Trump đe doạ NATO làm Cộng hoà chia rẽ

0
1540

(CaliToday) – Phát ngôn của cựu Tổng thống Donald Trump về việc cổ võ gây hấn các quốc gia thành viên NATO không đóng góp đúng hạn gây ra chia rẽ giữa những nhà lập pháp Cộng hoà đang tìm cách bảo vệ những cam kết của Mỹ ở nước ngoài, và những đồng nghiệp tìm mọi cách bảo vệ ứng cử viên hàng đầu của họ.
Một số nhà lập pháp Cộng hòa làm nhẹ ý kiến của Trump, những phát ngôn khiến lãnh đạo NATO và các quốc gia thành viên lo ngại nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump sẽ tìm cách làm suy yếu liên minh.
“Đó chỉ là mỉa mai thôi mà,” Thượng nghị sĩ Tommy Tuberville (Cộng hoà – Alabama) nói về việc Trump tuyên bố sẽ “khích lệ” Nga “làm bất cứ quái quỷ gì họ muốn” với những quốc gia thành viên NATO không trả đúng kỳ hạn phần đóng góp tài chánh ủng hộ NATO. “Tất cả đều là việc phải trả giá. Anh biết đó, hầu hết bọn họ đều không làm như vậy,” Thượng nghị sĩ nói thêm.
Một số nhà lập pháp Cộng hoà khác phản đối.
“Tôi không đồng ý dưới bất cứ hình thức nào chúng ta quay lưng lại đồng minh. Thứ nhất, việc này chưa từng xảy ra trước đây, và cũng không nên xảy ra,” Thượng nghị sĩ James Lankford (Cộng hoà – Oklahoma) – nhà lập pháp bất đồng với cựu Tổng thống về dự luật biên giới của Thượng viện. “Rõ ràng, tất cả mọi người có nghĩa vụ phải thực hiện phần của mình, nhưng nói là chúng tôi sẽ để cho quý vị bị tiêu diệt nếu quý vị không đóng thì hoàn toàn sai.”
Thượng nghị sĩ Joni Ernst (Cộng hoà -Iowa) cũng bác bỏ ý kiến của cựu Tổng thống. “Chúng ta không nên cổ võ những việc như vậy,” nhà lập pháp nói. “Rõ ràng, các quốc gia Âu châu là đối tác của chúng ta. Chúng ta sẽ tiếp tục khích lệ họ đóng góp cho NATO, và làm tốt hơn.”
Những chỉ trích của Trump nhắm vào nỗ lực buộc các thành viên NATO cam kết dành 2% GDP cho chi tiêu quốc phòng – mục tiêu mà Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết ít nhất một nửa trong số 31 thành viên liên minh sẽ họp bàn vào năm 2024. Con số này tăng lên từ 7 thành viên vào năm 2022.
Đó là vấn đề lâu dài đối với Trump, người trong nhiệm kỳ tổng thống thường gây áp lực buộc các đồng minh phải đáp ứng con số 2%.
Trump khơi dậy vấn đề này bằng tuyên bố gây tranh cãi mới tại buổi tập hợp ở South Carolina vào cuối tuần qua, khi ông kể câu chuyện về một nhà lãnh đạo nước ngoài nào đó đặt câu hỏi về đe dọa của ông sẽ không bảo vệ các quốc gia thành viên không đóng đầy đủ mục tiêu chi tiêu quốc phòng của liên minh. Trump kể, ông nói với nhà lãnh đạo rằng sẽ “khích lệ” Nga làm bất cứ điều gì họ muốn. “Anh không trả à? Anh quá hạn!”
Một chính trị gia cao cấp của Liên minh Âu châu vào tháng trước cho biết, Trump trong cuộc họp với Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen vào năm 2020 đã đe dọa Mỹ sẽ không đứng ra bảo vệ EU nếu bị tấn công.
Mặc dù các nhà lập pháp đã thông qua luật vào tháng 12 cấm tổng thống rút Mỹ khỏi NATO mà không có sự đồng ý của Quốc hội, tuy nhiên, luật không đá động gì đến một loạt hành động khác mà một tổng thống có thể thực hiện có thể làm suy yếu liên minh.
Trump đưa ra ý kiến về NATO trong bối cảnh Cộng hòa đang có sự chia rẽ sâu sắc về viện trợ cho Ukraine.
Thượng viện sắp thông qua gói viện trợ mới cho Ukraine, nhưng không rõ liệu dự luật có nhận được đủ phiếu tại Hạ viện, nơi Cộng hòa bị chia rẽ nặng nề về vấn đề này, hay không.
Giới chuyên viên quan sát những vấn đề này nhận thấy dấu hiệu Cộng hòa đang ủng hộ chương trình nghị sự Nước Mỹ trên hết của Donald Trump.
Hương Giang (Theo The Hill)