời điểm năm 2024, những lời báo động của nghị sĩ Ted Kennedy vào năm xưa có lẽ cho thấy một lời tiên đoán khá chính xác về một tương lai u ám nếu như các quan tòa và chính khách bảo thủ có thể được nắm quyền đa số. Trong bản cương lĩnh của đảng Cộng Hòa được thông qua trong ngày đầu tiên của Đại hội Toàn Đảng vào tuần này, người ta thấy là phe bảo thủ cũng kêu gọi áp dụng Tu Chính Án thứ 14, nhưng không phải để bảo vệ quyền bình đẳng cho những người thiểu số da mầu khỏi những đạo luật mang tính kỳ thị và bất công, mà là nhằm để bảo vệ quyền sống cho những bào thai kể từ khi nó mới được thụ tinh do sự kết hợp giữa tinh trùng của người nam và trứng của người nữ.
Cương lĩnh lần này của phe Cộng Hòa kêu gọi các tiểu bang là hãy tiến hành các bước để thông qua các đạo luật bảo vệ các bào thai, cho dù nó chỉ mới khởi sự là những tế bào mong manh mà ngay cả chính người phụ nữ cũng không hề biết, và họ gọi đó bằng một từ ngữ mới lạ là “quyền sống làm người của một bào thai”. Những đạo luật mà cương lĩnh của phe Cộng Hòa kêu gọi hãy thông qua ở các tiểu bang sẽ ngăn cấm mọi hình thức phá thai dưới bất cứ tình huống nào, cấm đoán luôn các phương pháp thụ tinh nhân tạo, cũng như nhiều phương thức ngừa thai.
Việc cương lĩnh của phe Cộng Hòa kêu gọi các tiểu bang hãy thông qua các đạo luật khắt khe như thế giống hệt như chiến thuật của Donald Trump sử dụng chữ nghĩa một cách quỷ quyệt để tránh bị chỉ trích là chủ trương một chính sách cấm phá thai nghiêm ngặt khiến cho đa số quần chúng phản đối. Một mặt Donald Trump khoe khoang về thành tích bổ nhiệm 3 vị thẩm phán bảo thủ để giúp cho phe bảo thủ có thể đảo ngược án lệ Roe versus Wade; nhưng mặt khác Trump lại nói là hãy để cho các tiểu bang quyết định về hồ sơ này. Tuy nhiên, mới đây tổ chức chống phá thai có tên là Susan Anthony Pro-Life America nói rõ rằng lời lẽ trong cương lĩnh khi nói đến việc dùng Tu Chính Án thứ 14 là nhằm mở cửa cho việc tiến tới một chính sách cấm phá thai trên toàn quốc, bởi vì họ sẽ lý luận rằng Tu Chính Án đó đã cho phép Quốc hội liên bang có toàn quyền để thi hành nó dựa theo những đạo luật thích hợp được thông qua.
Bản thông cáo của tổ Chức Susan Anthony Pro-Life America nói rõ: “Đây là một điều quan trọng khi đảng Cộng Hòa xác nhận lại sự cam kết của mình là sẽ bảo vệ quyền sống của thai nhi xuyên qua Tu Chính Án thứ 14. Với bản tu chính án này, chính Quốc Hội liên bang sẽ là cơ quan thông qua và thi hành các điều khoản và đạo luật. Đảng Cộng Hòa vẫn tiếp tục duy trì chủ trương bảo vệ mạng sống trên toàn quốc.”
Nói đến đây, chúng tôi sực nhớ đến một lời giảng pháp trước đây của một nhà tu rất được nhiều người mến mộ trong thời gian gần đây, đó là Thượng Tọa Thích Pháp Hòa, với rất nhiều băng video trên YouTube mà chúng tôi đã tình cờ nghe được. Đó là khi thầy nói, đại ý như sau: “Ngay cả một tà pháp (tài liệu giáo lý sai trái) mà được trao vào tay của người có lòng tốt và ngay thẳng, thì nó cũng có thể được biến thành điều tốt đẹp. Và ngay cả một chánh pháp mà được trao vào tay của một kẻ xấu thì nó cũng có thể biến thành một điều xấu xa tệ hại. Tất cả là tùy ở cái tâm của người đó tốt hay xấu, thì họ sẽ biến cái pháp, cái tài liệu học tập và giảng dạy về đạo pháp đó theo hướng thiện hay ác, theo cách tốt hay xấu.”
Cách đây hơn 160 năm, các nhà lập pháp ở Mỹ đã phải nghĩ đến việc thông qua một bản tu chính hiến pháp Hoa Kỳ với Tu Chính Án thứ 14 để mong bảo vệ quyền bình đẳng của mọi công dân tại Hoa Kỳ, bất kể màu da của họ là thành phần nào, trước những đạo luật mà các tiểu bang miền Nam chủ trương nô lệ muốn duy trì và thông qua.
Nhưng ngày hôm nay, chính những người bảo thủ lại muốn dùng cái Tu Chính Án thứ 14 này, không phải để làm cái nhiệm vụ bảo vệ cao cả và rất nhân bản đó, mà chỉ để bảo vệ cái nhận định và quan điểm hẹp hòi của họ về quyền sinh sản của phụ nữ, núp dưới cái chiêu bài là bảo vệ mạng sống của thai nhi, nhưng thực chất là muốn áp đặt lên mọi người dân trên toàn quốc cái nhìn ích kỷ và hẹp hòi của họ, cho dù đó chỉ là cái nhìn của một thiểu số.
Chúng ta hãy nhận thức rõ về điều này, và cương quyết cùng nhau gióng lên tiếng nói phản đối thái độ phản dân chủ đó của một thiểu số muốn áp đặt lên đa số, và hãy sử dụng lá phiếu của mình trong kỳ bầu cử năm 2024 để bỏ phiếu cho tất cả ứng viên của đảng Dân Chủ.
Mai Loan
Houston, Texas 19/07/2024