Tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ
I. DẪN NHẬP
Năm 1975 là bước ngoặt lịch sử của Việt Nam khi đất nước thống nhất và kết thúc Chiến tranh Việt Nam, một cuộc chiến tranh kéo dài hai thập kỷ. Chiến thắng này không chỉ mang lại niềm vui giải phóng dân tộc mà còn mở ra cơ hội hiếm có để tái thiết nền kinh tế bị tàn phá nặng nề và xây dựng vị thế trên trường quốc tế. Với vị trí chiến lược tại Đông Nam Á và sự quan tâm đặc biệt của cộng đồng quốc tế sau chiến tranh, Việt Nam có điều kiện thuận lợi để hội nhập sâu rộng và nhận được sự hỗ trợ từ các cường quốc, đặc biệt là Mỹ.
Tuy nhiên, thay vì nắm bắt cơ hội để hướng tới hòa giải và phát triển, Việt Nam đã lựa chọn tiếp tục duy trì quan hệ đối đầu với Mỹ. Quyết định này kéo dài thời kỳ cấm vận kinh tế từ phía Mỹ và đồng minh, đẩy đất nước vào tình trạng cô lập quốc tế, từ đó làm chậm tiến trình phục hồi kinh tế và đặt ra nhiều thách thức trong chính sách đối ngoại suốt hai thập niên hậu chiến.
Ngay sau chiến tranh, Mỹ đã bày tỏ thiện chí hòa giải và sẵn sàng hỗ trợ tái thiết thông qua các tín hiệu rõ ràng, đặc biệt là viện trợ kinh tế nếu hai bên tiến tới bình thường hóa quan hệ vô điều kiện. Song, Việt Nam đã không tận dụng được cơ hội này khi đưa ra yêu cầu bồi thường chiến tranh dưới hình thức viện trợ tái thiết theo Hiệp định Paris – một đòi hỏi không tương xứng với tình hình chính trị và quan điểm của Mỹ lúc bấy giờ. Hệ quả là, các cuộc đàm phán đã rơi vào bế tắc, khiến Việt Nam lỡ mất cơ hội sớm thiết lập quan hệ ngoại giao với Mỹ. Điều này không chỉ để lại những khó khăn về kinh tế mà còn gây ảnh hưởng tiêu cực đến uy tín quốc tế của đất nước khi phải đối mặt với những thách thức an ninh, điển hình là chiến tranh biên giới với Trung Quốc năm 1979.
Lựa chọn đối đầu với Mỹ trong thời kỳ hậu chiến không chỉ là hệ quả của những mâu thuẫn lịch sử mà còn phản ánh sâu sắc sự chi phối của ý thức hệ xã hội chủ nghĩa trong tư duy lãnh đạo Việt Nam. Niềm tin mãnh liệt vào chủ nghĩa xã hội – được củng cố bởi mối quan hệ phụ thuộc vào Liên Xô – đã khiến Việt Nam không chỉ coi Mỹ là cựu thù mà còn là biểu tượng của tư tưởng tư bản đối lập, dẫn đến thái độ dè dặt và thiếu linh hoạt trong các cuộc đàm phán hòa giải. Quyết định này đã bỏ lỡ cơ hội hợp tác chiến lược với một siêu cường, đồng thời làm suy yếu khả năng đối phó với các mối đe dọa, đặc biệt là từ Trung Quốc, vốn ngày càng hiện hữu sau chiến tranh.
II . BỐI CẢNH QUỐC TẾ VÀ TRONG NƯỚC HẬU CHIẾN
Căng thẳng Liên Xô – Trung Quốc
Vào cuối thập niên 1970 và đầu thập niên 1980, sự căng thẳng giữa Liên Xô và Trung Quốc đã làm thay đổi cấu trúc chính trị và quan hệ quốc tế của Đông Nam Á, ảnh hưởng trực tiếp đến Việt Nam. Cuộc chia rẽ này, không chỉ xảy ra giữa hai cường quốc xã hội chủ nghĩa mà còn lan tỏa trong phong trào cộng sản toàn cầu, buộc các nước như Việt Nam phải lựa chọn phe.
Sự bất đồng giữa Liên Xô và Trung Quốc chủ yếu xuất phát từ những khác biệt sâu sắc về lý tưởng, quyền lực và chiến lược. Sau cái chết của Mao Trạch Đông năm 1976, Đặng Tiểu Bình đã đưa ra các chính sách cải cách và mở cửa, tuy nhiên vẫn giữ thái độ hoài nghi đối với Liên Xô, mà Trung Quốc coi là đối thủ chiến lược và là quốc gia có xu hướng áp đặt mô hình “độc tài” và “quân sự hóa”. Các sự kiện như can thiệp quân sự của Liên Xô vào Tiệp Khắc năm 1968 và cuộc xung đột vũ trang trên đảo Damansky năm 1969 đã góp phần làm gia tăng căng thẳng, qua đó ảnh hưởng đến quyền lực và ảnh hưởng khu vực.
Trong bối cảnh đó, sau ngày 30/4/1975, Việt Nam đã quyết định xem Liên Xô là “hòn đá tảng” về chính trị, quân sự và kinh tế. Tuy nhiên, mối quan hệ với Trung Quốc lại phức tạp hơn nhiều. Mặc dù Trung Quốc từng hỗ trợ Việt Nam trong các cuộc chiến tranh chống Pháp và Mỹ, sau đó, mối quan hệ trở nên căng thẳng do các tranh chấp liên quan đến cộng đồng gốc Hoa, biên giới và vấn đề Campuchia – khi Trung Quốc lo ngại ảnh hưởng của Việt Nam trong khu vực Đông Nam Á, nhất là sau khi Việt Nam lật đổ chính quyền Khmer Đỏ vào đầu năm 1979.
Bên cạnh đó, Liên Xô – dù là nguồn viện trợ chính về quân sự và kinh tế – cũng không thể ủng hộ mọi hành động của Việt Nam do phải cân nhắc đến mối quan hệ với Trung Quốc và các nước xã hội chủ nghĩa khác. Tranh chấp giữa Liên Xô và Trung Quốc càng làm phức tạp vị thế của Việt Nam, buộc quốc gia này phải lựa chọn giữa duy trì quan hệ mật thiết với Liên Xô và đối phó với sự đối kháng từ Trung Quốc.
Tóm lại, căng thẳng giữa Liên Xô và Trung Quốc đã tạo ra một môi trường chính trị rối ren, khiến Việt Nam phải đối mặt với một lựa chọn chiến lược khó khăn: duy trì mối quan hệ với Liên Xô – nguồn hỗ trợ và “trụ cột” của chính sách đối ngoại – trong khi đồng thời phải đối phó với áp lực từ Trung Quốc, từ đó làm tăng tính bất ổn trong việc định hình vị thế quốc tế của Việt Nam.
Quan hệ Mỹ – Trung Quốc cải thiện:
Sau năm 1975, bối cảnh chính trị toàn cầu chứng kiến sự chuyển biến quan trọng với việc cải thiện quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc, tạo nên những tác động chiến lược lớn đến khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.
Trước năm 1972, mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc bị chi phối bởi sự đối đầu căng thẳng kéo dài hơn hai thập kỷ. Dưới sự lãnh đạo của Mao Trạch Đông, Trung Quốc coi Mỹ là kẻ thù chính của chủ nghĩa cộng sản, trong khi Mỹ lo ngại sự lan rộng của chủ nghĩa cộng sản trên toàn cầu. Tuy nhiên, vào thập niên 1970, cả hai bên đều nhận thức được lợi ích của việc thay đổi chiến lược trong bối cảnh mới.
Đối với Mỹ, Chiến tranh Việt Nam đã tiêu tốn nguồn lực lớn mà không đạt được kết quả như kỳ vọng, đồng thời Mỹ đang đối mặt với sức ép cạnh tranh từ Liên Xô – một siêu cường mở rộng ảnh hưởng ở nhiều khu vực. Việc thiết lập quan hệ với Trung Quốc trở thành chiến lược nhằm chia rẽ khối cộng sản và tạo áp lực đối với Việt Nam trong các cuộc đàm phán hòa bình tại Paris.
Trung Quốc, sau cuộc xung đột biên giới năm 1969 với Liên Xô, ngày càng cảm thấy bị cô lập khi cả Mỹ lẫn Liên Xô đều xem mình là đối thủ tiềm năng. Trong bối cảnh đó, Trung Quốc chủ động tìm kiếm cơ hội hợp tác với Mỹ để cân bằng quyền lực và thúc đẩy quá trình mở cửa kinh tế, qua đó tăng cường vị thế quốc tế của mình.
Chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống Richard Nixon vào tháng 2 năm 1972 đã đánh dấu bước ngoặt lịch sử trong quan hệ hai nước. Qua Tuyên bố chung Thượng Hải, Mỹ đã công nhận nguyên tắc “một Trung Quốc” – theo đó Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa được coi là chính phủ hợp pháp duy nhất đại diện cho toàn bộ Trung Quốc, bao gồm cả Đài Loan – trong khi Trung Quốc cam kết thúc đẩy đối thoại hòa bình ở khu vực. Cam kết này của Bắc Kinh được hiểu là giảm hoặc hạn chế viện trợ quân sự và hậu cần cho Bắc Việt Nam, từ đó làm suy yếu khả năng tác chiến của Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam, bộ phận Quân đội Nhân dân Việt Nam và gây sức ép buộc Hà Nội nhượng bộ, chấp nhận một giải pháp có lợi cho Mỹ, như giữ lại chính quyền Việt Nam Cộng hòa (VNCH) thay vì để Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (VNDCCH) thống nhất đất nước bằng quân sự.
Mối quan hệ cải thiện giữa Mỹ và Trung Quốc cũng đặt ra những thách thức mới cho Việt Nam. Khi hai cường quốc này bắt tay cùng nhau, Việt Nam trở nên tương đối bị cô lập về mặt chiến lược. Sự phụ thuộc vào viện trợ của Liên Xô khiến Việt Nam phải gắn bó chặt chẽ với các cam kết về ý thức hệ, hạn chế tính linh hoạt trong chính sách đối ngoại. Đồng thời, hợp tác ngầm giữa Mỹ và Trung Quốc nhằm ngăn chặn sự trỗi dậy của Việt Nam trong khu vực cũng dẫn đến những căng thẳng và xung đột, thể hiện rõ qua cuộc xâm lược của Trung Quốc năm 1979 và các tranh chấp liên quan đến Campuchia.
Tóm lại, việc cải thiện quan hệ Mỹ – Trung Quốc sau năm 1975 đã định hình lại môi trường chiến lược ở Đông Nam Á. Đối với Việt Nam, giai đoạn này không chỉ đem đến những thách thức trong chính trị và kinh tế mà còn làm thay đổi đáng kể bối cảnh quan hệ đối ngoại, đòi hỏi quốc gia này phải điều chỉnh chiến lược để tồn tại và phát triển trong bối cảnh quốc tế ngày càng phức tạp.
Tiến hành cách mạng chủ nghĩa xã hội trên phạm vi cả nước
Sau khi đất nước thống nhất năm 1975, dưới sự lãnh đạo của ĐCSVN, Việt Nam đã quyết định xây dựng nền kinh tế, xã hội và chính trị trên cơ sở chủ nghĩa xã hội, coi đây là con đường duy nhất để tái thiết và phát triển đất nước. Tại Đại hội IV năm 1976, ĐCSVN khẳng định rằng cách mạng xã hội chủ nghĩa – cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân nhằm xóa bỏ chế độ tư bản và tiến tới chủ nghĩa cộng sản – là chiến lược toàn diện của quốc gia, trong đó Mỹ được xem là đối tượng đấu tranh chứ không phải là đối tác hợp tác.
Để thực hiện mục tiêu này, Việt Nam đã triển khai một loạt các chính sách chủ đạo nhằm chuyển đổi hệ thống kinh tế:
Quốc hữu hóa và tập trung quyền lực kinh tế: Chính quyền đã thực hiện chính sách quốc hữu hóa doanh nghiệp tư nhân và hợp tác xã nhằm tập trung quyền lực kinh tế vào tay Nhà nước, xóa bỏ sự phân chia giữa các thành phần kinh tế và xây dựng nền kinh tế xã hội chủ nghĩa từ trung ương.
Cải cách ruộng đất: Nhà nước tiến hành tập thể hóa ruộng đất với mục tiêu chuyển đổi hình thức sở hữu, khuyến khích hình thành hợp tác xã nông nghiệp, nhằm phát triển sản xuất tập trung và nâng cao hiệu quả nông nghiệp.
Xây dựng nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung: Việt Nam tập trung kiểm soát toàn bộ hoạt động sản xuất, phân phối và tiêu dùng, ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp trọng điểm như điện lực, khai khoáng và chế tạo máy móc.
Tuy nhiên, các chính sách này, dù mang tính cách mạng, cũng gặp phải nhiều khó khăn như hiệu quả sản xuất thấp, lãng phí tài nguyên, thiếu sự đổi mới công nghệ và sự quản lý kém hiệu quả. Đồng thời, trong bối cảnh bị Mỹ cấm vận và căng thẳng với các quốc gia phương Tây khác, Việt Nam phải phụ thuộc vào viện trợ từ Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu. Khi nguồn viện trợ này suy giảm vào giữa thập niên 1980, quốc gia này buộc phải tiến hành cải cách kinh tế, gọi là “Đổi mới” vào năm 1986, nhằm thu hẹp mô hình kế hoạch hóa tập trung và cho phép kinh tế tư nhân hoạt động trở lại. Sự thay đổi này đánh dấu sự kết thúc của giai đoạn cách mạng xã hội chủ nghĩa toàn diện trong lĩnh vực kinh tế và mở đường cho một hướng đi mới trong chính sách phát triển.
Vai trò của Lê Duẩn
Lê Duẩn, trong vai trò Bí thư thứ nhất rồi Tổng Bí thư ĐCSVN, đã định hình một chính sách đối ngoại cứng rắn trong giai đoạn 1960–1980, trong đó Mỹ và Trung Quốc được xác định là những đối thủ cần phải đối đầu.
Sau khi Pháp rút khỏi Đông Dương vào năm 1954 sau thất bại tại Điện Biên Phủ, Mỹ nhanh chóng thay thế, tiến hành Chiến tranh Việt Nam nhằm ngăn chặn sự lan rộng của chủ nghĩa cộng sản ở Đông Nam Á theo “Thuyết Domino”. Để thực hiện mục tiêu này, năm 1955, Mỹ thành lập Việt Nam Cộng hòa ở miền Nam Việt Nam, đưa Ngô Đình Diệm lên làm Tổng thống. Ngay sau đó, chính quyền Diệm phát động hàng loạt chiến dịch “tố cộng”, “diệt cộng” nhằm truy tìm và tiêu diệt những cán bộ kháng chiến hoặc có liên quan đến Việt Minh mà họ gọi là Việt Cộng. Đến tháng 5/1957, chính quyền này ban hành luật “đặt cộng sản ngoài vòng pháp luật”.
Trong khi đó, Trung ương Đảng Lao động Việt Nam (ĐCSVN) không chủ trương đấu tranh vũ trang, chỉ yêu cầu chính quyền Diệm thực thi Hiệp định Genève, hiệp thương tổng tuyển cử với miền Bắc. Đường lối đấu tranh hòa bình này này dẫn đến tổn thất nghiêm trọng cho những người cộng sản. Tổng bí thư ĐCSVN ông Nguyễn Phú Trọng cho biết: “Trong những năm 1954 – 1959, ở miền Nam đã có 466.000 đảng viên và những người yêu nước bị bắt giam, 400.000 người bị đưa đi đày và 68.000 người bị giết.” (1)
Trước tình hình bất lợi đó, vào tháng 8/1956, Lê Duẩn, khi đó là Bí thư Xứ ủy Nam bộ, đã hoàn thành bản Đề cương Cách mạng miền Nam, trong đó khẳng định: “Trước chính sách khủng bố tàn bạo của kẻ thù, nhân dân miền Nam không có con đường nào khác là phải đứng lên đập tan chính sách độc tài của Mỹ – Diệm để tự cứu mình.” Đầu năm 1957, Bộ chính trị Đảng giao Đại tướng Võ Nguyên Giáp và một số cán bộ cao cấp soạn thảo đường lối mới cho cách mạng miền Nam. Những người này nhận định: “Địch dùng biện pháp quân sự đàn áp nhân dân ta, tiếp tục đấu tranh hòa bình sẽ không có kết quả, phải đấu tranh vũ trang mới đưa phong trào cách mạng tiến lên được.” Tuy nhiên, dưới sức ép từ Liên Xô và Trung Quốc đang theo đuổi chính sách “chung sống hòa bình” với Mỹ, chủ trương chuyển cách mạng miền Nam sang đấu tranh vũ trang đã không nhận được sự nhất trí cao trong Bộ chính trị.
Cuối năm 1957, Lê Duẩn được Trung ương Đảng điều ra Hà Nội và được Hồ Chí Minh cử thay Đại tướng Võ Nguyên Giáp để tiếp tục xây dựng và hoàn chỉnh đường lối mới cho cách mạng miền Nam. Tại Đại hội III Đảng Lao động Việt Nam năm 1960, ông được bầu làm Bí thư thứ nhất.
Lê Duẩn nhận thức rõ rằng để giành chiến thắng trong cuộc chiến nhằm thống nhất đất nước, sự hỗ trợ của Liên Xô—với tư cách siêu cường xã hội chủ nghĩa—mang tính sống còn. Tuy nhiên, trong giai đoạn 1954–1964, khi Nikita Khrushchev, người chủ trương “chung sống hòa bình” với Mỹ, giữ cương vị lãnh đạo Liên Xô, nước này chỉ đóng vai trò “quan sát viên.” Phải đến khi Leonid Brezhnev lên thay vào năm 1964, Liên Xô mới trở thành nguồn viện trợ quân sự chủ chốt cho Việt Nam (2).
Từ năm 1965 đến 1974, Việt Nam đã nhận được từ Liên Xô:
xe tăng, 1.708 xe bọc thép, 7.000 khẩu pháo và súng cối, hơn 5.000 khẩu pháo cao xạ và bệ phóng, 158 tổ hợp tên lửa, hơn 700 máy bay chiến đấu, 120 máy bay trực thăng, 100 tàu chiến.
117 cơ sở quốc phòng được xây dựng, bao gồm sân bay, căn cứ hải quân, công trình phòng thủ, trường huấn luyện.
Quân nhân Liên Xô có mặt tại miền Bắc Việt Nam từ 11/7/1965 đến 31/12/1974 với 6.359 tướng lĩnh, sĩ quan và hơn 4.500 hạ sĩ quan, binh sĩ làm chuyên gia quân sự và trực tiếp tham chiến.
Từ 1966 đến 1975, 13.500 quân nhân Việt Nam được đào tạo tại các cơ sở quân sự của Liên Xô.
Sự hỗ trợ này không chỉ mang tính vật chất mà còn là sự hậu thuẫn chính trị mạnh mẽ, giúp củng cố tinh thần và nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Trong khi đó, Trung Quốc—một đồng minh quan trọng trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ—đã dần trở thành kẻ thù, từ tiềm tàng đến trực tiếp, trong những năm 1970 và 1980.
Ngay từ năm 1963, khi Mỹ đang tiến hành chiến tranh đặc biệt ở miền Nam Việt Nam, Lê Duẩn đã xác định rằng Trung Quốc, dù cùng ý thức hệ xã hội chủ nghĩa, vẫn có tham vọng xâm lược Việt Nam, và ông đã thể hiện quyết tâm chống lại điều đó. Nhà lãnh đạo ĐCSVN không ngần ngại nói thẳng với Mao Trạch Đông, như được ông kể lại trong một bài phát biểu năm 1979 (3):
“Năm 1963, khi Khrushchev phạm sai lầm, ngay lập tức [Trung Quốc] ban hành một tuyên bố 25 điểm và mời đảng chúng ta đến cho ý kiến.
…Trước khi chúng tôi ra về, Mao gặp anh Trường Chinh và tôi. Mao ngồi xuống trò chuyện với chúng tôi và cuối cùng ông ta tuyên bố: “Các đồng chí, tôi muốn nói cho các đồng chí biết điều này. Tôi sẽ là chủ tịch của 500 triệu nông dân đang thiếu đất, và tôi sẽ mang một đạo quân tiến xuống khu vực Đông Nam Á.“Đặng Tiểu Bình cũng ngồi ở đó, nói thêm: “Chủ yếu là vì nông dân nghèo, trong tình cảnh khó khăn cùng cực!”
Khi chúng tôi ra ngoài, tôi nói với anh Trường Chinh: “Đó anh thấy đó, âm mưu chiếm nước ta và Đông Nam Á. Bây giờ đã rõ rồi.“ Họ dám tuyên bố điều đó như thế. Họ nghĩ chúng ta không hiểu. Đúng là không lúc nào họ không nghĩ đến đánh Việt Nam!
… Đối với Việt Nam, họ không dám nói về việc đưa người tới theo cách này. Tuy nhiên, ông ta (Mao) nói với tôi: “Đồng chí, có đúng là người của các đồng chí đã chiến đấu và đánh bại quân Nguyên?” Tôi nói: “Đúng“. Ông ta hỏi: “Có phải cũng chính người của đồng chí đã đánh bại quân Thanh?” Tôi nói: “Đúng“. Ông ta nói: “Và quân Minh nữa, phải không?” Tôi nói: “Đúng, và cả các ông nữa. Tôi đánh các ông luôn. Các ông có biết điều đó không?
Tôi đã nói với Mao Trạch Đông như thế. Ông ta nói: “Có, có!” Ông ta muốn chiếm Lào, cả Thái Lan, cũng như muốn chiếm tất cả các nước Đông Nam Á. Đưa người dân đến sống ở đó. Quan điểm đó thật là phức tạp.
… Phải nói rằng, người kiên quyết nhất là người có tinh thần Đại Hán và là người muốn chiếm Đông Nam Á, đó chính là Mao Trạch Đông. Tất cả các chính sách (của Trung Quốc) đều nằm trong tay ông ta.”
Quan điểm tiêu cực của Lê Duẩn về Trung Quốc cuối cùng đã được thể chế hóa trong Hiến pháp Việt Nam năm 1980 (4), khi cụm từ “bọn bá quyền Trung Quốc xâm lược” được chính thức đưa vào văn bản pháp lý cao nhất của đất nước. Điều này phản ánh hệ quả của cuộc chiến tranh biên giới do Trung Quốc phát động vào năm 1979. Việc gọi Trung Quốc là “bá quyền” không chỉ thể hiện lập trường đối kháng mà còn loại bỏ nước này khỏi phạm trù “xã hội chủ nghĩa”, khi Việt Nam đồng nhất việc “chống chủ nghĩa bành trướng, bá quyền” với “nghĩa vụ quốc tế cao cả” của mình.
III. CHÍNH SÁCH ĐỐI NGOẠI CỦA VIỆT NAM THỜI HẬU CHIẾN
Say men chiến thắng và ý thức hệ xã hội chủ nghĩa.
Trong suốt thời kỳ Chiến tranh Lạnh và kháng chiến chống Mỹ, Việt Nam đã xây dựng chính sách đối ngoại và phát triển dựa trên niềm tin mãnh liệt vào chiến thắng của ý thức hệ xã hội chủ nghĩa. Nghị quyết Đại hội IV của ĐCSVN (1976) khẳng định:
“Thắng lợi của nhân dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước là một trong những trang chói lọi nhất của lịch sử dân tộc và là một sự kiện có tầm quan trọng quốc tế to lớn và có tính chất thời đại sâu sắc…Thắng lợi ấy làm thất bại cuộc chiến tranh xâm lược thực dân mới quy mô lớn nhất và dài ngày nhất từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai, làm đảo lộn chiến lược toàn cầu của tên đế quốc đầu sỏ, đẩy Mỹ vào tình thế khó khăn chưa từng thấy, thu hẹp và làm suy yếu hơn nữa hệ thống đế quốc chủ nghĩa, củng cố tiền đồn của chủ nghĩa xã hội ở Đông Nam Á, mở rộng và tăng cường hệ thống xã hội chủ nghĩa, tăng thêm sức mạnh và thế tiến công của các lực lượng cách mạng trên thế giới… Cuộc sống chứng tỏ rằng hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới ngày càng phát huy tác dụng là nhân tố quyết định sự phát triển của xã hội loài người. Đó là thành trì kiên cố của cách mạng vô sản thế giới, là chỗ dựa vững chắc của phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân các nước… Thất bại hoàn toàn của Mỹ trong chiến tranh xâm lược Việt Nam đánh dấu một bước ngoặt đi xuống của đế quốc Mỹ. Suy yếu nhiều về quân sự, chính trị và kinh tế, chúng đã kéo cả thế giới tư bản chủ nghĩa lún sâu vào tổng khủng hoảng toàn diện, không phương cứu chữa.” (5)
Nghị quyết phản ánh tinh thần lạc quan và tự hào dân tộc trong thời kỳ hậu chiến, nhưng đồng thời cũng thể hiện một số đánh giá lạc quan và không thực tế về khả năng và vị thế của Việt Nam sau chiến thắng.
Đầu tiên, Nghị quyết thể hiện sự tin tưởng quá mức vào sức mạnh ý thức hệ xã hội chủ nghĩa, khi khẳng định rằng chủ nghĩa xã hội là “tương lai tất yếu của nhân loại.” Chiến thắng năm 1975 được coi là bằng chứng không thể chối cãi về sự ưu việt của hệ thống xã hội chủ nghĩa, nhưng điều này bỏ qua những vấn đề nội tại của hệ thống này, cũng như khủng hoảng kinh tế và chính trị mà các quốc gia xã hội chủ nghĩa đang đối mặt vào thời điểm đó.
Tiếp theo, văn kiện này xác định Việt Nam là “tiền đồn của chủ nghĩa xã hội ở Đông Nam Á”, gánh vác trách nhiệm dẫn dắt phong trào cách mạng trong khu vực. Đây là một khẳng định tuyên truyền mạnh mẽ nhưng vượt quá khả năng thực tế của một quốc gia vừa trải qua chiến tranh tàn khốc. Việt Nam vào thời điểm đó thiếu các yếu tố cần thiết như nền tảng kinh tế vững mạnh và tiềm lực quân sự hay chính trị để thực hiện vai trò “tiền đồn” này.
Ngoài ra, Nghị quyết còn hạ thấp đối thủ, đặc biệt là Mỹ, khi mô tả thất bại của Mỹ tại Việt Nam như “một bước ngoặt đi xuống”, “kéo cả thế giới tư bản chủ nghĩa lún sâu vào tổng khủng hoảng toàn diện, không phương cứu chữa.” Quan điểm này bỏ qua khả năng phục hồi kinh tế nhanh chóng của Mỹ sau chiến tranh và sự chuyển dịch chiến lược toàn cầu mà Mỹ thực hiện. Mặc dù Việt Nam chiến thắng trong chiến tranh, điều này không có nghĩa là Mỹ sẽ suy yếu mãi mãi. Tư duy này của ĐCSVN thể hiện kỳ vọng vào một tương lai dễ dàng mà không có sự chuẩn bị đầy đủ đối với những biến động toàn cầu mà Việt Nam sẽ phải đối mặt. Việc phê phán Mỹ trong Nghị quyết cũng phản ánh sự không nhận thức rõ ràng về tầm quan trọng của việc duy trì quan hệ quốc tế và sự hợp tác với các nước tư bản phát triển để phát triển đất nước sau chiến tranh.
Nguyên nhân của những khẳng định cường điệu hóa nói trên là “say men chiến thắng”.
Say men chiến thắng là một hiện tượng khá phổ biến trong lịch sử, đặc biệt sau những chiến thắng lớn, khi sự thành công có xu hướng được lý tưởng hóa và dẫn đến sự tự mãn và phấn khích quá mức của các lãnh đạo hoặc cả cộng đồng, làm suy yếu khả năng đánh giá đúng đắn về thực tế và những thử thách thực tế phía trước. Một trong những biểu hiện rõ rệt của tâm lý này là sự tập trung vào quá khứ vinh quang. Khi một quốc gia hoặc hệ thống chính trị đạt được chiến thắng lớn, đặc biệt là trong bối cảnh chiến tranh hoặc xung đột quân sự, họ dễ dàng bị cuốn vào hào quang của thành công, đánh giá quá cao những thành tựu đã đạt được và lờ đi những khó khăn thực tế mà họ sẽ phải đối mặt.
Sự tự mãn và đánh giá sai lầm là một hậu quả rõ rệt của tâm lý “say men chiến thắng.” Khi chiến thắng được thần thánh hóa, các nhà lãnh đạo có xu hướng đánh giá quá cao khả năng của mình và hệ thống chính trị. Họ trở nên chủ quan trong tư duy và hành động, không nhận ra rằng đối thủ có thể phục hồi và có thể có những khả năng tiềm tàng mà họ đã đánh giá thấp.
Sự cứng nhắc trong chiến lược là một hệ quả quan trọng khác của tâm lý này. Khi một quốc gia say men chiến thắng, họ có xu hướng duy trì những cách tiếp cận giáo điều hoặc cứng nhắc, mà không điều chỉnh theo thực tế. Việc gắn chiến thắng với một hệ tư tưởng mạnh mẽ càng làm gia tăng sự bảo thủ trong các quyết sách. Các lãnh đạo có thể từ chối những ý kiến phản biện hoặc sự tư vấn từ các chuyên gia, vì họ tin tưởng quá mức vào “sự bất khả chiến bại” của bản thân. Hệ quả là, quốc gia này có thể rơi vào tình trạng trì trệ, không phát triển đúng hướng và bỏ lỡ các cơ hội chiến lược.
Một trong những tác động tiêu cực của tâm lý “say men chiến thắng” là sự trì trệ và xa rời thực tế. Tâm lý tự mãn khiến các lãnh đạo và chính phủ không nhận ra sự cần thiết phải cải cách và thay đổi, và thay vào đó tập trung vào việc củng cố quyền lực và duy trì “hào quang chiến thắng”. Điều này không chỉ dẫn đến sự trì trệ trong phát triển kinh tế và xã hội, mà còn làm suy giảm niềm tin của người dân vào chính phủ và tổ chức lãnh đạo. Về mặt đối ngoại, tâm lý này có thể dẫn đến những hành động thiếu cân nhắc, gây căng thẳng trong quan hệ quốc tế và làm giảm khả năng hợp tác, từ đó bỏ lỡ các cơ hội hòa bình và phát triển.
Tóm lại, say men chiến thắng là một trạng thái tâm lý nguy hiểm, dẫn đến sự tự mãn, đánh giá sai lầm và thiếu linh hoạt trong chiến lược. Khi một quốc gia hoặc tổ chức trở nên quá tập trung vào chiến thắng trong quá khứ và quá tự tin vào khả năng của mình, họ có thể bị cuốn vào những quyết định sai lầm và bỏ qua các thách thức thực tế, từ đó tạo ra những hậu quả tiêu cực cho sự phát triển dài hạn của quốc gia đó.
Lịch sử thế giới đã chứng kiến nhiều trường hợp say men chiến thắng dẫn đến những sai lầm chiến lược không thể khắc phục:
Đế chế La Mã: Sau khi đánh bại Carthage trong các cuộc chiến Punic, La Mã trở nên tự mãn, mở rộng lãnh thổ quá mức mà không quản lý hiệu quả, dẫn đến sự suy tàn sau đó.
Napoléon Bonaparte: Thành công liên tiếp trên chiến trường khiến Hoàng đế Pháp Napoléon tin vào sự bất khả chiến bại, dẫn đến quyết định sai lầm khi xâm lược Nga năm 1812, khiến đế chế của ông sụp đổ.
Đế quốc Nhật Bản: Sau những thắng lợi đầu tiên trong Thế chiến II, Nhật Bản đánh giá thấp sức mạnh của Mỹ và đồng minh, dẫn đến thất bại thảm hại sau đó.
Say men chiến thắng gắn liền với tư duy ý thức hệ đã ảnh hưởng sâu sắc đến chính sách đối ngoại của Việt Nam thời hậu chiến, thể hiện ở sự tập trung vào việc duy trì mối quan hệ chặt chẽ với các quốc gia xã hội chủ nghĩa, đặc biệt là Liên Xô, và duy trì đối kháng với Mỹ.
Sự thù địch của Trung Quốc và chính sách “Nhất biên đảo”
Chính sách “Nhất biên đảo” – ngả hẳn về Liên Xô – được coi là “hòn đá tảng” trong chính sách ngoại giao của Việt Nam trong giai đoạn hậu chiến, phản ánh sự kết hợp chặt chẽ của các yếu tố chính trị, ý thức hệ, quân sự và kinh tế. Đối với Lê Duẩn và các cộng sự của ông trong Bộ chính trị ĐCSVN, đây là một bước đi chiến lược có tính quyết định, không chỉ nhằm bảo vệ an ninh quốc gia mà còn để củng cố nền tảng xã hội chủ nghĩa mà Việt Nam theo đuổi.
Về mặt chính trị và ý thức hệ, sự đồng thuận giữa Việt Nam và Liên Xô về chủ nghĩa quốc tế xã hội chủ nghĩa, còn gọi là chủ nghĩa quốc tế, tạo nên một mối quan hệ đặc biệt.
Chủ nghĩa quốc tế xã hội chủ nghĩa là một nguyên tắc tư tưởng và chiến lược chính trị trong phong trào cộng sản và xã hội chủ nghĩa, nhấn mạnh sự đoàn kết và hợp tác giữa các quốc gia có chung hệ tư tưởng Mác – Lênin. Xuất phát từ quan điểm rằng giai cấp công nhân trên toàn thế giới có lợi ích chung, chủ nghĩa này kêu gọi sự liên kết của giai cấp vô sản nhằm đấu tranh chống lại chủ nghĩa tư bản và đế quốc. Theo đó, giai cấp công nhân không có biên giới quốc gia mà là một lực lượng toàn cầu cần hợp tác để giành chính quyền và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Karl Marx và Friedrich Engels trong Tuyên ngôn Cộng sản (1848) đã khẳng định: “Vô sản toàn thế giới, đoàn kết lại!”
Theo lý thuyết này, các quốc gia xã hội chủ nghĩa có trách nhiệm hỗ trợ lẫn nhau về chính trị, kinh tế và quân sự để bảo vệ và củng cố chế độ. Trên thực tế, Liên Xô đã viện trợ mạnh mẽ cho Việt Nam, Cuba và Triều Tiên nhằm duy trì và mở rộng ảnh hưởng của hệ thống xã hội chủ nghĩa. Chủ nghĩa quốc tế xã hội chủ nghĩa cũng bác bỏ tư tưởng dân tộc vị kỷ, nhấn mạnh lợi ích chung của phong trào vô sản toàn cầu hơn là lợi ích quốc gia riêng lẻ.
Chủ nghĩa này cũng đồng nhất với lập trường chống chủ nghĩa đế quốc, kẻ thù chung của giai cấp vô sản toàn cầu. Với tư cách là cường quốc hàng đầu của phe tư bản, Mỹ bị coi là “đế quốc đầu sỏ”, không chỉ về kinh tế mà còn về chính trị và quân sự, đi ngược lại mục tiêu xây dựng chủ nghĩa xã hội trên phạm vi quốc tế. Mỹ bị cáo buộc can thiệp, lật đổ các chính phủ xã hội chủ nghĩa và hỗ trợ các thế lực phản động chống lại các phong trào cộng sản. Vì vậy, các quốc gia xã hội chủ nghĩa phải đoàn kết thành một mặt trận thống nhất chống lại Mỹ và đồng minh của Mỹ. Liên Xô và Trung Quốc cho đến cuối những năm 1950 đóng vai trò lãnh đạo trong việc thiết lập một hệ thống quan hệ quốc tế riêng biệt, tách khỏi hệ thống tài chính, kinh tế và chính trị của Mỹ.
Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Liên Xô là nước dẫn đầu phong trào quốc tế xã hội chủ nghĩa khi thiết lập khối quân sự Hiệp ước Warsaw và Hội đồng Tương trợ Kinh tế (COMECON) để hỗ trợ các nước xã hội chủ nghĩa.
Về mặt kinh tế, Việt Nam đã phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng sâu sắc sau năm 1975. Đất nước bị tàn phá nghiêm trọng bởi chiến tranh, nền công nghiệp gần như bị hủy diệt, và nhu cầu về các nhu yếu phẩm cơ bản là rất lớn. Chính trên tinh thần của chủ nghĩa quốc tế xã hội chủ nghĩa, Liên Xô đã nhanh chóng đáp ứng nhu cầu này bằng cách cung cấp viện trợ tài chính, công nghệ và hàng hóa tiêu dùng thiết yếu. Chỉ trong trong giai đoạn 1976-1980, khối lượng viện trợ đã bằng cả 20 năm trước đó (1955- 1975) (6). Cụ thể, viện trợ ước tính từ 700 triệu đến 1 tỷ USD trong năm 1978 và khoảng 1 tỷ USD hàng năm cho đến giữa những năm 1980, khi Liên Xô phải đối mặt với rất nhiều khó khăn (7). Ngoài ra, Liên Xô còn giúp Việt Nam vốn và kỹ thuật để xây dựng hàng loạt công trình công nghiệp như nhà máy thủy điện Hoà Bình, thủy điện Trị An, nhà máy nhiệt điện Phả Lại, nhà máy xi măng Bỉm sơn. Sự hỗ trợ này đã giúp Việt Nam bước đầu tái thiết nền kinh tế và duy trì sự ổn định xã hội.
Tuy nhiên, Trung Quốc mới là yếu tố quyết định khiến Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Lê Duẩn ngả hẳn về Liên Xô như một đồng minh mạnh mẽ và đáng tin cậy.
Vào năm 1974, tranh thủ lúc Việt Nam Cộng hòa, chủ thể quản lý quần đảo Hoàng Sa, đang phải căng sức chống đỡ các cuộc tấn công của Quân đội nhân dân Việt Nam, Trung Quốc đã dùng vũ lực chiếm quần đảo này. Tiếp đó, Bắc Kinh chỉ đạo và hỗ trợ Campuchia Dân chủ của Khmer Đỏ tấn công lãnh thổ Việt Nam ngay sau khi đất nước thống nhất vào năm 1975.
Đến năm 1978, khi Khmer Đỏ tiến hành chiến tranh tổng lực trên toàn tuyến biên giới và Trung Quốc ra mặt thù địch với chiến dịch “nạn kiều” liên quan đến cộng đồng người Hoa, Việt Nam đã kí với Liên Xô Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác có giá trị trong 25 năm vào ngày 03/11/1978 tại Matxcơva. Điều Sáu Hiệp ước quy định:
“Các bên ký kết sẽ tham khảo ý kiến của nhau về tất cả các vấn đề quốc tế lớn ảnh hưởng đến lợi ích của cả hai nước. Trong trường hợp một trong các bên trở thành đối tượng của một cuộc tấn công hoặc đe dọa tấn công, các bên ký kết sẽ ngay lập tức bắt đầu tham vấn lẫn nhau để loại bỏ mối đe dọa đó và thực hiện các biện pháp hiệu quả phù hợp đảm bảo hòa bình và an ninh cho quốc gia của hai bên.”
Với Điều này, Hiệp ước là một hiệp ước liên minh quân sự giữa hai nước. Tổng bí thư Đảng cộng sản Liên Xô Brejnev cảnh báo Hiệp ước “sẽ không làm vừa lòng những kẻ không thích tình hữu nghị giữa Liên Xô và Việt Nam, những kẻ chủ trương gây tình hình căng thẳng…” (8)
Dựa trên Hiệp ước, Liên Xô đã hậu thuẫn mạnh mẽ cho Việt Nam trong cuộc phản công Khmer Đỏ và tiến quân vào Campuchia vào tháng 1 năm 1979 và trong cuộc chiến chống xâm lượcTrung Quốc diễn ra ngay sau đó, vào tháng 2 cùng năm. Cuộc chiến sau sẽ chỉ kết thức 10 năm sau đó, vào tháng 10 năm 1989 (9).
Chi trong thời gian đầu của cuộc xâm lược của Trung Quốc, tháng 2 và tháng 3/1979, Liên Xô bằng đường biển đã chuyển đến Việt Nam hơn 400 xe tăng và xe thiết giáp, xe bộ binh cơ giới, 400 khẩu pháo và súng cối, 50 tổ hợp pháo phản lực Grad BM-21, hơn 100 khẩu pháo phòng không, 400 tổ hợp tên lửa phòng không vác vai và hàng nghìn tên lửa, 800 súng chống tăng RPG-7, 20 máy bay tiêm kích (10). Sự hiện diện của Hải đoàn tác chiến cơ động số 17 thuộc Hạm đội Thái Bình Dương của siêu cường xã hội chủ nghĩa tại cảng Cam Ranh từ năm 1979 đến năm 2002 cũng đã giúp Việt Nam tránh bị Trung Quốc tấn công từ biển.
Tuy nhiên, chính sách “Nhất biên đảo” không phải không có hậu quả.
Việc Việt Nam gắn kết đồng minh với Liên Xô khiến Mỹ hoàn toàn thất vọng, bởi mục tiêu của Tổng thống Carter trong việc bình thường hóa quan hệ với Hà Nội là nhằm kéo Việt Nam ra khỏi quỹ đạo của Matxcơva, qua đó ngăn chặn sự mở rộng ảnh hưởng của Liên Xô tại châu Á.
Phần lớn các quốc gia phương Tây khác như Anh, Pháp và Tây Đức, dù không trực tiếp đối đầu với Việt Nam, nhưng cũng không ủng hộ bước đi này của Hà Nội. Họ lo ngại rằng việc Việt Nam trở thành đồng minh quân sự của Liên Xô sẽ làm gia tăng căng thẳng tại Đông Nam Á và có nguy cơ dẫn đến đối đầu giữa các cường quốc. Pháp, dù có quan hệ lịch sử với Việt Nam và duy trì tiếp xúc ngoại giao, cũng không khỏi e ngại trước ảnh hưởng ngày càng lớn của Liên Xô tại Đông Dương.
Về phía ASEAN, đặc biệt là Thái Lan, Singapore và Indonesia, các nước này coi việc Việt Nam liên minh quân sự với Liên Xô là một mối đe dọa lớn. Họ lo ngại rằng Việt Nam có thể trở thành “cánh tay nối dài” của Liên Xô tại Đông Nam Á, gây mất cân bằng chiến lược trong khu vực.
Kết quả là Mỹ, các nước phương Tây và ASEAN đã tăng cường hợp tác với nhau cũng như với Trung Quốc nhằm đối phó với mối đe dọa từ liên minh quân sự Việt – Xô và cô lập Việt Nam trên trường quốc tế, đặc biệt từ cuối năm 1977 khi Việt Nam phản công Khmer Đỏ và tiến quân vào Campuchia để lật đổ chính quyền Khmer Đỏ. Mặc dù chiến dịch quân sự này của Việt Nam dẫn đến việc xóa bỏ chế độ diệt chủng Pol Pot vào tháng 1/1979, nhưng các nước này vẫn xem đây là một hành động xâm lược. Trong bối cảnh đó, Thái Lan đã cung cấp căn cứ địa ở vùng biên giới cho Khmer Đỏ để tiến hành các hoạt động chống lại quân đội Việt Nam và chính phủ thân Việt Nam tại Campuchia.
Sự phụ thuộc gần như tuyệt đối vào viện trợ của Liên Xô cũng khiến Việt Nam lâm vào khủng hoảng nghiêm trọng khi bản thân “đàn anh” xã hội chủ nghĩa này cũng đang đối mặt với đầy rẫy khó khăn. Cựu Bộ trưởng Thương mại Lê Văn Triết nhớ lại:
“Có đêm, tôi vừa lên giường chợp mắt lúc gần 1g sáng thì nhận điện thoại của một lãnh đạo yêu cầu cách chức ngay tham tán thương mại ở Liên Xô. Mặc dù biết trước tình hình nhưng tôi vẫn hỏi tại sao. Vị lãnh đạo ấy trả lời rằng tham tán thương mại này không hoàn thành được việc “chạy” sắt thép, phân bón, thuốc trừ sâu, lương thực từ Liên Xô.
Tôi vâng, vâng, nhưng không thực hiện yêu cầu này, vì thật lòng nếu tôi ở hoàn cảnh ông ta cũng không thể làm gì” – đến giờ ông Lê Văn Triết vẫn nhớ kỷ niệm khó quên thời bị cấm vận, con đường duy nhất của Việt Nam chỉ là phía Liên Xô.”
Sau này, ông Triết có hỏi cụ thể chuyện của tham tán thương mại ấy thì được nghe sau nỗ lực bất thành ông ta phải điện về nước báo tin “bó tay”! Liên Xô cũng đang chìm ngập trong khó khăn, không thể viện trợ được như trước cho Việt Nam (11).
Sự sụp đổ của Liên Xô năm 1991 khiến Việt Nam nhận thức rằng không thể tiếp tục duy trì một chính sách đối ngoại dựa vào một đồng minh duy nhất. Thay vào đó, Việt Nam buộc phải mở rộng quan hệ với các quốc gia khác, đặc biệt là các nước tư bản phát triển, nhằm tiếp cận các nguồn lực quan trọng để không chỉ thoát khỏi tình trạng kém phát triển (12) mà còn vươn lên trong bối cảnh toàn cầu hóa..
Duy trì khoảng cách chiến lược với Mỹ
Sau khi Chiến tranh Việt Nam kết thúc, Việt Nam bước vào một giai đoạn đầy thử thách trong việc xây dựng và bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa trên phạm vi cả nước. Chiến tranh đã để lại những hậu quả vô cùng nặng nề, từ nền kinh tế bị tàn phá nghiêm trọng, cơ sở hạ tầng bị hủy hoại đến khủng hoảng về nguồn lực và nhân lực. Để tái thiết và phát triển đất nước, Việt Nam rất cần đến các nguồn vốn đầu tư và hỗ trợ tài chính quan trọng từ bên ngoài. Trong bối cảnh đó, việc bình thường hóa quan hệ với Mỹ – một siêu cường tài chính có tiếng nói quyết định tại Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) – có thể được xem là một bước đi chiến lược giúp Việt Nam đáp ứng những nhu cầu cấp thiết này.
Tuy nhiên, thực tế chính trị quốc tế trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh đã khiến Việt Nam không thể tận dụng cơ hội này. Chính sách đối ngoại của Việt Nam lúc bấy giờ bị chi phối mạnh mẽ bởi tư duy ý thức hệ. Việc ưu tiên quan hệ trong nội bộ phe xã hội chủ nghĩa, đặc biệt là chính sách “Nhất biên đảo” – xây dựng liên minh chặt chẽ và toàn diện với Liên Xô – không chỉ nhằm nhận được viện trợ kinh tế, quân sự và chính trị từ khối này, mà còn để củng cố địa vị lãnh đạo của Đảng Cộng sản trong nước. Ngược lại, Mỹ bị xem là thế lực thù địch luôn tìm cách xâm nhập, thao túng và lật đổ chế độ xã hội chủ nghĩa.
Dù chủ nghĩa quốc tế xã hội chủ nghĩa không tuyệt đối ngăn cản việc thiết lập quan hệ ngoại giao với Mỹ, nhưng trên thực tế, tư duy ý thức hệ đã dẫn đến một thái độ nghi kỵ, nếu không muốn nói là đối kháng, từ phía các nhà lãnh đạo Việt Nam. Do đó, duy trì một khoảng cách chiến lược với Mỹ, cụ thể là không chủ động thiết lập quan hệ với Mỹ, không chỉ được chính quyền Việt Nam xem là một sự lựa chọn, mà còn là một biện pháp bảo vệ chế độ trong bối cảnh Chiến tranh Lạnh kéo dài. Bình thường hóa quan hệ Việt – Mỹ, nếu được thực hiện, chỉ có thể diễn ra theo các điều kiện do Việt Nam đặt ra, tức là không được gây tổn hại đến hệ tư tưởng xã hội chủ nghĩa và quyền lãnh đạo tuyệt đối của Đảng cộng sản.
Ngoài ra, ĐCSVN nêu cao khẩu hiệu “Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội”. Điều này có nghĩa là để bảo vệ sự độc lập và chủ quyền quốc gia, Việt Nam phải chống lại các nước tư bản phương Tây do Mỹ cầm đầu, được xem là “kẻ thù không đội trời chung” của hệ tư tưởng xã hội chủ nghĩa. Trong tâm thế đó, mọi cải thiện quan hệ với Mỹ đều được đặt dưới sự giám sát chặt chẽ và thường xuyên bị trì hoãn
Hơn nữa, Việt Nam trong những năm sau chiến tranh còn chịu ảnh hưởng của các cuộc xung đột trong khu vực, đặc biệt là cuộc chiến biên giới với Campuchia và Trung Quốc. Sự đối đầu với Trung Quốc từ cuối thập niên 1970 càng củng cố thêm sự lệ thuộc của Việt Nam vào Liên Xô, đồng thời làm gia tăng khoảng cách với Mỹ. Mỹ, lúc bấy giờ, vẫn áp đặt cấm vận đối với Việt Nam và tiếp tục hỗ trợ các lực lượng chống đối Việt Nam tại Campuchia. Những yếu tố này càng khiến quan hệ hai nước rơi vào thế bế tắc.
Mặc dù duy trì thái độ đối kháng với Mỹ, Việt Nam vẫn theo dõi sát sao chính sách đối ngoại của Washington đối với khu vực Đông Nam Á và thế giới nói chung. Các cơ quan ngoại giao và tình báo của Việt Nam thường xuyên phân tích động thái của Mỹ đối với các nước trong khu vực để đánh giá tác động tiềm tàng đến an ninh và lợi ích quốc gia. Một số báo cáo nội bộ của Bộ Ngoại giao Việt Nam vào cuối thập niên 1970 và đầu thập niên 1980 đã đề cập đến sự thay đổi trong chính sách của Mỹ, bao gồm việc Washington củng cố quan hệ với ASEAN nhằm kiềm chế ảnh hưởng của Liên Xô và Việt Nam trong khu vực.
Một số nhà lãnh đạo Việt Nam, đặc biệt là những người làm việc trong lĩnh vực kinh tế và ngoại giao, nhận thức được rằng việc duy trì thái độ đối kháng với Mỹ có thể khiến đất nước bị cô lập hơn nữa về kinh tế và chính trị. Điều này đặc biệt rõ ràng trong bối cảnh Việt Nam gặp khó khăn nghiêm trọng do bị Mỹ và phương Tây cấm vận, trong khi viện trợ từ Liên Xô và Đông Âu có dấu hiệu suy giảm từ giữa thập niên 1980. Trong các cuộc thảo luận nội bộ, một số quan chức Việt Nam đã đề xuất thăm dò khả năng cải thiện quan hệ với Mỹ để tìm kiếm cơ hội giảm nhẹ cấm vận và tiếp cận các nguồn hỗ trợ kinh tế quốc tế, đặc biệt là từ Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) (13).
Tuy nhiên, những nhận thức này chưa đủ để tạo ra một sự thay đổi chính sách mang tính đột phá. Áp lực từ hệ tư tưởng và mối quan hệ chặt chẽ với Liên Xô đã khiến Việt Nam chưa thể thực hiện những điều chỉnh chiến lược lớn trong quan hệ với Mỹ vào thời điểm đó. Đường lối đối ngoại của Việt Nam trong giai đoạn này vẫn chịu sự chi phối mạnh mẽ từ tư duy “phe chủ nghĩa xã hội chống đế quốc,” trong đó Mỹ được xem là kẻ thù chính của phong trào cách mạng toàn cầu. Báo Nhân Dân, cơ quan ngôn luận của ĐCSVN, trong nhiều bài xã luận từ năm 1979 đến 1985, thường xuyên chỉ trích Mỹ là “đế quốc hiếu chiến” và “kẻ thù nguy hiểm nhất của các dân tộc trên thế giới.”
Tóm lại, trong giai đoạn hậu Chiến tranh Việt Nam, chính sách đối ngoại của Việt Nam tập trung vào việc xây dựng và củng cố quan hệ với Liên Xô và các quốc gia xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu, đồng thời duy trì thái độ đối kháng với Mỹ, dù không luôn thể hiện rõ ràng. Đường lối này đã khiến Việt Nam bỏ lỡ cơ hội hòa giải với cựu thù, dẫn đến những hệ lụy nghiêm trọng trong phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế trong nhiều năm sau đó. Chỉ đến khi hệ thống xã hội chủ nghĩa Đông Âu sụp đổ vào cuối thập niên 1980, Việt Nam mới có những bước chuyển mình quan trọng trong chính sách đối ngoại, mở đường cho tiến trình bình thường hóa quan hệ với Mỹ vào những năm 1990.
IV. BỎ LỠ BÌNH THƯỜNG HÓA QUAN HỆ VIỆT – MỸ
Thiện chí của Tổng thống Jimmy Carter
Tổng thống Mỹ Gerald Ford ban hành lệnh cấm vận thương mại đối với Việt Nam vào ngày 4 tháng 4 năm 1975, khi ông ký Sắc lệnh Hành pháp 11857. Lệnh này được đưa ra trong bối cảnh Chiến tranh Việt Nam đang đến giai đoạn kết thúc, khi các lực lượng của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tiến gần đến chiến thắng trước Việt Nam Cộng hòa. Lệnh cấm vận này không chỉ áp đặt hạn chế thương mại mà còn phong tỏa các tài sản của chính phủ Việt Nam tại Mỹ và cấm mọi giao dịch tài chính với Việt Nam. Các ngân hàng quốc tế như Ngân hàng thế giới, Ngân hàng phát triển châu Á, Quỹ tiền tệ quốc tế do Mỹ đứng đầu đều không cho Việt Nam vay tiền.
Tuy nhiên, ngày 26/3/1976, Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger gửi Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (VNDCCH) Nguyễn Duy Trinh một công hàm gợi ý thảo luận về việc thiết lập quan hệ mới giữa hai nước. Ông viết: “Tôi tin rằng lợi ích của hòa bình và an ninh sẽ được tăng cường khi chúng ta gác lại quá khứ và xây dựng nền tảng cho một mối quan hệ mới giữa hai quốc gia chúng ta” (14). Hơn một tháng sau, ngày 30/4/1976, Việt Nam đáp lại, nhấn mạnh việc bồi thường chiến tranh là điều kiện tiên quyết.
Ngày 6/1/1977, Mỹ, thông qua Liên Xô, đưa ra kế hoạch 3 bước để bình thường hóa quan hệ song phương:
Việt Nam cung cấp thông tin về “những người Mỹ mất tích trong chiến tranh” (MIA).
Mỹ chấp nhận Việt Nam gia nhập Liên Hiệp Quốc, thiết lập quan hệ ngoại giao và bắt đầu giao thương.
Mỹ hỗ trợ Việt Nam tái thiết thông qua hợp tác kinh tế và thương mại.
Tóm lại, chính quyền Gerald Ford đặt MIA như điều kiện tiên quyết, khiến quan hệ song phương vẫn dậm chân tại chỗ. Chi sau khi Jimmy Carter nhậm chức tổng thống Mỹ thứ 39 thì cơ hội bình thường hóa mới thực sự được mở ra.
Ngay sau khi được Tổng thống Carter bổ nhiệm Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc ngày 30/1/1977, Andrew Young tuyên bố: “Chúng tôi coi Việt Nam như một Nam Tư ở châu Á. Không phải là bộ phận của Trung Quốc hay của Liên Xô, mà là một nước độc lập. Một nước Việt Nam mạnh và độc lập là phù hợp với lợi ích quốc gia của Mỹ.” (15)
Ngày 3/3/1977, Carter quyết định nới lỏng một phần cấm vận, cho phép tàu và máy bay quốc tế vận chuyển hàng hóa đến Việt Nam được tiếp nhiên liệu tại Mỹ. Ngày 9/3/1977, ông cho phép công dân Mỹ đi thăm Việt Nam và một số nước bị hạn chế trước đó. Đến giữa tháng 3, Carter cử Leonard Woodcock, Chủ tịch Công đoàn xe hơi Hoa Kỳ và là người từng chỉ trích mạnh mẽ việc Mỹ hỗ trợ Việt Nam Cộng hòa, dẫn đầu phái đoàn Mỹ, gồm Thượng nghị sĩ Mansfield, sang Việt Nam để bàn bạc việc đàm phán bình thường hóa. Carter nói với phái đoàn rằng ông hy vọng chuyến công tác này “sẽ dẫn đến bình thường hóa hoàn toàn quan hệ (…) Chúng ta đã trải qua những năm tháng chiến tranh Việt Nam với rất nhiều vết sẹo, vấn đề tâm lý và những vấn đề khác, chúng cần được chữa lành. Tôi nghĩ bây giờ không còn thù hận trong lòng người dân Hoa Kỳ” (16). Kết quả là vòng đàm phán đầu tiên đã diễn ra tại Paris vào ngày 3-4/5/1977.
Đến đây, không thể không tìm hiểu vì sao Carter lại quyết định hòa giải với Việt Nam trong khi Chiến tranh Lạnh vẫn tiếp diễn.
Carter có thái độ phê phán đối với Chiến tranh Việt Nam, cho dù con trai trưởng của ông đã tham gia chiến đấu tại Việt Nam. Điều này thể hiện rõ ràng qua nhiều phát biểu và hành động:
Tại Đại hội Toàn quốc Đảng Dân chủ năm 1976, Carter phát biểu:
“Mỗi khi đất nước chúng ta mắc phải một sai lầm nghiêm trọng, người dân Mỹ đều bị loại trừ khỏi quá trình đó. Bi kịch của Việt Nam và Campuchia… đều có thể đã được tránh khỏi nếu chính phủ của chúng ta chỉ cần phản ánh sự phán đoán sáng suốt, sự tỉnh táo và phẩm hạnh cao đẹp của người dân Mỹ.” (17)
Trong một cuộc phỏng vấn năm 2006 tại Thư viện Tổng thống John F. Kennedy (18), ông nói: