Tối cao Pháp viện gián tiếp giúp tù nhân 6/1 được phóng thích 

0
1026

(CaliToday) – Một nghi can lãnh án tù những tội danh liên quan đến vụ bạo động Điện Capitol ngày 6 tháng 1 năm 2021 sắp được ra tù sớm, nhờ Tối cao Pháp viện đồng ý thụ lý một vụ án có thể ảnh hưởng đến bản án của hàng trăm bị cáo khác.

Kevin Seefried từ Laurel, Delaware, bị kết án 3 năm tù sau khi bị kết tội cản trở thủ tục chính thức, và bản án 12 tháng và 6 tháng tù đối với những tội danh tiểu hình khác. Bộ Tư pháp cáo buộc, Seefried và con trai Hunter nằm trong số những người đầu tiên xông vào Điện Capitol, và bị chụp hình cầm cờ Liên minh Miền Nam đi lại trong toà nhà Quốc hội.

Cáo buộc cản trở thủ tục chính thức là trọng tâm của vụ Fischer chống Hoa Kỳ được Tối cao Pháp viện đồng ý phán xử.

Fischer v. United States thách thức việc Bộ Tư pháp sử dụng cáo buộc “cản trở một thủ tục chính thức” chống lại các bị cáo 6/1 đã cản trở thủ tục chứng nhận cử tri đoàn bầu cử 2020, cản trở thủ tục chuyển giao quyền lực. Sau khi Tối cao Pháp viện đồng ý lắng nghe lập luận pháp lý hai bên, một số bị cáo đệ đơn được tại ngoại, chờ phán quyết cuối cùng.

Thẩm phán Trevor McFadden vào thứ Ba phán quyết, Seefried có thể được phóng thích khỏi tù, chờ quyết định của Toà Tối cao, vì ông ta không có nguy cơ bỏ trốn hay gây nguy hiểm cho cộng đồng.

Toà lưu ý, ít nhất bốn Thẩm phán Tối cao Pháp viện quan tâm đến việc thụ lý thách thức việc sử dụng cáo buộc cản trở của Bộ Tư pháp, và nếu Toà Tối cao phán quyết có lợi cho Fischer thì “điều đó gần như chắc chắn hành vi tương tự của Seefried không vi phạm luật cản trở.”

“Trong trường hợp đó, Seefried sẽ chỉ phải thụ án 4 tội danh tiểu hình. Tuy nhiên, vào lúc kháng án của ông ta kết thúc, những bản án có thể sẽ kết thúc,” toà ghi.

Phán quyết này được đưa ra chỉ một tuần sau khi công tố viên liên bang cảnh báo kháng án của các bị cáo 6/1 dựa trên vụ kiện Fischer có thể phản tác dụng.

Biện lý Hoa Kỳ Matthew Graves trong hồ sơ tòa vào tuần trước cho rằng, nếu Tối cao Pháp viện đứng về phía Fischer, chính phủ có thể yêu cầu các bản án liên tiếp thay vì án song hành cho các tội danh tiểu hình, mà trong một số trường hợp có thể dẫn đến án tù dài hơn.

McFadden trong phán quyết chỉ trích công tố viên liên bang đã suy đoán vấn đề này.

Vụ kiện Fischer v. US đang chờ Tối cao Pháp viện phán xử về việc sử dụng hợp lý cáo buộc đại hình cản trở thủ tục chính thức trong những vụ truy tố tấn công Điện Capitol ngày 6 tháng 1 năm 2021.
Tội danh cản trở thủ tục tố tụng chính thức đã được sử dụng để buộc tội hơn 300 nghi can liên quan đến 6/1, và dẫn đến hơn 150 bản án. Trong số những người bị buộc tội điều khoản này có cựu Tổng thống Donald Trump.
Fischer bị truy tố vì cản trở thủ tục chính thức của Quốc hội, cũng như hành hung cảnh sát, gây mất trật tự Điện Capitol. Ông ta và các bị cáo 6/1 khác cho rằng, việc truy tố theo Đạo luật Sarbanes–Oxley không nên áp dụng cho họ, vì họ không tham gia vào các hành động trong vụ bê bối Enron làm nền tảng dẫn đến đạo luật này ra đời.
Thẩm phán toà xét xử liên bang Carl J. Nichols vào tháng 3 năm 2022 đã bác bỏ cáo buộc cản trở đối với 3 bị cáo 6/1, trong đó có Fischer. Toà phán quyết, công tố viên đã tách biệt không đúng phần luật cấm cản trở thủ tục tố tụng chính thức từ điều khoản xáo trộn chứng cớ, liên quan đến các hành động chống lại một “tài liệu, hồ sơ hoặc đối tượng khác.” Bộ Tư pháp đã kháng án quyết định này lên Toà Phúc thẩm khu vực D.C.
Vào tháng 4 năm 2023, Toà D.C đảo ngược phán quyết của Thẩm phán Nichols, cho rằng Sarbanes-Oxley đủ rộng để bao trùm hành vi của Fischer và 2 bị cáo khác. Phúc thẩm cho rằng, Đạo luật bao gồm “tất cả các hình thức cản trở sai trái một thủ tục chính thức,” ngoại trừ các hành động đã được quy định trong điều khoản xáo trộn bằng chứng.
Fischer vào tháng 9 năm 2023 đã kháng án phán quyết Phúc thẩm lên Tối cao Pháp viện, và Tòa Tối cao vào tháng 12 đồng ý thụ lý vụ kiện này.
Nhiều thẩm phán liên bang đang hoãn các vụ án hoặc trả tự do cho các bị cáo đã bị kết án cản trở thủ tục chính thức trong khi chờ phán quyết của Tối cao Pháp viện. Toà sẽ lắng nghe tranh cãi pháp lý vào ngày 16 tháng 4 năm 2024.
Hương Giang (Tổng hợp)