Tổng thống Nam Hàn ráng bám víu quyền lực khi lưới hình sự và chính trị bủa vây 

0
747

(CaliToday) – Các đảng phái đối lập ở Nam Hàn vào thứ Tư tranh cãi về việc khi nào Tổng thống Yoon Suk Yeol nên bị bãi nhiệm và bằng cách nào, khi công tố tiến hành điều tra những cáo buộc bạo loạn 1 tuần sau sau khi ông ban bố thiết quân luật gây hỗn loạn quốc gia.
Cảnh sát vào thứ Tư đến phủ tổng thống ở Seoul, tìm cách thực thi khám xét, kể cả văn phòng ông Yoon, với trọng tâm chính là thu thập bằng chứng có thể cho thấy liệu đương kim Tổng thống có phạm tội nổi loạn hay không khi ban bố thiết quân luật vào cuối ngày 3 tháng 12, và điều quân vào Toà nhà Quốc hội.
Tuy nhiên, Mật vụ bảo vệ tổng thống đã ngăn chặn cảnh sát từ ngoài cổng, không cho họ vào văn phòng ông Yoon. Lục soát diễn ra chậm chạp khi cả hai bên bàn những dữ liệu nào nên để nhân viên Nhà Xanh thâu thập và giao cho cảnh sát ở ngoài cổng.
Thiết quân luật chỉ kéo dài sáu giờ, và Quốc hội Nam Hàn nhanh chóng bỏ phiếu chống lại hành động này, và buộc ông Yoon phải gỡ bỏ. Nhưng những diễn biến này đã đẩy quốc gia vào một cuộc khủng hoảng hiến pháp, và làm dấy lên làn sóng biểu tình kêu gọi truất phế Tổng thống. Trước những gì xảy ra, cảnh sát và công tố viên bắt đầu điều tra vai trò của đương kim Tổng thống và những người ủng hộ ông trong chính phủ và quân đội trong việc thực thi luật.
Ông Yoon bị cấm rời quốc gia, nhưng chưa bị triệu tập thẩm vấn. Ông có nguy cơ trở thành tổng thống Nam Hàn đầu tiên bị bắt vì tội hình sự khi còn trong nhiệm kỳ.
Đảng Quyền lực Nhân dân PPP cầm quyền của Yoon muốn cho ông “ra đi có trật tự,” thay vì bị luận tội như phe đối lập mong muốn. Toán đặc nhiệm khẩn cấp gồm các nhà lập pháp đảng cầm quyền vào thứ Tư cho biết, họ muốn Tổng thống từ chức vào tháng Hai hoặc tháng Ba. “Kể từ hôm nay, chúng tôi sẽ bắt đầu thuyết phục ông ấy làm theo đề nghị của chúng tôi,” lãnh đạo toán đặc nhiệm Lee Yang Soo cho biết. “Chúng tôi không biết sẽ mất bao lâu để thuyết phục ông ấy.”
Nếu ông Yoon từ chức vào tháng 2 hoặc tháng 3, Nam Hàn có thể tổ chức bầu cử chọn lãnh đạo mới vào tháng 4 hoặc tháng 5. Theo luật, Nếu tổng thống từ chức, quốc gia phải bầu tổng thống mới sau hai tháng. Ông Lee cho biết đây sẽ là lộ trình nhanh nhất để đất nước chấm dứt tình trạng bất ổn chính trị. Văn phòng ông Yoon chưa phản hồi đề nghị này.
Nếu tổng thống bị luận tội, ông sẽ bị đình chỉ chức vụ ngay lập tức, nhưng Tòa Hiến pháp có thể mất tới 6 tháng mới đưa ra quyết định nên phục hồi chức vụ hay chính thức bãi nhiệm ông.
Vắng bóng trước công chúng kể từ khi xuất hiện trên truyền hình xin lỗi vào thứ Bảy vì đã ban bố thiết quân luật, Yoon ở trong dinh thự cách văn phòng tổng thống chưa đầy hai dặm. Ông có thể chọn tiếp tục nhiệm kỳ trong khi bị luận tội thay vì từ chức, nếu tin rằng mình có cơ hội đấu tranh tốt hơn tại Tòa Hiến pháp.
Phe đối lập muốn ông Yoon bị bãi nhiệm càng sớm càng tốt thông qua luận tội. Các đảng đối lập, cùng kiểm soát phần lớn quốc hội, lên kế hoạch tiến hành một cuộc bỏ phiếu luận tội khác vào thứ Bảy, sau khi các thành viên đảng cầm quyền ngăn cản nỗ lực đầu tiên của họ vào thứ Bảy tuần trước.

Thứ Bảy tuần trước, cuộc tẩy chay của đảng cầm quyền đã khiến phe đối lập không nhận được 8 phiếu bổ sung cần thiết để thông qua nghị quyết luận tội. Nhưng bước đi của P.P.P. vấp phải phản đối. Người biểu tình tập trung xung quanh trụ sở đảng ở Seoul và các văn phòng khu vực để phản đối hành động của họ. Trong khi những người ủng hộ nhiệt thành của ông Yoon kêu gọi đảng bảo vệ tổng thống.
Tuần này, nội bộ đảng bắt đầu có những vết rạn nứt. Đến thứ Tư, 5 nhà lập pháp của Đảng Quyền lực Nhân dân công khai cho biết sẽ bỏ phiếu luận tội vào thứ Bảy. Như vậy, phe đối lập chỉ cần thêm ba phiếu nữa để có thể luận tội tổng thống.
Yoon không có dấu hiệu muốn từ chức, ngay cả khi căn cứ ủng hộ và chính phủ ông sụp đổ.
Điểm tín nhiệm dành cho đương kim Tổng thống vốn đã thấp lại càng giảm hơn nữa thiết quân luật. Một loạt viên chức cấp cao của chính phủ, trong đó có Thủ tướng Han Duck-soo, và các tướng lãnh quân đội được cảnh sát và công tố tống trát triệu tập thẩm vấn về vai trò của họ trong việc Tổng thống ban hành thiết quân luật.
Nhiều người trong số họ bắt đầu xa lánh ông Yoon.
Cựu Bộ trưởng quốc phòng Kim Yong-hyun đã bị bắt giữ liên quan đến những cáo buộc tham gia nổi loạn. Trong khi chờ trát bắt giữ, ông ta tìm cách tự sát trong phòng tắm nhà tù nhưng bất thành.
Trong phiên điều trần trước Quốc hội vào thứ Ba, Trung tướng Kwak Jong-geun cho biết, đích thân Tổng thống đã gọi điện khi quân của ông đang xông vào Quốc hội. Yoon đã ra lệnh cho ông ta đưa các nhà lập pháp đi để không thể có đủ số bỏ phiếu chống lệnh thiết quân luật. “Ông ấy nói: Hãy phá cửa ngay, và vào đó, lôi những người bên trong ra,” ông Kwak nói.
Tướng Kwak và Đại tá Kim Hyun-tae lãnh đạo quân đội trong Toà nhà Quốc hội đều cho biết, họ không tuân theo lệnh vì sợ hậu quả pháp lý, và mọi người bị thương.
Hương Giang