Tối cao Pháp viện hoài nghi tuyên bố chính phủ kiểm duyệt mạng xã hội 

0
576

(CaliToday) – Tối cao Pháp viện vào thứ Hai có dấu hiệu sẽ bác bỏ nỗ lực từ các tiểu bang Cộng hoà nhằm hạn chế chính phủ liên bang hối thúc các công ty mạng xã hội xóa những ý kiến gây hiểu lầm, hoặc thông tin sai trái trên nền tảng của họ, trừ khi có mối đe dọa bị trả đũa.

Toà Tối cao tỏ ra cảnh giác với việc áp đặt những hạn chế gắt gao liên quan đến giới chức liên bang trao đổi với các công ty mạng xã hội như thế nào trong việc kiểm duyệt nội dung.

Tổng Biện lý Cộng hoà tiểu bang Missouri và Louisiana, cùng với một số người khác khiếu nại các mạng xã hội như Facebook đàn áp quan điểm của họ chống thuốc ngừa và tình trạng đóng cửa trong thời gian đại dịch COVID 19 theo lệnh của chính phủ, đệ đơn vụ kiện Tu chính Án thứ Nhất vào năm 2022.

Bộ Tư pháp lập luận, việc chặn trao đổi giữa giới chức liên bang với các công ty mạng xã hội có thể hạn chế khả năng của chính phủ trong việc giải quyết các vấn đề được công chúng quan tâm, ngăn chặn các mối đe dọa an ninh quốc gia và chuyển tiếp thông tin.

Vụ kiện xoay quanh việc liệu nỗ lực của các viên chức liên bang nhằm thuyết phục các công ty mạng xã hội kiểm duyệt các ý kiến sai trái hoặc gây hiểu lầm có phải sự ép buộc hay không, biến các nền tảng này trở thành chủ thể chính phủ bị ràng buộc bởi Tu chính Án thứ Nhất một cách hiệu quả.

Toà cấp dưới phần lớn đứng về phía nguyên đơn, cho rằng, những yêu cầu về nội dung từ chính phủ ông Biden mang tính chất ép buộc, nhưng Tối cao Pháp viện trong phiên tranh cãi vào thứ Hai tỏ ra thông cảm với lập luận từ chính phủ.

Bản thân các công ty mạng xã hội không tham gia vào vụ kiện, và các Thẩm phán cấp tiến đặt câu hỏi liệu có bất cứ nguyên đơn nào bị thiệt hại để có tư cách pháp nhân khởi kiện hay không. Và thẩm phán từ khắp hệ tư tưởng bày tỏ hoài nghi rằng những trao đổi của chính phủ với các nền tảng mạng xã hội, ngay cả khi gay gắt, là hành động kiểm soát.

Chánh thẩm John Robert cho rằng, “Chính phủ không phải một khối vận hành đơn giản.” Những cá nhân, các cơ quan, các nhánh khác nhau của chính phủ có thể có quan điểm khác nhau, và các cơ quan truyền thông có thể liên lạc với nhiều nguồn chính thức khác nhau. “Điều đó làm loãng khái niệm ép buộc,”ông Robert nói.

Thẩm phán Brett Kavanaugh đưa ra một ví dụ loại suy về an ninh quốc gia với chiến dịch của chính phủ chống lại thông tin —điều mà giới chỉ trích bảo thủ cho rằng đã nhắm vào quan điểm của họ. “Có lẽ không có gì bất thường khi các viên chức chính phủ phản đối một câu chuyện sắp được xuất bản về chính sách giám sát hoặc giam giữ, và nói, ‘Nếu quý vị đăng, nó sẽ gây thiệt hại cho nỗ lực chiến tranh và khiến người Mỹ gặp nguy hiểm,’’’ Thẩm phán nói. Kavanaugh phục vụ trong Toà Bạch Ốc của Tổng thống George W. Bush khi chính sách giám sát và giam giữ được giật tít trên trang nhất.

Phó Tổng Biện lý Sự vụ Brian Fletcher của Bộ Tư pháp ông Joe Biden nhanh chóng đồng ý, “Đó là một ví dụ về một loại trao đổi có giá trị miễn là nó vẫn ở khía cạnh thuyết phục”. Theo Fletcher, việc đe dọa trả đũa một công ty kỹ thuật điện toán vì không tuân thủ, chẳng hạn như một cuộc điều tra chống độc quyền, sẽ là một câu chuyện khác.

Đặt câu hỏi sắc bén cho cả hai bên, các Thẩm phán tìm cách xác định khi nào thích hợp cho chính phủ khích lệ các mạng xã hội xóa những nội dung gây tranh cãi, nếu có.

Một số Thẩm phán, kể cả cấp tiến và bảo thủ, phản đối lập luận sâu rộng của Tổng Biện lý Sự vụ tiểu bang Louisiana Benjamin Aguiñaga – người tuyên bố, chính phủ trong hầu hết các trường hợp không nên yêu cầu mạng xã hội xóa bất kỳ nội dung nào.

Một số Thẩm phán cho rằng trong một số trường hợp, trách nhiệm bảo vệ công dân của chính phủ có thể lớn hơn quyền trong Tu chính án thứ nhất.

Thẩm phán Ketanji Brown Jackson đưa ra giả thuyết về một thách đố giả đang bùng nổ trực tuyến, trong đó thanh thiếu niên thách nhau nhảy ra khỏi cửa sổ từ trên cao. “Có phải quan điểm của ông là các cơ quan chính phủ không thể tuyên bố những trường hợp đó là tình trạng khẩn cấp công cộng, và kêu gọi các nền tảng mạng xã hội gỡ bỏ thông tin kích động vấn đề này?” Jackson hỏi.

Aguiñaga đáp, chính phủ có thể công khai thừa nhận thách thức này là mối đe dọa sức khỏe cộng đồng, nhưng lại do dự trong việc chính phủ yêu cầu mạng xã hội xóa nội dung nếu đó là “ngôn luận được bảo vệ.”

“Mối quan tâm lớn nhất của tôi là quan điểm của ông cho rằng, Tu chính án thứ Nhất đang cản trở chính phủ đáng kể trong những lúc dầu sôi lửa bỏng quan trọng nhất,” bà Jackson nói.

Thẩm phán Amy Coney Barrett cũng đặt câu hỏi tương tự, liệu FBI có thể kêu gọi mạng xã hội xóa những thông tin cá nhân của viên chức chính phủ, hoặc hình ảnh nhận dạng, với mục đích gây hại hay không.

Tự tuyên bố là người “theo chủ nghĩa thuần túy về Tu chính án thứ nhất,” Aguiñaga cho rằng điều này sẽ cấu thành tước bỏ ngôn luận. “Vậy FBI không thể, ông có biết FBI thực hiện những kêu gọi như vậy thường xuyên như thế nào không?” Barrett hỏi tiếp.

Vụ kiện xuất phát từ những nỗ lực của chính phủ ông Biden nhằm hạn chế thông tin sai trái trên mạng, mà 2 Tổng biện lý Cộng hòa cho rằng đó giống như một “chiến dịch kiểm duyệt” nhằm mục đích loại bỏ “những người phát biểu, quan điểm và nội dung không được ưa chuộng.”

Yêu cầu của các quan chức chính quyền Biden đối với các công ty truyền thông xã hội chủ yếu tập trung vào nội dung về kết quả của bầu cử tổng thống năm 2020 mà cựu Tổng thống Trump tranh chấp với những thuyết âm mưu gian lận bầu cử hay bầu cử bị đánh cắp, bên cạnh thông tin sai trái về thuốc chủng ngừa COVID 19.

Trong thư làm bạn của toà, các tổ chức ngành công nghiệp kỹ thuật điện toán phản đối mạnh mẽ việc bị hiểu sai là “tay sai” của chính phủ liên bang vì họ đã trao đổi với chính phủ.

Hương Giang (Tổng hợp)