Tinh Thần Đoàn Kết Vẫn Còn Thực Hiện Được Ở Mỹ, Ngay Cả Trong Lúc Này

0
1051
  • Nancy Gibbs trước đây từng là Chủ bút báo TIME. Bà viết rất nhiều bài xã luận và sách về chính trị và lịch sử. Hiện nay bà là Giám đốc trung tâm nghiên cứu chính trị Shorenstein Center, và là Giáo sư ở trung tâm Edward R. Murrow, chuyên về ngành Báo chí, Chính trị và Chính Sách Công trực thuộc trường đại học chuyên ngành Harvard Kennedy School. Bà viết bài xã luận này về tình trạng chia rẽ, và bạo lực trong tình hình chính trị ở Hoa Kỳ hiện nay.

Một đất nước được thành lập qua việc cắt đứt liên hệ, thoát khỏi sự thống trị của một vị vua, đương nhiên nước đó thừa hưởng một di sản bất đồng chính kiến thường xuyên. Thế hệ này kế tiếp thế hệ sau thường phải đối phó với những thử thách về cách thu xếp ổn thỏa xung đột  chính kiến: ví dụ ngay trong việc soạn thảo bản Hiến Pháp cũng có nhiều ý kiến chống chọi với nhau; hay làm sao giải quyết cho được sự cân bằng trong việc chia sẻ quyền hành giữa chính quyền địa phương với chính quyền liên bang, Cuộc Nội Chiến -Civil War- giữa hai miền Nam Bắc Mỹ phô bầy cho mọi người thấy những rạn nứt có ngay từ trong nền tảng của chế độ dân chủ, và còn nhiều thứ xung khắc khác nữa, nào là đấu tranh giữa quyền lợi và trách nhiệm, tranh cãi nhau về thể lệ, tuổi tác bầu cử, những hạn chế, cấm đoán, có nên can thiệp vào việc ở nước ngoài, hay chỉ nên giữ cho nước Mỹ đứng riêng lẻ một mình, không can dự vào tình hình chính trị, chiến tranh của thế giới , và còn nhiều xáo trộn, rắc rối nhỏ khác liên quan đến hệ thống tư pháp, hay những vấn đề của rất nhiều nhóm ngoại vi như nhóm Da Đen, Phụ Nữ, Đồng Tính, hay Chuyển Giới. Ở mỗi thời đại đều có những xung đột khác nhau tùy theo đề tài tranh đấu, và đấu tranh theo kiểu nào.

Cuộc khủng hoảng về tình trạng chia rẽ hiện nay, một lần nữa thể hiện qua bạo lực, trông có vẻ như đáng sợ, song nó không đến một cách bất ngờ đâu. Mối lo sợ về tình trạng chia rẽ ngấm ngầm nung nấu từ nhiều năm qua. Đặc điểm nổi bật của tình hình chính trị ở thế kỷ này là kết quả bầu cử giữa người thua và kẻ thắng hết sức khít khao. Trong lúc các loại thông tin phần lớn đều chứa đựng những độc tố hiểm ác. Chúng làm tiêu tan tất cả những gì được xem là tử tế, đáng yêu, và sự tin cậy. Người Mỹ thường hay bất đồng ý kiến với nhau, họ dùng những lý luận đao to búa lớn cãi nhau để cùng nhau đi tìm ra sự tiến bộ, hay viễn kiến tốt phục vụ quyền lợi chung. Liệu chúng ta có nên xem sự tự do quan trọng hơn sự công bằng hay không? Có cần phải bảo vệ tính chất riêng tư cá nhân, để rồi phải hy sinh sự an ninh chung hay không? Chúng ta nên đóng vai trò kẻ lãnh đạo của thế giới hay chỉ nên giữ cho được nước Mỹ an toàn, vì chúng ta may mắn có hai đại dương bao bọc, không bị kẻ ngoại xâm quấy phá. Tìm ra đường lối giải quyết vấn đề chính là trọng tâm của những thử thách cho chế độ dân chủ. Trong khi đó, kỹ thuật cao trong ngành thông tin, lẽ ra phải được dùng để kết nối các nước với nhau, song nhiều khi chúng lại phá vỡ những giá trị mà chúng ta từng tôn trọng. Làm sao giải quyết vấn đề còn tùy vào việc làm của chúng ta. 

Bi kịch, hay cũng có thể là cơ hội tốt, so với những lần đánh nhau trong quá khứ, tương đối người Mỹ vẫn còn có sự đoàn kết đối với một số vấn đề chính. Nhiều khi bạn không nhận ra điều này nếu bạn đang ở giữa một cuộc tranh luận sôi nổi, nóng bỏng. Nhiều “tiểu bang màu Đỏ” từ Arkansas xuống Missouri và Florida đồng thanh chấp thuận mức lương tối thiểu với đa số cao. Cử tri tiểu bang Kansas đồng ý bảo vệ quyền được đi phá thai cho phụ nữ. Hai phần ba những tiểu bang Dân Chủ cũng đồng ý rằng tình hình ở biên giới là một vấn đề nghiêm trọng. Hơn 60% dân chúng Mỹ tin rằng mua súng, hay có súng trong tay là chuyện quá dễ dàng ở Mỹ, và hơn 80% dân chúng Mỹ lo ngại rằng rồi đây Quỹ An Sinh Xã Hội sẽ không còn tiền để trả khoản trợ cấp cho người già.

Và theo kết quả thăm dò ý kiến của trường đại học Georgetown thực hiện trong năm 2024: một điểm nhỏ khác về sự đoàn kết giữa người Mỹ với nhau là trong 5 người Mỹ thì có đến 4 người lo sợ rằng chế độ dân chủ đang có nguy cơ bị tiêu diệt. Cuộc thăm dò nói rằng trong lúc những vấn đề về kinh tế, về di dân, về tội phạm và khí hậu thay đổi đứng trong thứ tự khá cao về mối ưu tư của người Mỹ, nhưng vượt lên trên tất cả là mối lo “về những phần tử cực đoan- extremists–  và sự đe dọa đối với chế độ dân chủ – threats to democracy.”.

Tuy nhiên, những điều trên đây được tìm thấy ở những người có chung quyền lợi và quyền hành như nhau. Người ta bất đồng ý kiến về nguồn gốc của mối đe dọa cho chế độ dân chủ. Cử tri phía hữu và phía tả có quan niệm rất xấu về phe đối nghịch. Họ xem phe đối lập là những kẻ bất lương, vô luân, đầu óc ti tiện,  và cực kỳ nguy hiểm. Trong viễn kiến đen tối đó, họ cố tìm mọi cách để dành lấy quyền bính, nắm chặt quyền hành, và từ chối không công nhận phe đối lập. Họ xem đây là một vấn đề cực kỳ quan trọng, quan trọng hơn bất cứ một vấn đề nào khác. 

Bây giờ lại xảy ra vụ ám sát hụt ông Donald Trump. Ngay lập tức, phe ủng hộ ông Trump nói rằng đây là nỗ lực của phe Dân Chủ, họ tìm mọi cách để ngăn cản ông Trump ra tranh cử tổng thống bằng bất cứ giá nào. Không màng đếm xỉa đến kẻ sát nhân, cũng như động lực nào xúi giục y ám sát ông Trump không làm giảm những ý tưởng suy đoán nhảm nhí, vô căn cứ: Ông Giám đốc ban vận động tranh cử bên phía ông Trump là ông Chris LaCivita viết trên trang mạng xã hội Twitter như sau: “Thấy chưa, họ tìm cách ngăn cản ông ta không thể ra tranh cử được, họ tìm cách bỏ tù ông, và bây giờ chúng ta thấy… họ còn muốn ám sát ông ta.”. Viết xong, ông LaCivita lại xóa ngay đi. Ông JD Vance ứng cử viên Phó Tổng thống của ông Trump thì viết như sau: “Luận điệu chính của ban vận động tranh cử của Biden là nói Tổng thống Donald Trump là một kẻ độc tài, phát xít, vì vậy phải ngăn chặn không cho ông làm Tổng thống với bất cứ giá nào. Chính cái luận điệu này đã đưa đến âm mưu muốn ám sát ông Trump.”. Đương nhiên, bà Dân Biểu Marjorie Taylor Green, một người nhiệt tình ủng hộ ông Trump viết ngay trên twitter như sau: “Đảng Dân Chủ là một lũ ác độc, hôm qua chúng đã ám sát Tổng thống Trump.”.

Bạn có thể coi đây là một ví dụ để tham khảo. Một phe tìm cách ra tay đánh trước để bịt miệng đối thử bằng những lời chỉ trích, những luận điệu giả dối. Phe đối nghịch hăm dọa dùng bạo lực để chống lại. Sau đó, người ta ghi nhận có vô số lời tuyên bố lên án hành động mưu sát, lời chia buồn, lời cầu nguyện, và lời kêu gọi nên bình tĩnh. Tất cả chỉ là những màn kịch được dàn dựng, và lực lượng Mật Vụ cộng tác để làm việc này. Họ cố tình dương cao lá cờ báo động giả tạo. Tất cả chỉ nhằm mục đích để giúp ông Trump ra tái tranh cử bằng bất cứ giá nào. 

Theo cuộc thăm dò dư luận của tổ chức Pew Research Center, trong số 10 người Mỹ thì có đến 8 người quan sát sự kiện theo cách khác nhau tùy theo họ lấy tin tức từ nguồn tin nào. Hầu như tất cả thông tin, hay những lý thuyết âm mưu đều được loan truyền trọn gói, nguyên xi cùng một lúc. Chúng ta trông thấy cảnh bắn ông Trump, nhưng không biết mình đang trông thấy điều gì, và trước sự kiện mới xảy ra, người ta lại quanh trở về với cái nếp suy nghĩ quen thuộc ở trong đầu. Những người vốn sẵn mất lòng tin vào giới truyền thông, hay quen với thuyết âm mưu về “deep state”, hoặc không tin vào nhân viên công lực thì xem vụ ám sát xảy ra ở Butler, Pennsylvania quả thực đúng như sự hoài nghi của họ. Giáo sư Kate Starbird dạy ở trường University of Washington giải thích rằng: “Cái lối giải thích sự việc dựa vào suy diễn theo trang mạng xã hội quen thuộc”, khiến cho người ta có thể diễn dịch một biến cố, một sự kiện tùy theo định kiến có sẵn trong đầu. Bản thân người bị bắn vội vàng nắm lấy cơ hội, hô to: “Đừng sợ gì cả. Tôi là Donald Trump và tôi sẽ làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại.”. Hình ảnh này rất tốt để dùng vào việc gây quỹ, xin tiền vận động tranh cử.

Nhưng cũng từ chuyện này, chúng ta có thể tìm ra con đường an toàn hơn, vị thế cao hơn. Cuộc đàm luận của chúng ta chỉ thổi phồng những luận điểm, tiếng nói cực kỳ đối nghịch, trong lúc chúng ta không thể ý đến những luận điểm trung dung khác. Thái độ tránh né tin tức trung thực xảy ra khá nhiều  không những ở Hoa Kỳ mà còn ở nhiều nước khác, nhất là ở những nước có tình trạng chia rẽ về quan điểm chính trị, như thể là người ta không thèm để ý đến bất cứ ý kiến chính trị nào khác. Theo kết quả thăm dò của tổ chức PEW, có tới 70% người sử dụng trang mạng xã hội nói rằng họ chưa bao giờ đăng lên trang mạng ý kiến chính trị của mình. Như vậy là chúng ta bị lâm vào thế  quan sát luận điểm của người khác qua tấm gương phản chiếu của trang mạng xã hội. Do đó, việc hiểu lầm nhau, xâu xé và chia rẽ lại càng tăng mức độ thêm. Tổ chức bất vụ lợi Start With Us  tìm thấy rằng có đến 9 trong số 10 người Mỹ đồng ý với nhau về những nguyên tắc cốt lõi. Chẳng hạn như nguyên tắc chính phủ phải có trách nhiệm đối với người dân, tôn trọng và thương dân bất chấp những khác biệt như thế nào. Nguyên tắc tôn trọng luật pháp áp dụng đồng đều cho tất cả mọi người. Nhưng đến khi đem tính chất Đảng phái  vào cách suy nghĩ, Dân chủ hay Cộng Hòa thì cứ 3 người của đảng phái chính trị thì lại có 1 người cho rằng cái đảng đối lập nó chẳng coi trọng những giá trị cốt lõi này.

Những diễn đàn trang mạng xã hội phải chịu trách nhiệm về những thiệt hại, và đau đớn  họ gây ra, và hiện tượng “nghiện” theo dõi trên trang mạng về những tin tức đưa ra trên trang mạng xã hội, cũng như những điều gian dối họ khai thác để phá vỡ lòng tin và sự an toàn vào đúng lúc mà người ta cần có nhất. Ở đây không phải nói về sự kiểm duyệt thông tin, không có nguồn tin chừng mực nào được dùng để kiểm soát  những tin tức phóng lên cho hàng tỷ người đọc. Giống như các hình thức truyền thông khác, họ phải chịu trách nhiệm về nội dung những tin tức họ cố tình chọn  đưa lên, thổi phòng để câu view và kiếm tiền.

Và hãy nhớ cho rằng chúng ta mỗi người là một cá nhân hoàn toàn tự do trong vấn đề tìm hiểu đâu là sự thật. Chúng ta cần phải tìm hiểu những nguồn tin tức đáng tin cậy, nguồn tin thực sự muốn đi tìm ra sự thật, và nguồn tin đó phải chịu trách nhiệm nếu nó đưa tin tức sai lạc, giả dối. Hoặc giả chúng ta tự tìm cho mình sự thoải mái bằng cách tiếp thu những tin tức chỉ để làm cho mình thích. Mặc dù nhìn chung tất cả hệ thống truyền thông đang bị mất lòng tin trầm trọng, mức độ khả tín của truyền thông đang ở khoảng rất thấp. Người ta thường có xu hướng chỉ tin vào những nguồn tin họ thường sưu tầm hay thường đọc. Do đó, tôi đòi hỏi các sinh viên mà tôi đang dạy nên đặt cho mình chủ đích khi tiêu hóa những gì truyền thông cung cấp hàng ngày, nếu cứ ăn tạp nham, tiếp thu đủ mọi loại tin tức chỉ vì tò mò thì không nên chút nào. Phải đặt ra chủ đích, đó là nhiệm vụ công dân. Bạn hãy nên xem những đài truyền hình mà bạn thường chê bai, hay né tránh, hãy đọc những bài bình luận của những người viết mà bạn không đồng ý, hãy đi tìm hiểu những quan điểm bị nhiều người đặc biệt bác bỏ. Mục đích của việc đi tìm những nguồn tin phản biện, hay đi ngược lại suy nghĩ của bạn không phải là để thay đổi lối suy nghĩ của bạn mà chỉ là để mở rộng thêm lăng kính quan sát của bạn. Bà Eleanor Roosevelt  từng đưa ra nhận xét: “Understanding is a two way street Tìm hiểu một vấn đề gì là con đường hai chiều.” khi chúng ta không nhìn thấy, hay không nghe nói về sự thật mà người công dân khác giữ trong lòng, chúng ta sẽ không có dịp để trân quý tất cả những ý kiến mà thực ra mọi người cùng có chung một lòng, ý kiến đó khá thông thường và có sẵn trong lòng mọi người. Ngay cả trong lúc này, những điểm chung đó cũng có ở trong lòng mọi người.

Nguyễn Minh Tâm  dịch theo báo TIME NGÀY 5/8/2024