Toà Thượng thẩm Maine tạm ngưng phán quyết loại Trump khỏi phiếu sơ bộ Cộng hoà

0
679

(CaliToday) — Toà Thượng thẩm Maine vào thứ Tư dọn đường cho ông Donald Trump có tên trên lá phiếu bầu cử sơ bộ Cộng hoà, và gởi trả lại tranh chấp về tư cách tranh cử nhiệm kỳ 2 của cựu Tổng thống cho Chánh Thư ký tiểu bang để tiếp tục thủ tục một khi Tối cao Pháp viện ra phán quyết về trường hợp tương tự ở Colorado.
Trong án lệnh 17 trang, Thẩm phán Michaela Murphy từ toà Thượng thẩm ở Augusta tạm ngưng quyết định được bà Shella Bellows đưa ra vào tháng 12 cho đến khi Tối cao Pháp viện có ý kiến về tranh chấp ở Colorado.
Lưu ý bầu cử sơ bộ ở Maine sẽ diễn ra vào ngày 5 tháng 3, Thẩm phán cho rằng, “trừ phi Tối cao Pháp viện trước ngày đó tuyên bố Tổng thống Trump không đủ tư cách phục vụ nhiệm kỳ tổng thống, thì cử tri Maine hội đủ điều kiện muốn bỏ phiếu cho ông ta trong vòng sơ bộ sẽ có thể làm như vậy, và ứng cử viên đắc cử sẽ được xác định bằng phương pháp bỏ phiếu xếp hạng.”
Theo Toà, luật Maine cho phép bà có quyền gởi vấn đề trở lại cho Bellows và yêu cầu Chánh Thư ký tiểu bang đưa ra quyết định mới một khi Tối cao Pháp viện có phán quyết về kháng án ở Colorado. Murphy cho Chánh Thư ký 30 ngày sau án lệnh từ Toà tối cao quốc gia để ban hành quyết định mới “điều chỉnh, rút lại, hoặc xác nhận” quyết định ban đầu về tư cách tranh cử của ông Trump.
Murphy cho hay, vì có nhiều vấn đề liên bang được nêu ra trong tranh chấp khác, nên “sẽ khinh suất nếu toà này là toà đầu tiên ở Maine giải quyết chúng.”
Viên chức đặc trách bầu cử hàng đầu của Maine vào cuối tháng 12 quyết định cấm ông Donald Trump có tên trên lá phiếu bầu cử sơ bộ của tiểu bang theo Mục 3 Tu chính Án thứ 14, tương tự như ở tiểu bang Colorado. Chánh Thư ký Shella Bellows trong văn bản quyết định chính thức cho rằng, Donald J. Trump không đủ tư cách tranh cử sơ bộ Cộng hoà ở tiểu bang vì vai trò của ông trong vụ tấn công Điện Capitol ngày 6 tháng 1, đồng tình với tuyên bố của một số công dân rằng cựu Tổng thống đã kích động bạo loạn, và vì vậy bị cấm tái tranh cử theo Tu chính Án 14.
Bellows (Dân chủ) cho biết, bà kết luận, ông Trump “trong vài tháng, và cao điểm vào ngày 6 tháng 1 năm 2021, đã sử dụng những thuyết âm mưu về gian lận bầu cử để kích động những người ủng hộ, và ra lệnh họ tuần hành về Điện Capitol để ngăn chặn thủ tục chứng nhận kết quả bầu cử 2020, và chuyển giao quyền lực ôn hoà.”
“Tôi lưu ý, chưa có Chánh Thư ký tiểu bang nào từng tước quyền có tên trên lá phiếu của một ứng cử viên tổng thống dựa vào Điều khoản 3 của Tu chính Án thứ 14. Tuy nhiên, tôi cũng lưu ý, chưa có ứng cử viên tổng thống nào trước đây từng tham gia vào cuộc nổi loạn,” Bellows ghi.
Trump sau đó yêu cầu Toà Thượng thẩm can thiệp, cân nhắc lại quyết định của Bellow, cáo buộc Chánh Thư ký Maine (Dân chủ) thiên vị và thiếu thủ tục hợp lệ. Toán luật sư của Trump lập luận thêm rằng Đièu khoản 3 không áp dụng đối với nhiệm kỳ tổng thống, hoặc những người đã tuyên thệ nhậm chức tổng thống. Họ cũng phản đối cáo buộc thân chủ tham gia nổi loạn.
Tối cao Pháp viện Colorado trong phán quyết 4-3 vào tháng 12 cho rằng, Trump không đủ điều kiện có tên trên lá phiếu sơ bộ Cộng hoà tại tiểu bang vì dính líu đến bạo động Điện Capitol ngày 6 tháng 1 năm 2021, khiến ông bị tước tư cách tranh cử theo Điều 3 Tu chính Án 14.
Điều 3 Tu chính Án 14, vốn được phê chuẩn năm 1868 nhằm ngăn cản các viên chức Liên minh miền Nam giữ chức vụ dân cử, nghiêm cấm bất cứ ai “tham gia vào bạo động hay phản loạn chống chính phủ Hoa Kỳ” đều không được giữ chức vụ công. Nhưng toà án và Quốc hội chưa xác định rõ ràng điều khoản này nên diễn dịch như thế nào vào thời nay, hay mức độ các tiểu bang phải loại ứng cử viên khỏi lá phiếu ra sao.
Trong khi câu hỏi về tư cách tranh cử của ông Trump cuối cùng sẽ do Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ giải quyết, một số thách thức pháp lý về vấn đề này được đưa ra ở hơn 30 tiểu bang. Nhiều thách thức trong số đó đã bị bác bỏ, và giới chức ở một số tiểu bang khác, trong đó có California, tỏ dấu hiệu cảnh giác với những nỗ lực loại cựu Tổng thống trong vòng sơ bộ. Tuy nhiên vẫn có một số thách thức pháp lý vẫn đang chờ toà giải quyết.
Hương Giang (Theo CBS News)