THIÊN là TRỜI

0
887

Thiên 天 là Trời, Thiên 千 là Một Ngàn, Thiên 偏 là Thiên Lệch, Thiên 遷 là Di Dời … Ở đây, ta chỉ nói đến chữ Thiên 天 là Trời, là phần không gian ở trên đầu của ta mà thôi. Theo “Chữ Nho …Dễ Học”, ta có chữ Nhân là người được viết như thế nầy 人. Đây là chữ Tượng Hình đơn giản nhất, cơ bản nhất và cũng … Tượng hình nhất : Hình người đứng xoạt 2 chân hiên ngang giữa trời đất đúng như sách Tam Tự Kinh ngày xưa dạy : Tam tài giả, THIÊN ĐỊA NHÂN 三才者,天地人。( TAM TÀI là TRỜI, ĐẤT và NGƯỜI ). Con Người là một thành viên của vũ trụ, hợp với Trời và Đất tạo nên cái thế giới nầy !
Nên …
          Khi cần diễn tả sự to lớn thì chữ nhân 人 dang thêm hai tay ra theo lối CHỈ SỰ 指事  ( Mượn việc dang hai ta ra để chỉ sự to lớn gọi là Chỉ Sự  ) thành chữ ĐẠI 大 ,  theo diễn tiến của chữ viết sau đây :

 Nên…
          ĐẠI là To, là Lớn, cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng phát sinh : là Vĩ Đại, là Trưởng thành … Nhưng …
          Con người dù cho có cao lớn đến đâu cũng không thể cao lớn bằng Trời được, cho nên thêm một nét ngang tượng trưng cho bầu trời lên phía trên chữ Đại 大, thì ta có chữ THIÊN 天 là TRỜI, được hình thành theo lối HỘI Ý 會意 , theo diễn tiến của chữ viết như sau đây :

Ta thấy :  

       Theo như Giáp cốt văn và Đại Triện ở trên, ta thấy rõ ràng hình người có cái đầu to tượng trưng cho Đầu Đội Trời, Chân Đạp Đất, gọi là ” Đỉnh thiên lập địa 頂天立地 ” như Từ Hải trong Truyện Kiều vậy :
  ĐỘI TRỜI đạp đất ở đời,
                       Họ Từ tên Hải vốn người Việt Đông.

 Nên …
          Chữ Thiên 天 chỉ phần cao nhất của cơ thể con người, vượt lên trên đĩnh đầu cao vòi vọi, đó là Trời.
          Về mặt thể chất, thì con người không thể cao bằng Trời, lớn bằngTrời được, nhưng về chí khí thì cũng có những người có chí lớn muốn CHỌC TRỜI Quấy Nước làm nên những chuyện Kinh Thiên Động Địa. Cho nên, chữ Thiên 天 mà nhô đầu lên theo chiều dọc để CHỌC thủng Trời thì sẽ thành chữ PHU 夫 là người đàn ông cao lớn mạnh khỏe hiên ngang đứng giữa trời đất, theo diễn tiến của chữ viết như sau :

Nên …  

          PHU 夫 : là Người đàn ông trưởng thành, mạnh mẽ, hiên ngang mà các bà các cô ai cũng ước mong trở thành người hôn phối của mình, nên …
         PHU 夫 còn có nghĩa là CHỒNG với các từ ghép nghe cho êm tai và âu yếm là : Phu Tế 夫婿, Phu Lang 夫郎, Phu Tướng 夫相, Trượng Phu 丈夫 … Như trong Truyện Kiều tả lúc Từ Hải chia tay với Kiều để  lên đường lập nghiệp ….
              Nửa năm hương lửa đang nồng,
                        TRƯỢNG PHU thoát đã động lòng bốn phương.

         Chữ PHU 夫 lại làm cho ta ….
… Nhớ lại 2 câu thơ của nữ sĩ Hồ Xuân Hương trong bài “Không Chồng Mà Chửa” là :
                  Duyên THIÊN chưa thấy nhô đầu dọc,
                               Phận LIỄU sao đà nẩy nét ngang ?!
        

Nữ sĩ đã chơi chữ bằng cách chiết tự rất lý thú và lí lắt như sau : 

        Duyên THIÊN 天 là duyên trời run rủi, chưa thấy nhô đầu dọc, là chưa thành chữ PHU 夫, nghĩa là chưa có chồng.
         Phận LIỄU 了 (là Liễu bồ, là Phận gái) sao đà nẩy nét ngang ? Chữ LIỄU 了 mà ” nẩy ” nét ngang thì sẽ thành chữ TỬ 子 là CON. Nên 2 câu thơ trên có nghĩa :
  Duyên trời nào thấy đâu run rủi,
                              Phận gái sao đà đã có con ?
       

Trong dân gian Nam Kỳ Lục Tỉnh, ở Cái Răng Ba Láng Vàm Xán Phong Điền… quê tôi, lúc nhỏ tôi cũng thường nghe bà con lối xóm hát rằng:
Không chồng có chửa mới ngoan,
                           Có chồng có chửa thế gian sự thường !

        Về chữ LIỄU 了 là Kết thúc, kết liễu, đồng âm với chữ LIỄU 柳 là Dương Liễu chỉ phái nữ mềm yếu dịu dàng ẻo lả như nhánh liễu. Ở đây, Hồ Xuân Hương đã chơi chữ bằng cách sử dụng từ Đồng Âm để đánh đồng 2 chữ Liễu theo âm Hán Việt. Chớ chữ Liễu là Dương Liễu thì làm sao có được nét ngang mà “nẩy” ?!
        Thiên 天 là Trời, chữ đầu tiên trong sách Tam Thiên Tự 三千字 của soạn giả Đoàn Trung Còn khi mới bắt đầu học chữ Nho hồi xưa :
        天 Thiên trời, 地 Địa đất, 舉 Cử cất, 存 Tồn còn, 子 Tử con, 孫 Tôn cháu, 六 Lục sáu, 三 Tam ba, 家 Gia nhà, 國 Quốc nước, 前 Tiền trước, 後 Hậu sau…

Thiên 天 là Trời, là phần không gian cao ngất ở trên đầu ta, nhưng trong dân gian theo tín ngưỡng của người dân Đông Á chịu ảnh hưởng của Nho Thích Đạo, thì Trời là thế giới của cỏi trên, có đủ các thành phần Tiên Phật Thần Thánh của thượng giới, và có đời sống giống như ở dân gian, đứng đầu là Ngọc Hoàng Thượng Đế mà ta quen gọi là Ông Trời, và ông Trời hiện diện đầy đủ trong các mặt vui buồn của cuộc sống con người, ta vẫn thường nghe các câu :                     

– Vui qúa Trời !           

          – Buồn qúa Trời !         

          – Sướng qúa Trời !             

        – Khổ qúa Trời !….

Vui buồn sướng khổ gì đều kêu Trời cả ! Nên theo truyện cổ tích dân gian thì … Ngày xửa ngày xưa, ông Trời ở rất gần ta, chỉ cao khỏi ba xào một chút mà thôi, nhưng vì hễ động một chút là người ta kêu Trời : Hôm nay ăn no qúa Trời; Con đói qúa Trời ơi ! Cái con nhỏ đó đẹp qúa Trời ! Nhỏng nhẻo qúa Trời; Thấy “ghét” qúa Trời đi !… Nhất nhất cái gì cũng kêu Trời, kể cả “Con mắc  …  qúa Trời ơi !”. Nên … Ông Trời nghe thét rồi chán qúa mới “vọt” tuốt lên 9 từng mây mà ở trển luôn cho yên thân ! Chẳng những giới bình dân kêu trời, mà trong văn chương trí thức cũng kêu trời, như Vương Viên Ngoại trong Truyện Kiều, khi biết cô Kiều đã bán mình, ông cũng đã kêu lên :

  Trời làm chi cực bấy Trời,

                            Này ai vu thác cho người hợp tan !?

hay lúc cô Kiều kể cho Vương Bà nghe về nhân cách của Mã Giám Sinh “Gẫm ra cho kỹ như hình con buôn” thì :

Vương Bà nghe bấy nhiêu lời, 
                            Nỗi oan đã muốn vạch Trời kêu lên.

hay khi bị Sở Khanh gạt, rồi còn muốn hành hung nữa, thì cô Kiều cũng đã kêu trời :

  Nàng rằng : Trời nhé có hay !

                             Quyến anh rủ yến sự này tại ai ?

                             Đem người đẩy xuống giếng khơi,

                             Nói lời rồi lại ăn lời được ngay !

Thiên 天 là Trời, là phần đầu của con người như chữ Tượng Hình Hội Ý đã nói ở phần trên, nên trong sách tướng số gọi cái trán là Thiên Đình 天庭, phần giữa trán gọi là Thiên Môn 天門 và phần xương phía trên trán gọi là Thiên Linh 天靈, nên ta mới có từ Thiên Linh Cái 天靈蓋 là cái Mỏ Ác. Lúc còn bé thì phần Mỏ Ác nầy chỉ là một lớp sụn rất mềm, nên người lớn bắt nạt con nít hay nói câu : “Coi chừng tao cú cho một cái lủng Mỏ Ác bây giờ !”. Khi lớn, Mỏ Ác đã cứng khó mà “cú” cho lủng, thì lại trở thành “cứng đầu cứng cổ”!.

  Từ Thiên Linh Cái 天靈蓋 còn tượng trưng cho cả Cái Đầu, cái Xương Sọ hoặc cái Đầu Lâu, như các thầy Pháp, thầy Phù Thủy luyện Thiên Linh Cái là chuyên sưu tập đầu lâu và xương sọ của các cô gái đã chết và như trong truyện “Trang Tử Cổ Bồn Ca 莊子鼓盆歌”, mà ta quen gọi là truyện “Trang Tử Thử Vợ”, thì  Thiên Linh Cái tượng trưng cho cái đầu với nội dung  câu truyện như sau :


       Trang Tử tên Chu 周 ( Châu ), tự là Tử Hưu 子休, người nước Tống 宋 thời Chiến Quốc (690-286 TCN), cùng vợ là Điền Thị ẩn cư ở phía nam núi Hoa Sơn. Một hôm, trên đường về nhà, trông thấy một thiếu phụ dùng quạt để quạt một nấm mộ bên đường. Trang Tử thấy lạ bèn hỏi, thiếu phụ cho biết là mộ của chồng mình, vì khi còn sống hai vợ chồng rất thương yêu nhau, nên có hẹn nhau là khi chồng chết, thì sau tang lễ, phải đợi cho mộ khô rồi mới tái giá, nhưng gần đây mưa gió cứ dập dìu, mộ không khô được, nên phải quạt cho mộ mau khô ! Trang Tử nghe nói, thầm cười cho thế thái nhân tình nhưng cũng thi triển pháp lực giúp thiếu phụ quạt khô mộ chồng. Khi về nhà, đem truyện kể lại với vợ là Điền Thị, Điền Thị vô cùng phẫn nộ, chê trách thiếu phụ và bảo rằng : ” Trung thần bất sự nhị quân, Liệt nữ bất sự nhị phu 忠臣不事二君,烈女不事二夫 “. Có nghĩa ” Tôi trung không thờ hai chúa, gái tiết liệt chẳng lấy hai chồng “. Mấy tháng sau, Trang Tử bệnh chết, có một thiếu niên anh tuấn dắt theo một lão bộc, tự xưng là Vương tôn của nước Sở, vì mộ tiếng của Trang Tử mà tìm đến để theo học đạo. Nay tuy Trang Tử đã mất, nhưng cũng nguyện thủ tang theo lễ thầy trò, ở lại cư tang một trăm ngày và để đọc Nam Hoa Kinh của Trang Tử. Điền Thị rất vui dạ vì cảm cái vẻ cao sang tuấn tú của Vương tôn, mới nhờ lão bộc làm người mai mối, rồi xuất tiền lo cho hôn sự của hai người. Đêm động phòng hoa chúc, Vương tôn bỗng phát bệnh đau tim, thoi thóp sắp đứt hơi. Lão bộc cho biết là nếu có óc của người sống hoặc của người chết chưa quá bốn mươi chín ngày hòa với rượu uống vào thì khỏi bệnh. Điền Thị bèn xách búa bổ quan tài của Trang Tử định lấy óc ra làm thuốc cứu mạng Vương Tôn.. Không ngờ khi quan tài vừa vỡ ra thì Trang Tử cũng vừa sống lại. Điền Thị cả thẹn, biết mọi việc đều do Trang Tử biến hóa an bày, nên treo cổ mà chết. Trang Tử gỏ bồn làm nhịp ca bài điếu tang rồi cảm khái ngâm rằng :

   從茲了卻冤家債, Tòng tư liễu khước oan gia trái,
           你愛之時我不愛。 Nhĩ ái chi thời ngã bất ái.
           若重與你做夫妻, Nhược trùng dữ nhĩ tố phu thê,
           怕你斧劈天靈蓋。 Phạ nhĩ phủ phách Thiên Linh Cái.

Có nghĩa :
  Từ nay đã hết nợ oan gia,
              Nàng bảo yêu, ta hết thiết tha.
              Tiếp tục vợ chồng như thuở trước,
              Có ngày búa bổ vỡ đầu ta.