- Vì sao chúng ta vẫn tiếp tục cắn câu mồi nhử của những kẻ lừa đảo trên mạng,qua điện thoại, hay tin nhắn mà không ngờ rằng sự tổn hại của nó rất lớn.
Mới đây, người ta trông thấy cô Monica Cotelingham lấy tiền mặt trong bóp ra để nhét vào máy Bitcoin ở một cây xăng vùng ngoại ô Maryland. Vừa nhét tiền, cô vừa khóc.
Vào buổi sáng cùng ngày, cô nhận được điện thoại gọi từ địa phương nơi cha cô đang sống ở tiểu bang Louisiana. Một người đàn ông ở đầu giây tự giới thiệu ông ta là nhân viên Quan Thuế của chính phủ Hoa Kỳ. Ông ta nói rằng chính phủ vừa nhận được một kiện hàng gửi cho cô Cotelingham trong đó có một passport và một bằng lái xe bị ăn cắp. Cô đang gặp rắc rối lớn, nhân viên công lực sẽ điện thoại liên lạc với cô về việc này. Sau đó, khi điện thoại của cô reo, thì đó là số điện thoại của đơn vị cảnh sát ở địa phương. Họ cho biết cơ quan FBI sẽ liên lạc để tiếp xúc với cô. Chỉ vài phút sau thì cô nhận được điện thoại từ một số giống như số của FBI. Người gọi điện thoại cho biết cô có thể giải quyết vấn đề một cách êm thấm nếu cô ký gửi vào máy nhận tiền Bitcoin số tiền là $18,000.
Nhớ lại những diễn tiến của sự việc, cô Cotelingham tự trách mình lẽ ra cô phải đoán ra đây là một vụ lừa đảo. Cái trò giả mạo điện thoại của nhân viên công lực xảy ra rất thường, và nó vô nghĩa thế mà cô cũng hoảng sợ, mắc lừa. Tất cả các cuộc gọi đều nói bằng thứ tiếng Anh khó nghe pha giọng ngoại quốc. Mỗi lần nói xong, họ đều dặn cô chớ nên tiết lộ cho người khác nghe câu chuyện này. Cô nhân viên ngân hàng ở Truist còn hỏi thăm cô tinh thần có ổn không, và khi thấy cô rút số tiền mặt lớn $18,000, họ nhắc cô rằng coi chừng tệ nạn lừa đảo xảy ra nhiều lắm. Thậm chí máy nhận tiền Bitcoin còn hiện lên dòng chữ lớn màu đỏ cảnh báo cô về chuyện lừa đảo.
Nhưng cô Cotelingham vẫn tin rằng những cuộc gọi, và sự diễn biến sự việc xảy ra là đúng, là chính đáng. Cô nhận được điện thoại về sự việc vào ngày đầu tiên cô xin nghỉ sở làm vì lý do bệnh. Vừa khóc vừa đút tiền vào máy cho tới khi cô bỏ vào được $10,000 thì cô nhờ nhân viên trong cửa hàng giúp cô tắt máy nhận tiền. Cô tâm sự: “Đến lúc đó tôi vẫn nghĩ rằng mình nộp tiền vào máy là việc làm đúng. Tôi không hiểu vì sao mình dại dột đến thế.”.
Câu chuyện tương tự như trường hợp của cô Cotelingham ngày nay xảy ra thường, ngày càng nhiều. Chúng ta đang sống trong thời đại của những chiêu trò lừa đảo. Trong năm 2023, theo Ủy Ban Mậu Dịch Liên Bang- Federal Trade Commision, người tiêu thụ ở Hoa Kỳ đã mất $10 tỷ đô la vì bị lừa đảo, tăng 14% so với năm 2022. Thực ra con số này chưa đầy đủ, vì còn nhiều trường hợp không được báo cáo. Hơn ba phần tư trường hợp bị lừa đảo không báo cho nhà chức trách biết, trong đó có cả cô Cotelingham. Chúng ta thường xuyên bị lừa bị bằng cuộc gọi qua điện thoại, bằng email, và bằng nhắn tin. Theo tổ chức RoboKiller chuyên gạn lọc những cuộc gọi lừa đảo, trung bình, mỗi tháng người sử dụng smartphones ở Hoa Kỳ nhận được khoảng 42 lời nhắn tin giả, và 28 cuộc gọi lừa đảo.
Những trò lừa đảo ngày nay hết sức tinh vi, chúng có thể lừa gạt cả những người đa nghi nhất. Có đủ mọi kiểu lừa đảo: Lừa đảo ái tình, lừa đảo đầu tư, lừa đảo bằng cách hứa hẹn sẽ cho việc làm tốt. Mục tiêu để chúng lừa đảo ở khắp mọi nơi, trong mọi ngành nghề. Ví dụ như trường hợp một dược sĩ ở Wisconsin bị dụ gửi tiền cho chúng vì giấy phép hành nghề của ông ấy sắp bị hết hạn. Hay một nhân viên nhận được thư mời của Chủ tịch công ty, email, hay text messages giả mạo, buộc người nhân viên phải mua “gift cards” gửi cho ông ta. Bà Kathy Stokes Giám đốc Chương Trình Ngăn Ngừa giả mạo, và lừa đảo của tổ chức AARP cho biết: “Chúng ta đang phải đối đầu với bệnh về dịch lừa đảo.”
Đại dịch COVID-19 là một trong những lý do phát sinh ra tệ nạn lừa đảo. Theo nhiều nghiên cứu chuyên môn vì tình trạng bị cô lập, con người trở nên cô đơn, vì thế rất dễ trở thành con mồi cho những âm mưu lừa đảo. Cũng vì bệnh dịch COVID-19 xảy ra, nên dịch vụ hoạt động trên mạng tăng lên rất nhiều, và chúng ta dễ trở thành nạn nhân. Theo Hiệp Hội Chuyên Gia Tâm Lý Mỹ- American Psychiatrist Association cứ 3 người Mỹ thì có ít nhất một người cảm thấy cô đơn một lần trong tuần lễ. Thế hệ trẻ- Gen Z- dễ cảm thấy cô đơn hơn là thế hệ trước đây, và họ rất dễ bị mắc bẫy của bọn lừa đảo, gấp 3 lần thế hệ thời sau thế chiến thứ hai.
Nhưng còn có nhiều lý do khác nữa. Kỹ thuật tân tiến giúp bọn lừa đảo liên lạc được nhiều đối tượng để lừa bịp. Chẳng hạn như kỹ thuật “robo-dialing”- quay số điện thoại bằng người máy giúp bọn chúng có thể gọi cho rất nhiều số điện thoại trong một ngày. Kỹ thuật Trí Tuệ Nhân tạo- AI– có thể thảo ra những email và messages khéo léo. Ngoài ra, chính AI cũng giúp những kẻ bán hàng trên mạng có thể xâm nhập-hacker- vào nhiều tài khoản để gửi những lời nhắn tin lừa gạt. Trang mạng xã hội giúp bọn hacker có được những thông tin cá nhân để dùng thông tin đó làm hại cho cá nhân người này. Và ngày nay bọn lừa đảo có rất nhiều thông tin cá nhân vì đã từng xảy ra nhiều trường hợp cả một hệ thống cung cấp dữ liệu điện toán bị xâm nhập, đánh cắp tài liệu cá nhân. Vì thế có nhiều người tưởng rằng họ không bao giờ có thể bị lừa, nhưng rồi họ cũng trở thành nạn nhân.
Loại đánh lừa đặc biệt kể trên được gọi là “impostor scam” hay “giả danh”. Một tên lưu manh xâm nhập vào địa chỉ email,hay số điện thoại của nạn nhân, rồi giả danh là nhân viên chính phủ, đại diện cho ngân hàng, hay nhân viên công lực đến nói chuyện với nạn nhân. Những trường hợp giả danh nhân viên chính phủ để lừa đảo như vụ của cô Cotelingham là một trường hợp điển hình của hình thức lừa đảo “impostor scam”, và cơ quan FTC cho biết trong năm 2023 có đến gần một nửa nhũng vụ lừa đảo thuộc loại này, số nạn nhân báo cáo bị lừa gạt lên đến 490,000 người. Người Mỹ cho biết trong năm ngoái họ bị lừa gạt tổng cộng lên đến $1.1 tỷ đô la, tức là tăng gấp ba lần so với năm 2020. Sự thành công của hình thức “impostor scam”- giả danh nhân viên chính quyền- cho thấy đó là một lý do khác khiến bọn lưu manh có thể đánh lừa được người Mỹ bằng giả mạo danh tính. Bà Stacey Wood, giáo sư dạy ở trường Scripps College in California và cũng là chuyên gia về vấn đề giả mạo danh tính nói rằng tình trạng lòng tin của người dân vào những định chế công quyền bị sụp đổ là lý do khiến xảy ra rất nhiều vụ lừa đảo. Bà nói: “Một khi người dân không còn tin cậy vào chính phủ Hoa Kỳ, họ thường nghe theo lời của người khác- chính bọn đó lợi dụng sự hoài nghi để lừa đảo nạn nhân.”.
Người Mỹ có thể không còn tin cậy vào chính phủ, hay vào truyền thông, nhưng người ta lại tin tưởng vào một điều gì đó- hay tin vào một kẻ lạ, kẻ lạ đó hứa sẽ giải quyết vấn đề người ta đang gặp phải, hay nói lời đường mật yêu thương, hoặc đề nghị cho một việc làm người ta mơ ước, hoặc nhận tiền để làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn.
Ông Doug Shadel, chuyên gia về chống gian lận, lừa đảo được mời làm cố vấn cho mạng lưới chống gian lận, lừa đảo của tổ chức AARP. Ông từng làm công việc chống lừa đảo từ thập niên 1990’s đến nay. Hồi đó, ông được văn phòng Bộ Tư Pháp tiểu bang Washington mời vào làm việc trong tổ chức triệt phá bọn lừa đảo.Ông thường đột kích vào những căn phòng được gọi là “boiler rooms”. Đó là nơi có khoảng một chục tên lưu manh phụ trách việc gọi điện thoại theo một văn bản viết sẵn để lừa gạt người nhận điện thoại. Mỗi ngày bọn chúng gọi được chừng vài trăm người. Bọn chúng phải tốn chi phí gọi đường xa. Nhưng theo ông Shadel, ngày nay với kỹ thuật VOIP gọi đi xa qua internet, chúng không còn phải trả chi phí này, và mỗi ngày chúng có thể gọi hàng trăm ngàn cuộc gọi mà không tốn tiền. Chúng có thể mạo danh nhân viên chính phủ để gọi điện thoại, và chúng còn có thêm nhiều tin tức của những người chúng nhắm mục tiêu để lừa đảo.
Tổ chức Identity Theft Center báo cáo trong năm 2023 đã xảy ra 3,205 vụ lấy cắp tài liệu trong hồ sơ điện toán. Trong đó, khoảng 353 triệu người bị ảnh hưởng, tin tức cá nhân của họ bị lấy trộm. Vì thế những tin tức cá nhân của chúng ta như số An Ninh Xã Hội, địa chỉ, số điện thoại cá nhân, hay tổ chức chúng ta có liên hệ bị bọn lừa đảo lấy được để chúng làm tiền, lừa gạt. Một gia đình ở California, xin được dấu tên, bị lấy mất $400,000 đô la trong trương mục ngân hàng ở Bank of America.Theo luật sư Nick Barthel, đại diện cho gia đình, kẻ gian đã dùng số an ninh xã hội của nạn nhân, gọi điện thoại vào ngân hàng xin đổi password. Chúng gọi tất cả 15 lần đều bị từ chối, đến lần thứ 16, người nhân viên ngân hàng sơ ý bị mắc bẫy. Thê là kẻ gian lấy được hết số tiền trong trương mục tiết kiệm của gia đình này. Ngân hàng không chịu bồi hoàn tiền cho gia đình. (Ngân hàng Bank of America từ chối không trả lời vì còn đang trong vòng tranh tụng.) Cuối cùng cảnh sát đã bắt được kẻ lấy trộm tiền trong trương mục, nhưng hắn đã chết mất tiêu, và số tiền để ở đâu, không ai tìm ra được. Luật sư Barthel nói: “Những trường hợp lừa đảo như thế này có thể xảy ra đối với bất cứ một ai. Chỉ cần một số tin tức cá nhân lấy từ những vụ tài liệu điện toán bị xâm nhập, là bọn lừa đảo có thể làm được. “
Theo ông Frank McKenna, người sáng lập ra công ty PointPredictive, một công ty AI chuyên triệt phá bọn lừa đảo. Những tài liệu thông tin cá nhân thường được tìm thấy qua việc gửi lời nhắn- messages- trên các “apps” chẳng hạn như Telegram. Bọn lưu manh trên mạng- Cybercriminals- có thể bán hay mua tin tức cá nhân, hay kèm dạy những ai muốn đi lừa đảo người khác. Theo công ty chuyên về an ninh mạng Guard.Io Với học phí $500 đô la bạn có thể theo học một lớp lừa đảo trên mạng, và nhận được 25,000 số điện thoại cá nhân ở Hoa Kỳ cũng như cách liên lạc để lừa đảo những người này. Ông McKenna cho biết những trang mạng xã hội như Telegram sau này xuất hiện như nơi tập trung những kẻ lừa đảo. Chủ tịch công ty Telegram là Pavel Durov đã bị bắt giam vì đã để cho bọn lưu manh hoạt động. Nhưng Durov cho rằng việc y bị bắt giam là do hiểu lầm.
Theo giáo sư Martin Lima, dạy ở trường đại học Minnesota về Việc Làm Xã Hội: “Có nhiều nhóm làm việc lừa đảo ở nhiều nước trên thế giới từ Đông Nam Á đến Mễ tây Cơ, sang đến vùng Trung Đông. Bọn chúng là “mafia”- băng đảng kiểu mới.”. Hành vi lừa đảo của chúng đem lại rất nhiều lợi lạc, tiền bạc cho bọn chúng. Theo báo cáo của US Institute of Peace, trong năm 2024, các tổ chức lừa đảo đặt bản doanh ở vùng Đông Nam Á hàng năm đã lừa gạt được khoảng $64 tỷ đô la. Báo cáo này cho biết ở nước Miến Điện, bây giờ gọi là Myanmar, có nguyên cả một khu cư ngụ của bọn lừa đảo- Scammer compound. Ở đó, những người bị lừa đảo bị giam giữ vào một nơi, và buộc phải làm những cuộc gọi điện thoại để lừa gạt người Mỹ.
Sự xuất hiện của Trí Tuệ Nhân Tạo, hay AI còn giúp bọn lừa đảo thảo ra những lá thơ lừa gạt rất khéo, không sai lỗi văn phạm vụng về như trước. Cách đây mười năm, bạn có thể nhận được lá thư viết một cách vô duyên của một người mệnh danh là Hoàng Tử nước Nigeria xin bạn cho tiền để hoàng tử lấy lại tài sản đã mất. Ngày nay, AI có thể giúp bọ lừa đảo thảo ra những lá thư nghe rất là thuyết phục, cảm động. Kỹ thuật này còn có thể giả tiếng nói của người bà con của bạn để thuyết phục bạn gửi tiền cứu nguy người bà con đang gặp nguy khốn.
Bà Vandermeer nhớ rất rõ tiếng nói rất giống tiếng nói của em gái bà cho biết cô ta đang đứng ở gần siêu thị Walmart và đang gặp khó khăn vì dính líu đến một tai nạn xe cộ. Bà nói: “Nghe cuộc gọi của em gái, tôi hết hồn, tôi lo quýnh lên. Phải chạy đến giúp cô ta ngay.”. Sau đó, có một người đàn ông lên tiếng trả lời. Y nói rằng em gái bà Vandermeer đụng vào chiếc xe van của y, trong đó có hàng ký lô thuốc, và y đòi phải bồi thường cho y. Bà Vandermeer chuẩn bị lái xe đến Walmart. Sau đó, bà suy nghĩ lại bà cho rằng vụ này phải đối phó “thật khéo léo”, thận trọng. Bà bèn gọi điện thoại cho con của bà, nhờ chúng tìm xem em gái bà đang ở đâu vì bà hoài nghi. Con bà dùng cái “apps” “Find My Friend.” trên smartphone để truy ra em gái của bà đang ở đâu. Chúng tìm ra cô ấy đang ở nhà, không đi đâu cả. Bà Vandermeer đã thoát không bị lừa trong gang tấc. Bà nói ai cũng có thể bị lừa kiểu này vì khi nghe tin người nhà của mình gặp nạn, đa số đều bối rối, mất bình tĩnh, rất dễ trở thành nạn nhân của lừa đảo.
Người ta thường dễ bị trở thành con mồi của những âm mưu lừa đảo khi bị những cảm xúc quá mạnh. Chính vì vậy bọn lừa đảo thường chú tâm đánh vào những cảm xúc của con người. Chẳng hạn chúng nói bạn vừa trúng một giải thưởng lớn, hay một số tiền, hay một chuyện thương tâm khủng khiếp vừa xảy ra cho bạn. Đó chính là lý do khiến nhiều người bị rơi vào cái bẫy của sự lừa đảo. Một nghiên cứu của tổ chức AARP thực hiện vào năm 2021 cho thấy người nào đang có cuộc sống nhiều lo âu thường dễ bị trở thành nạn nhân của sự lừa gạt, gấp đôi người bình thường.
Bộ Tư Pháp Hoa Kỳ cố gắng tăng cường những nỗ lực bắt cho được bọn lừa đảo nhắm vào người Mỹ để truy tố chúng ra trước pháp luật. Bộ Tư Pháp cho biết: Mặc dù những kẻ lừa đảo sống ở nước ngoài, từ tháng Bảy năm 2022 đến tháng sáu năm 2023, bộ đã theo dõi khoảng 300 kẻ tội phạm, và truy tố về dân sự 650 tội phạm. Những tên lừa đảo này đã ăn cắp được $1.5 tỷ đô la của khoảng 2.4 triệu nạn nhân bị chúng lừa. Nhà chức trách Hoa Kỳ cũng hợp tác với nhiều cơ quan công lực ngoại quốc trong việc truy tìm những kẻ lừa đảo. Năm ngoái, nhờ sự tiếp tay của cảnh sát Ấn Độ, họ đã đột kích một trung tâm lừa đảo, bắt được 26 tên, và rất nhiều dụng cụ chúng dùng để lừa đảo. Bộ Tư Pháp cho biết họ cũng đang làm việc truy lùng kẻ gian ở nước Ghana.
Có một nhân vật nổi tiếng trong việc truy lùng kẻ lừa đảo là ông Jim Browning. Ông này là một chuyên gia về IT, kỹ thuật thông tin số, sống ở Ái Nhĩ Lan. Quá bực tức vì những cuộc gọi điện thoại, những email của bọn lừa đảo, ông Browning dùng tên giả để dụ dỗ bọn lừa đảo, và bắt chúng đem ra truy tố. Ông cũng muốn nhắc nhở, chỉ dẫn cho nhiều người khác về các loại lừa đảo khác nhau trên trang mạng xã hội YouTube. Trang mạng của ông Browning được 4.3 triệu người theo dõi và đăng ký theo. Kỹ thuật trình bày những chiêu trò lừa đảo cho thấy những gì thực sự xảy ra bên trong những hành động lừa đảo. Một trong những video của ông được nhiều người ưa thích nhất trong đó mô tả việc ông Browning lấy được khúc phim video xem bọn lừa đảo người Ấn Độ dùng món quà tặng để dụ dỗ cô Monica Cotelingham. Cuốn video thu hình một thanh niên trẻ ngồi trong khung vuông làm việc của y để gọi điện thoại đi lừa gạt rất nhiều người. Bọn chúng yêu cầu nạn nhân phải ký gửi tiền vào máy Bitcoin. Sau đó, nó chuyển điện thoại cho người xếp, một tay nói tiếng Anh khá, và có nhiều kinh nghiệm hơn. Hắn đóng vai trò kẻ kết thúc câu chuyện.
Phim trên YouTube của ông Browning cho thấy nạn nhân rất khó cắt đứt ngang âm mưu lừa đảo, dù biết rằng một chiêu trò lừa đảo đang diễn ra. Trong video, người xem có thể nghe rõ bọn lừa đảo chỉ định rõ địa điểm của máy Bitcoin ở Michigan, và yêu cầu nạn nhân phải nói chuyện với người thư ký ở quầy hàng. Ông Browning cũng cho thấy chính người nhân viên ở quầy hàng cũng lên tiếng báo động cho khách biết hãy coi chừng bọn lừa đảo nó có mặt ở khắp mọi nơi. Nhưng người phụ nữ này vẫn tiếp tục nhét tiền vào máy, không một chút ngần ngại. Chính vì vậy, ông Browning nói rằng ông hoài nghi khả năng ngăn chặn các chiêu trò lừa đảo của cả những nhân viên công lực. Ông nói: “Tôi đã từng đụng đầu với hàng ngàn vụ lừa đảo, song tỷ lệ bị phá vỡ, hay ngăn chặn những chiêu trò rất nhỏ.”.
Một chuyên viên khác, có tài dụ dỗ, nhử mồi bọn lừa đảo là một người Mỹ lấy bí danh là Kit Boga. Ông ta tìm cách xâm nhập vào computer của bọn lừa đảo, và triệt hạ những hồ sơ nạn nhân bị chúng lừa đảo. Ông cho biết chính các nhân viên công lực cũng không có đủ dụng cụ để xâm nhập vào computer của bọ lừa đảo. Theo ông tình hình hoạt động của bọn lừa đảo ngày nay giống như một bệnh dịch.
Ông Pierogi, một YouTuber nổi tiếng, và là chuyên gia về an ninh mạng. Ông tuyên chiến với bọn lừa đảo bằng cách mở ra một kênh dụ dỗ bọn lừa đảo, lấy tên là Scammer Payback. Ông này có vợ là người Nga nên ông phải dùng tên giả, và chính ông là người Ba Lan.Ông bắt đầu cung cấp cho nhà chức trách liên bang những thông tin về bọn lừa đảo. Rất nhiều cơ quan đến gõ cửa xin ông cung cấp thông tin. Tuy nhiên, theo ông Pierogi ngay cả trường hợp có cảnh sát can dự, việc truy tố, bắt giam kẻ lừa đảo cũng khó khăn, và phức tạp. Bởi vì nó đòi hỏi sự hợp tác của nhà chức trách nhiều nước khác nhau, và nạn nhân phải đồng ý ra tòa khai hết sự thật. Nhiều người cảm thấy xấu hổ, không muốn ra tòa cung khai. Nhiều khi bọn lừa đảo còn có thể thoát hiểm bằng trò hối lộ, năn nỉ nhà chức trách liên hệ. Ông nói: “Chúng ta gây nhiều khó khăn để cho bọn lừa đảo không thể làm ăn được. Nhưng chúng lại khôn lỏi hơn chúng ta. Quả thật đây là trò mèo bắt chuột. Hên xui may rủi.”.
Sự tổn thất đích thực của những chiêu trò lừa đảo vượt ra khỏi phạm vi thiệt hại về tài chính, tiền bạc. Trong thời đại trò lừa đảo trở nên phổ biến, người tiêu thụ rơi vào cái vòng luẩn quẩn khó tháo gỡ: Họ mất niềm tin vào những định chế công quyền, và họ rơi cái bẫy của bọn lừa đảo. Chính bọn lừa đảo lại còn làm cho chúng ta mất tin tưởng thêm vào những định chế công quyền. Cô Monica Cotelingham vẫn còn bị dằn vặt, ray rứt vì vụ lừa đảo cô vướng vào năm 2022. Cô nói cô mất niềm tin vào đủ mọi thứ. Cô không bao giờ trả lời điện thoại, nếu không phải là điện thoại của những người cô quen biết từ trước. Cô nói: “Tôi hết sức thận trọng khi tiết lộ những thông tin về mình qua điện thoại.”. Chỉ một lần lỡ dại, tin vào cú thoại của kẻ lừa đảo, bây giờ cô thấy rất khó để cô tin tưởng vào bất cứ một ai.
Nguyễn Minh Tâm dịch theo báo TIME ngày 30/9/2024