Thời gian Chủ tịch Hạ viện sắp tàn – Mọi con mắt đổ dồn vào đe doạ của Greene 

0
820

(CaliToday) – Dân biểu cực hữu Marjorie Taylor Green tuyên bố, thời gian Mike Johnson nắm quyền lãnh đạo “sắp tàn,” nhấn mạnh đến cam kết truất phế Chủ tịch Hạ viện.

Greene vào tháng trước đệ thỉnh nguyện bãi nhiệm Johnson, cáo buộc Chủ tịch Hạ viện vượt quá giới hạn khi tổ chức bổ phiếu thông qua viện trợ quân sự cho Ukraine. Thỉnh nguyện nhận được ủng hộ từ hai nhà lập pháp Cộng hoà khác, đủ phiếu để bãi nhiệm Chủ tịch nếu Dân chủ cũng đứng về phía Greene, mặc dù Dân chủ nói chung phản đối nỗ lực này.

“Viện trợ vĩnh viễn cho Ukraine là chính xác những gì họ muốn, và Mike Johnson sẽ cho họ như vậy,” nhà lập pháp theo thuyết âm mưu đăng trên mạng xã hội X (Twitter) vào Chủ nhật, ám chỉ lãnh đạo Kiev và chính phủ Biden.

“Kế hoạch của họ là tiếp tục viện trợ cho cuộc chiến ủy nhiệm với Nga ở Ukraine, và khi diễn ra không như ý, sau khi tất cả những người đàn ôgn Ukraine bị tàn sát, thì họ sẽ đưa quân Mỹ đến,” Greene nói. “Johnson sẽ làm bất cứ điều gì mà Biden/Schumer muốn để giữ chiếc búa Chủ tịch trong tay, nhưng ông ta đã hoàn toàn bán đứng cử tri Cộng hòa, những người đã cho chúng tôi thế đa số.”

“Những ngày ông ta nắm chức Chủ tịch không còn bao lâu,” dân biểu nói tiếp.

Tổng thống Joe Biden vào tuần trước ký dự luật viện trợ nước ngoài trị gía $95 tỉ Mỹ kim thành luật, trong đó có $61 tỉ Mỹ kim viện trợ Ukraine. Phần lớn khoản chi tiêu đó được dùng xây dựng lại kho dự trữ vũ khí và vật tư, và một phần đáng kể trong khoản viện trợ sẽ được chuyển trực tiếp đến chính phủ Ukraine sẽ dưới hình thức cho vay.

Mặc dù thỉnh nguyện bãi nhiệm được đệ vài tuần trước, nhưng vẫn chưa được đưa ra bỏ phiếu vì Greene không đánh dấu “đặc quyền.” Với lịch không có dự luật nào phải được thông qua trong tuần này, cuộc bỏ phiếu vị trí lãnh đạo Hạ viện có thể sớm diễn ra.

Chủ tịch Hạ viện nhận được sự tán dương rộng rãi từ các nhà lãnh đạo lưỡng đảng sau khi đưa hai dự luật quan trọng ra bỏ phiếu và thông qua tại Hạ viện, gồm tăng viện trợ cho Ukraine và mở rộng quyền lực gián điệp không cần trát tòa. Nhưng quyết định của ông ủng hộ những chính sách gây tranh cãi đó, và đạt được các thỏa thuận với Tổng thống Joe Biden và Dân chủ để thực hiện chúng đã gây ra phản ứng dữ dội từ một số thành viên cứng rắn, cực hữu, trong nội bộ Cộng hoà.

Bất kể kết quả thế nào, một cuộc đấu đá bãi nhiệm Chủ tịch Hạ viện có thể sẽ tiếp tục làm suy yếu Cộng hoà, vốn giữ thế đa số vô cùng mong manh sau khi một loạt nhà lập pháp hồi hưu sớm. Diễn biến như vậy có thể đe dọa những cơ hội bầu cử năm 2024 của đảng với cuộc đua vào ghế Chủ tịch tốn kém lần thứ hai chỉ sau vài tháng.

Một cuộc bỏ phiếu như vậy sẽ tạo tiền đề cho một cuộc xung đột nội bộ bất thường, bởi vì hầu hết những người bảo thủ khác trong Hạ viện, ngay cả những người bất mãn với Johnson cũng như Greene cũng bất thình lình lên tiếng phản đối, cho rằng bây giờ không phải lúc để tước bỏ quyền lực của Chủ tịch Hạ viện.

Không chỉ đa số mỏng manh của Cộng hòa thậm chí còn trở nên mỏng manh hơn trong những tháng kể từ cuộc bỏ phiếu lịch sử truất phế cựu Chủ tịch Kevin McCarthy (Cộng hòa-California), mà còn tổng tuyển cử đang đến gần khi Hạ viện chưa biết lọt vào tay ai. Nhiều nhà lập pháp cực hữu muốn tránh một cuộc nội chiến gay gắt trước bầu cử.

Sự phản đối từ những người chỉ trích Johnson gay gắt làm phức tạp thêm nỗ lực bãi nhiệm của Greene. Tuy nhiên, trong khi sự phản đối của phe bảo thủ đối với thỉnh nguyện truất phế đang ngày càng gia tăng, một số nhà lập pháp cứng rắn đang để ngỏ khả năng ủng hộ nỗ lực này, tùy theo tình thế, như Dân biểu Eli Crane (Cộng hoà – Arizona).

Nhưng ngay cả khi đồng minh của Greene tăng, cũng khó có khả năng đủ để vượt qua Dân chủ, vốn tuyên bố sẵn sàng bảo vệ Johnson khỏi một cuộc đảo chánh bảo thủ sau khi ông thành công thông qua dự luật viện trợ Ukraine tại Hạ viện.

Nổi lên trong cuộc tranh luận về số phận lãnh đạo của Johnson là cựu Tổng thống Donald Trump – ứng cử viên tổng thống Cộng hòa. Từng tỏ ra nồng nhiệt với Tổng thống Nga Vladimir Putin trong nhiệm kỳ tại Toà Bạch Ốc, Trump tỏ ra lạnh lùng với ý tưởng tiếp tục hỗ trợ Ukraine trong cuộc chiến chống Moscow – một động lực tiếp thêm sinh lực cho lời thề của Greene lật đổ Chủ tịch Hạ viện.

Tuy nhiên, Trump cũng tìm cách ngăn chặn một cuộc chiến bãi nhiệm Chủ tịch Hạ viện hỗn loạn khác, điều này có thể gây thiệt hại Cộng hoà chỉ 6 tháng trước bầu cử. Có lẽ với suy nghĩ đó, Trump mới đây tiếp đón Johnson tại Mar-a-Lago, nơi cựu Tổng thống dành cho Johnson đánh giá khá tích cực, “trong những tình huống rất khó khăn.”

“Tôi đứng về phía Chủ tịch,” Trump nói, tạo vỏ bọc hiệu quả cho Johnson công bố kế hoạch viện trợ Ukraine ba ngày sau đó.

Và Trump nhấn mạnh sự ủng hộ sau khi Johnson thúc đẩy hỗ trợ cho Kyiv trước sự phản đối gay gắt của những người theo đường lối cứng rắn, trong đó có nhiều đồng minh thân cận nhất của cựu Tổng thống, cụ thể là Greene

“Đó là một tình huống khó khăn,” Trump nói trên chương trình phát thanh bảo thủ với xướng ngôn viên Chris Stigall, nói về đa số mỏng manh của Cộng hòa tại Hạ viện. “Tôi nghĩ, ông ấy là một người rất tốt. Tôi nghĩ ông ấy đang cố gắng rất nhiều,” Trump nói. “Một lần nữa, chúng ta phải có một cuộc bầu cử lớn. Chúng ta phải bầu một số người vào Quốc hội, nhiều hơn những gì chúng ta có hiện nay.”

Trong khi đó, Johnson tìm cách ngăn chặn những ồn ào về nỗ lực truất phế, chỉ trích phe cực hữu vì đã thúc đẩy một chiến lược được ăn cả ngã về không không thực tế, và thề sẽ tiếp tục công việc lập pháp trước bầu cử vào tháng 11, với kết quả sẽ quyết định liệu Cộng hòa có giữ được búa vào năm tới hay không.

Hương Giang (Tổng hợp)