(CaliToday) – Chưa đầy hai năm sau khi hủy bỏ quyền phá thai liên bang do phán quyết vụ kiện Roe v. Wade đặt ra, Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ đa số bảo thủ đang cân nhắc lại vấn đề này. Lần này, Toà xem xét một vụ kiện chung quanh quyết định của Cơ quan Quản trị Thực phẩm và Dược phẩm nới lỏng các hạn chế kê đơn và phân phối thuốc phá thai Mifepristone.
Đa số Tối cao Pháp viện vào thứ Ba tỏ ra hoài nghi về những nỗ lực nhằm hạn chế nghiêm ngặt việc truy cập loại thuốc phá thai được sử dụng rộng rãi lâu nay, đặt câu hỏi liệu nguyên đơn gồm các bác sĩ và tổ chức chống phá thai có quyền thách thức phê chuẩn của FDA đối với loại thuốc này hay không.
Trong gần hai giờ lắng nghe tranh cãi, các Thẩm phán bảo thủ hay cấp tiến đều nghiêng về phía chính phủ liên bang, chỉ có hai Thẩm phán bảo thủ Samuel A. Alito Jr. và Clarence Thomas tỏ dấu hiệu ủng hộ hạn chế phân phối thuốc.
Gọi vụ kiện là nỗ lực của “một số ít cá nhân,” Thẩm phán Neil M. Gorsuch cho rằng, liệu thách thức pháp lý này có được xem là “ví dụ điển hình về việc biến những gì có thể là một vụ kiện nhỏ thành một hội đồng lập pháp của quốc gia về 1 quy định của FDA, hoặc bất cứ hành động nào khác của chính phủ liên bang hay không.”
Thách thức liên quan đến mifepristone, loại thuốc phá thai đã đượcFDA . phê chuẩn 23 năm trước, thuốc được sử dụng trong gần 2/3 số ca phá thai ở Mỹ. Vấn đề đặt ra là liệu Cơ quan Quản trị Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ có hành động phù hợp trong việc mở rộng khả năng truy cập thuốc vào năm 2016, và một lần nữa vào năm 2021, khi cho phép các bác sĩ kê đơn qua thăm khám qua điện thoại, và gởi thuốc bằng đường bưu điện.
Tranh cãi pháp lý tập trung vào việc liệu nguyên đơn – liên minh các tổ chức và bác sĩ phản đối phá thai và không kê toa thuốc phá thai – chứng minh được họ thực sự bị thiệt hại nếu loại thuốc này tiếp tục có trên thị trường, và liệu họ đã chờ quá lâu mới thách thức phê chuẩn mifepristone.
Nguyên đơn cho rằng, mifepristone không an toàn, FDA không theo những quy định phù hợp trong quá trình phê chuẩn thuốc vào năm 2020, và Cơ quan xoá bỏ những hạn chế đối với thuốc kể từ đó. Chính phủ tranh chấp mạnh mẽ những lập luận này, viện dẫn nhiều công trình nghiên cứu trong nhiều năm cho thấy mifepristone an toàn, và FDA đã hành động có trách nhiệm.
Chính quyền Biden yêu cầu Tối cao Pháp viện can thiệp sau khi hội đồng 3 Thẩm phán Phúc thẩm liên bang khu vực 5 giữ nguyên quyết định ban đầu của Thẩm phán Texas, ủng hộ hạn chế phân phối thuốc, khiến cơ hội sử dụng thuốc phá thai bị hạn chế không chỉ ở những tiểu bang cấm hay hạn chế phá thai, ở những tiểu bang có phá thai hợp pháp. Thẩm quyền của FDA đặt ra quy định đối với những loại thuốc khác có thể bị thách thức với những vụ kiện khác, và các công ty dược phẩm cho rằng, tình trạng không chắc chắn của vai trò FDA có thể cản trở sự phát triển dược phẩm ở Hoa Kỳ.
Tuy nhiên, ngay cả khi Tối cao Pháp viện bảo đảm toàn quyền truy cập mifepristone, những viên thuốc này vẫn là bất hợp pháp ở hơn 1 chục tiểu bang có luật cấm phá thai gay gắt. Những lệnh cấm đó không phân biệt giữa phá thai bằng thuốc và phá thai ngoại khoa.
Kể từ khi quyết định đảo ngược phán quyết Roe v. Wade chấm dứt quyền phá thai của phụ nữ kéo dài gần nửa thế kỷ, thuốc phá thai ngày càng trở thành trung tâm của các cuộc đấu tranh chính trị và pháp lý.
Hương Giang (Tổng hợp)
Sign in
Welcome! Log into your account
Forgot your password? Get help
Password recovery
Recover your password
A password will be e-mailed to you.