“WELCOME CORPS” MỘT TRUYỀN THỐNG CAO ĐẸP…

0
1383

Nam Lộc

Một gia đình tị nạn và các nhà bảo trợ người Mỹ qua Welcome Corps, 2023

“Welcome Corps”, một truyền thống cao đẹp của đất nước Hoa Kỳ. Hành động cao cả này đã được thể hiện một cách rất rõ ràng và cụ thể, khi những người tị nạn Việt Nam đầu tiên đặt chân đến HK vào những ngày cuối tháng Tư, 1975. Họ đã được đón nhận bằng những vòng tay nhân ái và lòng bao dung của người dân Mỹ. Chỉ trong thời gian 6 tháng ngắn ngủi mà hơn 130 ngàn người tị nạn Việt, Miên, Lào đã được định cư một cách tốt đẹp và hoàn hảo ở khắp các tiểu bang Hoa Kỳ. Tôi may mắn được tham dự vào tiến trình cứu trợ khẩn cấp và nhân đạo đó, nên còn nhớ rất rõ từng chi tiết, từng cử chỉ và từng hành động mà mình đã chứng kiến trong thời điểm nói trên. 

Một gia đình tị nạn VN và các nhà bảo trợ người Mỹ, 1975

Mặc dù chưa có đạo luật về tị nạn, chưa có “Nha Định Cư” như hiện nay, và cũng chưa có một quy chế rõ ràng ngoài hai chữ “tạm dung” (parolee), nhưng các nhà bảo trợ tư nhân, các thành viên của nhà thờ hay họ đạo hoặc các tổ chức cộng đồng của những người di dân và tị nạn khác, họ vẫn ồ ạt kéo đến các trại tạm cư như Pendleton, Fort Chaffee, Eglin Air Force base, và Fort Indiantown Gap v..v.. để làm đơn bảo trợ và đón nhận các gia đình người Việt về định cư ngay tại thành phố mà họ đang sinh sống, bất chấp sự khác biệt về ngôn ngữ, văn hóa hay phong tục, tập quán. Tất cả đều có thể giải quyết được bằng nhịp đập của những trái tim nhân ái.

Rồi gần nửa thế kỷ về sau, vào ngày 19 tháng Giêng, 2023, nước Mỹ đã quay lại với truyền thống cao đẹp đó, bằng cách thành lập The Welcome Corps, để kêu gọi các “Đoàn Chào Mừng” hãy thành lập các “Nhóm 5 Người” (Group of 5) để đón nhận và bảo lãnh những người tị nạn, đang vất vưởng ở các quốc gia mà họ tạm trú vì đã phải bỏ nước ra đi bởi sự đàn áp và ngược đãi ngay trên quê hương của mình.  

Thật ra thì hình thức “Bảo Trợ Tư Nhân” (Private Sponsoship) đã được chính phủ và người dân Canada áp dụng từ hơn 40 năm trước. Ngay cả trong cộng đồng người Việt của chúng ta sống tại đây, trong những năm qua, họ cũng đã và đang giang tay đón nhận hàng trăm đồng hương tị nạn của mình từ Thái Lan, Indonesia hay Phi Luật Tân… dưới hình thức “Group of 5” này. Chính vì thế, qua sự vận động của anh chị em chúng tôi cùng một số thiện nguyện viên, Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ đã quyết định áp dụng một chương trình tương tự như Canada, cho phép các tư nhân được bảo trợ người tị nạn mà họ chọn lựa, nếu hội đủ các điều kiện được ghi trong các văn bản vừa được công bố.

Tuy chương trình “Bảo Trợ Tư Nhân” đã được áp dụng từ một năm qua, nhưng cơ quan Welcome Corps (WC) mới chỉ thực hiện Giai Đoạn #1 (Phase #1), có tên là “Matching”, tức là WC sẽ giới thiệu bất cứ một gia đình tị nạn nào cho những người bảo trợ. Chúng tôi được biết trong Giai Đoạn #1, cộng đồng VN chúng ta mới có khoảng gần 10 “Group of 5” nộp đơn xin gia nhập, và 2 nhóm đã được WC chấp thuận, số còn lại đang hoàn tất thủ tục.

Đa số người Việt chúng ta, từ cá nhân cho đến các cộng đồng địa phương hay những tổ chức tôn giáo, hội đoàn v..v.., thì đều chờ đợi (Phase #2), có tên là “Naming”, cho phép người bảo trợ được quyền chọn lựa hay chỉ định đích danh một gia đình tị nạn nào hội đủ điều kiện, giới thiệu họ cho Phái Đoàn Mỹ (USRAP) để được phỏng vấn định cư tại Hoa Kỳ.

Sau gần một năm chờ đợi, thì vào cuối tháng 12, 2023 vừa qua, The Welcome Corps đã chính thức loan báo và bắt đầu nhận đơn cho Giai Đoạn #2.

Bài viết này có tình cách nhắc nhở và khuyến khích các thành viên có lòng trong cộng đồng người Việt của chúng ta ở Hoa Kỳ, đặc biệt là hàng trăm vị ân nhân đã tiếp xúc và liên lạc với chúng tôi, ngỏ ý muốn thành lập các “Nhóm 5 Người” để bảo trợ đồng hương của chúng ta đang mong mỏi đợi chờ ở Thái Lan rằng: Thời điểm để thực hiện những tâm ý nhân đạo đó đã đến. Chúng ta hãy đi theo truyền thống tốt đẹp và cao cả của người dân Mỹ và hãy mở rộng vòng tay bao dung để bảo trợ cho chính đồng hương của mình.

Đây là công việc chung, không phải của bất cứ hội đoàn, tổ chức hay cá nhân nào. Ai muốn góp tay cũng đều thực hiện được, càng đông nhóm bảo trợ, thì càng nhiều đồng bào tị nạn sẽ được cứu vớt.

Trong tinh thân hoàn toàn tình nguyện và bất vụ lợi, chúng tôi đã thành lập một nhóm hỗ trợ lấy tên là https://conduonghyvong.com/, với mục đích là để giúp đỡ và hỗ trợ quý vị trong thủ tục nộp đơn thành lập “Group of 5”. Chúng tôi sẽ lược dịch các chi tiết qua tiếng Việt, đồng thời đưa ra những hướng dẫn cụ thể từng bước đòi hỏi của tiến trình thành lập kế hoạch định cư (the welcome plan), kiểm tra lý lịch, cùng tham dự khóa huấn luyện online. Phần thưởng duy nhất mà chúng tôi mong đợi là sự đáp ứng đông đảo của quý vị đồng hương đang sống tại Hoa Kỳ, hầu thu ngắn lại con đường tìm kiếm tự do đầy gian truân và khổ cức mà hàng ngàn đồng bào chúng ta đang mòn mỏi đợi chờ.

Trước khi phổ biến bài viết này, chúng tôi đã có một cuộc họp với các viên chức phụ trách Welcome Corps vào ngày 1 tháng 2, 2024, và sau đây là một số tin tức cập nhật mà các nhóm bảo trợ cũng như người tị nạn cần biết:

1. Welcome Corps thông báo là sẽ không có gia đình người tị nạn Việt Nam nào được họ giới thiệu hay “matching” với các Group of 5 trong Giai Đoạn 1 tức Phase#1. Thay vào đó sẽ là những người tị nạn thuộc các quốc gia khác.

2. Tuy nhiên họ khuyến khích chúng ta nên nộp đơn cho Giai Đoạn 2 càng sớm, càng tốt để bảo trợ cho đồng bào của mình, vì trong tài khóa 2024 chỉ có 10 ngàn chổ dành cho chương trình “Bảo Trợ Tư Nhân” mà thôi.

3. Về thời gian cứu xét hồ sơ, thủ tục phỏng vấn cũng như tái định cư NẾU được chính phủ Mỹ chấp thuận của Giai Đoạn 2. Có thể kéo dài từ 8 tháng cho đến 2 năm hoặc lâu hơn tùy theo hoàn cảnh và từng trường hợp.

4. Ngay từ bây giờ, người tị nạn cần phải chuẩn bị để cung cấp các chi tiết duới đây cho các nhóm bảo trợ để họ bao gồm trong hồ sơ xin bảo lãnh:

– Tiểu sử của người tị nạn (tên, ngày sinh, nơi sinh); Lý do tại sao họ phải rời bỏ quê hương và không thể trở về?

– Nếu đã có hồ sơ với Phái Đoàn Mỹ (USRAP), xin cung cấp danh số.

– Các tài liệu đính kèm như: THẺ ĐĂNG KÝ VỚI UNHCR trước ngày September 30, 2023 (có danh số). Thẻ căn cước VN hay hộ chiếu (nếu có), cùng các chứng từ về tị nạn.

– Ảnh chụp cá nhân của từng thành viên trong gia đình (theo mẫu hộ chiếu).  

– Người tị nạn đầu tiên trong đơn đăng ký sẽ là “Người liên hệ chính” (Primary Contact). Người liên hệ chính không nhất thiết phải là chủ hộ, nhưng phải ít nhất 18 tuổi và có thể trả lời các câu hỏi cho toàn bộ gia đình.

Xin liên lạc với chúng tôi để biết thêm chi tiết.   

Nam Lộc, GS Nguyễn Xuân Can, Bùi Vũ Huy Hoàng, cùng các Thiện Nguyện Viên “Con Đường Hy Vọng” chân thành cảm tạ.