Bí tích tiệc ly

0
1088

Nhã Duy 

Tấm tranh Bí Tích Tiệc Ly vẽ các phụ nữ bên dưới là một trong những tác phẩm giá trị nhất của Dali, cũng như tại bảo tàng nghệ thuật quốc gia của Mỹ tại Washington D.C.

Bao năm qua người thưởng ngoạn lẫn người Ky-tô hữu vẫn lũ lượt ghé thưởng ngoạn tấm tranh của người họa sĩ cận đại nổi tiếng người Tây Ban Nha Salvador Dali này mỗi khi có dịp đến bảo tàng. Nó như một tác phẩm nghệ thuật của nhân loại, tương tự bức tranh Bữa Tiệc Ly tưởng tượng của Leonardo da Vinci, không thuộc sở hữu hay thẩm quyền của riêng tôn giáo nào.

Vậy tại sao ban tổ chức Olympic tại Paris bị chỉ trích, lên án nặng nề khi ý tưởng của họ bị diễn giải là nhại theo bức tranh Bữa Tiệc Ly và màn trình diễn là báng bổ Ky-tô giáo?

Câu trả lời là, đây chỉ là câu chuyện chính trị tại Pháp, sử dụng tôn giáo như một phương tiện và đồng minh cho mục tiêu chính trị của mình.

Như tình trạng nước Mỹ, sự tranh chấp giữa hai phe tả-hữu cũng quyết liệt không kém. Cuộc bầu cử tại Pháp vài tuần trước tưởng đã thuộc về phe cực hữu, đưa nước Pháp sang một ngã rẽ khác.

Như mối tương quan chính trị thông thường tại vài quốc gia, nhóm cánh hữu bảo thủ liên kết với Ky-tô giáo như một đồng minh nhằm tấn công sự cấp tiến của cánh tả. Đồng thời điều này đã tạo cho một số lãnh tụ tôn giáo này ảo tưởng rằng họ có quyền quyết định các chính sách quốc gia, thay vì vấn đề dẫn dắt tâm linh.

Nước Mỹ hiện nay cũng đang đối diện tình trạng này một cách nặng nề hơn.

Nếu đa số người dân Pháp cảm thấy hài lòng và thích thú với chương trình khai mạc Olympic 2024 tại Paris năm nay thì chính nhóm cực hữu và Công giáo Pháp đã khai mào cuộc tấn công vào một ban tổ chức Olympic cổ súy các quyền tự do và bình đẳng của con người, bị xem là “cực tả”.

Lấy màn trình diễn được BTC lấy ý tưởng từ thần thoại Hy Lạp và tinh thần nguyên thủy của Olympic để cổ súy cho sự bình quyền của những người đồng tính hay chuyển giới trong cộng đồng LGBTQ+, nhóm cực hữu diễn dịch theo ý họ là dung tục, báng bổ tôn giáo.

Quả hiệu nghiệm và quyền năng. Điều này lan rộng đến người Ky-tô hữu khắp thế giới. Họ tấn công, đòi tẩy chay Olympic, vô tình trở thành con bài của phe cực hữu Pháp. Làn sóng này buộc ban tổ chức phải xin lỗi. Dù họ xin lỗi vì đã tạo ra sự hiểu lầm không cần thiết chứ không phải vì đã sai lầm.

Một khán giả thuộc cộng đồng nói tiếng Anh viết rằng, “Tôi là người Ky-tô hữu, nhưng không phải điều gì cũng thuộc về chúng ta và không phải cái gì cũng báng bổ đức tin chúng ta. Nội dung và tính giáo dục lịch sử quanh Olympic cùng khởi nguồn của nó là điều quan trọng ở đây.”

Nước Pháp từng là cái nôi của những cuộc cách mạng về dân chủ, nhân quyền và văn hóa, nghệ thuật. Tinh thần này đã được ban tổ chức Olympic cổ súy một cách cấp tiến qua các ý tưởng và sáng tạo nghệ thuật. Lễ khai mạc không hoàn hảo như bất cứ cuộc tổ chức quy mô nào và sự yêu thích cùng cảm nhận thuộc về khả năng và nhận thức của khán giả.

Nhưng trên hết, ban tổ chức đã thể hiện tốt nhất tinh thần bình đẳng, bình quyền của Olympic cùng các quyền tự do ngôn luận và diễn đạt tư tưởng cần thiết trong xã hội tiến bộ ngày nay.

Nhã Duy