Mấy ngày qua, một vụ án mạng đã gây bàng hoàng và xúc động cho rất nhiều người: Đó là hai nữ sinh Lớp 11 và Lớp 12 Tỉnh Gia Lai vì tranh luận trên Facebook đã hẹn nhau, trước cổng trường để giải quyết vấn đề. Mỗi bên có một “băng” đi theo, rồi tranh cãi, rồi không kiềm chết được. Cô nữ sinh Lớp 12 đã rút con dao thủ sẵn trong nười, đâm chết cô bạn Lớp 11. Tại sao một thảm kịch như vậy có thể xảy ra – không phải giữa hai băng đảng trộm cướp, buôn bán ma túy hay đòi nợ thuê…mà giữa hai cô nữ sinh trong trằng, tuổi tràn đầy mộng mơ trong một đất nước mà từ ngàn xưa đàn bà con gái có truyền thống nết na, dịu hiền để trở thành những bà mẹ hiền đức, một cô dâu thảo, một người vợ hiền thục, một nhà trí thức. Và khi đất nước lâm nguy có thể trở thành những nữ anh thư như Bà Trưng, Bà Triệu.
Ngày nay, các phương tiện truyển thông đại chúng như Facebook, Twitter, Tiktok các diễn đàn như YahooGroups, GoogleGroups…đang trở thành thảm họa. Thay vì thông tin trung thực, nó bị lợi dụng bởi những kẻ xấu để trở thành nơi phóng ra những tin tức giả tạo để đầu độc dư luận và lường gạt. Thay vì đưa ra những bình luận có giá trị lại là những lời lên án, bôi lọ, chửi rủa, nhục mạ khiến kết thêm oán thù. Rồi nào là những trò chơi rất điên khùng như nhịn đói, nhịn thở…khiến bao trẻ nhỏ chết oan.
Dĩ nhiên chẳng có ai có thể trở thành bác sĩ, nha sĩ, dược sĩ, kỹ sư hay giáo sư khi cả đời chúi mũi vào các diễn đàn này. Chỉ cần năm hay sáu năm ở đại học là đã nên người. Còn cả đời chúi mũi vào các diễn đàn xem tin tức cũng chẳng nên thân. Phần lớn con người ta không phân biệt được thế nào là News (tin tức) và Knowledge (kiến thức). Tất cả những gì đang phổ biến trên các diễn đàn nói trên chỉ là tin tức chứ không phải kiến thức. Kiến thức phải nằm trong sách vớ, trong các đại học. Do sự phổ cập của phương tiện truyền thông và nhất là nhờ chiếc điện thoại cầm tay (iphone), một bà già trầu, một cô gái bán cá ngoài chợ, một cô hầu bàn…có thể biết nhiều chuyện trên thế giới hơn một nhà bác học hay một giáo sự đại học. Nhưng những cái gọi là “biết” đó không giúp ích gì cho cuộc sống của họ, mà chỉ để khoe khoang và hãnh diện với đời. Chẳng một ai có thể xin được việc làm khi tới một hãng xưởng, công ty khoe rằng tôi biết hết mọi chuyện trên cõi đời này… mà họ cần phải có kỹ năng, có bằng cấp, có chứng chỉ chuyên môn.
Thế nhưng do sự quay đảo của cái tâm, do quyền tự do cá nhân phát triển quá mức, do muốn nổi danh, do đua đòi, do bắt chước, do nông nổi, do háo thắng, do thiếu ý thức…bao thanh niên thiếu nữ đang lao đầu Facebook, Twitter, Tiktok và coi những gì phổ biến ở đây như những kiến thức của đời đại, hãnh diện vì mình biết nhiều để khoe khoang với bạn bè. Có thể nói ngày nay nhân loại đang dành rất nhiều thời giờ cho một cuộc sống ảo. Tác động của nó giống như những đợt sóng thần, những cơn bão lũ mà phụ huynh và nhà trường hoàn toàn bất lực.
Tại thành phố tôi đang ở và trước mắt tôi đây, cứ khoảng 3 giờ chiều là học sinh của các trường Trung Học Đệ Nhất Cấp (Trung Học Cơ Sở) về, đi ngang qua, đa số là dân Nam Mỹ. Các cô bé 12, 13 tuổi, cô nào cô nấy trên tay đều có một chiếc điện thoại cầm tay. Các cô bé nói chuyện huyên thuyên.Tôi ngạc nhiên vô cùng và luôn luôn tự hỏi. Ở lứa tuổi 12, 13 này “Ăn chưa no, co chưa ấm” cha mẹ lo hết rồi, có gì quan trọng đâu mà phải lo toan? Sao gọi điện thoại liên miên như vậy? Có lẽ để tán dóc với bạn bè hay với bồ (boy friend)? Rồi khi về nhà, quăng chiếc cặp vào một xó thay vì giúp mẹ làm chuyện nhà, lại chúi mũi vào chiếc iphone. Rồi khi ăn cơm, vừa ăn vừa nhìn vào đó, bấm bấm, kéo kéo liên miên. Tại sao vậy? Xin thưa đó là căn bệnh của thời đại. Chính nền văn minh điện tử đã tạo ra những cô bé như thế. Thế hệ trẻ và rất nhiều người lớn chúng ta cũng đang là nạn nhân, đang là tù nhân và âm binh bị sai khiến bới các diễn dàn Facebook, Twitter, Tiktok. Khi chúng ta say mê bất cứ cái gì thì chúng ta trở thành nô lệ cho nó và chẳng còn tỉnh thức nữa. Giống như kẻ nghiện ma túy vậy.
Trở về với thảm kịch nói trên. Kẻ sát nhân phải đền tội để duy trì trật tự xã hội và đó cũng là Luật Nhân Quả. Cô bé Lớp 12 này nếu thoát án tử hình có thể bị phạt chung thân hoặc tử 20 tới 25 năm tù. Nhưng tuân theo lời Phật dạy, người Phật tử không kết tội mà chỉ có lòng xót thương và cứu độ cho nên nước mắt tôi cứ rươm rướm. Tôi thương cảm cho hai cô bé và cả gia đình hai bên. Tôi tưởng tượng đến cô bé đã giết bạn. Nằm trong khu biệt giam, có bạn bè nào đến thăm không? Có người yêu nào đến thăm không? Năm nay đã 19 tuổi rồi, liệu người yêu nào có thể chờ đợi thêm 25 năm nữa để cưới một một bà 44 tuổi nhan sắc đã tàn phai và là một kẻ sát nhân? Không đâu! Không một ai! Có lẽ chỉ có một người đó là bà mẹ. Nếu không đi thăm thì nó trách sao không thương nó. Còn nếu đi thăm thì toàn là nước mắt và sầu tủi. Câu nói thường xuyên của mỗi lần thăm, qua làn nước mắt vẫn là: “Sao con dại dột dính líu vào chuyện tào lao để làm gì?” Rồi lại là cái cúi đầu và lời chua xót, “Thôi mẹ đừng nói nữa.” Rồi khi từ giã nhà giam, bà lại khóc như đã khóc nhiều lần. Đẻ con gái chỉ mong nó học hành nên người sau này về già có nơi nương tựa, nay lại phải nuôi nó trong tù và mang tiếng dữ suốt đời là có con gái là kẻ sát nhân.
Rồi nhà của cô bé nạn nhân 17 tuổi kia. Không biết xác được thiêu rồi bỏ vào chùa hay chôn ở một nghĩa trang? Rồi cứ mỗi tháng một lần hay hai ba tháng, bà mẹ cầm theo một bó hoa. Rồi có thể vài món đồ ăn gì đó, đặt lên nấm mồ, bà thắp ba nén nhang rồi lẩm bẩm: “Con ơi mẹ ra thăm con đây” Rồi bà lại khóc rồi nói như với chính mình,”Con ơi sao con dại dột dính vào chuyện không đâu? Trởi ơi! Kiếp trước tôi làm gì nên tội mà kiếp này tôi khổ như thế này?” Từ sự rúng động của vụ án, chúng ta thấy rằng một kẻ dù rất tầm thường nếu gây ác nghiệp sẽ tạo khổ đau cho rất nhiều người. Còn một lãnh đạo siêu cường, nếu gây ác nghiệp sẽ tạo khổ đau cho toàn thể nhân loại.
Hiện nay tự ái, tranh luận đúng-sai, tranh thắng về phần mình đang là nhu cầu bức thiết của nhân loại mà chính sự tranh cãi này đã gây bao thảm họa. Trong Kinh Pháp Cú (Hán Tạng) Đức Phật dạy rằng khi tranh luận đúng-sai, kẻ thua thì sầu tủi rồi sinh oán hận. Còn kẻ thắng thì tô bồi thêm tự ngã. Mà khi tự ngã càng cao, càng kiêu căng thì nguy cơ càng lớn. Kẻ có đời sống an lành là biết sống với lòng nhẫn nhục và khiêm tốn. Mà lòng khiêm tốn chính là biết nhường nhịn và bỏ qua những gì nhỏ nhặt. Trong Kinh Pháp Cú Tây Tạng (Bản dịch của cư sĩ Nguyên Giác) Phẩm Sân nơi bài kinh 10 và 11 nói rằng, “ Biết đối thủ đang giận dữ, nhưng mình tự giữ được tâm tịch lặng, sẽ làm lợi ích cho cả bản thân mình và người khác, ra khỏi nguy hiểm lớn”.
Trước sự băng hoại của xã hội và xuất hiện nhiều tội phạm mà mấy chục năm về trước không có, một số giám đốc công an tỉnh nói rằng không thể phó thác việc bài trừ tội phạm xã hội cho công an mà cần có sự hợp tác của gia đình và trường học. Chúng ta không thể thụ động và đổ cho đó là Nghiệp mà phải dấn thân để chuyển nghiệp. Mà chuyển nghiệp tốt nhất vẫn là giáo dục. Cây cảnh phải uốn từ lúc còn non. Khi cây đã già rồi thì uốn cái gì? Cho nên giáo dục đạo đức từ lúc lọt lòng (Mẫu Giáo) cho tới Lớp 9 rất quan trọng. Do đó cần đưa nền tảng đạo đức của Phật Giáo vào học đường để đối phó với “Con quái vật truyền thông vô đạo đức” đang hoành hành khắp thế giới không ngoài mục đích:
-Xây dựng một con người có trách nhiệm, bản thân tự lập sau này.
-Một con người biết mở mang trí tuệ và dùng trí tuệ để phán xét sự việc, phân biệt thiện ác.
-Biết kính trọng mọi người, nhường nhịn và yêu chuộng hòa bình.
-Một công dân biết tôn trọng pháp luật, có tinh thần bảo vệ và xây dựng đất nước tức lòng ái quốc.
-Cố gắng vươn lên trong tinh thần đạo đức và sống lương thiện.
-Biết chia xẻ và giúp đỡ người khác khi có điều kiện.
Xin chia xẻ nỗi đau thương với cả hai gia đình và xin cố gắng giữ thăng bằng trong cuộc sống và suy nghĩ về lời Phật dạy: Trong phúc có họa, trong họa có phúc. Con cái là niềm hạnh phúc nhưng cũng là tai họa cho gia đình. Chuyện này nhan nhản trong xã hội. Mọi thời, mọi xã hội và từ xưa đến nay đều như vậy. Mọi chuyện đã xảy ra dù có khổ đau, dù có tiếc thương cũng không thể níu kéo hay hàn gắn lại được. Mỗi người có một nghiệp báo khác nhau. Con cái đẻ ra nhưng nó có nghiệp báo riêng của nó mà cha mẹ không thể thay đổi được. Thậm chí Phật cũng không thể thay đổi được. Phật chỉ dạy cho người ta cách chuyển nghiệp chứ không thể chuyển nghiệp cho ai. Cha mẹ đâu muốn con như thế. Nó hành động theo nghiệp báo của nó. Tiếc thương như thế là quá đủ. Xin hãy quên đi để sống bình an.
Đào Văn Bình
(California ngày 14/3/2024)