TAI HỌA RÒ RỈ PHÓNG XẠ KHI XÂY NHÀ MÁY ĐIỆN HẠT NHÂN TẠI NINH THUẬN VIỆT NAM          

0
184

 Trần Củng Sơn

Nhà nước Cộng Sản Việt Nam vừa công bố tái khởi động chính sách xây dựng hai nhà máy điện hạt nhân- còn gọi là nhà máy điện nguyên tử- ở tỉnh Ninh Thuận- Phan Rang. Tin này làm cho những người mang dòng máu Lạc Hồng ưu tư về vận mệnh đất nước lo ngại về hậu quả xấu do nhà máy điện hạt nhân mang lại.

Trước đây vào năm 2016, chính sách xây dựng nhà máy điện nguyên tử ở Việt Nam đã bị ngưng vì rò rỉ phóng xạ ở nhà máy điện hạt nhân ở Fukushima Nhật Bản.  Người dân mừng rỡ vì không còn sợ nạn rò rỉ phóng xạ. Không ngờ bây giờ năm 2024 Ban lãnh đạo mới ở Trung Ương quyết định tái khởi động việc này. Lý do họ nêu ra là để giải quyết nạn thiếu điện thường xuyên và giảm bớt nạn khí thải.

Vào Internet tìm hiểu lợi ích và tai hại của việc xây dựng nhà máy điện nguyên tử thì chia làm 2 ý kiến bênh và chống như sau :

Lợi ích nhà máy điện nguyên tử: không thải ra khí Carbon, chiếm diện tích nhỏ so với các Solar điện mặt trời hoặc điện gió, cung cấp điện tối đa.

Tai hại nhà máy điện nguyên tử: chi phí xây dựng nhà máy rất cao, tạo ra chất thải phóng xạ độc hại, rò rỉ phóng xạ do vận hành nhà máy bất cẩn hoặc bị phá hoại.

Theo ước tính chi phí xây dựng 2 nhà máy điện hạt nhân tại tỉnh Ninh Thuận là hơn 20 tỉ mỹ kim. Do đó chắc chắn là phải đi vay nợ.

Điều nguy hiểm nhất và làm cho người dân Việt Nam lo sợ nhất là chất thải phóng xạ và sự rò rỉ chất phóng xạ do nhà máy theo thời gian bị cũ kỹ, hoặc do vận hành sơ xuất hoặc do thiên tai, phá hoại.

Lịch sử cho thấy nhà máy điện hạt nhân Chernobyl của Liên Xô tức là Nga bây giờ đã rò rỉ phóng xạ vào ngày 25, 26 tháng 4 năm 1986 được coi là thảm họa lớn nhất về nhà máy điện hạt nhân. Cả một vùng đất hàng trăm cây số xung quanh nhà máy điện nguyên tử Chernobyl bị nhiễm phóng xạ khiến người dân phải bỏ đi, cây cối không sống được, sự tàn phá về môi trường thật khủng khiếp và không khắc phục được.

Thảm họa điện hạt nhân Fukushima ở Nhật Bản xảy ra vào ngày 11 tháng 3 năm 2011 do động đất và sóng thần làm mất điện; cho nên hệ thống làm mát các lò phản ứng hạt nhân không hoạt động và làm rò rỉ phóng xạ.

Tại Hoa Kỳ có một số nhà máy điện hạt nhân vận hành; những nhà máy này xây đã vài chục năm trước.  Tại nước này đã xảy ra 56 vụ rò rỉ phóng xạ mà vụ lớn nhất tại nhà máy điện hạt nhân Three Mile Island Nuclear Power Plant ở tiểu bang Pensylvania vào ngày 28 tháng 3 năm 1979. Chính quyền Mỹ phải dọn sạch chất thải phóng xạ  đến năm 1993 mới xong. Sau vụ rò rỉ này thì nước Mỹ không xây thêm nhà máy điện hạt nhân nào nữa vì thấy rõ sự tai hại vì rò rỉ phóng xạ rất nguy hiểm cho môi trường và đời sống dân chúng.

Nhà máy điện hạt nhân cho dù tốt cỡ nào nhưng qua vài chục năm xử dụng thì máy móc vật liệu cũ kỹ dễ sinh ra rò rỉ phóng xạ. Giống như chiếc xe Mercedez mới toanh nhưng chạy hơn hai chục năm thì sẽ trở thành cũ và chảy nhớt. Người chủ bỏ chiếc xe này và mua chiếc xe khác. Nhưng nhà máy điện hạt nhân không phải là chiếc xe để thay thế dễ dàng, nó còn ở đó và trở thành của nợ với các vật liệu đầy chất phóng xạ nguy hiểm.

Ở các nước lãnh thổ rộng lớn như Nga, Mỹ thì người ta xây nhà máy điện hạt nhân ở vùng sa mạc hẻo lánh. Còn ở tỉnh Ninh Thuận- Phan Rang nếu sau này xảy ra sự cố rò rỉ phóng xạ thì các vùng Miền Trung kế bên như Nha Trang, Phan Thiết, Đà Lạt đều bị ảnh hưởng nặng nề.

Chưa hết, nếu quân khủng bố hay kẻ thù phá hoại các nhà máy điện hạt nhân này thì tai hại rò rỉ phóng xạ cũng rất lớn.

Điều đáng lo âu nhất là trình độ khoa học kỹ thuật của chuyên viên Việt Nam không đủ giỏi để vận hành nhà máy điện hạt nhân; mà chỉ cần một sơ xuất nhỏ là tai nạn rò rỉ phóng xạ xảy ra. Không lẽ cứ mãi mướn chuyên viên nước ngoài vận hành nhà máy điện hạt nhân trong suốt mấy chục năm. Ngay cả tại Nga, Nhật, Hoa Kỳ dù họ có chuyên viên giỏi mà tai nạn rò rỉ phóng xạ vẫn xảy ra.

Cuối cùng, người dân Việt Nam sống ở tỉnh Ninh Thuận- Phan Rang và các tỉnh Miền Trung lân cận sống trong lo âu, không biết là ngày nào tai nạn rò rỉ chất phóng xạ từ nhà máy điện hạt nhân xảy ra.

So sánh giữa cái lợi và cái hại của nhà máy điện hạt nhân đối với Việt Nam- trình độ kỹ thuật còn rất kém thì sự cố rò rỉ phóng xạ rất dễ xảy ra. Một khi tai nạn rò rỉ phóng xạ xảy ra thì sự thiệt hại rất khủng khiếp mà không số tiền nào, lợi ích về kinh tế có thể bù đắp nổi. Cỡ như Nga, Nhật Bản mà còn bị  tai nạn rò rỉ phóng xạ thì nói chi đến Việt Nam.

Trong phiên họp Quốc Hội Việt Nam, đã có một vài ý kiến chống đối việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân nhưng chỉ là tiếng nói lẻ loi. Ban lãnh đạo nói là sẽ tìm phương án bảo đảm an toàn cho nhà máy điện hạt nhân nhưng lý luận này lỏng lẽo vì tất cả đều dựa vào chuyên viên và kỹ thuật nước ngoài. Nga, Mỹ và Nhật Bản đã xảy ra tai nạn rò rỉ phóng xạ- lịch sử đã cho thấy.

Đất nước Việt Nam với diện tích 330 ngàn cây số vuông, với dân số 100 triệu người. Khoảng 4 triệu người gốc Việt Nam sống ở nước ngoài, trong đó tại Hoa Kỳ và Âu châu, Úc châu thì số trí thức gốc Việt Nam có nhiều để nhà nước Hà Nội tham khảo ý kiến  mỗi khi có vấn đề quan trọng liên quan đến khoa học kỹ thuật hiện đại.

Cũng nên biết rằng khi công ty ngoại quốc xây 2 nhà máy điện hạt nhân chi phí hơn 20 tỉ mỹ kim thì cán bộ cao cấp sẽ được tiền hoa hồng vài tỉ mỹ kim.

Trong đời này, việc gì cũng có hai mặt lợi và hại. Nếu chỉ nói đến mặt Lợi của nhà máy điện hạt nhân mà không suy xét mặt Hại của nó thì thật là thiếu sót và nguy hiểm.

Việt Nam có thể nghiên cứu dùng các phương tiện tạo ra điện mà không cần xây nhà máy điện hạt nhân vì những tai nạn phóng xạ khủng khiếp trong tương lai .

Tai họa về rò rỉ phóng xạ từ nhà máy điện hạt nhân sẽ xảy ra trong tương lai như đã từng xảy ra tại Nga, tại Nhật, tại Mỹ.

Lúc đó người viết bài này, những người đọc bài này cùng ban lãnh đạo nhà nước Việt Nam đều không còn sống trên cõi đời này. Nhưng con cháu, người dân sống trong các thế hệ kế tiếp nhất là người dân Miền Trung sẽ phải gánh chịu tai họa rò rỉ phóng xạ khủng khiếp.

Cũng cần nói thêm rằng tai họa do nhà máy Formosa thải chất độc ra biển ở Hà Tĩnh năm 2016 làm chết cá và ô nhiễm vùng biển mấy tỉnh Miền Trung thật là to lớn. Và nên biết rằng tai họa rò rỉ phóng xạ từ nhà máy điện hạt nhân ở tỉnh Ninh Thuận trong tương lai sẽ còn khủng khiếp hơn nhiều lần vì chất phóng xạ là không thể tiêu hủy được, nó tồn tại mãi mãi.

Rất mong những chuyên viên, những trí thức gốc Việt Nam đang sống tại Hoa Kỳ, Âu châu và Úc châu quan tâm việc này và cất lên tiếng nói. Thật buồn cho dân tộc Việt Nam khi mà người dân trong nước không được bày tỏ ý kiến đóng góp để xây dựng quê hương.

 Dứt khoát là không xây nhà máy điện nguyên tử khi trình độ chuyên viên khoa học kỹ thuật của Việt Nam còn non yếu và điều quan trọng nhất là tai họa rò rỉ phóng xạ sẽ không xảy ra trên mảnh đất hình chữ S thân yêu của dân tộc Tiên Rồng.

 Trần Củng Sơn