Trung Quốc tập trận chung quanh Đài Loan, trừng phạt và dằn mặt hòn đảo 

0
567

(CaliToday) – Trung Quốc vào thứ Năm phát động cuộc tập trận quân sự kéo dài 2 ngày quanh Đài Loan theo kịch bản “chiến quyền lực,” và “trừng phạt mạnh mẽ” đối với đối thủ trên hòn đảo tự trị, sau khi tân Tổng thống Đài Loan cam kết bảo vệ chủ quyền.
Cuộc tập trận là phản ứng đầu tiên của Trung Quốc sau lễ tuyên thệ nhậm chức của Tổng thống Lại Thanh Đức vốn không được lòng Bắc Kinh diễn ra tại Đài Bắc vào thứ Hai. Đảng chính trị Dân tiến DPP của ông Lại khẳng định vị thế tách biệt của Đài Loan với Trung Quốc, và tân Tổng thống trong bài phát biểu nhậm chức thề sẽ giữ cho nền dân chủ của Đài Loan được an toàn trước áp lực của Trung Quốc. Ông Lại kế nhiệm bà Thái Anh Văn – người đã lãnh đạo hòn đảo trong 8 năm qua và có lập trường cứng rắn với Bắc Kinh.
Tuyên bố Đài Loan thuộc lãnh thổ Trung Quốc, Bắc Kinh chỉ trích gay gắt bài phát biểu của ông Lại. Nhưng họ leo thang vào thứ 5 bằng các cuộc tập trận trên biển và trên không nhằm bao vây hòn đảo chính tại eo biển Đài Loan cũng như xung quanh đảo Kim Môn, quần đảo Mã Tổ, đảo Ô Khâu và đảo Đông Dẫn.
Theo Bộ Quốc phòng Đài Loan, từ khi bắt đầu cuộc tập trận vào sáng 23 tháng 5 cho đến chiều, 15 tàu hải quân Trung Quốc, 16 tàu cảnh sát biển Trung Quốc, và 42 phi cơ quân sự Trung Quốc đã được phát giác xung quanh đảo chính của Đài Loan và các hòn đảo nhỏ hơn. Cho đến nay chưa có phi cơ và tàu Trung Quốc nào đi vào lãnh hải Đài Loan.
Trong ngày 23/5, lực lượng phòng vệ Đài Loan theo dõi 49 phi cơ của Trung Quốc hoạt động gần hòn đảo, trong đó ít nhất 35 phi cơ vượt qua đường trung tuyến ở eo biển giữa Đài Loan và đại lục.
Giới chức Trung Quốc xem bước đi này là “sự trừng phạt mạnh mẽ đối với hành động ly khai của các lực lượng muốn ‘Đài Loan độc lập,’ và là lời cảnh báo đanh thép đối với sự can thiệp, khiêu khích của các thế lực bên ngoài.”
Lần cuối cùng Trung Quốc tổ chức một cuộc tập trận lớn ở nhiều địa điểm xung quanh Đài Loan là vào tháng 4 năm 2023, sau khi Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ lúc đó là Kevin McCarthy có cuộc hội kiến với Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn. Bắc Kinh phản đối những trao đổi như vậy với các nhà lãnh đạo Đài Loan.
Trung Quốc tiến hành cuộc tập trận lớn nhất trong những năm gần đây, vào tháng 8 năm 2022 để phản đối chuyến thăm Đài Loan của bà Nancy Pelosi, Chủ tịch Hạ viện vào lúc đó. Các cuộc tập trận bao gồm việc phóng hoả tiễn gần và qua Đài Loan, bao trùm 6 vùng biển xung quanh hòn đảo, 3 trong số đó dường như chồng chéo với các khu vực mà Đài Loan xem là lãnh hải của họ. Những cuộc tập trận đó kéo dài bốn ngày và Trung Quốc tiến hành các cuộc tập trận bổ sung trong vài ngày sau đó.
Sau chuyến công du của bà Pelosi, Bắc Kinh đã tuyên bố ngừng công nhận “đường trung tuyến”, một làn ranh đóng vai trò biên giới không chính thức trong 70 năm giữa Trung Quốc và Đài Loan. Đường trung tuyến này nằm ở Eo biển Đài Loan.
Phát ngôn nhân Bộ tư lệnh Chiến khu miền Đông của quân đội Trung Quốc (PLA), ông Lý Hy vào ngày 24 tháng 5 cho biết, cuộc tập trận kéo dài hai ngày xung quanh đảo Đài Loan nhằm kiểm tra “năng lực hiệp đồng chiếm giữ quyền lực, phối hợp tập kích và kiểm soát các lãnh thổ trọng yếu”.

Thuật ngữ “chiếm giữ quyền lực” thường được sử dụng để chỉ hành động của một lực lượng sử dụng vũ lực để kiểm soát lãnh thổ nào đó một cách chóng vánh.

Ông Lại đã đến thăm một lữ đoàn thủy quân lục chiến Đài Loan gần Đài Bắc vào thứ Năm. Trong ý kiến công khai, tân Tổng thống không nhắc đến các cuộc tập trận của Trung Quốc, nhưng tỏ ra thách thức. “Vào lúc này, cộng đồng quốc tế đang dành nhiều sự quan tâm cho Đài Loan dân chủ,” tuyên bố từ Văn phòng Tổng thống cho hay. “Đối mặt với những thách thức và mối đe dọa từ bên ngoài, chúng tôi sẽ tiếp tục bảo vệ các giá trị của tự do và dân chủ.”

Văn phòng Tổng thống Đài Loan cũng cho rằng, thật “đáng tiếc” khi thấy Trung Quốc “có hành động khiêu khích quân sự đơn phương để đe dọa nền dân chủ và tự do của Đài Loan.”

Hương Giang