Wednesday, April 9, 2025
spot_img

Vắng bóng Mỹ, Trung Quốc hỗ trợ Myanmar sau động đất

BANGKOK/BẮC KINH, ngày 2 tháng 4 (Reuters) – Trận động đất mạnh 7,7 độ richter hôm thứ Sáu đã gây ra thảm họa kinh hoàng tại Myanmar, cướp đi sinh mạng của hơn 2.800 người. Ngay sau đó, các đội cứu hộ quốc tế nhanh chóng có mặt để hỗ trợ, trong đó lực lượng Trung Quốc xuất hiện đông đảo nhất.

Hình ảnh các nhân viên cứu trợ Trung Quốc trong đồng phục xanh và cam tràn ngập trên mạng xã hội Myanmar, đi kèm những lời cảm ơn gửi đến Bắc Kinh. Trung Quốc là một trong những nước đầu tiên triển khai lực lượng cứu hộ cùng với Ấn Độ và Nga để tìm kiếm người sống sót giữa đống đổ nát của khách sạn, trường học và tu viện.

Sự hiện diện tích cực này đánh dấu một thay đổi đáng kể so với thái độ hoài nghi mà Trung Quốc thường nhận được tại Myanmar, do mối quan hệ giữa Bắc Kinh và chính quyền quân sự không được lòng dân.

Trung Quốc cam kết viện trợ 100 triệu nhân dân tệ (13,76 triệu USD), với lô hàng đầu tiên gồm lều, chăn màn và bộ sơ cứu đã đến Yangon vào thứ Hai. Trong khi đó, Mỹ – từng là nhà tài trợ nhân đạo hàng đầu thế giới – chỉ cung cấp 2 triệu USD và cử một nhóm ba người đánh giá tình hình, nhưng quá trình xin thị thực từ chính quyền quân sự Myanmar khiến họ bị trì hoãn.

Trong nhiều năm trước đây, khi xảy ra các thảm họa như sóng thần hay động đất, Mỹ thường nhanh chóng triển khai các đội cứu hộ chuyên nghiệp cứu nhiều người. Tuy nhiên, lần này, sự vắng mặt của Mỹ phản ánh tác động từ chính sách cắt giảm quy mô chính phủ của Tổng thống Donald Trump.

Với sự ủng hộ của Trump, Bộ Hiệu quả Chính phủ, dưới sự điều hành của tỷ phú Elon Musk, đã thực hiện các khoản cắt giảm ngân sách lớn và chấm dứt nhiều hợp đồng liên bang nhằm giảm chi tiêu. Trump cũng sa thải gần như toàn bộ nhân viên Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), đơn vị phụ trách điều phối cứu trợ thảm họa quốc tế.

Marcia Wong, cựu quan chức cấp cao của USAID, cho biết nếu USAID còn hoạt động đầy đủ, các đội tìm kiếm và cứu nạn đô thị có thể đã được triển khai đến Myanmar trong vòng 48 giờ. Tuy nhiên, phần lớn nhân viên điều phối đã bị sa thải, trong khi các đối tác bên thứ ba mất hợp đồng.

Trung Quốc chiếm ưu thế

Trong khi Mỹ rút lui, Trung Quốc đã tận dụng cơ hội để gia tăng ảnh hưởng. Các đội cứu hộ của Trung Quốc, bao gồm nhân viên y tế, chuyên gia động đất, bệnh viện dã chiến và chó cứu hộ, đã có mặt nhanh chóng tại các khu vực bị ảnh hưởng nặng nề như Mandalay và Sagaing. Người dân địa phương cho biết họ không nhận được sự trợ giúp nào từ quân đội Myanmar.

Bộ Ngoại giao Ấn Độ cũng thông báo đã gửi 625 tấn hàng viện trợ và triển khai các bệnh viện di động. Nga và Ấn Độ tiếp tục hỗ trợ y tế và tìm kiếm nạn nhân.

Truyền thông Trung Quốc, bao gồm CGTN và Tân Hoa Xã, liên tục đưa tin về các hoạt động cứu trợ của Bắc Kinh. Đặc biệt, các đội cứu hộ Trung Quốc còn di chuyển vào Myanmar từ tỉnh Vân Nam, đi qua các khu vực do quân nổi dậy kiểm soát – những nhóm đối lập với chính quyền quân sự nhưng vẫn có mối quan hệ phức tạp với Trung Quốc.

Nhà nghiên cứu Sai Tun Aung Lwin nhận định rằng Bắc Kinh dường như đã thiết lập một “hành lang nhân đạo” xuyên suốt các vùng do cả quân nổi dậy lẫn chính quyền quân sự kiểm soát, cho thấy mức độ ảnh hưởng sâu rộng của Trung Quốc tại Myanmar.

Hôm thứ Tư, quân đội Myanmar tuyên bố đã bắn cảnh cáo một đoàn xe của Hội Chữ thập đỏ Trung Quốc vì không xin phép trước khi di chuyển qua vùng giao tranh. Bắc Kinh sau đó xác nhận không có thương vong.

Myanmar có vị trí chiến lược quan trọng giữa Trung Quốc và Ấn Độ. Washington từng có quan hệ thân thiện với Myanmar trong thời gian ngắn khi nước này trải qua giai đoạn dân chủ bán phần, trước khi quân đội lên nắm quyền vào năm 2021, lật đổ chính phủ của bà Aung San Suu Kyi.

Chính quyền quân sự đã đàn áp mạnh tay các cuộc biểu tình, làm bùng phát một cuộc nội chiến. Bắc Kinh tiếp tục hậu thuẫn chính quyền quân sự, coi đây là lực lượng duy trì ổn định, mặc dù nhiều khu vực biên giới do quân nổi dậy kiểm soát.

Một khảo sát năm 2024 của Viện ISEAS-Yusof Ishak (Singapore) cho thấy 65% người Myanmar không tin tưởng Bắc Kinh. Tuy nhiên, chính phủ song song của phe đối lập Myanmar vẫn bày tỏ “lòng biết ơn sâu sắc” đối với các đội cứu hộ quốc tế.

Dù Mỹ vẫn có ảnh hưởng trong phe đối lập thông qua viện trợ nhân đạo và quỹ hỗ trợ phong trào dân chủ, các khoản cắt giảm của chính quyền Trump đã làm suy yếu đáng kể vai trò này. Ít nhất 28 chương trình của USAID và Bộ Ngoại giao Mỹ hỗ trợ Myanmar đã bị chấm dứt.

Cựu đại sứ Mỹ tại Myanmar, Scot Marciel, nhận định rằng ảnh hưởng của Washington không chỉ quan trọng đối với Myanmar mà còn ảnh hưởng đến khả năng Mỹ kêu gọi sự ủng hộ quốc tế trong các vấn đề lớn hơn – bao gồm cả việc “sẵn sàng đối đầu với Trung Quốc khi cần thiết.”

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

MỚI CẬP NHẬT

spot_img